Có chu kỳ kinh nguyệt bất thường trong vòng nhiều tháng, người phụ nữ này đi khám thì biết được nguyên nhân nằm trong não

Mai Nhung | 28-06-2020 - 16:17 PM

(Tổ Quốc) - Mọi người đừng nên chủ quan bỏ qua dấu hiệu bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt như người phụ nữ này.

Kinh nguyệt không đều là hiện tượng hầu hết các chị em đã từng gặp phải. Cách duy nhất để biết tình trạng này có đáng lo ngại hay không là đến khám bác sĩ. Mỗi người có một chu kỳ kinh nguyệt khác nhau nhưng nhìn chung thường nằm trong khoảng từ 21 đến 35 ngày.

Lauren Topor, 27 tuổi, một nhiếp ảnh gia kiêm nhà văn tự do ở Phoenix, Arizona, nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt của bản thân thay đổi thất thường vào đầu xuân năm 2018. Không những vậy, cô còn gặp phải một loạt các triệu chứng như đau bụng dữ dội, bùng phát mụn nang và mệt mỏi cực độ xảy ra ngoài chu kỳ. Dưới đây là chia sẻ của Topor về căn bệnh hiếm gặp cô phải đối mặt này:

Dấu hiệu bất thường

Có chu kỳ kinh nguyệt bất thường trong vòng nhiều tháng, người phụ nữ này đi khám và phát hiện bản thân có một khối u trong não - Ảnh 1.

Chu kỳ không đều có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, từ mất cân bằng nội tiết tố đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.

Vào thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ hiện tượng kinh nguyệt không đều bắt nguồn từ chế độ ăn uống hoặc stress. Mọi thứ sẽ trở lại bình thường nếu tôi thay đổi lối sống như tránh tiêu thụ đường sữa, gluten. Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh việc làm này không đem lại hiệu quả.

Bốn tháng sau kể từ khi những triệu chứng bất thường xuất hiện, tôi bắt đầu lo lắng và tìm đến chuyên gia “Google” để được giúp đỡ. Thông qua một số bài viết, tôi cho rằng bản thân đang mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), một tình trạng rối loạn nội tiết tố làm ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.

Tháng 6 cùng năm, tôi đến bệnh viện và làm nhiều xét nghiệm, bao gồm xét nghiệm máu. Kết quả cho thấy trong máu của tôi có chứa hàm lượng prolactin cao, một loại hormone kích thích cơ thể sản xuất sữa mẹ khi mang thai. Sau đó, bác sĩ nghi ngờ tôi có một khối u trong não và cần phải làm xét nghiệm thêm. Rời khỏi bệnh viên, tôi bị nhấn chìm trong dòng suy nghĩ và sự lo lắng.

Một tuần rưỡi sau đó tôi trở lại xét nghiệm máu. Kết quả vẫn cho thấy nồng độ prolactin trong cơ thể cao hơn bình thường. Giai đoạn tiếp theo là chụp cộng hưởng từ và lần này bác sĩ đã phát hiện có một khối u trong não của tôi.

Căn bệnh hiếm gặp

Có chu kỳ kinh nguyệt bất thường trong vòng nhiều tháng, người phụ nữ này đi khám và phát hiện bản thân có một khối u trong não - Ảnh 2.

Prolactinoma có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng đáng chú ý. Tuy nhiên, chúng có khả năng làm tăng prolactin trong máu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hormone trong cơ thể.

Prolactinoma là một khối u nhỏ, lành tính phát triển trong tuyến yên của não. Hiện nay các chuyên gia chưa thể lý giải tại sao chúng lại xuất hiện ở một số người. Nếu không được điều trị, khối u này có thể phá hủy hormone, làm tăng nồng độ prolactin và ức chế hormone giới tính như estrogen. Tôi có thể cảm nhận rõ tác động của khối u này tới hormone trong cơ thể qua những triệu chứng gặp phải trong thời gian qua. Trên thực tế, theo thời gian, khối u thậm chí còn có khả năng phát triển và tác động đến thị lực.

Sau khi được chẩn đoán mắc prolactinoma, tôi đã tìm đến nhiều chuyên gia y khoa khác nhau để được tư vấn. Lựa chọn cuối cùng của tôi là điều trị ở Viện Mayo vì một người bạn giới thiệu nơi này có dịch vụ chăm sóc tốt và nhiều bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị ung thư.

Chuyển biến tích cực

Có chu kỳ kinh nguyệt bất thường trong vòng nhiều tháng, người phụ nữ này đi khám và phát hiện bản thân có một khối u trong não - Ảnh 3.

Các bác sĩ thường điều trị prolactinoma bằng thuốc để kiểm soát nồng độ prolactin và tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u khi cần thiết.

Trong suốt một tháng, tôi nhận được lời tư vấn từ ba bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật, thần kinh và nội tiết. Từng người trong số họ giải thích những gì đang diễn ra trong cơ thể tôi một cách chi tiết dựa trên kết quả xét nghiệm và ảnh chụp não.

Vì khối u quá nhỏ nên không thể phẫu thuật, các bác sĩ cho rằng cách điều trị tốt nhất là dùng một loại thuốc giúp giảm nồng độ prolactin, ngăn chặn sự phát triển và thậm chí làm thu nhỏ khối u.

Rất có thể tôi sẽ phải dùng thuốc này trong suốt quãng đời còn lại để kiểm soát khối u. Tôi cũng cần đổi thuốc hoặc ngừng uống trong một thời gian nếu muốn có con. Căn bệnh này đã tạo cho tôi thói quen đi khám định kỳ sáu tháng một lần để xét nghiệm máu và chụp cộng hưởng từ hàng năm nhằm theo dõi khối u.

Trong những ngày đang điều trị, dù không thể quay trở lại như trước khi mắc bệnh, chu kỳ kinh nguyệt của tôi đã cải thiện đáng kể. Mụn cũng mờ dần sau vài tháng. Dù uống thuốc gây nên một số tác dụng phụ như đau đầu và buồn ngủ, tôi không còn cảm thấy vô cùng mệt mỏi như trước nữa.

Kinh nghiệm đáng quý

Kể từ thời điểm đầu tiên được chẩn đoán mắc prolactinoma, tôi gặp phải không ít khó khăn khi tìm hiểu những thông tin liên quan tới căn bệnh này. Do đó, tôi rất muốn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân tới những người khác cũng đang gặp phải hoàn cảnh giống như vậy. Họ có thể coi đây là những lời khuyên hữu ích từ người đi trước để từ đó rút kinh nghiệm, lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Cuối cùng, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn đừng ngại ngần đi khám. Bác sĩ đôi khi có thể chẩn đoán nhầm và chỉ có bạn mới là người hiểu bản thân bạn nhất.

Theo Womanhealth

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM