Mùa đại hội cổ đông thường niên năm nay của các ngân hàng diễn ra chậm hơn 2 tháng so với thường lệ do ảnh hưởng của Covid-19. Đến thời điểm hiện tại là ngày 21/6 vẫn còn nhiều ngân hàng chưa tổ chức đại hội.
Do tác động của dịch bệnh, trong kế hoạch kinh doanh 2020 đã được cổ đông các ngân hàng thông qua (với những ngân hàng đã đại hội xong), hoặc đang dự thảo trình lên đại hội đồng cổ đông sắp tới, có một điểm chung dễ nhận thấy là các kế hoạch kinh doanh không còn thấy sự tham vọng như các năm trước, thay vào đó là những nội dung vô cùng thận trọng.
Đầu tiên phải kể đến Vietcombank - ngân hàng làm ăn tốt nhất hệ thống khi năm 2019 đã vượt xa con số 23.000 tỷ đồng. Trong năm ngoái, chủ tịch nhà băng này là ông Nghiêm Xuân Thành từng nhiều lần nhắc đến con số 25.000 tỷ hoặc hơn sẽ được ghi nhận trong năm nay. Tuy nhiên trong tài liệu chuẩn bị cho kỳ đại hội tổ chức vào ngày 26/6 tới, các con số về chỉ tiêu kinh doanh vẫn chưa được ngân hàng liệt kê cụ thể. Trước đó một ông lớn ngân hàng khác là VietinBank đã đại hội cổ đông nhưng cũng bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận.
BIDV là ngân hàng đại hội cổ đông sớm nhất, khi Covid-19 chưa bùng phát và kinh tế chưa bị ảnh hưởng. Nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận 12.500 tỷ đồng cho năm nay, nhưng chắc chắn kế hoạch sẽ phải điều chỉnh sớm, bởi lẽ riêng ngân hàng này đã dành hơn 200.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid, chưa kể hàng trăm nghìn tỷ đồng dư nợ cũ được thực hiện cơ cấu lại, giãn nợ, miễn giảm lãi, phí... theo thông tư 01 của NHNN.
Trước đó phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết các ngân hàng thương mại Nhà nước năm nay có thể phải hi sinh 30-40% lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Và tính toán của chúng tôi cho thấy con số lợi nhuận bị sụt giảm của riêng nhóm 4 ngân hàng lớn nhất có thể trên dưới 20.000 tỷ đồng.
Ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nếu như mọi năm những cái tên như Techcombank, VPBank hay MB đều đặt chỉ tiêu khá tham vọng, thì năm nay cũng dè chừng đáng kể.
Tại VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, trên cơ sở kết quả của năm 2019 với lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, ban lãnh đạo nhà băng này từng tính đến kế hoạch khoảng 13.500 - 14.000 tỷ đồng cho 2020. Tuy nhiên do Covid-19 tác động, ngân hàng phải giảm lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng, bao gồm cả việc cắt giảm lương của cán bộ nhân viên. Bởi vậy kế hoạch kinh doanh năm nay chốt lại còn thấp hơn cả năm trước, và "ngân hàng sẽ nỗ lực để đạt kế quả bằng hoặc cao hơn năm 2019 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt".
Tại Techcombank, trong đại hội cổ đông vừa diễn ra ngày 20/6, nhà băng này cũng chỉ dè dặt với lợi nhuận tăng 1% so với năm trước, thay vì tăng trưởng hai chữ số đã đạt được suốt từ 2013 tới nay.
Còn MB, ngày 24/6 tới đây sẽ đại hội, ngân hàng cũng đang ước tính lợi nhuận giảm khoảng 10% do tác động của dịch bệnh. Như vậy, lợi nhuận năm nay của MB sẽ rơi xuống khoảng 9.000 tỷ đồng.
Ở các nhà băng khác, kế hoạch lợi nhuận năm nay cũng thận trọng chứ không thấy đột biến như mọi năm, phổ biến là sụt giảm 10-20%, một số ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng cũng chỉ vài phần trăm cho đến khoảng 10%. Có một số ít ngân hàng đề ra mức tăng trưởng gần 50% song đây là những trường hợp đã dự trù sẽ có những khoản thu được hạch toán vào lợi nhuận trong năm nay, hoặc ở các nhà băng có con số lợi nhuận tuyệt đối ở mức thấp vài trăm hoặc trên dưới 1.000 tỷ.
Theo dự đoán của các công ty chứng khoán, lợi nhuận của các ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán (18 ngân hàng) năm nay sẽ giảm ít nhất 10%. Bởi vậy việc các ngân hàng thận trọng ngay từ lúc đưa ra kế hoạch cũng là điều dễ hiểu.