Tờ Express của Anh ngày 17/4 dẫn các nguồn tin độc quyền cho biết, các nhà khoa học Mỹ và Anh đang tiến hành phân tích cơ chế ngắm bắn mục tiêu tầm xa, một bí mật công nghệ trang bị cho Su-35S - dòng máy bay chiến đấu tiên tiến nhất do Nga chế tạo.
Các đây hai tuần, Quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm ngắn bắn hạ được một máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35S của Nga.
Sau đó, các chuyên gia của Không quân Ukraine đã kịp thời thu hồi được những thiết bị bí mật quan trọng từ những mảnh vỡ còn lại rồi chuyển giao chúng cho tình báo Anh và giờ đây, chúng đang được các nhà khoa học của Mỹ và Anh “mổ xẻ”!
Theo Express, những phát hiện có thể tìm kiếm được từ chiến lợi phẩm mà phía Ukraine bàn giao có thể tạo ra "sự khác biệt rất lớn" trong cách thức phương Tây tiến hành các cuộc không chiến với cả Nga và Trung Quốc.
Các hệ thống thu hồi được từ Su-35S đã được vận chuyển đến Phòng thí nghiệm Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ (DSTL) của Chính phủ Anh tại Công viên Khoa học Porton Down ở Wiltshire. Tại đây, hai chuyên gia đến từ Không quân Mỹ đã tham gia cùng các nhà khoa học Anh “kiểm tra” chúng trong suốt 10 ngày qua.
Kết quả đánh giá ban đầu được cho là “đầy hứa hẹn” nên các hệ thống hiện đã được vận chuyển đến Nevada (Mỹ) để tiến hành phân tích thêm.
Một chiếc tiêm kích Su-35 Flanker. Ảnh: Sukhoi
Được NATO mệnh danh là “Flanker”, chiếc máy bay chiến đấu Su-35S của Nga đang thực hiện sứ mệnh chế áp hệ thống phòng không của kẻ thù (SEAD) thì bất ngờ bị bắn rơi ở gần Izium, địa điểm cách Kharkiv, miền DDông Ukraine khoảng 75 km vào ngày 3/4.
Dù không sở hữu công nghệ tàng hình nhưng Su-35 của Nga được đánh giá là tương đương với máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ hiện đang được Không quân Anh và 14 quốc gia NATO khác sử dụng.
Viễn cảnh về việc các cường quốc NATO có thể giải mã được bí mật công nghệ tinh vi trang bị cho Su-35 sẽ khiến Nga phải đối diện với những thiệt hại tiềm ẩn vô vùng lớn.
Không chỉ Nga mà cả Trung Quốc có lẽ cũng phải “giật mình” vì Bắc Kinh là đối tác quốc phòng lớn nhất của Moscow khi chi tới 2 tỷ USD để mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 vào năm 2015.
Justin Bronk, chuyên gia công nghệ và năng lượng không quân tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết: “Bất kỳ cơ hội nào tiếp cận được các thành phần radar hoặc hệ thống tác chiến điện tử trên chiếc Su-35 bị bắn rơi đều rất có giá trị, ngay cả khi chúng bị hư hỏng”.
Giáo sư Alessio Patalano thuộc Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, Đại học King's College, London nhận định: "Mặc dù cuộc chiến ở Ukraine bị chi phối bởi các chiến dịch trên bộ nhưng chúng ta cần nhớ rằng Nga vẫn đang có trong tay lợi thế công nghệ rất được quan tâm ở phương Tây”.
“Su-35S không phải là một chiếc máy bay chiến đấu đơn thuần. Nó là một thiết bị máy móc tinh vi và rất tiên tiến mà Nga đã bỏ ra nhiều thập kỷ để phát triển. Một khi công nghệ của nó bị giải mã, tất nhiên tùy thuộc vào những gì mà Anh và Mỹ khai thác được, Nga chắc chắn sẽ rất lo lắng”.