Nếu như gia đình bạn có con nhỏ đang học tiểu học, thì hãy dạy ngay cho chúng 10 điều sau đây, đừng để quá muộn nhé!
1. Nét chữ
Hiện nay vì nhịp sống xã hội ngày càng vội vã, kéo theo đó con người cũng chú trọng tốc độ nhiều hơn, học tập cũng chỉ chú trọng nhiều đến kết quả và bỏ lơ quá trình. Học sinh vì chạy theo tốc độ giảng dạy của thầy cô mà cũng dần bỏ lơ việc "chăm sóc" nét chữ của mình.
Nếu chữ viết tay của trẻ không đúng tiêu chuẩn và nét chữ không được luyện tập tốt từ nhỏ thì khi làm bài kiểm tra có thể gây ấn tượng xấu cho giáo viên, thậm chí là thầy cô không thể đọc được. Hơn nữa, người xưa có câu "nét chữ nết người", việc rèn luyện chữ viết cũng như là rèn luyện đức tính của con trẻ, để con tài đức vẹn toàn.
2. Tính trì hoãn
99% trẻ em bị điểm kém là do tính trì hoãn! Những việc có thể trì hoãn đến ngày mai thì chúng tuyệt đối sẽ không làm ngay vào hôm nay. Trong kỳ nghỉ lễ, nếu như nước không tới chân thì cũng tuyệt đối không chịu làm bài tập về nhà. Một khi con đã hình thành thói quen trì hoãn, thì con sẽ không chỉ trì hoãn trong học tập mà còn trì hoãn trong cả cuộc sống.
Nhà tâm lý học người Úc, Alfred Adler, đã nói trong cuốn sách "giáo dục nhân cách cho trẻ", rằng: "Phía sau một đứa trẻ hay trì hoãn luôn có một người mẹ sắp xếp mọi thứ cho con."
Có nhiều việc nhỏ thực chất là bổn phận của trẻ, trẻ có thể tự làm một cách độc lập như ăn uống, mặc quần áo, v.v.. Khi cha mẹ giành làm hết mọi thứ thì con đương nhiên sẽ ít làm hơn. Vì vậy, bước đầu tiên để thay đổi vấn đề trì hoãn của trẻ là hãy "nhẫn tâm" với trẻ một cách hợp lý, để chúng học cách tự làm những việc của mình.
3. Thời gian
Con trẻ càng dành nhiều thời gian cho việc học thì điểm của chúng cũng sẽ càng tốt, có phải không?
Không hẳn thế!
Mặc dù một số bé rất chăm chỉ, không đi chơi trong giờ ra chơi, cuối tuần cũng chỉ ở nhà làm bài tập, nhưng hầu như các em không tập trung, lơ đễnh và đầy cảm giác ép buộc. Khoảng 30% đến 40% học sinh trung học cơ sở ở trong trạng thái này khi đến trường.
Có một số trẻ không bao giờ thức khuya, đến giờ chơi, chúng sẽ chơi hết mình, nhưng khi đến giờ học, chúng cũng có thể lên kế hoạch kỹ lưỡng, biết tổng thể nhiệm vụ là gì và sắp xếp việc nào làm trước, việc nào làm sau.
Vì vậy, điều quyết định điểm số không phải là trẻ dành bao nhiêu thời gian cho việc học mà là thời gian đó có "hiệu quả" và có khả năng tập trung hay không.
4. Tiếng Anh và ngữ văn
Tiếng Anh và ngữ văn là hai môn học rất giống nhau, bất cứ ai, nếu chú ý sẽ có thể nhận thấy rằng làm bài tập ngữ văn và làm bài tập tiếng Anh đều tương tự nhau: đều cần tra từ mới, phân tích ngữ pháp, v.v..
Phương pháp ngốc nghếch nhất nhưng cũng là hiệu quả nhất cho các môn học ngôn ngữ như vậy chính là hãy đọc to và diễn cảm toàn bộ đoạn văn! Bởi vì trong văn bản có một cốt truyện và ngữ cảnh hoàn chỉnh, nó có thể giúp con ghi nhớ các từ mới một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, sau khi con đọc và học thuộc lòng bài văn, một số mẫu câu cơ bản sẽ in sâu vào tâm trí, khi con gặp một câu hỏi tương tự vào lần sau, thì con cũng có thể đoán được câu trả lời bằng cảm tính.
5. Toán học
Làm thế nào để học toán học?
Thứ nhất, kỹ năng tính toán chính xác là nền tảng, nên rèn luyện bài bản kỹ năng này cho trẻ khi học tiểu học.
Thứ hai, phân loại các dạng bài và cách làm. Các điểm kiến thức và dạng câu hỏi trong toán học cũng tương đối hạn chế, nên chúng nhất định sẽ phải xuất hiện nhiều lần. Chỉ cần bạn có thể đảm bảo rằng trẻ có khả năng nhận biết dạng câu hỏi chúng đã từng làm, cũng như chúng nhớ được cách làm, thì lần sau gặp lại sẽ không có vấn đề gì.
6. Tính bất cẩn
Khi còn đi học tôi rất thường nghe các bạn của mình nói rằng: "Tự nhiên mình bất cẩn quên mất công thức này, phải chi khi nãy nhớ là làm được bài rồi."
Cậu ấy có thực sự bất cẩn không?
Không, chính xác là cậu ấy không nắm vững kiến thức và nền tảng. Cái gọi là "bất cẩn" hay "cẩu thả" chỉ là những lời bào chữa để tự an ủi bản thân thôi.
Cẩn thận, điềm tĩnh và sáng suốt là những phẩm chất tâm lý cần có của một học sinh giỏi. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, một câu hỏi trắc nghiệm nhỏ môn toán có giá trị 0.5 điểm, nếu bất cẩn hai lần sẽ mất 1 điểm, mà bạn biết đấy, cạnh tranh đại học là cạnh tranh từng phẩy một. Lúc này, tự an ủi bản thân mình là "bất cẩn" thì có ích lợi gì? Có phải chúng ta nên học cách giải quyết nó từ nguồn căn của sự việc, chính là học kỹ và nắm vững kiến thức hơn nữa hay không?
7. Vạch xuất phát
"Hãy để con trẻ chiến thắng ở ngay vạch xuất phát", câu nói này có vấn đề. Thực chất, đó là một lời nói dối do một nhà kinh doanh tinh ranh nghĩ ra.
Cuộc sống của một đứa trẻ không phải là một cuộc chạy nước rút, mà là một cuộc chạy marathon đường dài. Không có khái niệm chạy vội vàng trong marathon, vì nó vô ích, sử dụng thể lực quá sức trong hiệp 1 sẽ ảnh hưởng đến thành tích sau đó.
Có rất nhiều trường hợp, các bé khi học tiểu học thì rất tệ, nhưng đột nhiên lên trung học thì lại trở thành học sinh giỏi, và trường hợp ngược lại cũng có. Bạn thấy đấy, không ai mãi mãi đứng yên một chổ, muốn tiến lên thì phải không ngừng nỗ lực, chỉ cần bạn muốn nỗ lực thì không bao giờ là quá muộn, nên đừng tin vào câu "thắng ở vạch xuất phát".
8. Đọc
Đọc nhiều chính là phương pháp cơ bản để nâng cao năng lực ngôn ngữ và tu dưỡng nhân cách. Tăng Quốc Phiên cũng từng nói: "Chỉ có đọc sách mới có thể thay đổi tính cách của một người."
Có rất nhiều học sinh chán ghét môn ngữ văn, có bé nói là nhàm chán quá, có bé thì nói hiểu đề nhưng không biết viết ra như thế nào, v.v..
Nhưng trên thực tế, nguyên nhân duy nhất khiến các em không viết được đó là do "đọc quá ít"! Bạn không đọc nhiều thì vốn từ sẽ thiếu, như thế thì làm sao viết ra được những đoạn văn "ăn điểm" cao?
9. Tương lai
Nhiều bạn sinh viên thường đặt câu hỏi: "Học đại học ra trường không tìm được việc làm, thì học vất vả như vậy để làm gì? Ra ngoài xã hội, sớm lăn lộn để trau dồi không phải tốt hơn sao?"
Đúng vậy, học đại học chưa chắc sẽ kiếm được việc làm, nhiều sinh viên đại học cũng không được trả lương cao sau khi tốt nghiệp. Nó chứng minh điều gì? Đại học là vô dụng sao?
Sai!
Trường đại học tốt đến đâu mà không chăm chỉ học hành thì cũng sẽ trở thành cặn bã, trường đại học tồi tệ đến đâu chỉ cần chăm chỉ học hành cũng có thể tìm được một công việc tử tế. Đừng trách người khác, chỉ là bạn không chăm chỉ mà thôi!
10. Cạnh tranh
Điều đáng sợ nhất không phải là đối thủ cạnh tranh của bạn thông minh hơn bạn, mà là họ vừa thông minh hơn vừa chăm chỉ hơn bạn!
Vậy, dựa vào cái gì mà chúng ta lại không chịu chăm chỉ?