Tại buổi làm việc với phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam ngày 22/3, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho hay: "Cần Thơ không có biển cũng như cửa khẩu, cho nên địa phương không tập trung thực hiện phát triển những loại hình kinh tế này. Cần Thơ có sân bay quốc tế nên quy hoạch có thành phố sân bay 10.000 ha để vươn ra thế giới".
Theo ông Trường, trong "thành phố sân bay", địa phương dành một quỹ đất rộng khoảng 2.000 héc ta để xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL. "Trong trung tâm này, chúng tôi ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không cũng như hệ thống logistics cảng sông và hệ thống kho trung tâm để bảo quản các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL", ông nói.
Đồng thời, theo ông Trường, địa phương sẽ mở rộng sân bay để đầu tư thêm hệ thống liên quan nhằm phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL đến TP Cần Thơ xuất khẩu trực tiếp ra các nước trên thế giới.
Xuất phát từ nhu cầu nêu trên, ông Trường mong muốn được hợp tác với các nước trong khối EU. Trong đó, sẽ tập trung hợp tác về lĩnh vực chế biến, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như hợp tác sản xuất các phụ kiện, linh kiện để phục vụ lại cho thành phố sân bay này.
Về quan hệ thương mại với EU, theo ông Trường, năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Cần Thơ sang thị trường EU đạt khiêm tốn, chỉ khoảng 126 triệu đô Mỹ với các mặt hàng như lúa gạo, thuỷ hải sản, dược phẩm, sản phẩm may mặc, thuốc thú y, máy móc thiết bị… Trong khi đó, nhập khẩu từ EU khoảng 15 triệu đô la Mỹ với các sản phẩm như nguyên liệu dược, thuốc thú y, vải, các loại xe…
Thông qua buổi làm việc này, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam, mong muốn tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư với vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, nhất là về lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, hạ tầng giao thông…
Theo đại sứ Giorgio Aliberti, trong số các chương trình hợp tác đa biên đã thông qua vào tháng 12 năm ngoái, thì có 11 chương trình có thể liên kết, hợp tác với TP Cần Thơ.