Ngôi làng không ai có tên
Kongthong là ngôi làng miền cao nằm giáp biên giới Bangladesh của Ấn Độ. Nó thuộc tiểu bang Meghalaya, có dân số chừng 700 người và tất cả đều mang sắc tộc Khasi.
Vì Covid-19, Kongthong đang bị tạm phong tỏa để tránh nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh từ các đô thị trong Meghalaya. Dẫu vậy, cư dân trong làng không gặp quá nhiều khó khăn. Họ sống dựa vào tài nguyên rừng núi nên không lo bị đói.
Trong đất nước Ấn Độ 1,3 tỷ dân, Khasi là một bộ tộc khá đông. Họ có tổng dân cư rơi vào khoảng 1,41 triệu người, phân bố trên khắp các vùng miền tiểu bang Meghalaya. Người Khasi nổi tiếng với truyền thống mẫu hệ. Phụ nữ làm chủ gia đình, con gái út có quyền thừa kế và trách nhiệm phụng dưỡng mẹ cha già.
Nhưng người Khasi trong làng Kongthong lại thật đặc biệt. Dù vẫn theo văn hóa mẫu hệ nhưng họ có truyền thống đặt tên cực lạ. Sau khi sinh con khoảng 1 tuần, người mẹ nhất định phải sáng tạo ra làn điệu âm thanh mới mẻ, thích hợp làm tên gọi cho đứa bé. Nó thường dài từ 30-60s và không được trùng với bất cứ tên giai điệu nào của người trong làng, thậm chí tránh lặp với giai điệu của những cư dân đã khuất.
Khi bóng chiều đổ xuống dãy núi phía xa, Shidiap Khongsti (50 tuổi) chu môi thổi sáo một giai điệu mượt mà. Vài giây sau, phía đầu hồi liền có tiếng huýt sáo đáp lại. Barailang Khongsti (23 tuổi), cháu trai của bà vui vẻ chạy ào tới.
Tại sao phải mất công như vậy?
"Chúng tôi không biết truyền thống gọi tên bằng cách huýt sáo này có từ bao giờ," - dì cháu Shidiap kể chuyện. Người làng Kongthong nói rằng, họ đã đặt tên giai điệu và gọi nhau bằng cách thổi sáo từ hàng trăm năm nay.
Qua tìm hiểu thì theo truyền thuyết từ làng Kongthong, trong rừng Meghalaya có những ác quỷ chuyên nghe trộm tên người. Nếu ai bị ác quỷ phát hiện tên thật, họ sẽ bị "quỷ vật" đến ốm liệt giường. Vì thế, người Khasi ở đây bèn nghĩ ra cách đặt tên không cần từ, ngân nga nó thành điệu nhạc. Để chắc chắn ác quỷ không học lỏm được, họ gọi nhau bằng cách huýt sáo.
Mặc dù tên giai điệu của làng Kongthong không có lời, nhưng các cư dân chẳng bao giờ gọi nhầm lẫn cả. "Tôi nhớ hết tên giai điệu của lũ trẻ trong làng mình," - Shithoh Khongsti (50 tuổi), họ hàng của Shidiap tự hào. Bà đang trông coi một tiệm tạp hóa, rất thích huýt sáo gọi tên từng đứa mỗi khi thấy chúng chạy ngang qua. Trong 700 cư dân của làng, Shithoh tự tin nhớ rõ tên của khoảng 500 người.
"Từ thuở nhỏ theo cha, anh đi săn thú trong rừng, tôi đã thấy mọi người gọi nhau bằng cách huýt sáo," - Barailang tường thuật. Mỗi người Khasi làng Kongthong cũng có 2 tên giai điệu. Một cái là đoạn nhạc ngắn, được dùng ở nhà, trong làng. Nó tương tự như tên thân mật. Một cái là tên đầy đủ, thường được huýt gọi khi các cư dân săn bắt - hái lượm ở trong rừng.
Dẫu vậy thì trong thế giới bắt buộc phải có thẻ căn cước ngày nay, người làng Kongthong cũng có tên bình thường. Họ dùng nó trong các giấy tờ tùy thân, ký xác nhận giao dịch… Các bà mẹ Kongthong có xu hướng chọn tên tiếng Anh đặt cho con. Song dù ở đâu, họ cũng chỉ thích gọi tên giai điệu. Ngay cả khi gặp gỡ nhau trong thành phố xa lạ, người làng Kongthong vẫn hân hoan huýt sáo tên giai điệu chào hỏi.
Truyền thống khác biệt nhưng sẽ còn mãi
Làng Kongthong gọi truyền thống đặt tên khác biệt của mình là Jingrwai lawbei. Các bà mẹ thường mượn âm thanh từ tự nhiên như mưa, gió, thác đổ, tiếng chim hót… biến tấu và sáng tạo thành tên làn điệu riêng cho con cái.
Đồi núi Kongthong khá rộng lớn, còn cư dân ở đây thì thưa thớt. Khi họ thổi sáo gọi nhau, âm thanh giai điệu riêng ấy vang xa. Người được gọi có khả năng không nghe thấy toàn bộ đoạn nhạc, nhưng vẫn đoán biết có phải là tên của mình hay không.
Thanh niên làng Kongthong có thể lấy vợ/chồng từ các làng Khasi khác. Nhưng khi họ dắt phối ngẫu về quê hương sinh sống, các bà-mẹ-dì sẽ nghĩ cho dâu/rể ngoài làng một cái tên giai điệu. Cũng kể từ lúc này, các cư dân mới được phép dùng tên du dương dài dặc và gọi người khác bằng cách huýt sáo.
Thiếu nữ làng Kongthong nếu lấy chồng xa không bao giờ quên đặt và gọi tên con bằng làn điệu âm thanh. Với người làng Kongthong, cái tên giai điệu là niềm tự hào. Nó chứa đựng toàn bộ tình yêu thương, sự gửi gắm hy vọng của mẹ cha. Họ mong muốn bảo vệ cách thức gọi tên độc đáo này, duy trì vĩnh viễn qua các thế hệ sau.
"Truyền thống đặt tên giai điệu đang sống giữa Kongthong," - Barailang khẳng định. "Chúng tôi tự hào về điều đó. Nếu mai này mà tôi có hỏi vợ ngoài làng, mẹ hoặc dì tôi sẽ nghĩ cho cô ấy một cái tên giai điệu thích hợp nhất". Shidiap gật đầu xác nhận. Kỳ thực, bà đã và đang vắt óc tìm tên làn điệu cho cô dâu tương lai rồi.
Tham khảo: Atlasobscura và Taleof2backpackers