Cú bắt tay "chuẩn Đức" của VinFast và lời giải cho chất lượng sinh viên trường nghề

Thi Nga | 02-06-2020 - 07:29 AM

(Tổ Quốc) - Lần đầu tiên, tại Việt Nam, có một chương trình đào tạo nghề mà sinh viên được trực tiếp làm việc trong nhà máy hàng đầu thế giới tới hơn 1 năm.

Mô hình theo tiêu chuẩn của Đức vừa được VinFast hợp tác với 5 trường cao đẳng, nói như một vị chuyên gia ngành giáo dục, đang mở ra một cách làm chưa từng có khi người sử dụng lao động không phải đào tạo lại sinh viên mới ra trường.

Cứng tay nghề từ khi chưa ra trường

Một buổi lễ ký kết mới đây giữa VinFast và 5 trường cao đẳng trong nước đã gây sự chú ý đặc biệt bởi mô hình đào tạo không giống bất cứ chương trình nào trong quá khứ. Thay vì quãng thời gian ra ngoài thực tập chỉ 3-6 tháng, phần lớn thời gian học ở trường như truyền thống, chương trình liên kết của VinFast và các trường sẽ theo hình thức song hành, tức là một nửa thời gian đầu đào tạo ở trường và nửa còn lại ở VinFast, mỗi giai đoạn tối đa 15 tháng.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VinFast cho biết đây là chương trình đào tạo được thiết kế theo mô hình của Đức, và được thẩm định bởi Hiệp hội các phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK).

Đặc trưng của chương trình theo mô hình Đức của VinFast là tỷ lệ thời gian thực hành so với lý thuyết là 70/30. Riêng giai đoạn tại VinFast, sinh viên sẽ được đào tạo theo hình thức Work-based Learning và On-the-Job Training, tức là học từ chính các công việc thực tế trong xưởng của VinFast. Tại đây, các em sẽ được luân chuyển các vị trí khác nhau để đạt được nhiều kỹ năng.

Theo ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh) - một trong những đơn vị liên kết với VinFast, điều này rất quan trọng bởi chỉ khi tự tay làm, các em mới có thể phát triển tay nghề một cách tốt nhất, thay vì "bơi" trong mênh mông lý thuyết.

"Tôi đã có thời gian tìm hiểu về các chương trình đào tạo nghề của Đức và nhận ra, điểm ưu việt chính là sinh viên được đưa tới doanh nghiệp trong thời gian dài", ông Lộc cho biết.

Với ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, đây là mô hình hiệu quả bậc nhất thế giới. Điểm ông ấn tượng nhất là ở cách đưa nhu cầu thực tế của doanh nghiệp vào đào tạo. Ông giải thích, điều này có nghĩa, ngoài những kiến thức chung về ngành, sinh viên sẽ được trang bị thêm hiểu biết về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ của chính doanh nghiệp cụ thể.

Cú bắt tay chuẩn Đức của VinFast và lời giải cho chất lượng sinh viên trường nghề - Ảnh 1.

"Sau khi học xong ở trường, ngoài kiến thức cơ bản, sinh viên sẽ hiểu được sản phẩm của doanh nghiệp, từ sản phẩm tới lắp ráp, bảo trì, dịch vụ sau bán hàng,... một cách bài bản, chuẩn mực. Người học sẽ nhanh chóng thích nghi và chỉ cần tập trung vào phát triển kỹ năng, tay nghề trong giai đoạn 2 ở doanh nghiệp. Sau khi kết thúc toàn khóa, sinh viên có thể làm việc ngay được mà không cần đào tạo lại", ông Ngọc nói.

Cách làm này đã giải quyết được vấn đề khó của cả các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp lâu nay là chất lượng sinh viên ra trường không đáp ứng được với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Với sinh viên, ông Đồng Văn Ngọc khẳng định, mô hình liên kết hoàn toàn không thu hẹp cơ hội nghề nghiệp, ngược lại, chính các em sẽ có nhiều lựa chọn hơn. "Nếu không làm việc ở doanh nghiệp đã thực tập, sinh viên vẫn có thể chọn nhiều công việc khác với kiến thức cơ bản, tay nghề tốt", vị hiệu trưởng nói.

Đãi cát tìm người đồng hành

Ông Phạm Hữu Lộc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hầu hết các trường cao đẳng đều hiểu tính hiệu quả của mô hình liên kết đào tạo với doanh nghiệp, nhưng muốn mà không thể làm được.

Một phần nguyên nhân bởi không ít doanh nghiệp thực tế không mấy mặn mà với việc nhận sinh viên vào thực tập, thậm chí có nơi còn sợ bị lộ quy trình, cách làm của riêng mình. Theo ông Lộc, đó là cách suy nghĩ thiếu tầm nhìn, khiến chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam kém sức cạnh tranh với thế giới.

Một thực tế khác được vị hiệu trưởng nêu lên là nếu không tìm được đúng địa chỉ, sinh viên tới doanh nghiệp có thể bị sử dụng "như công nhân, có gì làm đó". Khi đó, kiến thức và kinh nghiệm thu được với sinh viên chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Bởi thế, ông Phạm Hữu Lộc cho rằng, việc tìm được những "người đồng hành" là các đối tác có tầm nhìn, chiến lược bài bản như VinFast là cực kì quan trọng. "Tôi rất kì vọng vào lần hợp tác này", ông nói.

Cú bắt tay chuẩn Đức của VinFast và lời giải cho chất lượng sinh viên trường nghề - Ảnh 2.

Còn ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội thì cho rằng, "không thể yên tâm hơn" khi cơ sở vật chất kỹ thuật của VinFast có dây chuyền sản xuất, dàn robot của những hãng nổi tiếng nhất thế giới. Đây là cơ hội hiếm có để sinh viên được thực hành một cách tốt nhất với công nghệ sản xuất hiện đại.

Trong sự liên kết này, ông Ngọc nhận định, cũng là áp lực để chính các nhà trường thay đổi chất lượng giáo dục. Ông nhắc lại, với mô hình giáo dục theo chuẩn của Đức, việc đánh giá chất lượng sẽ được thực hiện một cách nghiêm ngặt bởi cơ quan độc lập. Và đây sẽ là cách làm đảm bảo đánh giá chương trình một cách khách quan nhất.

Về phần mình, PGS.TS. Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VinFast khẳng định, trong quá trình đào tạo, VinFast sẽ cử giảng viên, chuyên gia đến trường thực hiện công việc đánh giá và tư vấn về chất lượng đào tạo. Ngược lại, giảng viên các trường cũng có thể đến VinFast để chuẩn hóa năng lực và cùng triển khai, theo dõi, đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ đào tạo học viên.

Đại diện doanh nghiệp cho biết sẽ không thu bất cứ khoản phí nào từ phía nhà trường và học viên. Ngoài ra, VinFast sẽ hỗ trợ một phần chi phí ăn ở, đi lại, bảo hiểm sức khỏe và kinh phí đào tạo của học viên trong giai đoạn 2, đồng thời trao học bổng hàng quý cho những học viên có thành tích học tập xuất sắc.

"Việc liên kết sẽ giúp tiết kiệm được nguồn lực về thời gian, kinh tế cho cả học viên, nhà trường, doanh nghiệp và tiết kiệm chung cho toàn xã hội", ông Đông nói./.

5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với VinFast là trường Cao đẳng (CĐ) Cơ điện Hà Nội, CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, CĐ Công nghiệp Huế, CĐ Công nghệ Hà Tĩnh và CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM).

Giai đoạn 1 học viên sẽ học toàn bộ tại nhà trường, sau đó tham gia thi tuyển chuyển tiếp giai đoạn 2. Học viên đạt tiêu chí chuyển tiếp giai đoạn 2 sẽ được đào tạo tập trung tại Trung tâm Đào tạo VinFast (thuộc Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô - xe máy điện VinFast, Khu Công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng). Mỗi giai đoạn sẽ kéo dài không quá 15 tháng.

Chương trình sẽ được bắt đầu từ năm học 2020-2021, với chỉ tiêu tuyển sinh trên toàn quốc là 150 học viên với hai ngành Cơ điện tử và Kỹ thuật ô tô.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM