Thực tế, bánh chưng gạo lứt đã xuất hiện từ khoảng năm 2013. Chiếc bánh “hot hit” này có cách chế biến tương tự với bánh chưng truyền thống, cũng làm từ nhân đậu xanh, thịt ba chỉ và gói bằng lá dong. Tuy nhiên thay vì gạo nếp, vỏ bánh được sử dụng gạo lứt đen, gạo lứt tím hoặc đỏ và được gắn mác vô cùng “thần kỳ” ăn cả Tết không béo.
Đánh đúng vào thị hiếu của các chị em nên chiếc bánh này được săn lùng “rần rần” với giá khá đắt khoảng 55.000 – 100.000 đồng/cái.
Sự thật về tác dụng giảm cân của bánh chưng gạo lứt
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lớp cám lụa màu nâu đặc trưng của gạo lứt chứa đến hơn 90% các chất dinh dưỡng chủ yếu là vitamin và các nguyên tố vi lượng. Hàm lượng chất xơ trong gạo lứt cao gấp 2 lần những loại gạo thông thường khác.
Vậy nên khi ăn bạn sẽ có cảm giác no lâu, giảm đáng kể năng lượng thừa dung nạp vào cơ thể. Đặc biệt, lượng acid alpha lipoic trong gạo lứt cũng giúp chuyển hóa chất béo, hỗ trợ giải phóng mỡ thừa trong cơ thể tốt hơn gạo trắng.
Như vậy, bánh chưng gạo lứt giúp ít nhất là giữ cân, thậm chí có thể giảm cân so với ăn bánh chưng thường là điều chắc chắn. Loại bánh chưng này rất phù hợp cho những người muốn duy trì cân nặng hay giảm cân hoặc người ăn chay, ăn kiêng, bị tiểu đường, tim mạch, huyết áp.
Nhưng đương nhiên rằng, nếu bạn tin vào chiếc bánh chưng gạo lứt và ăn thả ga thì đúng là chẳng có loại bánh nào giúp bạn giảm cân được cả.
Và tất nhiên, bạn không thể trông chờ việc ăn gạo lứt sẽ giữ nguyên cân nặng hay giảm cân giảm mỡ ngay tức khắc mà phải duy trì đều đặn kết hợp với việc giảm ăn lượng đồ ngọt, chất béo có hại trong những ngày Tết.
Bởi vậy, có nhiều chị em ngày mùng 6 Tết quay trở lại guồng công việc với đôi chút lộc ban nơi gò má vòng eo bỗng thẹn thùng suy ngẫm: rõ ràng mình ăn bánh chưng gạo lứt rồi, sao vẫn lên cân?
Đừng hỏi ai, hãy hỏi những nem rán, canh măng chân giò, xôi gấc, mứt kẹo đi.
Cách ăn gạo lứt giảm cân hiệu quả tối đa
Điều cơ bản nhưng cũng quan trọng nhất là chọn được loại gạo lứt sạch, đầy đủ dinh dưỡng, mà lại dẻo ngọt để ăn lâu dài, có thể dùng để làm bánh hay nấu ăn trực tiếp. Một số loại gạo lứt kém chất lượng chứa nhiều Photpho không tốt cho người mắc bệnh thận, thậm chí khiến cơm nấu khô cứng có thể không tốt cho người mắc bệnh dạ dày, tiêu hoá.
Bạn nên kết hợp gạo lứt cùng chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung các loại rau củ quả, kết hợp tập luyện thể thao đều đặn. Không nên ỷ nại tác dụng giảm cân của gạo lứt mà ăn số lượng nhiều, bạn nên tìm hiểu để biết lượng cơm gạo lứt vừa đủ, phù hợp cho việc giảm cân.
Cả gạo lứt ăn hàng ngày lẫn bánh chưng gạo lứt, chúng ta cũng cần chọn mua ở những nơi uy tín, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài bánh chưng gạo lứt, bạn còn có thể chế biến thành nhiều món cực thơm ngon để đổi vị trong những ngày xuân 2021 sắp tới như: bánh gạo lứt, kẹo gạo lứt sữa gạo lứt, sữa chua - lứt tím,…