Bệnh nhân H.A.L (40 tuổi, Hà Giang) đang sinh sống tại Hà Nội, trước khi nhập viện bệnh nhân sốt cao 3 ngày, đã uống thuốc và đỡ sốt. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân đau đầu dữ dội nên đã vào viện thăm khám.
Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết. Người bệnh khá bất ngờ bởi 3 người bạn cùng phòng không ai mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân không rõ nguồn lây từ đâu.
BS. Nguyễn Thị Thanh - Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết khi vào viện dù bệnh nhân đã cắt cơn sốt nhưng lại bất ngờ chảy máu ồ ạt ở mũi và không thể cầm máu bằng phương pháp thông thường. Bệnh nhân phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ khoa Tai Mũi Họng để tiến hành nhét meche mũi (giống như miếng gạc nhét mũi) thì mới thoát khỏi cửa tử.
Bên cạnh đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tụt tiểu cầu, tiểu cầu tụt nhanh chóng chỉ còn 13. Dù đã được truyền 01 đơn vị tiểu cầu nhưng số tiểu cầu trong máu không tăng lên mà tiếp tục giảm, bệnh nhân phải truyền thêm 6 đơn vị tiểu cầu thì chỉ số máu mới ổn định.
Hiện, bệnh nhân vẫn chảy máu nhưng lượng máu giảm hơn, có thể rút meche trong một hai ngày nữa. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, có thể xuất viện trong ít ngày tới.
ThS.BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết, đây là trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng nhất từ đầu mùa dịch (năm 2022) đến nay tại Bệnh viện E. Rất may khi chảy máu ồ ạt, bệnh nhân đã có mặt ở viện nên việc xử lý được đảm bảo, không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường có tiểu cầu thấp, như trường hợp của bệnh nhân trên tiểu cầu xuống đến 13G/L, kèm chảy máu mũi khó cầm nên rất nguy hiểm. Thông thường nếu tiểu cầu xuống đến dưới 50G/L, kèm theo dấu hiệu xuất huyết niêm mạc thì sẽ được chỉ định truyền tiểu cầu. Trường hợp bệnh nhân có tiểu cầu giảm xuống đếm dưới 5G/L thì dù chưa có dấu hiệu xuất huyết thì cũng sẽ được chỉ định truyền tiểu cầu để dự phòng nguy cơ chảy máu.
Người mắc sốt xuất huyết thường xuất hiện triệu chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa, chảy máu mũi, chảy máu chân răng hoặc ra máu âm đạo đối với phụ nữ kể từ ngày thứ 3 sau khi mắc bệnh. Vì vậy, đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân chủ quan.
Bác sĩ Cường khuyến cáo khi thấy cơ thể mệt mỏi, đau đầu, sốt thì người bệnh cần đến viện kiểm tra để loại trừ sốt xuất huyết và không nên tự ý sử dụng thuốc.
Hà Nội yêu cầu xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký, ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn.
Ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu các quận, huyện, thị xã đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch qua số lượng người bệnh và kết quả xử lý các ca bệnh, ổ dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sốt xuất huyết của địa phương theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động bố trí kinh phí, cơ số vật tư tiêu hao, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại địa phương.
Các địa phương kiện toàn các tổ giám sát cộng đồng, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế; tổ chức hoạt động của các tổ giám sát, đội xung kích một cách thực chất, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, nhà hàng... trên địa bàn.