Những ngày tháng Chạp, thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, làng nhang xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM đang bận rộn hơn bao giờ hết. Các nhà xưởng lớn, hộ gia đình nhỏ tại làng nhang luôn tất bật làm nhang để phục vụ cho thị trường Tết.
Cũng tại thời điểm này, đi dọc đường Mai Bá Hương, Thích Thiện Hòa của xã Lê Minh Xuân đều dễ nhận thấy hình ảnh nhang được phơi khắp nơi từ trong sân nhà ra đến ngõ nhỏ. Những cây nhang được bó lại thành những bông hoa đang xoè dưới nắng vàng, chờ thời gian để nắng làm khô.
Những bó nhang được bó lại thành cuộn tròn xoè phơi dưới nắng nhiều người thường gọi là "hoa nhang". Theo người dân làng nghề, phơi theo cách này giúp nhang được khô đều hơn, bột nhang bám chặt vào cây.
Làng nghề làm nhang đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012. Trải qua cả trăm năm, với bao thăng trầm, người làm nhang thưa thớt dần nhưng làng nhang tại đây vẫn không mai một tại thành phố sôi động nhất cả nước.
Bà Nguyễn Cát Bụi Thuý (47 tuổi) người sở hữu xưởng nhang 5.000m2 được xem là cơ sở làm nhang lớn nhất ở khu vực này, những chỗ khác là những hộ làm nhang nhỏ lẻ theo hình thức thủ công. Thời điểm giáp Tết, xưởng nhang của bà Thuý có khoảng 30 nhân công làm việc để cung ứng cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận.
"Năm nay số lượng đơn đặt hàng gần như giảm một nửa so với năm ngoái do tình hình kinh tế khó khăn. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào cao, nhưng giá bán ra bán không tăng, đầu ra cũng chậm nữa. Nếu như ở thời điểm này các năm trước chúng tôi sản xuất mỗi ngày từ 3000-3500 thiên nhang nhưng năm nay chỉ sản xuất từ 2500-3000 thiên/ngày, mỗi thiên 1000 cây, giá từ 25.000-30.000 đồng tùy loại", chị Thuý chia sẻ.
Theo bà Thuý, tại xưởng của mình cũng như các hộ làm nhang tại làng nghề này thường cung cấp nhang sỉ. Gần cuối năm nhiều đầu mối tới tận xưởng lấy hàng, sau đó về tự đóng gói, dán nhãn riêng đưa ra thị trường. Năm nay sức mua chậm nên các đầu mối cũng ít dần, kéo theo thời gian làm việc của công nhân cũng giảm.
Mặc dù gặp khó khăn bởi ảnh hưởng chung của nền kinh tế hậu đại dịch nhưng bà Thuý vẫn cố gắng duy trì sản xuất, tìm thêm nguồn ra cho nhang để các công nhân có cái Tết đủ đầy.
Hiện nay tại làng nghề, một số xưởng sản xuất nhang quy mô lớn đầu tư máy sấy nhang để không phụ thuộc vào thời tiết. Tuy nhiên đó là khi trời ít nắng, còn mỗi khi trời nắng đẹp việc phơi nhang dưới nắng vẫn là sự lựa chọn tối ưu, giúp cho cây nhang có mùi hương riêng.
Các công đoạn làm nhang tại nhà xưởng. Để tăng năng xuất, một số xưởng làm nhang đầu tư máy móc hiện đại hơn thay vì làm thủ công như các hộ nhỏ lẻ
Bên cạnh đó, ngoài áp dụng máy móc, kỹ thuật vào sản xuất nhưng làng nhang này vẫn giữ được nét đặc trưng của làng nghề nhang Lê Minh Xuân. Mỗi một loại nhang tại đây được tạo ra từ công thức riêng cho mùi hương, chất lượng riêng khó có thể trộn lẫn trên thị trường.
Để làm ra một nén nhang cũng trải qua quá trình khá công phu. Trước tiên phải làm chân nhang, đến nhúng sơn đỏ rồi đem đi phơi nắng, sau đó là khâu nghiền bột, trộn bột nhang, se nhang, phơi khô và đóng thiên thành phẩm mang đi giao cho đầu mối cung ứng ra thị trường.
Theo người dân, mỗi dịp Tết, làng nghề truyền thống làm nhang thường được nhiều người lui tới tham quan, chụp hình. Đây cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch khi muốn tìm hiểu về làng nghề truyền thống ở TP.HCM