Một bác nông dân ở Tân Cương trong lúc cuốc đất thì bất ngờ đụng trúng một cục đất rất cứng. Khi ông cầm lên thì phát hiện cục đất có thêm vật gì đó bên trong. Ông lau sạch bùn đất bám bên ngoài thì nhận "vật thể" đó chỉ là một viên đá. Tuy nhiên hình dáng của viên đá thì vô cùng đặc biệt.
Bác nông dân đem viên đá về nhà để rửa sạch thì hình dáng của nó mới hoàn toàn lộ diện. Viên đá có bề ngoài y hệt như một củ gừng. "Củ gừng" này có lớp vỏ màu caramen rất đẹp, bên trong lại có màu trắng ngà. Khi chạm tay vào có cảm giác mát lạnh và rất mịn.
Ông đem viên đá đi khoe với mọi người trong làng, có người nói rằng, viên đá này có kết cấu và hình dáng kỳ lạ, ắt hẳn phải là thứ rất có giá trị. Một số người lại thắc mắc, viên đá mịn như những viên sỏi thì đáng ra nó phải ở dưới sông chứ sao có thể tìm thấy trên mặt đất. Mọi người đều khuyên ông nên đem viên đá tới hỏi người sành về đá.
Nghe lời khuyên nhủ, ông lão quyết định mang viên đá "củ gừng" ra mấy tiệm vàng bạc đá quý trong thành phố để hỏi thăm. Có một ông chủ tiệm vừa nhìn thấy viên đá liền nói rất ưng nó và muốn mua với giá 5.000 NDT (hơn 17 triệu VND). Tuy nhiên, ông lão rất cảnh giác, thấy thái độ vồ vập của người chủ tiệm nên ông cảm thấy không đáng tin. Ông từ chối và tìm tới một trung tâm kiểm định chất lượng đá quý chuyên nghiệp để nhờ thẩm định.
Sau khi thẩm định, các chuyên gia của trung tâm đã nói với bác nông dân rằng, cục đá này là một viên ngọc bích Hòa Điền thô. Nó có niên đại lên tới hàng nghìn năm tuổi rồi. Giá trị của nó không dưới 100.000 NDT (hơn 350 triệu VND).
Sở dĩ ngọc Hòa Điền đắt như vậy là bởi nó là bảo vật được các vị hoàng đế dùng để chế tác ấn ngọc. Ngày nay, do sự khai thác quá nhiều nên ngọc bích Hòa Điền trở nên ít và hiếm hơn.
Ngọc Hòa Điền được biết đến là một trong "Tứ đại danh ngọc" của Trung Quốc. Sở dĩ nó có tên như vậy là do được khai thác ở khu vực Hòa Điền của Tân Cương. Ngày nay, cái tên ngọc Hòa Điền được dùng để chỉ chung cho các sản phẩm làm từ khoáng vật nephrite có hàm lượng tremolite hơn 98%.
Trong sử sách đã ghi lại rằng: "Sứ nhà Hán đi khắp nguồn sông, các con sông chảy ra Vu Điền, lên đến núi, nơi phát nguyên của các nguồn sông ấy có nhiều ngọc, người ta lượm lặt đem về". Điều này chứng minh rằng khu vực Hòa Điền bắt đầu sản xuất ngọc kể từ thời Tây Hán.
Hình ảnh của "Hoàng Hậu chi tỉ", ấn ngọc Hòa Điền duy nhất của triều đại nhà Hán được tìm thấy tính cho đến nay. (Ảnh: Kknews)
Thậm chí, trong cuốn Mục Thiên Tử truyện, người dân cổ đại ở Trung Quốc đã đến vùng núi Côn Lôn để tìm ngọc từ thời Chu Mục Vương thuộc nhà Chu, tức khoảng từ 3000 năm trước.
Tại Trung Quốc, sản phẩm làm từ ngọc Hòa Điền nổi tiếng nhất và được coi là bảo vật quốc gia - chính là "Hoàng Hậu chi tỉ".
Hiện chiếc ấn ngọc này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thiểm Tây. Đây cũng là ấn ngọc duy nhất của triều đại nhà Hán được tìm thấy cho đến nay. Nó được công nhận là một trong những di vật văn hóa bị cấm mang ra nước ngoài triển lãm.