“Cửa trên” - “cửa dưới” và những mối quan hệ rạn vỡ niềm tin: Chưa yêu bạn đã là người thua cuộc rồi

Minh Đức | 27-09-2020 - 07:52 AM

(Tổ Quốc) - Khi đặt câu chuyện quyền lực với người nắm “cửa trên”, người ở “cửa dưới” trong mối quan hệ, bạn thiếu niềm tin vào bản thân cũng như cả mối tình. Tình yêu vốn đâu phải một cuộc co kéo thắng thua để một người kiểm soát, một người tuân theo?

Một mối tình lãng mạn thường có những đoạn hội thoại kiểu này.

“Em à, sau này mình lấy nhau em không cần phải đi làm đâu, em chỉ việc ở nhà tận hưởng, mọi trách nhiệm cứ để anh gánh vác. Anh sẽ nuôi em và các con chu toàn.”

Hay như này.

“Anh đã quyết định mua chiếc xe này cho em bất ngờ. Anh nghĩ chắc em cũng sẽ thích, lần nào anh mua đồ em cũng không nói gì, chắc em thích lắm phải không?”

Đa phần đó có thể là những câu chuyện lãng mạn. Nhưng trong đầu mỗi người có thể (tôi nói có thể thôi nhé) đang diễn ra một cuộc độc thoại khác.

“Việc của tôi là đi làm, kiếm tiền; tôi là người chủ của gia đình này. Còn cô, việc của cô là ở nhà trông con và nghe theo sự sắp đặt của tôi.”

“Quyết định của tôi là quyết định cuối cùng. Việc hỏi chỉ mang tính chất tham khảo.”

Rất nhiều mối quan hệ tồn tại dựa trên sự kiểm soát của một người với người còn lại. “Kiểm soát” trong mối quan hệ, hiểu rộng hơn sự theo dõi sát sao hành động. Đó có thể là sự kiểm soát về suy nghĩ, kiểm soát về cảm xúc, hành vi, thói quen dẫn tới việc thay đổi theo ở đối phương. Chúng ta ít khi nói về sự kiểm soát này vì đa phần chúng đều được “bọc đường” quá kỹ (trong tiếng Anh, người ta gọi là sugarcoat) đến mức bạn không nhận ra đó là vấn đề, có thể như những lời ngọt ngào ở trên.

“Cửa trên” - “cửa dưới” và những mối quan hệ rạn vỡ niềm tin: Chưa yêu bạn đã là người thua cuộc rồi - Ảnh 1.

Dân dã hơn, người ta thường coi đó là “cửa trên” và “cửa dưới”. Sự phân vai như vậy đã trở thành một quy luật ngầm chi phối nhiều mối quan hệ. Họ không trao đổi trực tiếp với nhau mà ngầm định thông qua nhiều dấu hiệu, từ những điều nhỏ nhất như ai trả tiền khi đi ăn, ai luôn chủ động gọi điện cho tới việc ai sẽ luôn đúng khi cãi nhau và quyết định cuối cùng luôn thuộc về ai. Đừng nhầm tưởng rằng “cửa trên” luôn thuộc về nam giới, dù phần đông là như vậy, khi phụ nữ cũng có thể trở thành “cửa trên” trong một mối quan hệ yêu đương.

Nhưng như vậy có phải là một mối quan hệ yêu đương hay không? Hoặc đó có phải một mối quan hệ yêu đương lành mạnh không?

Câu trả lời là không.

Cửa trên - cửa dưới và những mối quan hệ bất an

Cách chia “cửa trên” - “cửa dưới” trong một mối quan hệ tuy không có một công thức nhưng với đa phần các cặp đôi, nguyên tắc thường dựa trên những khía cạnh quan trọng và trả lời các câu hỏi chính.

Ai là người lớn mạnh về tài chính?

Ai là người mạnh mẽ, độc lập và có thói quen kiểm soát người khác?

Ai thể hiện sự vượt trội hơn về trí thông minh để có tạo ra sức ảnh hưởng và thường là người đưa ra quyết định?

Đây được coi là điều kiện “cần” nếu một người muốn phân định vị trí của mình trong mối quan hệ. Điều kiện “đủ” để hình thành nên “cửa trên - cửa dưới” trong một mối quan hệ nằm ở việc thiếu niềm tin vào tình yêu, cả đối phương cũng như bản thân mình. 

Bạn muốn kiểm soát đối phương vì bạn không tin vào sự chung thủy của họ. Vì có quá nhiều cám dỗ trên mạng xã hội, từ những người xung quanh.

Bạn thiếu cả niềm tin vào bản thân mình, sợ rằng nếu mình không kiểm soát trước thì sẽ không khiến đối phương nể phục, tin tưởng. Trong bạn là sự hỗn mang đầy bất an, bạn sợ người yêu sẽ rời bỏ mình để đi theo một người hoàn hảo hơn nên phải cố gắng để thể hiện bản thân, dần dần tạo thành sự kiểm soát.

Bạn không có niềm tin vào mối quan hệ, nghĩ rằng thế nào mối quan hệ cũng kết thúc và người bi lụy, bị phản bội sẽ là người đau khổ hơn khi bước ra khỏi tình yêu. Bạn không muốn là người ôm phần thua cuộc nếu mối tình kết thúc. 

Người ta luôn cho rằng xã hội hiện đại tạo điều kiện cho chủ nghĩa cá nhân cùng sự ích kỷ lên ngôi. Bước vào một mối quan hệ, chúng ta đều muốn hạn chế nhất tổn thương - tổn thất cho bản thân nếu mối quan hệ kết thúc. Cuộc sống nhanh cùng mối tình đến chóng vánh càng khiến nhiều người muốn tạo một thế cục trong tình yêu mà họ phải là người thắng cuộc. 

“Cửa trên” - “cửa dưới” và những mối quan hệ rạn vỡ niềm tin: Chưa yêu bạn đã là người thua cuộc rồi - Ảnh 2.

Những rạn vỡ trong tình yêu 

Nhiều người bắt đầu câu hỏi “thế hệ bố mẹ chúng tôi có sự phân vai rõ ràng trong mối quan hệ khi người đàn ông thường kiểm soát gia đình một cách công khai, trong khi phụ nữ thường chỉ ở nhà và nghe lời chồng. Thế mà họ vẫn sống với nhau tới tận bây giờ, có vấn đề gì đâu?”

Ly dị không phải thước đo chuẩn mực cho sự thất bại trong tình yêu. Câu nói nhiều người chết ở tuổi 25 nhưng được chôn ở tuổi 75 đôi khi có điểm tương đồng với chuyện tình yêu. Mối quan hệ rạn nứt nhưng vẫn phải tiếp tục, chẳng phải vì yêu thương mà bởi nhiều lý do: Vì không dũng cảm để bắt đầu một điều gì mới, vì sợ sẽ tiếc thời gian đã qua, vì ám ảnh bởi quá khứ và cả ràng buộc trách nhiệm khi đã đi tới kết hôn. Tôi từng nhìn thấy mẹ viết đơn ly dị, dở ra dở vào rất nhiều lần nhưng cũng không dám đưa cho bố ký. Mẹ nói rằng vì còn trách nhiệm với các con, chứ “bao nhiêu năm ông ấy chèn ép tao khổ lắm rồi.” Tôi thầm cảm ơn mẹ vì đã nghĩ tới chúng tôi nhưng có bao giờ mẹ nghĩ cho cuộc đời riêng của mình, hạnh phúc của bản thân?

“Cửa trên” - “cửa dưới” và những mối quan hệ rạn vỡ niềm tin: Chưa yêu bạn đã là người thua cuộc rồi - Ảnh 3.

Hay những người ở “kèo dưới” có bao giờ nghĩ mình xứng đáng một mối quan hệ lành mạnh, tôn trọng và tự do hơn.

Đối trọng trong hôn nhân, sự phân biệt “kèo trên”, “kèo dưới” dù là vô hình cũng tạo nên những phản kháng ngầm. Một người bị đàn áp về mặt tư tưởng, nép mình trong khuôn mẫu của một mối quan hệ có thể mong muốn thử cảm giác tự do bằng việc ngoại tình. Một người bị kiểm soát về công việc, phải ở trong nhà nhiều dễ dẫn đến trầm cảm và tâm lý tiêu cực. Những người luôn bị “gaslighting” (một dạng thao túng tinh thần, dù bạn làm sai nhưng vẫn tìm cách xoay chuyển câu chuyện để lỗi sai thuộc về đối phương) có sự hoài nghi mãnh liệt về bản thân, dần quên đi giá trị của chính mình. 

Về cơ bản, bạn cứ hình dung mô hình đó như một sự chênh lệch bất công trong xã hội, về lâu dài sẽ dẫn đến xung đột. Trong một mối quan hệ, đôi khi nó tạo nên xung đột giữa hai người hoặc xung đột nội tại. Không chỉ mối quan hệ tan vỡ, bản thân mỗi người cũng vỡ tan trong mối quan hệ “cửa trên” - “cửa dưới” như vậy.

Không ai thắng cuộc

Trên thực tế, nhiều người không chủ ý bắt đầu một mối quan hệ với sự “chia cửa” rõ ràng. Họ không nhận ra mối quan hệ dần có sự phân tầng cho tới khi đối phương chủ động kết thúc. Khi người yêu tôi nói chia tay, tôi hỏi lý do vì sao: Không cãi nhau, không ai ngoại tình, cuộc sống vui vẻ yên ả. Anh nói mình cảm thấy thua kém trong mối quan hệ, không được giỏi như tôi. Tất nhiên, tôi không nghĩ là mình giỏi và càng không có ý thể hiện việc mình giỏi hơn người yêu. Chúng ta để nó xảy ra một cách vô thực và không để ý tới cảm nhận của đối phương.

Và ngược lại, có những người bước vào mối quan hệ với tâm thế của “cửa trên” ngay từ đầu. Nhiều người coi đó là một cuộc thi, ai khống chế được tình huống, kiểm soát được thế trận trước sẽ là người chiến thắng. Họ sử dụng những kĩ thuật “bọc đường”, thao túng tinh thần, gaslighting, nam tính độc hại… để giành nhiều “đất” trong mối tình. Hai người yêu nhau như đang chơi một cuộc cờ vây giành đất chiếm khí, ai chiếm được nhiều đất hơn sẽ là người chiến thắng.

“Cửa trên” - “cửa dưới” và những mối quan hệ rạn vỡ niềm tin: Chưa yêu bạn đã là người thua cuộc rồi - Ảnh 4.

Tình yêu không như một cuộc đấu cờ vây vì cuối cùng, “cửa trên” hay “cửa dưới” thì bạn cũng là người thua cuộc. Một người rời khỏi mối quan hệ với những tổn thương và sợ hãi, một người bước ra với sự ngỡ ngàng, nghĩ rằng mình đã “chiến thắng” trong tình yêu thì đó ắt hẳn sẽ bền vững.

Ở tận cùng của những thất vọng, mỗi người sẽ tự nhìn lại cốt lõi của một mối quan hệ là sự hòa hợp và thấu hiểu. Chúng ta không bước vào mối quan hệ để chiến thắng; hai người gặp nhau trong tình yêu để mở đường cho những thấu hiểu và chia sẻ. Bạn có thể nhìn thấy một người đàn ông giàu có mạnh hơn về mặt kinh tế với vợ nhưng cả hai vẫn có mối quan hệ hạnh phúc nhưng không biết rằng, cô vợ là người sâu sắc, thấu đáo các vấn đề gia đình. Không ai kiểm soát mối quan hệ, họ bù đắp cho nhau những điều người kia thiếu sót và trân trọng nửa còn lại.

“Cửa trên” - “cửa dưới” và những mối quan hệ rạn vỡ niềm tin: Chưa yêu bạn đã là người thua cuộc rồi - Ảnh 5.

Nếu bạn coi tình yêu là một cuộc chơi và có luật thì quy luật đó nằm ở sự cân bằng và hài hòa. Mỗi cá nhân chúng ta đều có một thế mạnh nhất định, đủ để bù đắp cho nửa kia khi xác định bước vào một mối quan hệ yêu đương. Thay vì xoáy sâu vào điểm yếu của người thương để nâng vị thế của mình, sao không cùng trân trọng những điểm mạnh của nhau và nhìn vào điểm yếu của đối phương là nơi để mình có thể cùng vun đắp. 

Cửa trên hay cửa dưới, vốn cũng chỉ là một ảo ảnh về quyền lực chúng ta tự thiết lập cho mình. Khi mối quan hệ kết thúc thì những ảo ảnh đó cũng biến mất. Và bạn chẳng còn gì sau những nỗ lực để khẳng định vị thế bản thân.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM