Hành vi khai tử cho người sống sẽ bị xử lý như thế nào?

Tùng Lâm | 24-05-2022 - 07:51 AM

(Tổ Quốc) - Theo luật sư, người mẹ làm thủ tục khai tử cho con trai 3 tuổi dù cháu bé vẫn còn sống có thể bị xử lý hành chính. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức liên quan cũng phải chịu trách nhiệm trước việc làm tắc trách của mình.

Như đã đưa tin, vừa qua trên địa bàn phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xuất hiện vụ việc bà T.T.N.P. đến phường Tân An làm thủ tục khai tử cho cháu N.H.L. (SN 2019, con trai bà P.). Bà P. khai cháu L. mất vào lúc 18h30 ngày 4/5 và được phường Tân An cấp giấy khai tử cho cháu bé vào ngày 11/5.

Tuy nhiên, đến tối 19/5, bất ngờ người bố của cháu L. đã đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook về việc cháu L. còn sống nhưng bị mẹ khai tử và cơ quan chức năng lập tức vào cuộc xác minh.

Đến chiều 23/5, bố cháu bé cho biết đã tìm được con tại một nhà dân ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Làm việc với Cơ quan Công an, người phụ nữ hơn 50 tuổi, là người trông giữ cháu L. cho biết, được chị T.T.N.P. (32 tuổi, mẹ cháu L.) đưa xuống gửi và cam kết không có chuyện mua bán. 

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ.

Vụ cháu bé đang sống bị mẹ khai tử: Hành vi khai tử cho người sống sẽ bị xử phạt như thế nào? - Ảnh 1.

Người mẹ khai tử khi con còn sống

Trước đó, Công an đã mời mẹ cháu bé đến làm việc thì bà P. thừa nhận đã ly hôn với chồng cũ và cả hai vẫn thường mâu thuẫn, xích mích. Bà P. kể bị chồng đánh đập nên đã khai tử cho con trai và gửi giấy khai tử cho chồng cũ báo tin để ngăn không cho người này gặp con nữa. Hiện công an tiếp tục làm rõ mục đích thực sự của bà P. có đúng như vậy hay không.

Liên quan đến vấn đề khai tử cho một người khi người đó đang còn sống, nhiều người thắc mắc việc làm này có vi phạm pháp luật? Có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người bị khai tử hay không?

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trong vụ việc trên, bà T.T.N.P. đã có hành vi gian dối trong việc khai tử con trai mình.

Vụ cháu bé đang sống bị mẹ khai tử: Hành vi khai tử cho người sống sẽ bị xử phạt như thế nào? - Ảnh 2.

Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Tuy nhiên, hành vi trên vẫn chưa phạm vào tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác nên người mẹ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ có thể bị xử lý hành chính như phạt tiền.

Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình nêu rõ, từ 1/9/2020, cá nhân thực hiện hành vi làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống… bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết để trục lợi; Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục đăng ký khai tử để trục lợi.

Ngoài ra, luật sư Cường cho rằng, việc công chức tư pháp - hộ tịch UBND phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột cấp Giấy chứng tử cho bé N.H.L. chỉ dựa vào "các giấy tờ tùy thân liên quan bà P. mẹ bé mang theo" và "tại phường, bà P. khóc lóc, mặt lộ rõ vẻ đau buồn và có ký cam kết những gì khai là đúng sự thật nên tin tưởng" là không đúng quy định.

Như vậy, đây là sai sót, tắc trách về mặt thủ tục hành chính. Người thực hiện thủ tục này sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Bởi luật sư cho rằng, những việc làm tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ khai tử có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, quyền lợi của các đương sự.


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM