Người phụ nữ trẻ bị đột quỵ may mắn đã hồi phục kỳ diệu

Ngọc Minh | 04-01-2023 - 14:22 PM

(Tổ Quốc) - Mới 42 tuổi nhưng chị L đã chịu hậu quả nặng nề của di chứng đột quỵ não. Chị L bị liệt nửa người, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người thân.

Cách đây hơn 1 năm, khi đang khoẻ mạnh, bình thường chị T.P.L (42 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) bị chóng váng, đau đầu và ngã ra đất. Khi tỉnh lại chị L thấy mình nằm trong bệnh viện do đột quỵ. Chị L may mắn được bác sĩ cứu sống bằng phẫu thuật và chăm sóc tích cực, tình trạng bệnh đã ổn định.

Tuy nhiên, chị L lại gặp phải di chứng bị liệt nửa người kèm theo thất ngôn diễn đạt - mất ngôn ngữ cấp tính, suy giảm nghiêm trọng khả năng giao tiếp.

Hậu quả nặng nề của đột quỵ khiến cuộc sống của chị L quanh đi quẩn lại gắn bó với chiếc giường và phải có người chăm sóc. Không cam chịu cuộc sống phụ thuộc chị L đã được gia đình đưa tới nhiều bệnh viện và phòng khám để can thiệp điều trị. Đáng tiếc, kết quả không được như kỳ vọng của gia đình. Tình trạng bệnh tiến triển gần như không có gì đáng kể.

Vào tháng 11/2022 khi được người quen giới thiệu, gia đình đã đưa chị L  vào Khoa Y dược cổ truyền – Bệnh viện đa khoa Đức Giang để điều trị. Lúc này tinh thần của chị L và gia đình ít nhiều đều bị ảnh hưởng sau hành trình tương đối dài chữa chạy. Cho nên chị L không kỳ vọng quá nhiều về khả năng hồi phục.

Người phụ nữ trẻ bị đột quỵ may mắn đã hồi phục kỳ diệu - Ảnh 1.

Bệnh nhân L hồi phục.

Bác sĩ Mai Văn Dũng, Khoa Y dược học cổ truyền cho biết, bệnh nhân L được điều trị theo phác đồ can thiệp tích cực: tập vận động và vật lý trị liệu, tập phát âm, giao tiếp kết hợp xoa bóp bấm huyệt, châm cứu trị liệu.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng không ngừng động viên cổ vũ tinh thần chị L và gia đình. Ngoài ra, toàn bộ quá trình phục hồi đều được theo dõi và ghi chép cẩn thận để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trong từng thời điểm.

"Nhờ tích cực can thiệp đúng hướng, hiện tại khả năng vận động và khả năng giao tiếp của bệnh nhân đều được cải thiện đáng kể. Tình trạng co cứng chân tay đã được giảm thiểu. Bệnh nhân đã tự đi lại được mà không cần sự hỗ trợ của người thân.

Quá trình giao tiếp cũng được thực hiện bằng những câu dài. Bệnh nhân đã có thể hát được nhiều bài đơn giản thay vì chỉ nói từng từ như trước kia", bác sĩ Dũng nói.

BSCKI Phạm Văn Cường, khoa Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho hay, đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng gia tăng. Rất nhiều bệnh nhân trẻ đã hỏi bác sĩ: "Vì sao gặp đột quỵ sớm tới như vậy". Có 4 nhóm nguyên nhân khiến đột quỵ đang gặp nhiều ở người trẻ.

Nhóm nguyên nhân thứ nhất: Người có những dị dạng mạch máu não nhưng không có bất cứ triệu chứng nào nên không biết để kiểm soát nguy cơ. Bệnh nhân bị đột quỵ do phình vỡ mạch máu gây xuất huyết. Đối với nhóm nguyên nhân này thường bị đột quỵ rất trẻ.

Nhóm nguyên nhân thứ hai: Bác sĩ cho hay, một số bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch như: rối loạn nhịp tim, rung nhĩ cơn, bệnh lý van tim… Những bệnh lý này sẽ tạo ra những huyết khối trong tim và theo máu tới não và gây xuất huyết não (đột quỵ não).

Nhóm nguyên nhân thứ ba do chế độ ăn lối sống: Theo bác sĩ Cường nhóm nguyên nhân đột quỵ do thói quen xấu đang gia tăng ở người trẻ và cần đặc biệt phải báo động. Một số thói quen xấu như: hút thuốc lá, chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, lạm dụng rượu bia…

Nhóm nguyên nhân thứ tư, đột quỵ có thể gặp một số bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch xoang. Những bệnh nhân này thường có rối loạn chức năng đông – cầm máu do liên quan đến các bệnh lý ác tính, viêm nhiễm mạn tính, phụ nữ mang thai, sau nạo phá thai hay sử dụng các thuốc tránh thai kéo dài…