Đôi vợ chồng từ Bắc vào Nam lập nghiệp, tay trắng tạo dựng cơ ngơi, thập tử nhất sinh luôn bên nhau

Thiên Thanh | 12-12-2022 - 16:37 PM

(Tổ Quốc) - Suốt 44 năm gắn bó, chuyện tình trăm năm của ông Thành và bà Lan trải qua vô vàn sóng gió, thử thách nhưng cả hai luôn kề vai sát cánh, yêu thương nhau.

Ngay từ lần gặp mặt đầu tiên tại nhà máy dệt, ông Nguyễn Ngọc Thành (72 tuổi) đã có cảm tình ngay với bà Trương Thị Lan (64 tuổi). Mối tình trong trẻo của ông bà được ví như liều thuốc tình yêu chữa lành bệnh tật, giúp ông Thành vượt qua cơn thập tử nhất sinh.

Tình yêu trong sáng thời "ông bà" 

Năm 1978, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Thành làm việc tại xưởng cơ khí, nhà máy dệt Nam Định. Trong khi đó, bà Lan là thợ máy trải vải. Ở độ tuổi dựng vợ gả chồng, cả hai đều được gia đình thúc giục chuyện cưới xin.

Đôi vợ chồng Nam tiến lập nghiệp, từ tay trắng tạo dựng cơ ngơi, thập tử nhất sinh luôn bên nhau - Ảnh 1.

Ông Thành và bà Lan có chuyện tình yêu đẹp

Một lần, ông Thành được bạn giới thiệu đến làm quen với bà Lan. Trong buổi nghỉ trưa giải lao, ông Thành tìm gặp để làm quen với cô đồng nghiệp. Ngay từ lần đó, chàng trai ở xưởng cơ khí đã có cảm tình ngay với cô thợ máy rồi quyết tâm theo đuổi.

Để lấy cớ gặp gỡ, ông Thành lân la hỏi mượn chiếc cặp lồng mang cơm của đối phương để đựng sơn. Dù thấy lạ, nhưng bà Lan vẫn đồng ý. Sau này khi hỏi ra mới biết, ông Thành vờ mượn để tiện biết nhà, tối nào cũng mang sang trả đồ. Khi đã làm quen được cô thợ máy, ông Thành ngày ngày đạp xe đưa đón bà Lan đi làm và dẫn nàng đi xem phim.

Phải lòng cô gái có nụ cười tỏa nắng từ lâu nhưng ông Thành không dám nắm tay hay tỏ tình. Mãi đến 5 tháng sau, khi có dịp đạp xe đèo bà Lan qua đê Sông Hồng ông mới thổ lộ tình cảm và hỏi cưới luôn. 

Đôi vợ chồng Nam tiến lập nghiệp, từ tay trắng tạo dựng cơ ngơi, thập tử nhất sinh luôn bên nhau - Ảnh 2.

Ảnh cưới của vợ chồng ông Thành

"Các cụ đang mong, từ đây đến cuối năm mình cưới nhau nhé Lan nhé!", bà Lan nhớ lại lời tỏ tình của chồng. Trước tấm chân tình, trong sáng của chàng thợ cơ khí, bà Lan gật đầu. Nhận được sự ủng hộ của hai bên gia đình, cặp đôi nhanh chóng có một đám cưới ấm cúng, hạnh phúc.

Gia đình ông Thành ngoài Bắc hồi đó còn nghèo khó, căn nhà nhỏ chỉ khoảng 18m2 mà 3, 4 thế hệ chung sống nên những ngày đầu đôi vợ chồng son gặp không ít bất tiện. Để có phòng tân hôn, đôi trẻ phải căng rèm ri-đô, kê chiếc giường sát vách tường. Một tuần loay hoay, đôi ông Thành, bà Lan mới có đêm tân hôn.

Cùng nhau từ thời cơ hàn, chăm sóc nhau lúc bệnh tật

Cưới gần một năm, ông bà đón con đầu lòng. Bốn tháng sau, bà Lan lại mang thai. Mẹ chồng thấy hoàn cảnh thiếu thốn mới mắng: "Lấy gì ăn mà đẻ". Thấy gia đình nghèo khó, năm 1981 vợ chồng ông Thành quyết định khăn gói lên tàu vào Nam lập nghiệp.

Mong muốn thay đổi cuộc sống, hai vợ chồng ông Thành làm đủ nghề để mưu sinh. Thời gian đầu, ông bà ở nhờ, ở thuê. Năm 1986, ông bà vay mượn, "bán cả chậu giặt cho con" để gom tiền mua căn nhà đầu tiên với giá gần 5 lượng vàng.

Sau khi đã an cư, vợ chồng ông Thành bắt tay vào kinh doanh. Nhà gần chợ, bà Lan buôn bán nước giải khát, bia... Nắm bắt thời cơ và sẵn vốn trong tay, ông bà mở dịch vụ điện thoại công cộng, cho thuê băng đĩa ti vi,... Từ đó, kinh tế gia đình dần ổn định, khá giả, mua thêm nhà thêm đất.

"Đỉnh điểm có 10 cái đầu máy, 3 cái ti vi cho thuê cứ 1 giờ thuê là 2.500 đồng. Có nhiều tiền, vợ chồng lại mua đất mua nhà". Có của ăn của để, ông bà càng yêu thương nhau hơn, gia đình hạnh phúc chưa bao giờ xảy ra cãi vã, to tiếng. 

Thế nhưng đến năm 2021, biến cố bất ngờ ập đến khi bà Lan gặp tai nạn phải khâu 25 mũi, đặt 11 con vít. Suốt nhiều tháng, bà phải nằm liệt giường và cũng ngần ấy thời gian ông Thành tận tình chăm sóc, tắm rửa giúp vợ.

Khi vợ vừa phục hồi thì tháng 3/2022, ông Thành bất ngờ phát bệnh tưởng chừng không qua khỏi. Ông mắc căn bệnh tăng tiểu cầu suốt 15 năm trời. 

Đôi vợ chồng Nam tiến lập nghiệp, từ tay trắng tạo dựng cơ ngơi, thập tử nhất sinh luôn bên nhau - Ảnh 3.

Ông Thành và vợ xem lại những bức ảnh kỷ niệm

"Đi các bệnh viện, 12 đến 1 giờ đêm họ trả về. Gia đình sắm giường sắt để có gì nằm tại chỗ và lén đi hỏi trại hòm cả rồi. Thậm chí, ông đã dặn dò vợ con. Bạn bè người thân cũng an ủi hãy chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất", bà Lan kể lại.

Không từ bỏ, bà Lan tận tình chăm sóc, thủ thỉ những lời yêu thương với chồng. Bà còn bí mật nhờ những người bạn của chồng thường xuyên gọi điện trò chuyện, động viên ông. Cuối cùng, phép màu đã xảy ra, ông Thành vượt qua bệnh tật, dần khoẻ lại.

Qua cơn thập tử nhất sinh, ông Thành khẳng định chính tình yêu của vợ đã giúp ông vượt qua bạo bệnh. Sau 44 năm bên nhau, trải qua ranh giới sinh tử, vợ chồng ông Thành càng thêm trân trọng yêu thương nhau hơn. Hiện ông bà sinh sống ở quận 7, TPHCM. Ông bà có 3 người con (hai trai một gái) hiện đã lập gia đình và ổn định cuộc sống.


Nguồn: Tình Trăm Năm