Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh – Người chuyển hóa nỗi đau, chữa lành cảm xúc

| 30-09-2022 - 12:00 PM

(Tổ Quốc) - Trên hành trình chữa lành cho các học sinh, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh và đội ngũ hỗ trợ đã phải chịu đau rất nhiều lần, bị các em đánh, đấm, cắn vào tay, vào cổ. Thay vì bỏ cuộc, cô và đội ngũ đã dùng tình yêu thương để giúp các em vượt qua nỗi đau, chữa lành tổn thương tâm hồn.

photo-1

Giải "bài toán" của những học sinh "lạc lối"

Trước khi trở thành chuyên gia tâm lý, Chủ tịch HĐQT Học viện Minh Trí Thành – đơn vị đi đầu trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện phát triển tư duy tại Việt Nam, cô Nguyễn Thị Lanh từng là giáo viên dạy Toán tại một trường THPT ở Bắc Ninh.

photo-1

Cô Nguyễn Thị Lanh luôn trăn trở về những học sinh đang "lạc lối", mất phương hướng

Tận tụy với công việc, hết lòng vì học trò, cô Lanh không chỉ giảng dạy kiến thức mà còn truyền động lực giúp những học sinh chán học, học kém đạt điểm số cao. Quan sát chính những học trò ấy, cô nhận thấy các em đều muốn làm con ngoan, trò giỏi nhưng do từng bị chê bai, không được ghi nhận nên các em không có niềm tin vào chính mình, luôn nghĩ rằng mình không đủ giỏi. Có những bạn vì mối quan hệ bất hòa với cha mẹ nên các em chán nản, dẫn đến chơi bời. Còn thực tế mỗi đứa trẻ đều là thiên tài của một lĩnh vực nào đó, các em đều có tài năng riêng. Cho đến khi được khơi gợi, tạo động lực đúng cách, những tiềm năng ẩn giấu trong các em mới được phát huy.

 

photo-2

Cô Lanh nhận ra rằng các em đều có tổn thương trong quá khứ và tồn tại một "cục nhựa đường" – chính là cảm xúc xấu, niềm tin giới hạn

Một vài trường hợp nữa khiến cô Lanh suy nghĩ là có em từng học rất giỏi, đỗ đại học với số điểm cao nhưng sau đó thì "lạc lối", sa đà vào rượu, vào game đến nỗi 6 – 7 năm không thể ra trường. Có em thì sang nước ngoài lao động nhưng bị bắt vì ăn trộm, bị đuổi về nước trong ê chề. Cũng có em tìm đến cô Lanh và bảo rằng mình không có ước mơ, không biết đam mê của mình là gì mà chỉ sống theo ý bố mẹ.

 

"Tôi rất thương các em đang "lạc lối" và trăn trở câu hỏi: Điều gì đã khiến các em trở nên như thế? Liệu mình còn dạy các em thiếu điều gì không?", cô Lanh kể.

Để tìm lời giải, cô Lanh đã đọc rất nhiều sách. Cũng từ đó, cô bắt đầu biết đến lĩnh vực trị liệu tâm lý, phát triển tư duy và phương pháp chữa lành. Càng tìm hiểu về lĩnh vực này, cô Lanh càng thấy nó kỳ diệu.

photo-3

Bằng tình yêu thương vô điều kiện, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cùng các cộng sự đã giúp đỡ cho rất nhiều em nhỏ thay đổi, biết yêu thương bản thân mình

"Tôi hiểu ra rằng các em đều có tổn thương trong quá khứ và tồn tại một "cục nhựa đường" – chính là cảm xúc xấu, niềm tin giới hạn. "Cục nhựa đường" đó hình thành trong một thời gian dài nên rất cứng, rất đặc, để "nung chảy" nó cần một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô điều kiện. Vì thế, năm 2011 tôi quyết định dạy cho các con về thái độ sống, phát triển tư duy cho các em học sinh và làm việc sâu sắc hơn với mỗi cá nhân", cô Lanh nói.

 

Thời lượng cho mỗi khóa học chỉ 2 tiếng nhưng có em ở lại cả ngày vì ở đây các em thấy vui vẻ, hạnh phúc. Có những bậc cha mẹ ban đầu còn hoài nghi về tính hiệu quả của những khóa học nhưng sau khi thấy con mình trở nên ngoan ngoãn, tự tin, giàu tình yêu thương thì đã tin tưởng hoàn toàn.

Những tín hiệu tích cực đó giúp cô Lanh có thêm niềm tin vào con đường mình đã chọn. Cô tham gia nhiều khóa đào tạo ở nước ngoài, trở thành chuyên gia về NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy) được Hiệp hội ABNLP Hoa Kì cấp bằng Trainer, Master Coach; chuyên gia về Trị liệu dòng thời gian được Tổ chức Tad James Company cấp bằng Trainer; chuyên gia về Hypnosis được Tổ chức ABH Hoa Kỳ cấp bằng Master Trainer… Đồng thời, cô thành lập Học viện Minh Trí Thành với mong muốn mở rộng quy mô đào tạo, giúp thật nhiều người được chuyển hóa, chữa lành. 

Chuyển hóa hàng chục nghìn người bằng tình yêu thương 

Bằng kiến thức và tâm huyết của mình, cô Lanh đã giúp nhiều học sinh ngỗ ngược xăm trổ đầy mình, mê chơi điện tử, nghiện thuốc lá, cãi nhau với bố mẹ 7 ngày 1 tuần, coi nhà như nhà trọ… được chuyển hóa tích cực. 

Cô Lanh chia sẻ: "Các em hư đốn, bướng bỉnh không phải do các em muốn điều đó mà gốc rễ là vì những cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn chán, trống rỗng… ngự trị bên trong. Nguyên nhân là bởi trong quá khứ các em không được ghi nhận, sai là mắng, là đánh, hay bị chê bai, chì chiết. Vì những sự kiện, hành động trong quá khứ không thể thay đổi được nên tôi chữa lành tổn thương trong quá khứ của các em bằng cách giúp các em có những góc nhìn tích cực về hành vi đó, từ đó thay đổi cảm xúc và hành vi".

Hành trình đồng hành cùng các học trò không hề dễ dàng. Cô Lanh và đội ngũ hỗ trợ đã phải chịu đau rất nhiều lần, bị các em đánh, đấm, cắn vào tay, vào tai. "Vì các em từng đau đớn và tổn thương nên mới hành xử như vậy. Nếu thấy các em phản kháng mà chúng tôi bỏ cuộc thì sẽ không bao giờ có thể chữa lành cho các em được. Thay vào đó, tôi và đội ngũ dùng tình yêu thương vô điều kiện để giúp các em vượt qua nỗi đau, chữa lành những tổn thương tâm hồn", cô Lanh nói.

photo-4

Mong ước của chuyên gia Nguyễn Thị Lanh là mọi gia đình đều được sống trong hạnh phúc và tình yêu thương

Không chỉ chữa lành cho các em học sinh, cô Lanh và Học viện Minh Trí Thành còn tổ chức nhiều khóa học dạy con cho các bậc cha mẹ. Có những buổi học, số lượng phụ huynh vào zoom nghe bài giảng lên tới hơn 10.000 người.

 

Nhiều gia đình trước đây bố mẹ và con cái mất kết nối, không thể trò chuyện với nhau. Bố mẹ mang theo nỗi thất vọng nặng nề về con, cho rằng con mình quá hư, không dạy nổi được nữa. Họ cũng mất luôn niềm tin vào bản thân, không tin rằng mình sẽ thay đổi được con. Thế nhưng sau khi tham gia khóa học của cô Lanh, họ đã nhận ra họ cũng đã từng là những đứa trẻ cô đơn, thiếu thốn nên cùng nhau chữa lành và kết nối yêu thương với con.

"Nhìn thấy mỗi gia đình được chuyển hóa, chữa lành, nhìn thấy nụ cười hạnh phúc, những cái ôm của bố mẹ và con cái dành cho nhau – điều mà trước đây các gia đình không có được, tôi hạnh phúc vô cùng. Đặc biệt xúc động là khi nghe các con tâm sự: "Từ khi bố mẹ con học cô Lanh, con không phải ăn cơm chan nước mắt nữa", "Từ khi bố mẹ con học cô Lanh, chúng con không bị đánh nữa", "Từ khi bố mẹ con học cô Lanh, mẹ con hiền hơn, bố con dễ nói chuyện hơn"... Đó chính là động lực vô cùng lớn để tôi bước tiếp trên hành trình chữa lành, mang lại hạnh phúc và sự bình an cho thật nhiều người Việt".

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Marketing - ngành học chưa bao giờ hạ nhiệt

Trong nền kinh tế hội nhập, doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận Marketing để định vị chỗ đứng trên thị trường kinh doanh và kết nối khách hàng rộng rãi. Một nhãn hàng mỹ phẩm mới ra mắt hay một thương hiệu trà sữa muốn giới thiệu món uống mới thành công đều cần từng bước phân tích đến xây dựng chiến lược khéo léo, sáng tạo.