CEO Lixibox, Sao Lonsdale: "Phụ nữ làm mẹ rồi cũng sẽ có lúc ngược đãi bản thân"

Quang Vũ | 08-03-2022 - 07:49 AM

(Tổ Quốc) - 15 tuổi sang Mỹ du học; 20 năm sinh sống, học tập và làm việc trên đất Mỹ với vị trí chuyên gia tư vấn tài chính tại thung lũng Silicon. Rồi người phụ nữ ấy quả quyết về Việt Nam vừa làm một startup, vừa làm mẹ…

“Vừa làm startup vừa làm vợ làm mẹ, cô đơn và ngược đãi bản thân là điều không tránh khỏi” - Sao Lonsdale, CEO Lixibox. - Ảnh 2.

Sốc văn hoá khi về Việt Nam, nhưng sự tỉ mỉ của người phụ nữ giúp mình vượt qua

Từng sống và làm việc tại Mỹ, với hơn 10 năm làm việc trong chuyên ngành quản trị tài chính doanh nghiệp tại các tập đoàn uy tín quốc tế như Morgan Stanley. Cuối cùng vì sao chị lại chọn toàn tâm toàn ý về Việt Nam startup ngay cả khi biết rằng có quá nhiều thách thức đang đợi mình?

Khi sống và làm việc tại Mỹ hơn 20 năm, trở về Việt Nam tôi khá bỡ ngỡ và thật sự nhìn đâu mình cũng muốn thay đổi. Ví dụ như các cửa hàng nhỏ lẻ tại sao chưa áp dụng công nghệ mà lại bán tống bán tháo sản phẩm trên vỉa hè như vậy. Có hàng loạt câu hỏi trong đầu tôi như thế.

Ngoài ra, tại thung lũng Silicon khi được chứng kiến và làm việc với nhiều dự án nghe có vẻ trên trời, nhưng đều tạo dựng được thành công và được niêm yết trên sàn chứng khoán, tôi càng khao khát gây dựng được công ty như vậy. Thêm vào đó, việc trả giá cho startup thất bại tại Mỹ rất đắt và thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt, nên bản thân tôi thấy khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ nhiều cơ hội hơn.

Cuối cùng, trong sâu thẳm sau bao năm xa quê hương, tôi vẫn muốn có sự cống hiến cho nền kinh tế nước nhà, khi bản thân đã có nhiều kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, tài chính, vận hành. Thông qua Lixibox, tôi muốn mang đến một cách không chỉ là một cách kinh doanh khác biệt mà còn nâng tầm trải nghiệm khách hàng.

Chính chị đã từng nói startup dễ cô đơn, chị nhận ra điều đó trước hay sau khi bắt tay khởi nghiệp tại Việt Nam?

Tôi quen biết với nhiều nhà sáng lập ở thung lũng Silicon khi họ còn "quần đùi, áo cộc" chứ chưa là tỷ phú như bây giờ. Tôi nhìn thấy ở họ tinh thần luôn nhìn thẳng về phía trước đầy nhiệt huyết, họ không dễ bị những chi tiết khác chi phối đến đường đi của mình. Và tôi nhìn thấy sự cô đơn từ đây.

Khởi nghiệp khó như việc làm dâu trăm họ vậy, vừa phải khéo léo và uyển chuyển như 1 chính khách, mà vẫn phải tập trung biết mình đang làm gì để công ty phát triển.

Bên cạnh đó, phụ nữ khi là nhà sáng lập còn khó khăn gấp đôi do nhà đầu tư có xu hướng chú ý đến nam giới hơn. Nhưng đó là điều mình phải chấp nhận.

Ngược lại, phụ nữ cũng có lợi thế về độ nhạy bén với thị trường bởi họ biết cách mềm mỏng khi ứng xử với đội ngũ, khách hàng, nhà đầu tư. Cộng thêm môi trường kinh doanh ở Việt Nam thiên về vận hành và khả năng thực thi tốt, hơn là ở Mỹ ưu tiên những ý tưởng phải điên rồ, cao siêu nên tôi dù cô đơn tôi vẫn thấy Lixibox là quyết định đúng đắn khi chọn khởi nghiệp tại Việt Nam.

“Vừa làm startup vừa làm vợ làm mẹ, cô đơn và ngược đãi bản thân là điều không tránh khỏi” - Sao Lonsdale, CEO Lixibox. - Ảnh 3.

Lixibox dù được thực hiện chuyên nghiệp kiểu Mỹ khi áp dụng công nghệ tiên tiến và tự động hoá, hướng tới dịch vụ 5 sao, nhưng môi trường ở Việt Nam vẫn có nhiều khác biệt, chị đã bị "vấp" chưa?

Việc khác biệt văn hoá khiến tôi "vấp váp" khá nhiều.

Điển hình là, tại Mỹ cuộc đối thoại giữa khách hàng và người bán sẽ ngắn gọn hết sức, không có ạ dạ vâng mà vào thẳng vấn đề. Nhưng tại Việt Nam, việc chăm sóc khách hàng lại phức tạp hơn hẳn khi phải để ý cách xưng hô - nhận biết được đối tượng là anh, chị hay cô bác cũng là cả vấn đề. Người Việt mình vẫn còn dài dòng, nên khi chăm sóc khách hàng, người bán hàng phải hiểu nhanh, nắm được trọng tâm hay đoán trúng ý của khách để giải quyết vấn đề nhanh gọn.

Việc điều hành nhân viên cũng vậy. Ban đầu, các bạn nhân viên làm việc còn bị phụ thuộc lẫn nhau, chưa có sự độc lập nên kết quả công việc không được nhanh chóng. Tôi đã phải chỉ dẫn cho các bạn: nói chuyện và thẳng vấn đề, có gạch đầu dòng đề trình bày ngắn gọn dễ nhìn, luôn phải đề xuất hướng giải quyết vấn đề. Đến nay, tôi đã xây dựng được đội ngũ Lixibox trẻ trung, năng động và hiệu quả. Ngược lại, các bạn nhân viên cũng giúp tôi thích nghi tốt hơn với văn hoá Việt Nam.

Đừng bỏ bẵng bản thân cho dù bạn đã lập gia đình và có sự nghiệp riêng

Phụ nữ làm về tài chính, rồi điều hành một startup là khá cực nhọc, trong khi là phụ nữ, chị còn có thêm vai trò làm vợ - làm mẹ nữa, chị "phân thân" như thế nào?

Quả đúng đó là bài toán khó, tôi là người luôn cầu toàn muốn mọi thứ phải hoàn hảo, startup cũng phải hoàn hảo.

Thứ nhất, tôi luôn chủ động nghiên cứu tìm hiểu nhiều nguồn thông tin để làm 1 bà mẹ khoa học trong tầm kiểm soát. Ví dụ mình phải tính toán đặt bình sữa, máy hâm sữa hút sữa ở đâu trong phòng ngủ, để khi con khóc thì mình chỉ cần lấy nước sữa trong chính xác bao nhiêu giây. Hay việc đi du lịch có các bé, tôi cũng soạn sẵn file excel để nhờ người giúp việc dọn giùm và dán nhãn từng vật dụng nên được sắp xếp ở vali nào, chuẩn bị kỹ càng thì tránh việc bỏ sót đồ đạc cần thiết để chuyến đi hoàn hảo nhất có thể.

Thứ hai, dù bận rộn đến mấy, tôi cũng dành ra 1 tiếng để nghỉ ngơi. Đôi khi chỉ cần cảm nhận năng hôm nay đẹp như thế nào cũng thấy cuộc đời tươi sáng hơn. Những giây phút đó khiến mình nhận ra mình may mắn hơn rất nhiều người để biết yêu thương và cho đi.

Cuối cùng, tôi may mắn khi ông xã là người Do Thái và là nhà đầu tư nên được chia sẻ và thấu hiểu rất nhiều. Dù cuộc sống làm mẹ và làm startup song song khó vô cùng, nhưng nhìn đứa con của mình vui vẻ, thấy khách hàng hài lòng thì công sức bỏ ra là đáng giá.

“Vừa làm startup vừa làm vợ làm mẹ, cô đơn và ngược đãi bản thân là điều không tránh khỏi” - Sao Lonsdale, CEO Lixibox. - Ảnh 4.

Dù chị nói đến 1 bà mẹ khoa học với những lập trình hoàn hảo, nhưng thực tế có khi nào chị căng thẳng đến mức"ngược đãi bản thân" và quên chăm sóc chính mình?

Phụ nữ nào làm mẹ cũng sẽ ngược đãi bản thân trong 1 khoảng thời gian nào đó.

Lúc tôi có bầu bé thứ 2, đó cũng là thời gian phong toả không đi lại được, khiến mình căng thẳng nhiều kinh khủng. Đến tháng thứ 5, bác sĩ nói bào thai đang không phát triển. Tôi sợ quá và ăn gấp đôi để mong con nhận được nhiều dưỡng chất hơn. Kết quả là bé phát triển bình thường nhưng mình lại bị vẩy nến do lên cân quá nhanh trong thời gian mang bầu. Tôi không nhận ra chính mình, vẩy nến quá nhiều, ngứa toàn thân và khớp tay đau đến độ không ôm con được.

Tôi về Mỹ và đi chữa trị ngay lập tức. Cũng khá khó khăn để trở lại như ban đầu nhưng tôi biết quay về kỷ luật với bản thân, ăn uống 1 cách khoa học nhất.

Phụ nữ chúng ta khi làm mẹ đã không hề đơn giản, tôi cũng phục những người chồng có thể đồng hành và chia sẻ cùng vợ trong thời gian này. Vì thế, tôi vẫn muốn khuyên chị em dù thiên chức có thể khiến chúng ta quên chính mình trong lúc nào đó, hãy luôn nhắc nhở chính mình mình dành thời gian đối đãi với bản thân tốt hơn. Nếu lỡ có thấy bản thân xộc xệch hãy sốc lại mình ngay.

Dạy con 16 tháng tuổi đọc bảng chữ cái nhờ văn hoá chú trọng phát triển tư duy của người Do Thái

Chị từng ví một startup nuôi dự án của mình như nuôi một đứa con tinh thần, nhưng tôi muốn hỏi về góc làm mẹ đúng nghĩa. Bản thân chị đã có thời gian dài sống ở nước ngoài, quan điểm dạy con của chị nghiêng về tính độc lập của phương Tây hay bao bọc kiểu truyền thống?

Tôi dạy con về tính độc lập từ khá nhỏ, ví dụ dạy cho bé từ những việc nhỏ biết tự làm, tự dọn dẹp đồ chơi, dọn đồ chơi này rồi mới được lấy đồ chơi kia ra. Tôi cũng không cấm đoán con xem youtube, nhưng chồng mình có tìm hiểu để lựa các chương trình tốt cho con.

Hiện tại con tôi được 16 tháng đã biết đọc các chữ cái tiếng Anh. Tuy nhiên, cũng có cái tôi chiều con hoặc chồng chiều nhưng nhìn chung luôn hướng tới việc để con phát triển độc lập. Thực tế tôi thấy để nuôi con thông minh, dạy con biết nhanh không hề khó, chỉ là mình để ý về phương pháp 1 chút là sẽ có cách.

Chị thấy nuôi dạy con truyền thống có gì khác biệt so với phương Tây?

Nuôi dạy con kiểu truyền thống kiểu Việt Nam có khác biệt lớn nhất là thường có liên quan đến ông bà. Ông bà Việt Nam sẽ cho rằng mình có thể tự quyết định quyền cho cháu ăn gì, dạy cháu như thế nào, nên sẽ bỏ qua việc hỏi ý kiến của cha mẹ hay người chăm sóc con.

Trong khi đó cha mẹ mới là người nuôi dưỡng chính con cái và khi những người xung quanh không thống nhất được phương pháp, sẽ khiến trẻ con cảm thấy bối rối và khó xử vì sự khác biệt của người lớn trong gia đình.

“Vừa làm startup vừa làm vợ làm mẹ, cô đơn và ngược đãi bản thân là điều không tránh khỏi” - Sao Lonsdale, CEO Lixibox. - Ảnh 5.

Ở phương Tây thì hơi khác, ông bà là người thân nhưng không phải là người chăm sóc bé trực tiếp, nên khi cho bé ăn hay dạy dỗ bé ông bà sẽ hỏi cha mẹ hoặc bảo mẫu để biết phương pháp trải nghiệm hàng ngày của con là gì mà theo cho đỡ xáo trộn. .

Chồng chị là người Do Thái, chị cũng đã nghiên cứu sâu về văn hóa và cách dạy con của người Do Thái, chị học được ở chồng mình hay quê hương của chồng điều gì và áp dụng vào việc dạy con như thế nào?

Văn hóa người Do Thái luôn chú trọng phát triển sự thông minh và sở trường trẻ con vốn có. Cộng đồng người Do Thái tôn trọng văn hóa và muốn con họ thấm nhuần từ bé.

Có một tục lệ rất quen thuộc của người Do Thái là bữa tối vào thứ 6 (Shabbat dinner) sẽ đốt nến đọc một câu chuyện văn hóa, cả nhà sẽ bỏ điện thoại xuống không nhìn vào màn hình hay những thiết bị công nghệ khác để hỏi thăm nhau. Bữa tối này sẽ làm bớt đi những sự bận bịu của email, công việc và quan tâm đến các thành viên trong gia đình.

Tâm lý người Việt là cố gắng lao động chăm chỉ để kiếm tiền có tài sản để lại cho con cái sau này đỡ khổ. Chị nghĩ sao về quan điểm này?

Kiếm tiền nhiều khi cũng là 1 bản năng để xác nhận mình ở trong xã hội là ai. Vì thế kiếm tiền không có gì xấu, nó còn giúp mình được hưởng thụ nhờ việc kiếm tiền, con cái được phát triển toàn diện trong một môi trường sống và học tập thuận lợi.

Còn việc đưa hết số tiền đã có, đã tích lũy cho con sau này thì lại là một chuyện khác. Quan trọng là trong 18-20 năm qua đứa con của mình đã phát triển như thế nào, có hợp lý hay không để tiếp quản những gì cha mẹ đã cố gắng xây đắp. Đứa trẻ đã lớn lên này có tạo nên những giá trị nào cho bản thân, cho xã hội nhờ số tiền của cha mẹ chúng hay không…

Là người đi nhiều, biết rộng và trải nghiệm nhiều năm cuộc sống phương Tây, khi về Việt Nam chị có nhận ra nhiều phụ nữ Việt hay mắc phải "lỗi" gì, có thể như việc chú tâm đến cân nặng của con trẻ nhưng lại thiếu việc rèn cho con sự tự lập và biết chịu trách nhiệm?

Tôi cho rằng không chỉ phụ nữ Việt mà cả phụ nữ phương Tây cũng có thể rơi vào tình trạng ngược đãi bản thân. Mình cần xác định đã làm mẹ ai cũng từng có lúc mắc sai lầm. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại cùng nhiều thông tin khoa học sẽ giúp chúng ta tránh được nhiều sai lầm hay khó khăn. Quan trọng là mình cần chủ động đi tìm hiểu.

“Vừa làm startup vừa làm vợ làm mẹ, cô đơn và ngược đãi bản thân là điều không tránh khỏi” - Sao Lonsdale, CEO Lixibox. - Ảnh 6.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM