Một nước NATO suýt vượt mặt Mỹ đánh bại máy bay ném bom của Moskva: Cái kết bi thảm

QS | 12-04-2022 - 16:24 PM

(Tổ Quốc) - Theo MW, đã dấy lên các thuyết âm mưu cho rằng Mỹ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để loại bỏ Arrow, biến nó trở thành một trong những câu chuyện gây tranh cãi nhất.

Đánh bại bộ 3 máy bay của Moskva

Theo trang tin MW, bối cảnh căng thẳng giữa Nga-Ukraine hiện nay thúc đẩy các nhà phân tích nhìn lại 65 năm trước- thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, khi một quốc gia thuộc "Thế giới Thứ nhất" nhưng không phải là nước tầm cỡ về hàng không vũ trụ, đã bắt tay vào một dự án máy bay chiến đấu mà đáng lẽ sẽ để lại dấu ấn trong lĩnh vực hàng không quân sự.

Đó là dự án Avro Arrow mang tính cách mạng và đầy tham vọng của Canada. Avro Arrow là mẫu máy bay cỡ lớn, cánh delta, được phát triển như một mẫu máy bay đánh chặn tốc độ cao để hạ gục các máy bay ném bom nhanh của Liên Xô.

Tuy nhiên, sự ra đời của các hệ thống tên lửa đất-đối-không (SAM) mới, cùng tên lửa đạn đạo xuyên lực địa (ICBM) và cuộc chạy đua không gian đã khiến nó trở nên lỗi thời trong giai đoạn phát triển cuối của nguyên mẫu.

Với thiết kế mang tính cách mạng ở nhiều mặt, dự án Avro Arrow đến nay vẫn được nhớ tới như một "câu chuyện bi thảm" trong lịch sử hàng không vũ trụ quốc phòng và hàng không quân sự của Canada.

Avro Canada CF-105 Arrow được kỳ vọng sẽ trở thành máy bay chiến đấu nội địa đầu tiên của Canada và là máy bay đánh chặn tốt nhất trên thế giới.

Không quân Hoàng gia Canada (RCAF) muốn Avro Arrow trở thành máy bay đánh chặn chủ lực của mình, và điều đáng chú ý là nó được trực tiếp đưa vào sản xuất, bỏ qua giai đoạn nguyên mẫu, và các thay đổi trong thiết kế, nâng cấp trong quá trình phát triển.

Avro Arrow là câu trả lời dành cho yêu cầu của RCAF về một loại máy bay đánh chặn siêu thanh 2 chỗ ngồi vào năm 1953 nhằm đánh bại các máy bay ném bom chiến lược tầm cao của Moskva như Tu-95, Tu-16 và các máy bay tấn công như Su-15.

Những chiếc máy bay này được Moskva phát triển với kỳ vọng có thể bay từ lãnh thổ của họ băng qua cực bắc, qua Canada và phóng tên lửa vào Mỹ.

RCAF đã phân tích các loại máy bay của Mỹ, Pháp và không tìm thấy máy bay phản lực nào có thể đáp ứng yêu cầu của họ. Cả hai nước này đều không có kế hoạch xây dựng mô hình như RCAF mong muốn, điều đó đã thúc đẩy Canada trở thành quốc gia đầu tiên xúc tiến dự án tham vọng.

Một nước NATO suýt vượt mặt Mỹ đánh bại máy bay ném bom của Moskva: Cái kết bi thảm - Ảnh 1.

Máy bay ném bom Tu-95. Ảnh: Wiki

Thứ Sáu đen tối: Mỹ ngầm can dự?

Công tác chế tạo cánh delta cấu hình cao bắt đầu vào năm 1956. Một tính năng cải tiến của mẫu máy bay này là khoang chứa bom bên trong, cho phép nó mang các loại bom thả và đạn dược thuộc diện tiêu chuẩn thời đó.

Nguyên mẫu của Avro Arrow ra mắt lần đầu tiên vào ngày 4/10/1957. Tuy nhiên, Liên Xô đã khởi động thời đại chạy đua tên lửa và không gian vũ trụ vào cùng ngày hôm đó, bằng cách phóng vệ tinh Sputnik 1, làm lu mờ chương trình Arrow.

Cho tới trước khi bị các đời chính phủ kế nhiệm ở Canada liên tiếp phản đối vì chi phí quá cao, nguyên mẫu Arrow vẫn hoàn thành thử nghiệm chạy taxi và cất cánh lần đầu tiên vào tháng 3/1958.

Chiếc Arrow đầu tiên đã đạt tới trần bay dự kiến là 50.000 ft, và gần như đạt tốc độ Mach 2, đưa người Canada lên đỉnh cao công nghệ, sánh bằng với những loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất cùng thời với nó.

Chương trình thử nghiệm tăng cường đã dẫn tới sự ra đời của 4 nguyên mẫu nữa. Tuy nhiên, chi phí ngày càng tăng lên (ít nhất 1 triệu USD cho mỗi máy bay), và sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Liên Xô, đã khiến cho ý tưởng về Arrow trở nên lỗi thời.

Một nước NATO suýt vượt mặt Mỹ đánh bại máy bay ném bom của Moskva: Cái kết bi thảm - Ảnh 2.

Bản sao kích thước đầy đủ của CF-105 Arrow tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Canada, Toronto. Ảnh: Wiki

Ngày 20/2/1959, dự án này chính thức bị hủy bỏ - một ngày được ghi nhớ là "Thứ Sáu đen tối" trong lịch sử hàng không Canada. Quyết định hủy bỏ dự án đã khiến 15.000 nhân viên của Avro và 14.000 người khác trong chuỗi cung ứng của chương trình mất việc làm. Tính tới thời điểm đó, đã có 37 chiếc Arrow được chế tạo.

Sự ra đời của các hệ thống SAM cũng mang tới các giải pháp bớt đắt đỏ hơn nhưng có hiệu quả ngang ngửa để đối phó với các máy bay ném bom chiến lược tốc độ cao của Nga.

Điều này cũng làm dấy lên các thuyết âm mưu cho rằng Mỹ đã sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để loại bỏ dự án Arrow, nhằm ngăn nó cạnh tranh với các mẫu máy bay chiến đấu kém tiên tiến hơn của họ. Một số diễn tiến xảy ra sau khi chương trình Arrow bị hủy bỏ chỉ càng củng cố thêm mối nghi ngờ này.

Ví dụ như tất cả các nguyên mẫu và thiết bị công nghiệp được phát triển đặc biệt cho dự án Arrow đều bị loại bỏ. Orenda Engines, hãng sản xuất động cơ phản lực Iroquois đặc biệt để cho phép máy bay đạt tốc độ trên Mach 2, đã gần như đóng cửa.

Những điều trên khiến Arrow trở thành một trong những dự án gây tranh cãi nhất trong lịch sử hàng không quân sự.

Một nước NATO suýt vượt mặt Mỹ đánh bại máy bay ném bom của Moskva: Cái kết bi thảm - Ảnh 3.

Nhiều đồn đoán cho rằng ít nhất có 1 chiếc Arrow được bảo quản ở một địa điểm bí mật.

Bên cạnh đó, cũng có những nguồn tin cho biết một chiếc Arrow đã được lưu lại và bảo quản ở một địa điểm bí mật. Nhà văn Canada June Callwood sống gần nhà máy Avro Canada tuyên bố đã nhìn thấy một chiếc máy bay phản lực cất.

Ngoài ra, có tin đồn chiếc máy bay này đã bị buôn lậu sang Anh.

Kỹ thuật viên cấp cao của dự án Ken Barnes được cho là đã bất chấp mệnh lệnh vào năm 1959 để lén lấy các bản thiết kế và giấu chúng trong tầm hầm của mình cho tới khi được tìm thấy vào năm 2020.

Đáng nói, vào năm 1968, người đứng đầu chương trình Avro – Thống chế không quân Wilfred Curtis –  đã từ chối trả lời cuộc phỏng vấn về việc chiếc Arrow đã bị buôn lậu sang nước khác, úp mở khả năng nó thực sự đã xảy ra.

Năm 1977, ông Curtis qua đời. Mọi chuyện tiếp tục là một bí ẩn. Cho tới năm 2008, chiếc ghế phóng Martin-Baker thiết kế đặc biệt cho mẫu Arrow được rao bán trên e-Bay, điều đó tiếp tục làm dấy lên đồn đoán về sự tồn tại của một chiếc Arrow ở đâu đó.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM