Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 với kế hoạch doanh thu từ 75.000 - 85.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông dự kiến giảm mạnh 46% về chỉ còn 1.000 - 3.000 tỷ đồng. Trong đó, một phần lợi nhuận tạo ra sẽ bù đắp do hợp nhất kết quả kinh doanh chuỗi VinMart, VinMart .
Quý 1/2020, Tập đoàn báo lỗ ròng 216 tỷ trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận lãi 1.000 tỷ đồng. Được biết, đây là lần đầu Masan thua lỗ sau 6 năm, nguyên nhân chủ yếu do tác động hợp nhất kinh doanh với VCM (đơn vị điều hành hệ thống bán lẻ Vinmart và Vinmart ), trong đó VCM lỗ 897 tỷ, phân bổ lợi thế kinh doanh 89 tỷ và phân bổ giá trị hợp lý 54 tỷ đồng từ hợp nhất kinh doanh.
Mặc dù vẫn còn thua lỗ, Masan đặt tham vọng hệ thống Vinmart và Vinmart sẽ chính thức hoà vốn EBITDA ngay trong năm 2020, tức chỉ sau 1 năm dưới trướng Tập đoàn, sau quý đầu năm phát đi nhiều tín hiệu chuyển đổi khả quan.
Chi tiết từng mảng, bao gồm:
(1) Masan Consumer (MCH) dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu trên 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số.
(2) Masan MeatLife (MML) dự kiến doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và xây dựng nền tảng sản phẩm thịt chế biến nhằm tạo ra giá trị gia tăng. Thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải và có tiềm năng tăng mạnh nếu việc tái đàn được đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
(3) Masan Resources (MSR) dự tập trung hoàn thành việc tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Stark (HCS) để trở thành nhà chế biến cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó, giảm bớt rủi ro biến động giá theo chu kỳ hàng hóa.
Tham vọng hệ thống Vinmart và Vinmart sẽ hoà vốn EBITDA ngay trong năm 2020
Riêng hai chuỗi Vinmart và Vinmart , theo kế hoạch, Masan dự kiến VCM sẽ đạt doanh thu hơn 42.000 tỷ đồng năm nay, tăng 64% so với năm 2019. Trong đó, tăng trưởng doanh thu đến từ 24-25% các cửa hàng VinMart và VinMart hiện hữu, còn lại là đóng góp từ các cửa hàng được mở trong năm 2020.
Ngoài ra, thay vì chiến lược mở rộng liên tục để chiếm địa bàn như chủ cũ Vingroup, Masan sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng theo cách chọn lọc và tập trung vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu. Theo đó, Masan dự kiến sẽ mở mới 20-30 siêu thị VinMart và 300-500 cửa hàng VinMart trong năm. Ở chiều ngược lại, Masan sẽ đóng cửa tối đa 10 siêu thị và 150-300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Thời gian tới, Masan sẽ tiếp tục đối sánh các điều khoản thương mại với nhà cung cấp nhằm đạt mức ngang bằng thị trường, tập trung vào việc giảm chi phí phí hoạt động tại cửa hàng, cụ thể liên quan đến chi phí vật tư tiêu hao, nâng cao hiệu suất nhân viên, đàm phán chi phí thuê tốt hơn, và tối ưu hóa chi phí hoạt động logistics.
Song song, đổi mới danh mục sản phẩm hệ thống Vinmart và Vinmart thông qua phát triển danh mục hàng hóa chủ chốt, đảm bảo các sản phẩm trong danh mục này có mặt tại tất cả các cửa hàng, đồng thời bổ sung thêm danh mục sản phẩm phù hợp theo vùng miền và mùa vụ. Chuyển trọng tâm của VCM sang đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Với luận điểm đưa ra, Masan đặt kỳ vọng EBITDA của hệ thống Vinmart và Vinmart đến cuối năm 2020 sẽ giảm về -3%, thậm chí chính thức hoà vốn.
Chia cổ tức 2019 bằng tiền tỷ lệ 10%, chào bán đối tác gần 117 triệu cổ phần mới
Kết thúc năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất 38.819 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông gần 5.558 tỷ đồng, tăng 13%. Với kết quả trên, Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2019 bằng tiền, tỷ lệ 10%. Thời gian chi trả cổ tức trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ. Việc chi trả có thể được thực hiện thành một hoặc nhiều đợt.
Từ năm 2020 trở đi, HĐQT đề nghị Đại hội ủy quyền cho HĐQT xem xét và lập phương án phân chia cổ tức hàng năm, bao gồm cả tạm ứng cổ tức.
Ngoài ra, Masan Goup cũng lên kế hoạch chào bán tối đa 9,99% tổng số cổ phiếu đang lưu hành (tính theo vốn điều lệ hiện tại là gần 117 triệu cổ phần mới) cho không quá 5 nhà đầu tư là các tổ chức và không phải là công ty con; không phải là công ty mà có chung công ty mẹ với Công ty. Thời điểm thực hiện dự trong năm 2020 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Cùng với đó, HĐQT trình cổ đông xem xét phương án phát hành cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), thực hiện trong năm 2020 hoặc trước tháng 5 năm 2021. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành (tương đương hơn 5,8 triệu cổ phiếu). Mức giá dự kiến là 10.000 đồng/cp.