Chiều 6/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố các quyết định giảm thêm một số mức lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,2 đến 0,5%/năm, có hiệu lực từ 6/8/2020. Đáng chú ý nhất là NHNN đã hạ 50 điểm cơ bản đối với lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc tại NHNN xuống còn 0,5%/năm.
Chứng khoán KBSC cho rằng, tác động của động thái này tới các tổ chức tín dụng là hạn chế và chủ yếu là giảm áp lực chi ngân sách.
Cụ thể, việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc mặc dù có ảnh hưởng tới nguồn lợi nhuận của các tổ chức tín dụng nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ khoảng 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 năm và 1% đối với khoản tiền gửi trên 1 năm.
Theo ước tính sơ bộ của KBSC, mức tác động của việc giảm lãi suất này tới tổng hệ thống ngân hàng là vào khoảng 600 tỷ đồng, trong đó khối NHTMNN chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khoảng trên dưới 60 tỷ đồng/ngân hàng.
Trong khi đó, động thái này cũng giúp ngân sách giảm 1 phần chi phí trong bối cảnh bôi chi ngân sách năm nay dự kiến ở mức cao do các chính sach hỗ trợ kinh tế của Chính phủ trong năm nay dưới tác động của Covid-19 (bao gồm các gói giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng chi đầu tư công...).
Tương tự, chứng khoán BVSC cũng đánh giá các quyết định giảm lãi suất mới đây của NHNN nhằm mục tiêu chủ yếu là giảm chi phí hoạt động cho NHNN. Điều này đồng nghĩa thu nhập của các NHTM từ tiền gửi dự trữ bắt buộc gửi tại NHNN theo đó sẽ bị giảm theo.
BVSC cho rằng, việc giảm lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc không giống như việc cắt giảm các loại lãi suất điều hành khác như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu... (giúp giảm chi phí đi vay của NHTM, qua đó giúp giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường). Do đó, việc NHNN giảm lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc của các NHTM không phải là động thái thể hiện nới lỏng thêm tiền tệ.