Đứa trẻ 8 tuổi tuột tay mẹ trên đường đón hòa bình, lưu lạc 48 năm, suýt chết 2 lần mới biết được thân thế thật

Thiên Yết | 06-07-2023 - 19:38 PM

(Tổ Quốc) - “Chị ơi, sao chị bỏ em?”. Gặp lại chị, người người đàn ông hơn 50 tuổi oà khóc, dỗi hờn như đứa trẻ lên 8 năm xưa bơ vơ trên chuyến xe đò chật ních người. Chỉ một cái nhấn ga của người tài xế năm ấy, họ phải đợi gần nửa thế kỷ sau mới gặp lại nhau.

Lạc gia đình trên đường đi đón hòa bình

Hơn nửa thế kỷ trước, có một đứa trẻ tuột tay mẹ giữa cuộc tháo chạy của Mỹ tháng 4/1975, vào thời điểm chưa đến hòa bình, nhưng hòa bình đang đến. Anh Cao Quốc Tựu thất lạc gia đình từ thuở lên 7, lên 8. Lưu lạc chốn này chốn kia, năm 1978, anh được má nuôi đón về ấp Bình Cang, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An và sống từ đó đến giờ. Má chăm bẵm, nuôi nấng, cưới vợ cho anh và cho miếng đất cất nhà, trồng thanh long.

Anh Tựu học nghề xây dựng khéo, làm thợ hồ tay nghề cao, được giao cho những công đoạn tỉ mỉ nhất trong công trình, hay đi đó đi đây. Làm nhà đẹp cho người ta, nhưng nhà anh xây từ 2013 chưa hoàn thiện, vì cả nhà dồn tiền cho cô con gái út đang học Cao đẳng công nghệ thực phẩm trên Sài Gòn.

Đứa trẻ 8 tuổi tuột tay mẹ trên đường đón hòa bình, lưu lạc 48 năm, suýt chết 2 lần mới biết được thân thế thật - Ảnh 1.

Anh Cao Quốc Tựu từng là đứa trẻ đi lạc năm 1975.

Vợ anh và con trai lớn ở nhà trồng thanh long kiếm sống, lo tiền học phí cho em út. Hai người con có hiếu, vợ chồng chăm chỉ làm ăn, nhưng trong tận sâu thẳm tâm hồn, anh Tựu vẫn thấy có khoảng trống lớn, khao khát muốn tìm lại bà nội cho con.

Ít ai đoán được anh Tựu từng là một đứa trẻ đi lạc trên đường chạy loạn. Anh Tựu kín tiếng, không chia sẻ với vợ những nỗi đau, những vết thương sâu sắc nhất của mình. Lúc chưa vợ, anh đi đâu cũng kể chuyện mình bị lạc, nhờ loan tin để tìm lại gia đình. Nhưng bạn bè nói anh là “đồ không cha không mẹ”, “lạc chợ trôi sông”, đôi khi còn bị dè chừng vì không biết gốc gác ở đâu, anh tủi thân đến mức quyên sinh.

May sao cậu Tám (em trai của má nuôi) phát hiện, đưa đi viện cấp cứu. Sau lần đó, anh cố gắng học nghề, chăm chỉ làm lụng, rồi có vợ sinh con thì lấy đó làm động lực, sống lương thiện, chăm chỉ, vững vàng để con làm chỗ dựa.

Suốt nửa thế kỷ, anh Tựu không buông bỏ việc tìm gia đình gốc, dù tin tức bặt tăm. Có lần đi du lịch Phan Thiết, địa danh duy nhất anh có ấn tượng, anh tìm ra đường ray xe lửa, tìm lại cái giếng, xe lam, xe bò trong ký ức đã mờ dần theo thời gian, nhưng dấu vết xưa không còn lại gì.

Những ân nhân tặng hơi ấm cho đứa trẻ lạc nhà

Anh Tựu không còn nhớ nổi mình đi lạc ở địa phương nào, nhưng không thể quên những ân nhân đã ở bên trong những ngày tháng cũ. Ân nhân đầu tiên của anh Tựu là một phụ nữ trẻ mặc đầm đen, ngồi cùng chuyến xe đò. Ở bến cuối nơi xe đò dừng lại, mọi người xuống hết, đứa trẻ không thấy mẹ, không thấy chị Hoa, em Tâm đâu, và chợt hiểu rằng mình đã mất gia đình. Trong những ngày cuối cùng của chiến tranh, người phụ nữ xa lạ đã dắt anh đi khắp nơi tìm mẹ, nhưng vô ích.

Rồi mười mấy chú bộ đội người Bắc đã bao bọc cho Tựu. Bộ đội cho anh ở cùng, nấu nướng cho ăn, gọi đài phát thanh, đăng báo cho anh tìm cha mẹ. Cũng nhiều người lạc con đến tìm lắm, nhưng không phải cha mẹ anh.

Các chú bộ đội lại gửi anh cho dì Phước, trong trại trẻ mồ côi cả ngàn đứa. Đứa trẻ 8 tuổi khi đó được giao cho chăm sóc mười mấy đứa em, cơm nước, giặt giũ, được cho ăn học.

Đứa trẻ 8 tuổi tuột tay mẹ trên đường đón hòa bình, lưu lạc 48 năm, suýt chết 2 lần mới biết được thân thế thật - Ảnh 2.

Anh Tựu trải qua nhiều biến cố, 2 lần suýt chết nhưng vẫn nuôi hy vọng đoàn tụ.

Tới khi anh học lớp 3, bà Út Giáo - một phụ nữ địa phương - đến xin anh về nuôi. Ai dè, chồng của bà Út lại đánh đập anh tàn nhẫn, tới mức mấy người hàng xóm thấy xót, xông vào cứu, để anh ở ủy ban xã lánh nạn.

Rồi bằng sự nhạy cảm của một đứa trẻ côi cút, Tựu đã “chọn” người cán bộ xã, bà Cao Thị Ảnh là mẹ nuôi cho mình. Bà Ảnh năm đó là Phó Bí thư chi bộ xã Bình Quới, trưởng ban chấp hành phụ nữ, là vợ liệt sĩ. Hồi bà Út lên xin giấy nhận nuôi Tựu, bà Ảnh là người ký giấy. Rồi bị đánh, Tựu ở miết trên ủy ban.

Bà Ảnh nhớ lại: “Thấy nó (anh Tựu - PV) ở vậy hoài đâu có được, tôi họp xin ý kiến dân để trả con cho bà Út. Dân đồng thuận rồi, nhưng bà Út không nhận con nữa mà nó cũng không chịu về. Nó cứ nắm áo, lẽo đẽo đi theo tôi hoài không rời, tôi đi họp nó cũng đi theo, tối về ngủ cùng tôi, sáng lại lên xã ngồi. Tôi xin với má đem nó về nuôi. Mới về mà đã giỏi lắm, biết phụ má làm mọi việc nhà”.

Đứa trẻ 8 tuổi tuột tay mẹ trên đường đón hòa bình, lưu lạc 48 năm, suýt chết 2 lần mới biết được thân thế thật - Ảnh 3.

Bà Cao Thị Ảnh đã, nuôi nấng anh Tựu bằng tình yêu lý tưởng của một người mẹ.

Gia đình bà Ảnh có truyền thống cách mạng. Chồng bà mất vì biệt kích năm bà mới 25 tuổi, bà ở vậy nhưng lại có hai người con trai. Đó là anh Dũng, được bà đón về từ tay một người phụ nữ cho con giữa chợ, năn nỉ ba má chồng cho nuôi; và anh Tựu.

Từ năm 1978, anh Tựu chính thức có má, có anh trai nuôi, có gia đình bên má Ảnh yêu thương. Giờ má Ảnh 82 tuổi, có lương hưu dư sống, không cần các con phụng dưỡng gì. Bà chỉ có hạnh phúc là hai con trai đều yêu kính, gắn bó với má, hòa thuận với nhau. Một người vợ liệt sĩ nhận nuôi một người con lai của lính Mỹ và một người con có ba mẹ dính dáng đến chế độ cũ. Bằng tình yêu thương lý tưởng và trái tim người mẹ, má Ảnh đã phần nào xoa dịu trái tim nhiều tổn thương của anh Tựu.

Đoàn tụ sau gần nửa thế kỷ, người đàn ông ngỡ ngàng biết thân thế thật

Trong ký ức của anh Tựu, ba anh tên Bé, mẹ tên Bê, chị tên Hoa, em trai nhỏ tên Tâm. Anh di chuyển nhiều nơi nên không nhớ các địa danh, chỉ mang máng nhớ mình có đi qua huyện Hàm Tân, Bình Thuận, đi dọc ven biển đến biển La Gi để tránh bom.

Hồi tháng 4/1975, anh nhớ là ba anh thay đồ màu trắng, cả gia đình lên máy bay trực thăng từ Vũng Tàu đi ra rước người tị nạn. Khi được thả xuống đất, ba lấy đồ cho mấy đứa con ăn rồi dặn ở yên đó để ba đi họp. Nhưng má sốt ruột, mang ba con lên xe đò tìm ba, rồi lạc nhau ở khúc nào không rõ.

Đứa trẻ 8 tuổi tuột tay mẹ trên đường đón hòa bình, lưu lạc 48 năm, suýt chết 2 lần mới biết được thân thế thật - Ảnh 4.

Ông Trần Văn Bé giờ đã 77 tuổi, đã xuất gia.

Chị Trần Thị Hoa, chị ruột anh Tựu nhớ lại: “Xe đò hôm đó chen nhau nghẹt xem tôi còn phải đứng. Tựu được cho lên đầu xe, còn má, tôi và em Tâm ở phía sau. Đến khúc ngã ba Tân Vạn hay Tam Hiệp, mọi người xô lấn nhau xuống, má phát hiện ra thiếu Tựu, nhưng vẫy mà xe không dừng lại. Không có đồng bạc nào trong người, không biết tìm ở đâu, gia đình đành chấp nhận lạc mất em.

Đứa trẻ 8 tuổi tuột tay mẹ trên đường đón hòa bình, lưu lạc 48 năm, suýt chết 2 lần mới biết được thân thế thật - Ảnh 5.

Chị Trần Thị Hoa vẫn nhớ như in ngày lạc em, năm chị 11 tuổi.

Mấy má con về Biên Hòa ở cùng ba một thời gian rồi bà Bê xin giấy về Hàm Thuận Nam, khu đất của ông bà ngoại bỏ hoang, khai phá đất làm ăn. Ông Bê cũng theo vợ về ở ít lâu, họ sinh thêm hai con trai nữa, rồi ông về lại Biên Hòa, xuất gia đi tu. Người con trai sinh vào năm hòa bình, Trần Văn Tánh (sau xuất gia tên là Thích Giác Tánh) cũng đi tu.

Đứa trẻ 8 tuổi tuột tay mẹ trên đường đón hòa bình, lưu lạc 48 năm, suýt chết 2 lần mới biết được thân thế thật - Ảnh 6.

Sư thầy Thích Giác Tánh chỉ hình dung về anh trai qua lời kể của má, cũng đi tìm anh nhiều năm nhưng không có kết quả.

Anh Trần Văn Tâm, người sống cùng má cho đến ngày qua đời vào năm 2007 kể lại, bà Bê có mấy năm bị lẫn, nhớ nhớ quên quên, nhưng trong nhiều năm, bà vẫn liên tục nói về anh Tựu, nói rằng từ năm lạc con, bà chưa có ngày nào được sung sướng. Khi nằm xuống, cũng như những người khác trong gia đình, bà không nghĩ là anh Tựu còn sống qua những biến cố cuộc đời.

Với sự hỗ trợ tìm kiếm của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly và sự bền bỉ tìm kiếm suốt 48 năm của anh Tựu, anh đã được đoàn tụ với gia đình mình. Chị Hoa nhớ lại, trước khi lên xe đò, chị và anh Tựu còn cãi nhau, chị đùa lát lên xe sẽ bỏ em lại, mà ai ngờ lời đùa lại thành sự thật. Chị ôm nỗi ân hận đó đến tận ngày gặp lại anh, cho đến khi nói được lời xin lỗi đáp lại câu hỏi buột ra từ miệng anh Tựu: “Sao chị lại bỏ em?”.

Đứa trẻ 8 tuổi tuột tay mẹ trên đường đón hòa bình, lưu lạc 48 năm, suýt chết 2 lần mới biết được thân thế thật - Ảnh 7.

Một điều bất ngờ nữa về thân thế của anh Tựu mà đến nửa thế kỷ mới được hé lộ, đó là người cha mà anh Tựu đi tìm, hóa ra là cha dượng. Ông đến với bà Bê sau khi chồng bà Bê mất, để lại hai con là Hoa (3 tuổi) và Tựu (vừa sinh). Ê-kíp Như chưa hề có cuộc chia ly cũng tìm thấy gia đình gốc của ba ruột anh Tựu, là họ Đỗ ở Hà Tĩnh, tìm thấy anh chị em khác của anh nữa.

Vậy là, đứa trẻ lạc nhà đã nối lại được liên lạc với gia đình, có thêm những anh chị em mới, 48 năm sau ngày cùng mẹ đi đến hòa bình. Giờ đây, chỉ có nỗi đau ly tán được tình thương yêu hàn gắn lại.

Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM