Đau vùng thắt lưng 1 tháng mới đi khám, bệnh nhân phải cắt một bên thận

Ngọc Minh | 06-02-2023 - 14:25 PM

(Tổ Quốc) - Dù đau thắt lưng kéo dài nhưng nữ bệnh nhân 49 tuổi đã không đi khám ngay. Một tháng sau, bệnh nhân đi khám đã có khối u nang thận bên phải và có chỉ định phải cắt thận.

Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương quân đội (TWQĐ) 108 mới tiếp nhận bệnh nhân nữ 49 tuổi (Hà Nội) vào viện với triệu chứng tiểu ra máu và đau vùng thắt lưng phải kéo dài hơn 1 tháng. Bệnh nhân có tiền sử thận đa nang bẩm sinh 2 bên, suy thận mạn giai đoạn cuối đã lọc máu chu kì 2 lần/tuần.

Khi vào viện, bệnh nhân đã được khám lâm sàng có dấu hiệu bụng to căng chắc cả 2 bên, bên phải to hơn, ấn đau bên phải, thể trạng yếu, hội chứng thiếu máu. Bệnh nhân được chỉ định chụp CT. Kết quả hình ảnh CT Scan hệ tiết niệu cho thấy thận đa nang 2 bên, bên phải có hình ảnh chảy máu trong nang, kích thước thận lớn 15 cm; soi bàng quang có máu đỏ phun từ thận phải.

Với những kết quả khám trên, bệnh nhân được chẩn đoán thận đa nang kích thước lớn bên phải có biến chứng tiểu ra máu kéo dài gây mất máu, có chỉ định phẫu thuật.

Đau vùng thắt lưng kéo dài đi khám bệnh nhân phải cắt một bên thận - Ảnh 1.

Hình ảnh đa nang thận. Ảnh: BSCC

Bệnh thận đa nang (Polycystic kidney disease) là bệnh di truyền, có 2 loại: di truyền theo tính trạng lặn hoặc trội. Bệnh di truyền theo tính trạng trội thường khởi phát bệnh ở tuổi trung niên, còn theo tính trạng lặn thường khởi phát ở tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, khởi phát bệnh thường là người lớn, biểu hiện lâm sàng thường xuất hiện sau 30-40 tuổi, rất ít gặp khởi phát bệnh khi còn nhỏ. Bệnh thận nang có thể kết hợp với nang gan cùng các bất thường tim mạch và thường dẫn tới suy thận giai đoạn cuối. Vì vậy, việc hiểu biết về bệnh và biết cách đề phòng biến chứng nguy hiểm là vô cùng quan trọng. Việc chẩn đoán dựa vào siêu âm ổ bụng, CT Scan và MRI.

Bác sĩ Trần Đức Dũng, Bệnh viện 108, cho biết do bệnh nhân có thận đa nang kích thước lớn trên bệnh nhân thiếu máu nên việc mổ cho bệnh nhân được tính toán rất kỹ lưỡng.

"Chúng tôi tiến hành phẫu thuật đi đường bụng, kiểm soát cuống mạch thận, hạn chế chảy máu và tổn thương tạng xung quanh. Thời gian phẫu thuật 60 phút, không phải truyền máu sau mổ, kích thước khối u hơn 30 cm, nặng 2,8kg", bác sĩ Dũng nói.

Sau 7 ngày, bệnh nhân ổn định, ăn uống sinh hoạt bình thường, chuyển khoa lọc máu theo chu kì.

Theo bác sĩ Dũng, cắt thận phải đa nang khổng lồ là phẫu thuật khó, đòi hỏi tỉ mỉ, tránh làm tổn thương ruột và hạn chế chảy máu. Ngoài ra, việc cầm máu trong mổ rất quan trọng vì sau khi lấy thận sẽ là 1 khoang trống rộng lớn, rất dễ chảy máu thứ phát khi bệnh nhân chạy thận nhân tạo sau mổ ngày thứ 2.

Đối với người bệnh bị thận đa nang nên khám sức khỏe thường xuyên theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa thận để kiểm soát huyết áp, có chế độ ăn ít muối và ít protein, uống đủ nước, uống thuốc kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.

Với người có nang thận cần lưu ý chế độ ăn như:

- Ăn nhạt, ăn ít chất đạm

-Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều kali như chuối, khoai tây, cà chua, bơ

- Không ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ

- Không ăn nội tạng động vật vì nội tạng động vật chứa hàm lượng purine cao. Nếu ăn nhiều nội tạng động vật, thận sẽ gặp khó khăn trong việc thải lọc ra tất cả các chất thải, protein, purine... 

- Không ăn các đồ ăn cay nóng, có tính kích thích như: ớt, hạt tiêu,…

- Không ăn đồ ăn chua. 

- Không ăn các loại nấm.

- Hạn chế thực phẩm đông lạnh, chế biến sẵn,… 

- Uống nước vừa phải. 

Bên cạnh, chế độ ăn uống hợp lý, bệnh nhân bị thận đa nang cũng nên nghỉ ngơi, không làm việc nặng hoặc quá sức, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan và tập thể dục đều đặn.

Chuyên gia khuyến cáo, thận đa nang là bệnh lý di truyền nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tầm soát yếu tố nguy cơ. Ví dụ trong gia đình có một người mắc gan thận đa nang thì toàn bộ các thành viên trong cùng gia đình (bố mẹ, anh, chị em, con) cần phải tầm soát.

Đối với trẻ nhỏ, nếu bố mẹ mang gen lặn thì cũng cần tầm soát để xác định trẻ có phải là người lành mang gen lặn hay không. Trẻ mang gen lặn sau này nếu kết hôn nên kiểm tra tiền hôn nhân cho vợ/chồng để tránh được nguy cơ sinh con mắc bệnh.