Nợ nần do cuộc khủng hoảng kinh tế và thói quen chi tiêu lãng phí
Anh em nhà Baldwin được cho là tạo nên một vương triều Hollywood. Cả 4 người họ - Alec, Daniel, Billy, và Stephen - đều có sự nghiệp diễn xuất thành công. Trong đó, Stephen Baldwin đã làm nên tên tuổi của mình trong các bộ phim bao gồm Nghi phạm vô hình (The Usual Suspects) và Gia đình Flintstone ở Rock Vegas (The Flintstones in Viva Rock Vegas), theo IMDb. Nhưng ngay cả sự nổi tiếng đem về khoản thu nhập cao cũng không thể bảo vệ ông trước sự tàn phá của cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008 và 2009. Theo Reuters, Stephen Baldwin đã nộp đơn phá sản vào năm 2009 với lý do nợ hơn 2 triệu đô la (gần 50 tỷ), bao gồm cả 2 khoản thế chấp với tổng trị giá 1,2 triệu đô la (gần 30 tỷ) cho một ngôi nhà có giá trị 1,1 triệu đô la (khoảng 27 tỷ). Ông cũng nợ hơn 70 nghìn đô la (1,7 tỷ) tiền thẻ tín dụng và hơn 1 triệu đô la (gần 25 tỷ) tiền thuế.
Năm 2012, Stephen Baldwin bị bắt vì không khai thuế trong các năm 2008, 2009 và 2010, theo CNN. Ông phải đóng 300.000 đô la (gần 7,5 tỷ). Nam diễn viên được lệnh phải trả lại số tiền đó trong vòng 1 năm, nếu không ông sẽ bị kết án 5 năm quản chế.
Tuy nhiên, rắc rối tài chính của Stephen Baldwin không kết thúc ở đó. Vào năm 2017, ngôi nhà của nam diễn viên đã bị tịch thu vì ông đã không thanh toán khoản thế chấp 7.000 đô la (174 triệu) mỗi tháng trong hơn 6 năm, theo Daily Mail. Tổng số nợ của ông là 1,1 triệu đô la (khoảng 27 tỷ) vào năm 2016. Baldwin đã mua ngôi nhà 4 phòng ngủ, 4 phòng tắm với khoản vay 812.500 đô la (hơn 20 tỷ) vào năm 2000.
Theo The Blast, Baldwin đã chuyển đến một căn hộ nhỏ ở Queens và trốn tránh khoản nợ thuế, cuối cùng đã trả xong ngay trước khi con gái của ông, Hailey Baldwin, đính hôn với Justin Bieber.
Chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng tài chính
Suy nghĩ về một sự kiện tiêu cực lớn có thể ảnh hưởng đến tài chính của bạn, như trường hợp Stephen Baldwin là một chuyện chẳng mấy vui vẻ. Tuy nhiên, viễn cảnh về những khủng hoảng tài chính có thể trở nên ít rủi ro hơn nếu bạn chuẩn bị đúng cách.
1. Tối đa hoá khả năng thanh khoản
Điều này nghĩa là hãy để tiền theo các hình thức dễ dàng huy động chẳng hạn như tiền mặt, tài khoản tiết kiệm. Như vậy, trong trường hợp tổn thất tài chính bất ngờ, bạn sẽ dễ dàng xử lý hơn.
Nếu bạn có nghĩa vụ lớn trong tài chính, chẳng hạn khoản thế chấp nhà hoặc trả học phí cho con cái, bạn sẽ tiết kiệm chi phí hàng tháng nhiều hơn so với việc bạn độc thân và thuê một căn hộ. Một khoản tiết kiệm trong 3 tháng chi phí sinh hoạt được coi là mức tối thiểu. Song, một số người muốn có số tiền tích lũy đủ trang trải chi phí 6 tháng đến 2 năm trong quỹ khẩn cấp để đề phòng tình trạng thất nghiệp kéo dài.
2. Lập ngân sách
Nếu bạn không biết chính xác số tiền bạn sẽ chi tiêu vào những hoạt động nào mỗi tháng, bạn sẽ không biết mình cần bao nhiêu tiền cho quỹ khẩn cấp cá nhân. Và nếu không giữ được ngân sách, bạn cũng không biết liệu mình hiện đang sống dưới mức có thể hay đang sống quá mức. Ngân sách là một công cụ hữu ích có thể giúp bạn xem có hài lòng với nguồn tiền và vị trí tài chính của bản thân hay không.
3. Quản lý chặt chẽ hóa đơn
Không có lý do gì để lãng phí tiền vào các khoản phí trả chậm thẻ tín dụng, nhưng một số gia đình luôn mắc phải sai lầm này. Trong thời kỳ khủng hoảng, bạn nên cẩn thận hơn trong khía cạnh này. Đơn giản là sắp xếp tổ chức có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều tiền khi tính đến các hóa đơn hàng tháng.
Đặt nhắc nhở 2 lần/tháng xem xét tất cả các tài khoản của bạn để không bỏ lỡ bất kỳ ngày đến hạn nào. Lập lịch thanh toán điện tử tự động thanh toán của bạn vài ngày trước khi đến hạn. Bằng cách này, bạn sẽ không bao giờ bị trễ hạn thanh toán hoá đơn.
4. Đa dạng nguồn thu nhập
Mọi người nên có những công việc bán thời gian để không phải sống dựa trên 1 nguồn thu nhập. Số tiền bạn kiếm được từ những hoạt động này có vẻ không đáng kể so với thu nhập từ công việc chính. Song, những khoản tiền nhỏ sẽ có ý nghĩa theo thời gian, đặc biệt trong khoảng thời gian khủng hoảng cắt giảm nhân lực.
Theo CheatSheet, Investopedia