Đầu tư cho không gian sống: Nhà thuê lớn hay nhỏ, cuộc sống vẫn là của chính mình

Vân Anh | 27-10-2023 - 20:00 PM

(Tổ Quốc) - Với nhiều du học sinh sống xa gia đình, căn nhà đi thuê có ý nghĩa đặc biệt với họ.

Nữ sinh cải tạo nhà 9m2 với quan điểm: "Nhà thuê nhưng cuộc sống là của mình"

Đó là câu chuyện của cô bạn Thuý Nhi (tên thật Đào Thuý, 23 tuổi) - một sinh viên năm 3 chuyên ngành Thiết kế nội thất tại Osaka College Of Art (Trường Nghệ thuật Osaka) tại thành phố Osaka, Nhật Bản.

Hiện, Thuý Nhi đang sống trong một căn chung cư manshon, rộng khoảng 9m2, chưa tính khu vực nhà bếp và nhà tắm nằm bên ngoài. Giá thuê nhà hàng tháng là 45.000 yên ( khoảng 7,3 triệu đồng), bao gồm tiền nhà, phí quản lý chung cư, tiền điện nước và tiền ga.

Căn nhà của Thuý Nhi 

Du học sinh mạnh tay trang trí không gian sống: Nhà thuê lớn hay nhỏ, cuộc sống vẫn là cuộc mình  - Ảnh 2.

Thuý Nhi

Căn nhà ban đầu có diện tích nhỏ hẹp và chỉ có đồ dùng phục vụ sinh hoạt cơ bản. Tuy nhiên sau khi qua tay của Thuý Nhi, không gian sống được trang trí đẹp hơn, trở nên thư giãn và thoải mái vô cùng. 

Vốn là sinh viên chuyên ngành Thiết kế nội thất nên cô bạn đã vận dụng được nhiều kiến thức đã học trong quá trình sửa nhà. Nữ sinh thường lấy nguồn cảm hứng trang trí nhà cửa khi lướt các trang mạng xã hội như Instagram và Xiaohongshu (một nền tảng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc). 

Nói về căn nhà của mình, Thuý Nhi cho hay: "Mình luôn thích không gian ngập tràn bởi ánh sáng và ánh nắng. Căn nhà của mình nằm ở hướng Tây Nam nên cả vào mùa hè hay mùa đông đều sẽ có nhiều ánh nắng chiếu vào. Lần đầu tiên đến xem căn nhà này để thuê, mới bước vào phòng và mình thấy ánh nắng chiếu rọi lên bức tường trắng là bản thân mê luôn. Thế là mình chốt làm thủ tục thuê nhà rất chóng vánh". 

Hiện nay, nhiều người trẻ không thích đầu tư quá nhiều cho nhà thuê vì cho rằng đây chỉ là không gian sống tạm thời. Còn về phía Thuý Nhi, cô nàng cũng có những quan điểm riêng về câu chuyện về này.

"Mình từng chia sẻ một câu nói trên trang cá nhân rằng: 'Nhà có thể thuê, nhưng cuộc sống nhất định phải là của chính mình!'. Mình quan niệm, bản thân luôn trân trọng mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. Một nơi ấm áp để về nhà sau một ngày dài đi học, đi làm là điều tuyệt vời nhất bây giờ mà bản thân có. Và mình cũng tự hào về nó.

Tất nhiên, không phải ai cũng có đủ thời gian, tâm trí và tiền bạc để decor nhà cửa thật xinh đẹp. Nhưng mình nghĩ việc chăm chút đơn giản như có chiếc ga giường sạch sẽ, một bàn học nhỏ đủ để tạo động lực học tập cho bản thân cũng là một điều tốt rồi", Thuý Nhi bày tỏ.

Du học sinh mạnh tay trang trí không gian sống: Nhà thuê lớn hay nhỏ, cuộc sống vẫn là cuộc mình  - Ảnh 3.

Không gian sống đầy ấn tượng của nữ du học sinh 

Chàng trai thuê nhà trống để tiện đầu tư nội thất

Đặng Kiên (25 tuổi) đang theo học thạc sĩ luật kinh tế tại Paris, Pháp. Hiện cậu bạn đang thuê 1 căn hộ studio với giá 650 euro/tháng (khoảng 17 triệu đồng) chưa bao gồm CAF. CAF là một tổ chức sẽ hỗ trợ cho sinh viên một khoản tiền thuê nhà hàng tháng, khoản tiền này được gọi là APL, thông thường sẽ được sinh viên gọi tắt là CAF. Cậu bạn đã nộp hồ sơ và nếu được duyệt sẽ nhận khoản hỗ trợ tiền thuê nhà 219 euro/tháng (khoảng 5,7 triệu đồng).

Du học sinh mạnh tay trang trí không gian sống: Nhà thuê lớn hay nhỏ, cuộc sống vẫn là cuộc mình  - Ảnh 5.

Đặng Kiên

Anh chàng chọn thuê nhà trống 

Đặng Kiên chọn thuê nhà trống, không có nội thất vì nhiều lý do. Thứ nhất, để tìm nhà có nội thất thì bạn thường phải chấp nhận đi thuê ở vùng ngoại ô Paris, tuy nhiên đó là điều nam sinh không mong muốn. Tiếp theo, chênh lệch giá cả giữa căn hộ đầy đủ nội thất và căn hộ trống đủ để Kiên có thể tự mua nội thất mới theo đúng mong muốn cá nhân. Thậm chí sau này khi về nước, chàng trai có thể chọn chuyển đồ, hoặc thanh lý để có một khoản tiền.

Trong câu chuyện decor nhà cửa, Đặng Kiên cho rằng điều cần lưu ý lớn nhất đó là phải tự lượng sức mình, về cả sức người lẫn tài chính. 

Đầu tiên về chuyện tiền bạc, chàng trai cần tính toán làm sao để mua đồ nội thất với một chi phí phù hợp với ngân sách tự đặt ra là 1.000 euro - một khoản tiền dành trang trí nhà cửa đã được nam sinh tham khảo từ các anh chị du học sinh và làm việc bên này. Tuy nhiên, sau cùng Đặng Kiên vẫn bị đội lên khoảng 300 euro nhưng anh cho rằng nó vẫn thuộc ngưỡng chấp nhận được.

Tiếp theo là vấn đề cân đối sức người. Theo Đặng Kiên, hầu hết du học sinh và người đi làm tại Châu Âu đều lựa chọn tự lắp ráp nội thất sau khi đồ đạc được vận chuyển đến nhà. Bởi lẽ, chi phí này khi thuê người làm tương đối lớn. Và thực tế, việc bày biện nội thất với chàng trai không phải vấn đề đơn giản,

 "Mình vẫn nhớ là mình lắp cái khung giường và cái tủ quần áo hết tổng cộng 10 tiếng và còn phải có sự trợ giúp ở một số công đoạn mới có thể hoàn thành", Đặng Kiên nói.

Chàng trai trang trí nhà theo phong cách tối giản

Nói về không gian sống cá nhân, Đặng Kiên chia sẻ: "Mình thấy không gian sống, đặc biệt là khi ở nước ngoài vô cùng quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tinh thần. Đi du học tức là mình đã lựa chọn bước chân vào một thế giới mới, môi trường, văn hoá, ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt và hơn hết là chỉ có một mình. Sang bên này mình dành thời gian ở trong nhà khá nhiều vì một số yếu tố như là thời tiết mùa đông khá lạnh, bài vở trên trường nhiều, bạn bè lại ít, văn hoá ăn uống đi chơi cũng khác Việt Nam.. Do vậy căn hộ là một nơi trú ẩn an toàn mà mình cần vào những thời điểm như thế này".

Ảnh: NVCC

Du học sinh mạnh tay trang trí không gian sống: Nhà thuê lớn hay nhỏ, cuộc sống vẫn là cuộc mình  - Ảnh 8.



CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM