Những ngày cận Tết, xóm hành tỏi trở nên nhộn nhịp hơn hẳn, tiếng nói cười của những người dân dường như xua tan cái không khí vắng lặng mấy tháng trước đó.
Xóm hành tỏi hối hả hơn khi công việc không bị gián đoạn, ai nấy đều hi vọng kiếm thêm thu nhập trong những ngày cận Tết
Trải qua một năm thất thu vì thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay nhiều hộ dân tại đây quyết định không về quê để kiếm thêm thu nhập trong những ngày Tết.
Đưa đôi tay thoăn thoắt vừa bóc hành, vừa cười, cô Lê Thị Thẳng (60 tuổi, quê Đồng Tháp) hồ hởi nói: "Mấy ngày nay nhiều việc lắm con ơi, dì làm liên tục không nghỉ, được cái có tiền nhiều hơn, chứ mấy ngày thường ế ẩm lắm".
Đặc thù của nghề lột vỏ hành tỏi thường xuyên tiếp xúc với các loại dao sắc nên người làm thường phải đeo bao tay bảo vệ
Sau khi chồng mất, mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đều dồn lên đôi vai của cô Thẳng. Vì sức khỏe yếu, không thể làm việc nặng nhọc nên cô bén duyên với cái nghề bóc củ hành. Dù cho có cay mắt, mỏi lưng nhưng đó là cách duy nhất khiến cô có tiền trang trải, chăm lo cho cuộc sống gia đình.
"Năm nay giá 1kg củ hành bóc sạch ngày Tết được 5.000 đồng, tăng hơn mọi năm nên ai cũng thấy phấn khởi, chứ trước đây làm ngày có vài chục ngàn hà", cô Thẳng cười nói.
Ngồi suốt 12 tiếng, số tiền mà cô Thẳng thu nhập được khoảng 200 ngàn đồng, nó giúp cô trang trải phí sinh hoạt và lo cho gia đình ở quê
Một ký hành bóc sạch vỏ được chủ xưởng trả tiền công 5.000 đồng, mức tiền này cao hơn so với những năm trước đây
Mỗi ngày, một người có thể làm 30-40 kg hành, thu nhập cao nhất lên đến 200 ngàn đồng, nhiều người vì không chịu được mùi cay nồng của hành tỏi đành bỏ dở công việc.
Ngồi kế bên cô Thẳng, Ngô Thị Bảo Nhi (23 tuổi) cho biết vì hoàn cảnh gia đình neo đơn, con lại còn nhỏ không gửi trẻ được nên đành phụ mẹ bóc hành tỏi để kiếm thêm thu nhập. "Chồng em đi làm thợ hồ, em thì ở nhà giữ con thôi, nghề này không vất vả lắm, lại dễ làm", Bảo Nhi cười nói.
Bảo Nhi chỉ mới phụ giúp mẹ việc bóc hành tỏi những tháng gần đây. "Ban đầu em bị cay mắt, mỏi người vì không quen, dần dần thì làm nhanh hơn, em mong kiếm được một công việc ổn định hơn"
Anh Tú (gần 3 tuổi) là con trai của Nhi và chồng, hiện bé chỉ biết quanh quẩn ở nhà cùng mẹ trong xóm trọ nghèo
"Tụi tui làm từ sáng đến tối, đến khi nào ăn cơm thì mới đứng dậy thôi. Dù biết cái nghề này không bền nhưng mấy chị em phụ nữ thì biết làm gì đâu. Nhà cửa cũng không có, sống tạm bợ qua ngày là mừng rồi. Năm nay mọi người rủ nhau không về quê để ở lại ăn Tết trên này, chứ cả năm không có dư, lấy tiền đâu mà về sắm sửa Tết", cô Mừng trải lòng.
Vì đồng lương có phần eo hẹp nên nhiều hộ dân trong xóm hành tỏi không thể về quê ăn Tết, ai cũng mong năm mới đến sẽ có cho mình một sức khỏe tốt để bám trụ mưu sinh tại mảnh đất Sài Gòn
Mùi hành cay nồng nơi khóe mắt trong xóm hành tỏi khiến không khí Tết đến rất gần...
Dẫu cho cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ai nấy đều vui vẻ đón nhận, họ đều xem cái công việc "cay mắt" này là chiếc cần câu cơm duy nhất cố gắng sống tiếp
Những ngày cuối năm, xóm trọ nghèo bên đại lộ Võ Văn Kiệt vẫn lặng lẽ dẫu cho ngoài kia, không khí Tết đã rất náo nhiệt...
Một số hộ dân trong xóm hành tỏi còn nhận thêm gừng về cạo dịp Tết để giao lại cho các cơ sở làm bánh mứt bán ra thị trường. Chị Hằng cho biết mỗi ký gừng cạo sạch có giá 5.000 đồng, đỡ bị cay mắt hơn bóc hành tỏi