Xu hướng đầu tư bất động sản dịch chuyển như thế nào?
Năm 2018 thị trường BĐS Tp.HCM giảm nguồn cung nghiêm trọng ở hầu hết các phân khúc. Bước sang năm 2019 vẫn không khá khẩm hơn, và tới 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát càng khiến nguồn cung BĐS toàn thị trường khan hiếm đến mức "báo động". Tuy nhiên, theo ghi nhận, tỉ lệ hấp thụ của một số thị trường vẫn khá tốt, đặc biệt ở loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực, giá còn mềm.
Riêng đối với phân khúc đất nền, do mặt bằng giá sơ cấp tại Tp.HCM ở mức cao đã khiến nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư mới với các sản phẩm đất nền, BĐS du lịch ven biển các tỉnh vệ tinh đang có mức giá phù hợp.
Thực tế, xu hướng dịch chuyển dòng vốn về các thị trường vệ tinh đã hình thành từ trước và nay càng mạnh hơn do giao thông hạ tầng kết nối tốt hơn. Thế nên, ở những vùng đất mới nổi đang trên đà phát triển, dư địa tăng giá lớn tạo nên lực hút đầu tư mạnh mẽ rõ nét ở thời điểm này.
Những vùng đất mới nổi, có hạ tầng kết nối tốt đang lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư địa ốc
Ngoài thị trường quen thuộc Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cũng đang lọt vào tầm ngắm nhà đầu tư vài năm trở lại đây, khi khu vực này có hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện.
Theo các chuyên gia, đất nền khu vực này có mức giá còn mềm là do quỹ đất sạch nơi đây còn dồi dào. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lớn với những dự định đầu tư tầm cỡ cũng đang tạo động lực lớn kéo khách hàng tới đây với kỳ vọng vào dư địa sinh lời.
Đặc biệt, các sản phẩm trong các dự án khu đô thị quy mô được quy hoạch bài bản, đồng bộ và hoàn chỉnh các tiện ích ở các khu vực có kết nối hạ tầng thuận tiện ở thị trường vệ tinh đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nhờ mức giá còn ở mức dễ chịu, chủng loại sản phẩm đa dạng trong khi tiềm năng phát triển còn rộng lớn.
Dòng tiền nhà đầu tư đổ về vùng đất mới
Bên cạnh các khu vệ tinh vốn sôi động của Tp.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… thì thời gian gần đây, dòng tiền của NĐT có xu hướng dịch chuyển về cả các vùng đất còn mới mẻ như Hậu Giang, Bình Phước, Bình Thuận…để tìm kiếm cơ hội biên lợi nhuận trong dài hạn.
Trong đó, khu vực Tây Nam Bộ với thị trường mới nổi là Hậu Giang, được xem là người em của trung tâm Cần Thơ đang được NĐT chú ý do lợi thế về vị trí, hạ tầng, kinh tế. Nơi đây đang hưởng lợi nhờ tốc độ phát triển hạ tầng, giao thông, kinh tế, thu hút đầu tư. Một số khu vực có nhiều dự án sôi động như Vị Thanh (Hậu Giang) hay Bình Thủy (Cần Thơ) đang là điểm hút mới của giới đầu tư, bởi có nhiều tuyến đường mới được đầu tư.
Nhiều NĐT tìm kiếm cơ hội lợi nhuận ở các thị trường đang có mức giá thấp. Ảnh: Hạ Vy
Ghi nhận cho thấy, khoảng 1-2 năm nay, Tp.Vị Thanh thuộc Hậu Giang đang là sân chơi của khá nhiều ông lớn BĐS với các dự án phát triển quy mô lên đến hàng trăm héc-ta. Có thể kể đến như dự án Cát Tường Western Pearl quy mô 80ha, dự án Vincom Vị Thanh, dự án Victory Hậu Giang,...ở Vị Thanh, dự án KĐT Stella Mega City ở Cần Thơ. Đa phần các dự án bán đất nền đô thị có sổ đỏ và pháp lý đầy đủ. Nhu cầu đầu tư cao khiến đất nền, nhà phố ở các TP khu vực phía Nam được nhiều nhà đầu tư tìm kiếm trong những năm gần đây.
Theo nhận định của chuyên gia BĐS, nếu hạ tầng kết nối tốt, các địa phương phát triển các khu kinh tế mới gắn liền với việc phát triển các khu đô thị quy mô tại các khu đô thị vệ tinh thì khả năng sinh lợi từ các dự án này sẽ thực sự hiệu quả. Với những vùng đất mới, đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng như Bình Phước, Hậu Giang, hay Bình Thuận thì những kì vọng về biên độ tăng giá sẽ còn cao. Đó là lý do các NĐT cá nhân thường về đón sóng ở các vùng đất mới để tận dụng lợi thế mặt bằng giá còn thấp.
Cũng theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS hậu Covid-19 không có nhiều điều kiện thuận lợi đối với nhà đầu tư lướt sóng. Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư trung và dài hạn chuộng những sản phẩm sở hữu tiềm năng về lâu dài. Nhiều nhà đầu tư vì thế đã dịch chuyển dòng vốn ra khu vực vệ tinh các thành phố lớn và các đô thị trung tâm. Những khu vực có ưu thế về quỹ đất, không gian, kết nối vùng và hứa hẹn sinh lời tốt khi hạ tầng hoàn thiện trong tương lai.
Ghi nhân cho thấy, trong bối cảnh thị trường trầm lắng hậu Covid-19, BĐS ở một số thị trường mới nổi vẫn thu hút lượng lớn khách hàng đầu tư trung và dài hạn. Đây được xem là điểm đến mới cho nhà đầu tư dài hạn nhờ sở hữu các ưu thế về vị trí đắc địa, hạ tầng giao thông hoàn thiện, kinh tế tăng trưởng ổn định và là điểm sáng của nguồn vốn FDI đầu tư vào các tỉnh này.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở, CBRE Việt Nam cho hay, nguồn cầu lớn về nhà ở vẫn tiếp tục tăng cao trong khi trên địa bàn thành phố hạn chế cấp phép dự án mới, xu hướng "dòng tiền" dịch chuyển của các nhà đầu tư tại Tp.HCM sang các tỉnh lân cận đang trở nên mạnh mẽ . Nếu hạ tầng kết nối tốt, các địa phương phát triển các khu kinh tế mới gắn liền với việc phát triển các khu đô thị quy mô tại các khu đô thị vệ tinh thì khả năng sinh lợi từ các dự án này sẽ thực sự hiệu quả.
"Các chủ đầu tư phát triển các đô thị với quy mô lớn, quy hoạch đồng bộ, tạo được không gian cảnh quan chủ đề, không gian cây xanh và không gian tiện ích nên thu hút được khách mua. Tuy nhiên, việc kết nối với khu đô thị trung tâm Tp.HCM vẫn là một trong những yếu tố cần quan tâm để có thể thu hút cư dân về sinh sống thường xuyên", ông Kiệt nhận định.