Mua chuối thì chọn trái cong hay thẳng? 90% chúng ta đều không biết!

Vy Khanh | 18-07-2022 - 08:00 AM

(Tổ Quốc) - Cùng bỏ túi mẹo chọn chuối ngon bởi chỉ cần chọn sai thôi là "sai một ly, đi một dặm", chuối không những không ngon mà còn dễ mua phải chuối ngâm thuốc.

Chuối là một loại quả không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà còn vô cùng quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Chuối chứa nguồn chất xơ lành mạnh, giàu kali, vitamin B6, vitamin C, chất chống oxy hóa... rất tốt cho sức khỏe.

Chuối có vị ngọt thanh, tươi mát nên thường được ăn trực tiếp, dùng làm bánh, sinh tố vô cùng tuyệt. Thế nhưng đi chợ, bạn có bao giờ thắc mắc, sao có quả chuối cong cong, có quả lại thẳng đuột chưa?

Hẳn nhiều người nghĩ, chuối cong hay thẳng đều như nhau, khéo chuối thẳng lại còn dễ ăn, dễ bóc... hơn, nhưng điều này có thật sự đúng? Vậy chuối cong hay thẳng, loại nào sẽ ngon hơn?

Sự khác biệt giữa chuối cong và chuối thẳng

Ít ai biết rằng, hình dạng của quả chuối sẽ liên quan đến môi trường phát triển của cây chuối. Và ánh sáng là một trong những nhân tố tác động mạnh đến quá trình "lớn" của mỗi quả chuối.

Khi còn non, những trái chuối thường thẳng. Khi chuối lớn, chúng sẽ có chiều hướng cong lên, hướng về phía có ánh sáng. Do cùng mọc theo một hướng nên theo thời gian, những quả chuối sẽ dần chuyển từ thẳng sang cong.

Mua chuối thì chọn trái cong hay thẳng, mọi người chọn sai về hét lên "phí tiền" - Ảnh 1.

Vậy nên, khi bạn nhìn thấy nải chuối với những trái cong cong, đó là quả chuối chín tự nhiên. Và cũng vì được "tắm" đủ ánh sáng mặt trời, chín tự nhiên nên hương vị của những trái chuối cong cong sẽ ngọt và thơm hơn.

Thế còn chuối thẳng thì sao nhỉ? Bởi lẽ những quả chuối thẳng vẫn xuất hiện thường xuyên ở ngoài thị trường mà. Để trả lời cho thắc mắc trên, có 2 lý do chủ yếu.

Một là do những trái chuối này phát triển trong điều kiện ánh sáng không tốt, khiến chuối không hướng ra được phía nhiều ánh nắng nên không cong.

Lý do tiếp theo là nhằm đảm bảo việc chuối không bị hỏng, gẫy, dập nát trong quá trình vận chuyển nên người ta thường cắt chuối sớm khi chúng còn nửa xanh nửa chín. Chuối sẽ chín dần, hoặc bị "chín ép" trong lúc được vận chuyển và bán nên những quả chuối này sẽ kém ngon ngọt hơn chuối chín tự nhiên.

Mua chuối thì chọn trái cong hay thẳng, mọi người chọn sai về hét lên "phí tiền" - Ảnh 2.

Do đó, bạn nên chọn những quả chuối cong để có thể thưởng thức hương vị ngon, ngọt, hoàn hảo nhất.

Cách chọn chuối thế nào cho ngon?

Bên cạnh việc lựa chọn những quả chuối cong thì bạn cũng nên "bỏ túi" vài mẹo chọn chuối xịn đét này.

- Nhìn vỏ chuối: Chuối có màu vàng óng, có xuất hiện vài đốm đen nhỏ trên vỏ là dấu hiệu chuối chín và ngọt nên bạn có thể ăn ngay. Nếu chuối xuất hiện nhiều đốm đen lớn, đồng nghĩa chuối quá chín và có thể đã bị hỏng.

Mua chuối thì chọn trái cong hay thẳng, mọi người chọn sai về hét lên "phí tiền" - Ảnh 3.

Chuối có màu vàng óng, xuất hiện vài đốm đen nhỏ trên vỏ là dấu hiệu chuối chín và ngọt nên bạn có thể ăn ngay

- Cảm nhận độ cứng - mềm của quả chuối: Khi chạm vào quả chuối, nếu chuối vẫn còn hơi cứng, có độ đàn hồi nghĩa là chuối đã chín vừa. Nếu quả chuối quá mềm thì rất có thể chuối đã chín nẫu, sắp hỏng.

- Quan sát cuống của quả chuối: Thoạt nhìn quả chuối có thể vàng óng ả nhưng cuống vẫn xanh, còn nhựa thì khả năng cao chuối đã bị "chín ép". Bạn không nên chọn những quả chuối như vậy.

- Để ý ruột quả chuối: Khi bóc vỏ ăn, chuối chín ép có phần thịt hơi sượng, và hơi nhạt, thậm chí chát. Trong khi đó, chuối chín tự nhiên không có vị chát mà ngọt thơm.

Làm sao để bảo quản chuối chín tươi lâu?

Mua chuối thì chọn trái cong hay thẳng, mọi người chọn sai về hét lên "phí tiền" - Ảnh 4.

Dùng màng bọc thực phẩm bọc lấy phần cuống rồi để ở nhiệt độ phòng, điều này sẽ giúp bảo quản chuối chín tươi lâu.

Với chuối chín, bạn nên để chúng trong nhiệt độ phòng và dùng từ từ. Để kéo dài thời gian sử dụng chuối chín, bạn nên ngắt rời từng quả ra khỏi nải. Dùng màng bọc thực phẩm bọc lấy phần cuống rồi để ở nhiệt độ phòng, điều này sẽ giúp phần nào kiềm chế tốc độ chín của chuối nhé!

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM