Người ta hay nói, ở đời chia ngọt sẻ bùi thì dễ, cùng chung hoạn nạn có chăng mấy ai. Trái ngang thay, nhiều khi lại hoàn toàn ngược lại. Ở bên nhau lúc cơ hàn, khó khăn, hạnh phúc lắm đấy. Tới khi sang giàu, có đủ đầy mọi thứ trong tay, người ta lại mất dần sự trân trọng dành cho nhau, cũng như quên sạch tình nghĩa mà đối phương từng dành cho mình.
"Giàu đổi bạn, sang đổi vợ", nhiều người vợ tào khang dù ấm ức, xót xa đến chết lặng nhưng vẫn chẳng thể làm được gì khi ngày ngày chứng kiến sự thay lòng của chồng. Sở hữu tiền bạc trong tay, vợ thì ngày một già đi, nhan sắc tàn phai, người đàn ông bắt đầu tự cho mình cái quyền được "hưởng thụ" sau bao nỗ lực vượt qua quãng đường gian khó.
Chị Nga (45 tuổi, TP. HCM) từng là một người vợ rơi vào cảnh ngộ chua chát như thế. Chị kể, lúc ấy chị gần như bất lực, chỉ biết mặc chồng có người khác bên ngoài. Sự kiêu hãnh trong tâm hồn không cho phép chị đến tận nơi dằn mặt kẻ thứ 3. Tính tình vốn nhã nhặn, lịch thiệp, chị càng chẳng thể nào mà "xù lông" lên chỉ trích, chất vấn chồng.
Chị cứ âm thầm chịu đựng, lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau 1 mình sau những lần khuyên can chồng không thành. Nỗi đau đớn khi bị chồng ngang nhiên phản bội dằn vặt chị hàng đêm khiến chị gần như kiệt sức. Đau quá tự khắc sẽ buông tay, chị quyết định bày ra một ván cược cuối cùng, được ăn cả mà ngã sẽ về không. Chị sẵn sàng chấp nhận kết cục tồi tệ nhất, đó là ly hôn, chứ không muốn chịu cảnh chung chồng này thêm một phút giây nào nữa.
"Kế hoạch của tôi đơn giản vô cùng", chị nói. Tối ấy là ngày kỷ niệm 1 năm yêu nhau của chồng chị Nga và người tình. Tất nhiên anh về muộn. Mở cửa vào nhà, không thấy bóng dáng vợ con đâu, gọi điện vẫn chẳng liên lạc được. Chị nhìn qua camera thì thấy sau một hồi đảo qua các phòng anh dừng lại ở phòng khách. “Hẳn lúc đó anh ấy nhếch miệng nghĩ thầm rằng tôi lại chơi trò giận dỗi”, chị Nga chia sẻ.
Nắm được thói quen của chồng, chị Nga để sẵn trên bàn ăn 2 thứ mà chị chắc chắn khi nhìn thấy anh sẽ phải lặng người đi.
Một thứ là lá đơn ly hôn, chị viết và ký sẵn. Thứ còn lại vô cùng đặc biệt, là món ăn mà bao lâu nay anh chưa phải nhìn thấy chứ đừng nói phải ăn lại. Một bát mì tôm suông lại trộn thêm ít cơm chỉ đáng giá vài nghìn đồng chưa nói nhìn chẳng hề đẹp mắt.
Chị nói rằng mình đã chuẩn bị bát mì trước khi rời khỏi nhà và đủ nguội ngắt, nở to vào lúc chồng chị về nhà. Kể lại khoảnh khắc chứng kiến chồng đứng thẫn thờ một lúc lâu rồi kéo ghế ngồi xuống, từ từ ăn hết sạch bát mì chị bảo: “Có lẽ nghiền ngẫm thứ hương vị chẳng lấy làm đặc biệt, còn có phần khó ăn kia, bao ký ức xưa cũ ùa về trong lòng anh ấy”.
Món ăn đơn giản, mùi vị chán ngắt nhưng cảm xúc khi thưởng thức nó lại đặc biệt vô cùng. Nó đặc biệt hơn tất thảy, khiến bữa tối với rượu ngon và thịt bò nhập khẩu lúc với người tình cũng trở nên nhạt thếch.
Giữa những ngày nhọc nhằn khởi nghiệp, vợ chồng chị Nga thời điểm hết tiền: "Nói chẳng ai tin chứ có hôm còn mỗi gói mỳ với bát cơm nguội tôi để cả cho anh ấy ăn, bụng đói đi ngủ". Ấy vậy mà họ vẫn hỉ hả vui mừng, vét cạn đến giọt nước cuối cùng rồi lại hào hứng lên kế hoạch tỉ mỉ cho công việc. Giản dị, đơn sơ là thế nhưng cũng ấm áp, yên bình vô cùng.
Ăn hết bát mì tôm, dường như anh cũng tìm lại được hướng đi cho bản thân mình. 12 năm anh chị bên nhau, cuộc đời anh còn có thể có mấy lần 12 năm như thế nữa? Nếu lúc này anh chọn lá đơn ly hôn, anh không chỉ đơn giản là lạc lối mà còn đánh mất đi chính bản thân mình.
Anh sẽ trở thành kẻ chạy theo phù phiếm, như một con diều đứt dây chẳng còn biết gốc rễ mình ở đâu. Những cơn gió ngoài kia thoạt nhìn thì vui sướng, mát lành thật đấy nhưng chẳng bao giờ có thể cho cho anh điểm tựa yên lành, vững chắc, chỉ khiến anh trượt dài vào tăm tối xa xôi.
Quan trọng hơn, liệu trên đời này anh có thể tìm thấy người thứ 2 nguyện ý cùng mình ăn những bát mì tôm rẻ tiền, nghèo chất dinh dưỡng và chẳng có gì ngon miệng ấy không? Câu trả lời ấy thật sự không khó tìm ra đáp án chút nào.
Đó là những điều chị Nga được chồng tâm sự lại sau khi anh quyết định xé đơn ly hôn và chia tay người tình trẻ đẹp. Anh cảm kích vì chị còn cho anh một cơ hội cuối. Chị chấp nhận bao dung vì anh vẫn tỉnh táo để biết đâu là "cuộc chơi" và đâu mới xứng đáng là "cuộc đời" của anh.
Sau giông bão, khi đã nhận ra điều mình cần nâng niu, trân trọng, anh chị lại êm ấm trở lại bên nhau. Những thấu hiểu, bao dung và bình yên họ mang lại cho nhau đặc biệt và đáng quý lắm, điều mà những cuộc vui bên ngoài sẽ chẳng bao giờ có thể làm được.