Giáo dục và ước mơ thay đổi tương lai của trẻ em vùng cao

| 28-09-2022 - 13:00 PM

(Tổ Quốc) - Với niềm tin giáo dục là con đường để tương lai các em nhỏ rộng mở, chúng tôi, những người tâm huyết với giáo dục đến Trạm Tấu, Yên Bái vào một ngày thu, nơi chúng tôi trực tiếp đứng lớp và có những trải nghiệm xúc động về cuộc sống nhiều khó khăn nơi đây.

Mảnh đất nghèo nơi giáo dục là điều xa xỉ!

Tại xứ sở sương mù của Việt Nam này, gần như 100% dân số là người Mông, có đến 80% là hộ nghèo. Cuộc sống phụ thuộc vào tự canh tự túc, chủ yếu trồng lúa, trồng ngô với phương thức thô sơ.

Giáo dục và ước mơ thay đổi tương lai của trẻ em vùng cao - Ảnh 1.

Đưa chúng tôi đến thăm các gia đình người Mông, thầy Chí Anh - Phó hiệu trưởng trường tiểu học Bản Mù cho biết: Mỗi vụ một nhà chỉ thu hoạch được tầm 5 bao thóc, không đủ ăn chứ chưa nói đến học hành. Nhiều người lớn là trụ cột trong gia đình nhưng chưa từng được đến trường. Nhà nào có con trâu đã được xem là khá lắm. Ngoài trồng trọt, họ không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh, ai thuê gì làm nấy. Địa hình xa xôi, các đoàn viện trợ cũng ít đến hơn những khu vực ven ngoài Yên Bái nên chỉ cần là những đồ dùng còn có thể sử dụng thì mọi đóng góp đều trở thành những món quà quý giá được người dân trân trọng.

Giáo dục và ước mơ thay đổi tương lai của trẻ em vùng cao - Ảnh 2.

Không biết có phải vì vậy mà những đứa trẻ lớn lên nơi đây sớm biết thương bố thương mẹ. Ở độ tuổi lẽ ra đang được cưng chiều thì các em đã rất ngoan ngoãn, biết phụ việc gia đình và tự lập. Giáo dục đối với các em trở thành điều xa xỉ lắm vì cơm ăn chưa đủ no nên bố mẹ cũng không thấy việc học hành là cần thiết, ngay cả khi nhà nước hỗ trợ học phí. Học sinh ở đây giỏi lắm là học hết lớp 5, lớp 9. Chỉ hơn 40% học sinh nam học đến cấp 3, với học sinh nữ thì con số này chưa đến 20%. Cái nghèo vì thế đeo bám khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Thương học sinh như con để các em có thể đi học…

Cô Nguyễn Thị Hồng Sen - hiệu trưởng trường tiểu học Bản Mù nhớ lại. Các thầy cô ở trường đều đến từ những tỉnh thành khác nhau chứ vốn không phải người bản địa ở đây. Bản thân cô đến từ Thái Bình, từ những năm mới ra trường, tuổi trẻ gắn liền với những gia đình người Mông lam lũ. Thương các con mà các thầy cô từng phải đến từng nhà để thuyết phục, vận động bố mẹ hiểu được tầm quan trọng của việc học chữ và học kiến thức. Có những thầy giáo sẵn sàng đi bộ từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt chỉ mong các con không bỏ học. Các con ốm đau, nhà có việc khó, các thầy cô cũng sẵn sàng san sẻ, hướng dẫn, thậm chí phụ góp phần nào chi phí không khác một người thân trong gia đình chỉ với mong muốn những đứa trẻ không bỏ dở việc học.

Giáo dục và ước mơ thay đổi tương lai của trẻ em vùng cao - Ảnh 3.

Thấm thoát nhiều năm trôi qua, tình cảm của những người thầy đã khiến những gia đình Mông nhận ra rằng chỉ có học tập, con cái họ mới có thể thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Người Mông cảm ơn các thầy cô yêu thương con họ như con mình. Cho đến nay đã không còn tỷ lệ học sinh tự ý nghỉ học đã là một thành quả to lớn. Các em được nhà nước lo chi phí, học nội trú tại trường gần như cả tuần và xem thầy cô như cha như mẹ thứ hai. Tuy còn rất nhiều thiếu thốn, nhưng sự giàu có về tình người đã khiến những nụ cười lấp lánh trên môi các em đã trở thành những hình ảnh đẹp mà chúng tôi không thể nào quên.

Giáo dục là con đường duy nhất để thay đổi tương lai

Trực tiếp trải nghiệm và đứng lớp nơi đây, nhìn sự háo hức học hỏi của các em mặc dù thiếu thốn cơ sở vật chất, chúng tôi càng thêm vững tin rằng chỉ có giáo dục mới có thể khiến tương lai các em trở nên rộng mở.

Giáo dục và ước mơ thay đổi tương lai của trẻ em vùng cao - Ảnh 4.

Chúng tôi đã có một ngày tuyệt vời nhận ra những đóng góp của mình có thể phần nào mang lại cho các em một điều kiện giáo dục tươi sáng hơn. Trong ngôi trường tiểu học và trung học cơ sở Khấu Ly khang trang, phòng máy tính đầu tiên dành cho các em học sinh được khánh thành dưới sự chứng kiến đầy tự hào và vui mừng của các thầy cô giáo, các em học sinh và các đại diện đến từ hai nhà tài trợ Apollo English và BeCause For Hope.

Không chỉ trang bị phòng máy, chúng tôi cũng trực tiếp tổ chức các buổi đào tạo về cách sử dụng máy cho các em học sinh. Từ sự rụt rè khi lần đầu gặp gỡ những giáo viên nước ngoài, các em nhỏ đã dần trở nên tự tin và có được những trải nghiệm học tập đầy tiếng cười, bổ ích.

Giáo dục và ước mơ thay đổi tương lai của trẻ em vùng cao - Ảnh 5.

Không khỏi xúc động, thầy Lewis Readman - Giám đốc học vụ cấp cao của Apollo English cho biết: "Đây là chuyến đi tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Sự hứng thú của các em trong mỗi bài học, những tiếng chào đồng thanh thân thương khi chúng tôi bước vào lớp cho thấy các em đã ý thức được giá trị của học tập. Những khoảnh khắc như vậy thật sự khiến những người thầy như chúng tôi tự hào và xúc động. Với phòng máy tính mới được xây dựng, chúng tôi mong muốn các em có thể tiếp cận với công nghệ và ngoại ngữ để từ đó thế giới và tương lai của các em trở nên tốt đẹp hơn".

Mong rằng những trải nghiệm đầy cảm hứng này sẽ mang đến cho các em những hành trang đầu tiên, là nền móng cho những ước mơ để các em được sống với tiềm năng của mình. Hy vọng những chiếc máy tính sẽ là cầu nối xoá nhoà những giới hạn địa lý, chắc chắn chúng tôi sẽ còn trở lại và đồng hành cùng các em nhiều hơn nữa trong tương lai!

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM