Từng là mặt hàng được ưa chuộng vì có giá rẻ hơn, thời gian chờ đợi các mẫu máy mới về nước nhanh hơn hàng chính hãng, iPhone xách tay nay đã mất đi chỗ đứng tại thị trường Việt Nam.
Với việc hàng chính hãng đang dần đáp ứng các lợi thế kể trên cùng với động thái thắt chặt hơn về các chính sách liên quan đến bảo hành, hậu mãi của Apple, trong đó nổi bật với quy định người dùng phải cung cấp hóa đơn mua hàng khi bảo hành đối với tất cả các sản phẩm Apple tại Việt Nam, iPhone xách tay ngày càng bị "thất sủng".
iPhone 14 ZA/A bị từ chối bảo hành tại Việt Nam
Trong một nhóm những người sử dụng iPhone, thành viên có tên Anh Tuan Tran kể việc bị từ chối bảo hành iPhone 14 mã ZA/A (mã iPhone dành cho thị trường Hong Kong). Không chỉ tại Việt Nam, trung tâm bảo hành ở Singapore cũng không tiếp nhận trường hợp này. Thậm chí, chủ thiết bị đã đề xuất phương án sửa chữa tự trả phí nhưng vẫn bị từ chối.
"Tôi chấp nhận phương án trả tự trả phí nhưng họ vẫn không đồng ý sửa chữa", chủ bài đăng nói.
iPhone 14 series nói riêng và các đời iPhone nói chung gần đây dành cho thị trường Hồng Kông thường sử dụng 2 SIM vật lý, trong khi phiên bản phát hành quốc tế lại thường sử dụng 1 SIM vật lý, 1 eSIM (như tại Việt Nam, Singapore).
"Sự khác biệt về phần cứng này khiến thiết bị cho Hong Kong trở thành đặc thù, khiến các trung tâm bảo hành ở quốc gia và vùng lãnh thổ khác gặp khó trong việc hỗ trợ thay thế linh kiện, sửa chữa hay bảo hành do không có sẵn linh kiện tương ứng", đại diện của một nhà cung cấp dịch vụ ủy quyền Apple (ASP) chia sẻ. "Do đó, việc từ chối bảo hành đối với iPhone có mã sản phẩm này cũng là điều dễ hiểu."
Trong khi đó, đại diện hệ thống Điện thoại Vui ASP (Trung tâm bảo hành của Apple tại Việt Nam), cho biết: "Về máy xách tay phiên bản 2 SIM vật lý. Theo quy trình của Apple thì trung tâm bảo hành cần phải kiểm tra Serial/IMEI trên hệ thống của Apple xem có cho phép được bảo hành ở Việt Nam không? Bởi vì với một số máy, khi check Serial/IMEI trên hệ thống của Apple sẽ thông báo là máy "không đủ điều kiện bảo hành hoặc sử dụng dịch vụ trả phí ở Việt Nam. Vui lòng mang về quốc gia mua để được hỗ trợ." Trường hợp này được gọi là giới hạn bảo hành hoặc chặn bảo hành.
Nếu gặp trường hợp này, khách hàng sẽ được thông báo là mang máy về quốc gia mua ban đầu để được hỗ trợ. Trong trường hợp được hỗ trợ, người dùng sẽ cần cung cấp hoá đơn mua hàng hợp lệ. Trung tâm bảo hành sẽ thông báo trước với khách hàng rằng Apple sẽ bảo hành thay thế linh kiện có sẵn và phù hợp với nước sở tại (Việt Nam). Ví dụ: Linh kiện thay thế đó sẽ là bản 1 SIM vật lý và 1 eSIM chứ không phải là bản 2 SIM vật lý như ban đầu và có thể một số chức năng của phiên bản gốc sẽ không thể sử dụng được tại Việt Nam."
Hầu hết iPhone 14 xách tay đều bị từ chối bảo hành ở Việt Nam
"Ở thời điểm này, không chỉ iPhone mã ZA/A mà hầu hết iPhone 14 xách tay đều đang bị từ chối bảo hành tại Việt Nam", đại diện một hệ thống chuyên sửa chữa thiết bị Apple tại Việt Nam cho biết. Theo người này, dự kiến sau khi iPhone 14 mở bán chính hãng (từ ngày 14/10) thì các điểm dịch vụ mới có thể tiếp nhận máy mang mã ở những thị trường khác.
Tương tự, đại diện hệ thống Điện thoại Vui ASP cho biết "tỷ lệ máy xách tay còn hạn bảo hành nhưng bị từ chối có thể lên tới 80%, trong khi nếu sử dụng dịch vụ sửa chữa trả phí như thay pin, màn hình..., tỷ lệ này thấp hơn, chỉ khoảng 5-10%."
Những năm gần đây, Apple liên tục đẩy sớm thời gian mở bán chính thức sản phẩm, cùng với đó là thay đổi chính sách, quy định bảo hành, đổi trả - loạt động thái được cho là để siết thị trường xách tay, đẩy mạnh sức mua hàng chính hãng.
Để bảo hành iPhone tại Việt Nam, điều kiện quan trọng nhất là chủ sở hữu cần có hóa đơn mua máy hợp lệ. Đại diện hệ thống bán lẻ kể trên cho biết, ngay cả iPhone chính hãng nếu không có hóa đơn cũng có thể bị từ chối bảo hành.
Ngoài ra, hình thức bảo hành 1 đổi 1 cũng không còn áp dụng rộng rãi. Đầu năm 2021, Apple chính thức thay đổi chính sách bảo hành iPhone chính hãng VN/A. Đa phần các lỗi như camera, bộ rung, loa thoại,... sẽ được thay thế linh kiện thay vì đổi mới như trước.