Có một lễ hội âm nhạc đậm chất Hà Nội, hễ đến mùa thu không ai có thể bỏ lỡ

Phương Thùy | 27-10-2023 - 15:07 PM

(Tổ Quốc) - Nếu có một lễ hội âm nhạc đậm chất Hà Nội (và cả Việt Nam) thì chỉ có thể Monsoon Music Festival.

19h30 một tối đầu tuần, phố Hàng Buồm rộn ràng với những tiếng ồn rất dịu. Không nhiều dịp “Nhà Di Sản” 22 Hàng Buồm thuộc khu phố cổ lại đông đúc những gương mặt trẻ như vậy. Họ tươi cười, xếp xe cộ rộn ràng, từ tốn hỏi cách “check-in” để còn kịp thưởng thức buổi biểu diễn Cánh Đồng Di Sản do nhạc sĩ Quốc Trung và Nguyễn Xinh Xô biểu diễn trong khuôn khổ Monsoon Music Festival 2023.

Rồi thì nhạc sĩ Quốc Trung xuất hiện trên sân khấu, giới thiệu ngắn gọn trước khi “chơi" nhạc một giờ đồng hồ liên tục sau đó cùng Nguyễn Xinh Xô. Đó là đêm trình diễn thứ 2 của Cánh Đồng Di Sản và đêm thứ 3 trong chuỗi sự kiện của Monsoon. Khán giả bắt đầu hướng về sân khấu nhỏ, phía sau là màn hình led chiếu những thước phim sáng tạo (visual art.)

Có một lễ hội âm nhạc đậm chất Hà Nội, hễ đến mùa thu không ai có thể bỏ lỡ - Ảnh 1.

Những âm thanh điện tử bắt đầu bao phủ khắp khán phòng, đưa đến một trải nghiệm âm nhạc đây phiêu lưu và phiêu du, từ di sản của những dãy núi đá Tây Bắc cho đến sự văn minh đô thị. Một khán giả đung đưa người theo nhịp, một khán giả khác khẽ vỗ tay… và trong không gian di sản của phố cổ Hà Nội, âm nhạc là thứ ngôn ngữ của cả người nghệ sĩ lẫn khán giả. Một bầu không khí thưởng thức nghệ thuật đặc biệt, không thường thấy đã kịp choán hết tâm trí của người thưởng thức.

Nhưng đó chỉ là khúc dạo đầu của một tuần lễ âm nhạc đầy say mê; là mở màn một cuộc chạy show của những người nghe nhạc khi họ nghe thấy “tiếng thở” của Hà Nội trong lòng những con phố di sản. Có lẽ, chưa bao giờ Hà Nội nhiều âm nhạc đến thế và khán giả cũng chưa bao giờ  “no nê” trong bữa tiệc của những thanh âm và giai điệu đến như vậy.

Có một lễ hội âm nhạc đậm chất Hà Nội, hễ đến mùa thu không ai có thể bỏ lỡ - Ảnh 2.

Khán giả cũng phải… chạy show Phố Hàng Nhạc 

Có lẽ điều tiếc nuối nhất của không ít khán giả (trong đó có tôi) là việc bỏ lỡ một trong những đêm diễn thuộc Phố Hàng Nhạc, nhất là đêm mở màn Monsoon Music Festival diễn ra ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Một người bạn đi xem về kể lại, với sự thích thú khi lắng nghe những nghệ sĩ indie, underground trẻ trình diễn đầy hứng khởi trên sân khấu ngày hôm ấy.

Nhưng cả tuần lễ âm nhạc sau đó của Monsoon mới thực là một cuộc “hội hè miên man” của những người yêu nhạc. Có một sự hoán đổi thú vị ở đây, khi người chạy show không chỉ/phải là nghệ sĩ mà còn là khán giả. Và đó đích thực là một cuộc chạy show vô cùng thú vị. Đó cũng là lần đầu tiên khai sinh ra phố Hàng Nhạc với rất nhiều đêm diễn với hàng chục nghệ sĩ, với hàng trăm phần biểu diễn thú vị. 

Nhiều khán giả có thể tự hào khi tham gia được 5 show, từ quán bar ra khán phòng của một trường Đại học; hay từ nhà di sản này (22 Hàng Buồm) đến nhà di sản khác (50 Đào Duy Từ.) Cả một tuần lễ, bên trong những con phố cổ là những câu chuyện và tình yêu âm nhạc. Đó là những đêm diễn không gì khác ngoài việc để tất cả mọi người có mặt sống trong bầu không khí của âm nhạc, của văn hoá. Những nghệ sĩ trẻ như The Cassette, Mèow Lạc, Những Đứa Trẻ, Minh Tốc và Lam, 2!Much, Lime Box, Jazz Duyên, Lope Dope, Quyếch… và nhiều hơn thế nữa đã tạo ra một “khí quyển" âm nhạc dành cho chính họ và khán giả trẻ. 

Có một lễ hội âm nhạc đậm chất Hà Nội, hễ đến mùa thu không ai có thể bỏ lỡ - Ảnh 3.

Phố Hàng Nhạc có thể là một đặc sản mà chỉ Monsoon mới có và tạo ra được. Đó không chỉ là nơi để những nghệ sĩ mới có cơ hội được bước lên sân khấu, để thể hiện tài năng mà còn là nơi để khán giả được tiếp cận, được hưởng thụ những thanh âm mới, được xây dựng thói quen nghe nhạc. Đó không phải là con số hàng trăm khán giả đến 22 Hàng Buồn, hay khán phòng Nguỵ Như Kon Tum (Đại học Quốc gia Hà Nội) hay 50 Đào Duy Từ. Những con số có thể gây ấn tượng nhưng nó sẽ không thể kể bầu không khí thưởng thức âm nhạc của những người trẻ.

Bên cạnh một thế hệ nghệ sĩ mới toả sáng là một thế hệ nghe nhạc mới và cũng cần được hình thành văn hoá như vậy. Sự song hành này thực ra mới là điều thành công nhất mà Monsoon và Phố Hàng Nhạc làm được. Bởi trong hàng trăm khán giả nghe nhạc bước vào một buổi biểu diễn thuộc phố hàng nhạc, có những người không thể biết được sự tuyệt vời nếu họ không “tấp vào” một đêm nhạc giống như một cặp đôi đứng sau lưng tôi vừa nhún nhảy theo nhạc vừa trò chuyện rất khẽ. 

Có một lễ hội âm nhạc đậm chất Hà Nội, hễ đến mùa thu không ai có thể bỏ lỡ - Ảnh 4.

Thăng Long Thành Hội - Đặc sản của riêng Monsoon 

Nếu những đêm nhạc ở các di sản ở phố cổ tạo ra một bầu không khí thưởng thức âm nhạc và văn hoá đậm chất Hà Nội thì hai đêm diễn ở Hoàng Thành Thăng Long đã là một nét văn hoá. Không có mấy lễ hội âm nhạc tại Việt Nam mà người nghe nhạc có thể ngồi xuống thảm cỏ, duỗi chân và reo hò hay lắc lư theo những phần trình diễn. Họ tự do trong không gian đó, để âm nhạc và tình yêu ngấm vào người. Những cặp đôi đứng dựa vào nhau, có những gia đình trải bạt ra cho con trẻ được nhún nhảy… 

Chỉ khi đứng giữa Hoàng Thành Thăng Long, trải nghiệm bầu không khí đó bạn mới biết rằng nhạc sĩ Quốc Trung đã đúng. Bởi Monsoon đã thực sự là một tiểu văn hoá, hoà quyện giữa cả chất lượng nghệ thuật và thói quen của công chúng. Rõ ràng Monsoon không có một dàn nghệ sĩ ngôi sao, những gương mặt thu hút để bán vé hay “chào mời” khán giả. Nhưng thứ Monsoon có chính là những nghệ sĩ và phần trình diễn mà không có một lễ hội âm nhạc ở Việt Nam có được. Đối với những khán giả mới, hẳn họ sẽ còn đôi chút ngần ngại tham gia Monsoon. Những với những khán giả quen thuộc, Monsoon tạo ra dư vị riêng.

Một ban nhạc trẻ như Mongdoll (Hàn Quốc) lại có những tiết mục mở màn đầy mới mẻ và say mê như thế. Họ có thể lôi kéo khán giả với cách chơi nhạc đầy hào hứng. Hay bộ đôi nghệ sĩ người Pháp Fergessen gần như xa lạ với khán giả Việt Nam nhưng người tham gia vẫn nhún nhảy, hò reo, vỗ tay… Hay ban nhạc đến từ Đài Loan, Sunset Rollercoaster kết thúc đêm nhạc đầu tiên với một set diễn đầy cảm xúc mà đến nỗi, khán giả muốn… xin thêm.

Có một lễ hội âm nhạc đậm chất Hà Nội, hễ đến mùa thu không ai có thể bỏ lỡ - Ảnh 5.

Khán giả đến Monsoon đều muốn “xin thêm” như vậy. Phần trình diễn kéo dài 90 phút, kỷ niệm 10 năm của ban nhạc Ngọt ở đêm diễn thứ 2 cũng được khán giả… xin thêm. Ngọt, tất nhiên đã kể lại hành trình 10 năm bằng thứ âm nhạc lôi cuốn, bởi chất thành thị, và bằng những suy tư của người trẻ đồng điệu với người trẻ. Và họ cũng sẵn sàng hát tặng thêm cho khán giả dù set diễn đã hết. 

Lineup của Monsoon không nhiều nghệ sĩ; họ cũng không đại chúng nhưng bao giờ cũng độc đáo, khác biệt, cũng nhiều năng lượng. Những nghệ sĩ quốc tế như Lydmor, Forgotten Future hay sự trở lại lần thứ 2 của GoodLuck tại Monsoon vẫn là những sét diễn thực sự hấp dẫn. Những nghệ sĩ xa lạ kết nối với người nghe nhạc không bởi danh tiếng hay bài hít mà bởi chính sự hân hoan của âm nhạc.

Những nghệ sĩ đến từ Việt Nam như Bức Tường, Vũ., Suboi cũng có những set diễn ấn tượng trong mắt khán giả. Như lời rapper Suboi chia sẻ giữa những phần trình diễn, Monsoon luôn là một điều gì đó rất đặc biệt. Chính bản thân Suboi còn so sánh với lễ hội âm nhạc lớn SXSW tại Mỹ cô từng tham gia. Nó không chỉ là một lễ hội âm nhạc với chất lượng âm thanh hàng đầu, cách tổ chức tiêu chuẩn quốc tế mà chính là bầu không khí và tính văn hoá mà một lễ hội âm nhạc có thể tạo ra.

Có một lễ hội âm nhạc đậm chất Hà Nội, hễ đến mùa thu không ai có thể bỏ lỡ - Ảnh 6.

Nếu phố âm nhạc “khuếch đại" những tình yêu âm nhạc giữa lòng di sản phố cổ thì việc hai đêm diễn chính tại Hoàng Thành Thăng Long lại là một kết nối di sản khác. Còn gì tuyệt vời hơn khi bồi đắp văn hoá của ngày hôm nay giữa một không gian di sản như nơi đây. 

Có một “tiểu văn hoá" mang tên Monsoon

Monsoon Music có khả năng gợi lại ký ức về một nét văn hoá trình diễn và thưởng thức âm nhạc. Cứ đến tháng 10, những khán giả quen thuộc của Monsoon lại rộn ràng “ôn lại" những ký ức để chuẩn bị cho một mùa lễ hội âm nhạc mới. Họ lục lại những phần trình diễn trước đó, như Scorpion, Los Frequency, BOND, ADOY, Hyukoh, Kodaline hay những phần trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam như Hà Trần và Bản Nguyên, Nguyễn Xinh Xô, Dalab… Đó luôn là những màn trình diễn có 1-0-2 và gần như chưa từng lặp lại tại Việt Nam. 

Có một lễ hội âm nhạc đậm chất Hà Nội, hễ đến mùa thu không ai có thể bỏ lỡ - Ảnh 7.

Dường như Monsoon đã có một mạch ngầm về tình yêu và văn hoá, khiến cho những người tham dự Monsoon thấy mình trong “tiểu văn hoá” đó. Họ hiểu được câu chuyện và tình yêu của một lễ hội âm nhạc. Họ đón chờ một không khí âm nhạc cởi mở và chất lượng để được tự do nhún nhảy, reo hò, duỗi chân ra ngồi hay nằm xuống thảm cỏ lắng nghe âm nhạc mà không sợ bị đánh giá. Cùng với Monsoon và các nghệ sĩ, chính khán giả cũng đang tạo nên chính văn hoá của một lễ hội âm nhạc thực thụ. 

Có một lễ hội âm nhạc đậm chất Hà Nội, hễ đến mùa thu không ai có thể bỏ lỡ - Ảnh 8.

Và với sự ra đời của Phố Hàng Nhạc ở Monsoon 2023, có lẽ tiểu văn hoá này đang lớn dần và thu hút nhiều hơn nữa đối tượng trẻ. Họ có thể xem một vài show nhỏ, được nghe những thần tượng từ giới Indie như Mèow Lạc, Những Đứa Trẻ, Minh Tốc và Lam, 2!Much… biểu diễn những chính họ sẽ là những thành viên của tiểu văn hoá này. Và chính họ sẽ là những người sẽ chờ đợi mỗi tháng mười, khi Hà Nội đã lập thu, để sống trong bầu không khí âm nhạc độc đáo của Monsoon. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Cặp đôi Hoa hậu Thùy Tiên - Lương Thùy Linh khoe 2 "em xế ruột" Yamaha Grande cực bắt mắt

(Tổ Quốc) - Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và Lương Thùy Linh vừa tung bộ ảnh khoe sắc bên "người bạn đồng hành" Yamaha Grande gây thích thú cho người hâm mộ. Hai nàng hậu cũng từng chia sẻ bản thân rất ấn tượng với phiên bản Grande này. Vậy điều gì của chiếc Yamaha Grande khiến hai Đại sứ Hoa Hậu Quốc gia Việt Nam "mê mẩn" đến thế?