Điều gì khiến áo cổ lọ trở thành trang phục không thể thiếu của giới nghệ sĩ, doanh nhân: Steve Jobs mua hơn trăm cái, khuấy đảo làng thời trang thế kỷ 20?

Linh Hân | 03-12-2020 - 11:02 AM

(Tổ Quốc) - Đối với các thiên tài sáng tạo, áo cổ lọ đen thoải mái nhưng không kém phần lịch lãm, thể hiện sự khôn ngoan.

Năm 2018, doanh nhân Elizabeth Holmes hãng xét nghiệm máu Theranos đã gây rúng động toàn thế giới khi bị cáo buộc lừa đảo quy mô lớn. Tuy nhiên, giới truyền thông không bàn tán nhiều về hành vi gian dối của nữ tỷ phú này, mà lại tập trung vào gu thời trang độc đáo của cô: áo khoác đen, quần đen - và quan trọng nhất - áo cổ len đen.

“Tôi có 150 chiếc áo như thế này”, Holmes từng nói với tạp chí Glamour năm 2015. “Đây là đồng phục của tôi. Nó khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, vì bạn chỉ việc mặc cùng một trang phục và không cần phải nghĩ nhiều - vậy là bớt một thứ phiền phức”. 

Theo một số nhân viên tại Theranos, gu thời trang của Holmes là học hỏi từ cố chủ tịch Apple - Steve Jobs. Ông thường xuyên xuất hiện với chiếc áo cổ lọ đen do Issey Miyake thiết kế suốt hơn 10 năm, biến trang phục này trở thành hình ảnh nhận diện của mình. 

Điều gì khiến áo cổ lọ trở thành trang phục không thể thiếu của giới nghệ sĩ, doanh nhân: Steve Jobs mua hơn trăm cái, khuấy đảo làng thời trang thế kỷ 20? - Ảnh 1.

Nữ doanh nhân tai tiếng Elizabeth Holmes

“Mối lương duyên” giữa Steve Jobs và chiếc áo cổ lọ đen

Theo Walter Isaacson - người viết hồi ký cho Steve Jobs, mọi chuyện bắt đầu khi cố chủ tịch Apple đến thăm Nhật Bản vào thập niên 80. Tại đây, ông đã gặp Akio Morita - chủ tịch của Sony. Lúc bấy giờ, mọi công nhân trong các nhà máy Sony đều mặc đồng phục.

“Sau chiến tranh, người dân không có quần áo mặc, nên những công ty như Sony phải cho công nhân thứ gì đó để mặc mỗi ngày”, ông Morita giải thích. Kể từ đó, đồng phục đã trở thành một cách để người lao động gắn kết với công ty và thể hiện phong cách của công ty.

Sony đã nhờ nhà thiết kế nổi tiếng Issey Miyake sáng tạo mẫu đồng phục này. Đó là một chiếc áo khoác làm từ vải từ chống rách, với tay áo có thể kéo dài ra để biến thành vest. Steve Jobs đã thử liên lạc với Miyake và nhờ ông thiết kế mẫu áo vest tương tự cho Apple.

Điều gì khiến áo cổ lọ trở thành trang phục không thể thiếu của giới nghệ sĩ, doanh nhân: Steve Jobs mua hơn trăm cái, khuấy đảo làng thời trang thế kỷ 20? - Ảnh 2.

Steve Jobs đã mặc áo cổ lọ đen từ khi còn trẻ.

“Tôi đã nghĩ ra vài mẫu và nói với mọi người rằng sẽ rất tuyệt nếu chúng ta đều mặc trang phục này. Nhưng không, tôi bị phản đối ngay trên sân khấu. Ai nấy cũng ghét ý tưởng này”. 

Dù vậy, Steve Jobs vẫn rất thích thú với ý tưởng có đồng phục cho riêng mình. Ông không muốn phải suy nghĩ xem nên mặc gì mỗi ngày, cũng như muốn “tạo phong cách thời trang đặc trưng của bản thân”. 

Sau một thời gian kết bạn với Miyake, Steve Jobs bị thu hút bởi một mẫu thiết kế áo cổ lọ đen. Cố chủ tịch Apple đã nhờ Miyake may cho mình vài bộ, nhưng nhà thiết kế này đã gửi “hàng trăm cái” cho ông. Steve Jobs đã giữ chúng trong tủ và biến áo cổ lọ đen trở thành trang phục tiêu biểu của mình sau này.

Kể từ đó, chiếc áo cổ lọ mà Steve Jobs mặc đã trở thành biểu tượng của trí tuệ và sự khôn ngoan. Nó giúp ông trở nên khác biệt so với các doanh nhân khác như Bill Gates hay Jeff Bezos - một con người với tầm nhìn vượt xa khuôn khổ. 

Điều gì khiến áo cổ lọ trở thành trang phục không thể thiếu của giới nghệ sĩ, doanh nhân: Steve Jobs mua hơn trăm cái, khuấy đảo làng thời trang thế kỷ 20? - Ảnh 3.

Áo cổ lọ đen - biểu tượng của sự thời thượng, trang nhã và khôn ngoan

Làm thế nào mà một trang phục thông thường như vậy lại được giới doanh nhân ưa chuộng đến vậy? Câu trả lời nằm ở sự đơn giản của nó. 

Áo sơ mi bình thường trông quá cứng nhắc và nghiêm túc, còn áo phông lại không đứng phom và quá xuề xòa. Trong khi đó, áo cổ lọ đen của Steve Jobs thì là sự tổng hòa giữa lịch sự và thoải mái. Nó phù hợp để mặc bên trong áo vest, nhưng vẫn tạo được sự thoải mái và đơn giản để mặc thường ngày. 

Áo cổ lọ xuất hiện lần đầu vào cuối thế kỷ 19, dưới dạng trang phục thi đấu của các vận động viên polo. Ban đầu, chỉ có các vận động viên, người lao động, thủy thủ và binh sĩ mặc trang phục này. Thế nhưng, đến đầu thế kỷ 20, những dân chơi phóng túng ở châu Âu đã nhìn thấy tiềm năng của áo cổ lọ: vừa trang nhã, vừa phảng phất dấu ấn hiện đại.

Một trong những người góp phần giúp áo cổ lọ trở nên phổ biến là nhà soạn kịch người Anh Noel Coward. Ông thường xuyên diện trang phục này trong thời kỳ hoàng kim của thập niên 20 vì sự thoải mái của nó. Dần dần, áo cổ lọ trở thành biểu tượng cho việc coi thường các quy ước chuẩn mực, được minh tinh người Mỹ gốc Đức Marlene Dietrich và nhà văn Evelyn Waugh trưng diện ngoài đời.

Tuy nhiên, khi Thế chiến 2 kết thúc mới là thời kỳ đỉnh cao thực sự của áo cổ lọ. Phong trào phục hưng văn hóa tại Paris (Pháp) biến áo cổ lọ trở thành trang phục mà bất kỳ ai theo chủ nghĩa hiện sinh cũng phải có. Món đồ này gắn liền với tên tuổi của các nhà văn, họa sĩ, nhạc công, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất của “Kinh đô ánh sáng” như Juliette Greco, Yves Montand, Jacques Brel và Miles Davis.

Năm 1957, người đẹp Audrey Hepburn đã diện áo cổ lọ khi đóng cảnh lái xe tại Paris trong bộ phim tình cảm Funny Face. Kể từ ấy, nhiều ngôi sao Hollywood khác cũng học tập theo phong cách này.

Điều gì khiến áo cổ lọ trở thành trang phục không thể thiếu của giới nghệ sĩ, doanh nhân: Steve Jobs mua hơn trăm cái, khuấy đảo làng thời trang thế kỷ 20? - Ảnh 4.

Audrey Hepburn trong trang phục áo cổ lọ.

Sở hữu dáng vẻ vừa thời thượng, vừa trang nhã, áo cổ lọ trở thành biểu tượng thời trang tại Mỹ trong thập niên 50. Từ danh ca Lou Read đến nhà văn Joan Didion, từ nhà hoạt động chính trị Eldridge Cleaver đến nhà báo nổi tiếng Gloria Steinem đều từng diện trang phục này. Ngay cả Bob Dylan cũng liên tục mặc áo cổ lọ trong khoảng thời gian chuyển sang chơi guitar điện. 

Khi ấy, họa sĩ lừng danh Andy Warhol - ông vua của nghệ thuật bình dân - cũng chọn áo cổ lọ đen làm trang phục biểu tượng của mình. Màn lột xác này đã gây tiếng vang trong giới hội họa, bởi trước đó ông chỉ mặc suit và đeo cà vạt.

(Theo CNN, CSMonitor)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM