Có một câu chuyện kể rằng:
Người Na Uy sống ven biển rất thích ăn cá mòi, mà cá mòi đông lạnh trên thị trường thì có giá thấp hơn rất nhiều so với cá mòi tươi. Điều này bắt nguồn từ việc vận chuyển cá mòi tươi sống từ biển về tới đất liền là vô cùng khó khăn. Bản tính lười vận động của cá mòi khiến chúng rất dễ chết ngạt do bị nuôi nhốt lâu ngày. Vì thế, hầu như không có một ai đủ khả năng mang cá sống về cảng, dù đã thử trăm phương ngàn cách.
Mãi về sau, một vị thuyền trưởng đã làm được điều kỳ diệu này. Ông nghĩ ra cách là với mỗi bể chứa cá mòi, ông thả vào một con cá da trơn. Như vậy, bọn cá mòi sẽ phải luôn vận động, bơi tránh xa con cá da trơn nếu không muốn bị ăn thịt. Cũng nhờ vận động không ngừng, chúng tránh được tình trạng trì trệ và vấn đề thiếu oxi đã được giải quyết, từ đó sống dai hơn, vẫn còn tươi mới suốt quá trình vận chuyển.
Đây chính là khái niệm “Hiệu ứng cá da trơn”, tên tiếng Anh là Catfish effect.
Hiệu ứng này được các doanh nghiệp áp dụng rộng rãi vào quá trình quản lý hàng ngày. Điều này lý giải tại sao sếp thà bỏ tiền thuê thêm người mới chứ rất ít tăng lương cho nhân viên cũ.
Đóng vai trò “khuấy động” vũng nước đọng
Khi nhân viên lâu năm đã hình thành một khuôn mẫu hành vi cố định trong khi tuân thủ các quy tắc để tồn tại, toàn bộ tổ chức cũng hình thành quá trình quản lý tự động và tự phát. Quá trình này đạt tới một trạng thái nhất định sẽ nảy sinh vấn đề, đó là sự trì trệ, rập khuôn và thiếu năng động của nhân viên. Sức mạnh đổi mới và tiên phong của công ty sẽ suy giảm đáng kể.
Đối với các nhà quản lý doanh nghiệp, “hiệu ứng cá da trơn” có thể được sử dụng như một trong những biện pháp hữu hiệu để quản lý doanh nghiệp nhằm khơi dậy sức sống và hiệu quả của nhân viên.
Một nhân viên mới sẽ đóng vai trò như chú cá da trơn ngoan ngoãn, siêng năng, có khả năng khuấy động vùng nước đọng để kích thích nhân viên cũ làm việc hiệu quả hơn nếu không muốn bị vượt mặt và thay thế.
Điều này cũng tương tự khi áp dụng vào sự phát triển của cả một ngành công nghiệp. Khi toàn bộ các doanh nghiệp trong ngành lâm vào tình trạng trì trệ, nếu xuất hiện một đối thủ cạnh tranh khởi xướng lên xu thế mới, tất cả sẽ trở nên cảnh giác và hoạt động năng suất hơn, nâng cao khả năng tồn tại và cạnh tranh của đơn vị mình.
Tỷ phú Lôi Quân, chủ tịch kiêm nhà sáng lập của Xiaomi Inc., doanh nhân thành công sở hữu khối tài sản 16,9 tỷ USD năm 2020, từng đề cập rằng:
Xiaomi gia nhập ngành sản xuất điện thoại di động giống như một con cá da trơn, đem tới những tác động mạnh mẽ giúp toàn bộ thị trường nội địa đạt được nhiều tiến bộ, tạo thành một tình thế hài hòa và cùng thịnh vượng mới chứ không lép vế trước các thương hiệu nước ngoài.
Trường hợp này tương đương với việc Samsung từng bắt kịp LG khi hãng này gần như chiếm lĩnh thị trường.
Sự nhiệt tình của các nhà sản xuất khác được kích thích, tạo ra một mô hình tăng trưởng cho toàn ngành, đồng thời đem lại nhiều sự lựa chọn phù hợp hơn cho khách hàng trải nghiệm.
Tác động tới quá trình phân phối
Từ hàng ngàn năm trước, Khổng Tử cũng đã đề cập tới vấn đề tương tự trong Luận Ngữ:
"Vua chư hầu có nước, quan đại phu có nhà, chẳng buồn vì dân ít, mà buồn vì của cải phân phối không đều".
Câu này có nghĩa là bất luận là chư hầu có nước hay quan đại phu được phong đất đi nữa, cũng không nên lo lắng vì không có nhiều của cải, mà chỉ cần lo lắng việc của cải phân chia không đều.
Trong công ty cũng như vậy, nếu ông chủ tăng lương cho một nhân viên cũ, vậy những nhân viên cũ còn lại sẽ thế nào? Ở vai trò lãnh đạo, nếu tăng lương hết cho tất cả mọi người thì khó có thể đảm bảo về cả lợi nhuận lẫn hiệu suất.
Xét trường hợp nhân viên được tăng lương là người có năng lực, có chí tiến thủ và luôn cầu tiến trong công việc thì gia tăng chi phí nhân sự là điều hoàn toàn có thể chấp nhận.
Tuy nhiên, trong trường hợp nhân viên ỷ vào thâm niên, kỹ năng không có sự tiến bộ nhưng vẫn đòi hỏi tăng lương thì chi phí bỏ ra sẽ không đem lại hiệu quả như chủ doanh nghiệp mong muốn.
Đó là lúc sếp không còn hài lòng với nhân viên cũ mà đi tìm một giải pháp mới, đó là nhân sự bên ngoài. Dù người mới đồng nghĩa với việc khuyết thiếu kinh nghiệm nhưng doanh nghiệp sẽ nhận được sự chăm chỉ, ngoan ngoãn, đam mê và tinh thần cống hiến của họ.
Gia tăng tác động của hiệu ứng cá da trơn trong quản lý
Một nhà lãnh đạo tài năng muốn áp dụng Catfish effect một cách tích cực, không tạo nên cảm giác bất công, bị bóc lột cho nhân sự thì cần đảm bảo được các nhân tố sau đây:
Một, bản thân leader là con cá da trơn tiên phong.
Có câu rằng, “tướng mạnh thì không có quân yếu”. Bản thân người lãnh đạo phải là con cá da trơn năng động, liên tục chấn chỉnh kỷ luật, chuẩn hóa hệ thống, đổi mới quy trình, bố trí hợp lý các chức danh, con người, tiền bạc, vật chất, thay thế những con cá mòi yếu ớt bất tài bằng những con cá có sức sống dẻo dai hơn.
Có như vậy, cả tập thể mới nhận được động lực tích cực, đạt được những tiến bộ chung, nâng cao sức mạnh tập thể.
Hai, có hành động khẳng định vai trò của cá da trơn
Một con cá da trơn xuất sắc là người hội tụ đủ các đặc điểm như năng động, hoạt bát, chịu được áp lực tốt, có thể bảo vệ lợi ích và mục tiêu chung của cả tập thể. Nhưng ở một khía cạnh khác, họ cũng có thể là người EQ thấp, quá thật thà hoặc thẳng thắn, không biết cách hòa đồng với môi trường,...
Người leader cần phải đứng ra khẳng định tầm quan trọng của những nhân vật này, cho phép họ "khác biệt" để phát huy tối đa vai trò tích cực của cá da trơn, góp phần kích thích những con cá mòi còn lại cũng nỗ lực để sống sót, thậm chí là tiến hóa trở thành một con cá da trơn tiếp theo.
Đây chính là tiền đề để xây dựng một môi trường không ngừng sáng tạo và thúc đẩy lẫn nhau. Sự cạnh tranh mang tính tích cực sẽ dẫn tới đổi mới.