Các nhân viên tại sở thú tại thủ đô Mátxcơva (Nga) đã bắt đầu theo dõi những con gấu vào tháng Hai và nhận thấy nhịp sinh học của chúng hoạt động mạnh hơn nhiều so với bình thường. Ngay trong tháng Ba này, những con gấu này sẽ thoát khỏi trạng thái ngủ đông - một hiện tượng khiếu nhiều nhà động vật học phải chú ý khi chu kỳ ngủ đông ở loài gấu thường kết thúc vào tháng Tư hàng năm.
Nguyên nhân của việc này được các nhà nghiên cứu xác định do nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng lên trong vài năm gần đây. Mùa đông vừa qua được xem như một trong những mùa đông nóng nhất trong lịch sử loài người.
Gấu tại sở thú hay sống ngoài hoang dã đều đang có xu hướng thức tỉnh sớm hơn so với bình thường.
Đáng chú ý, tình trạng gấu kết thúc chu kỳ ngủ đông sớm hơn thường lệ cũng được ghi nhận tại nhiều khu vực khác tại Nga cũng như một số quốc gia khác.
Tại tỉnh Voronezh (Nga), một con gấu nâu thường trú trong vườn thú thành phố Masha thức dậy trước một tháng so với lịch trình. Các nhân viên sở thú nhận thấy trạng thái ngủ đông có sự biến đổi khác thường dựa trên độ nhạy cảm của gấu với ánh sáng và âm thanh.
Điều tương tự cũng xảy ra với hai con gấu nâu tại Sở thú Korkesaari ở Helsinki (Phần Lan). Chúng thậm chí đã thức dậy vào giữa tháng Hai năm nay chỉ sau hai tháng ngủ đông.
Các chú gấu thức tỉnh đột ngột trong kỳ ngủ đông.
Ở New Hampshire, các nhà nghiên cứu về gấu cho biết đã nhiều lần nhìn thấy gấu vào đầu tháng Hai năm nay. Tại khu vực này, mùa đông vừa qua có ít tuyết hơn và nhiệt độ cao hơn bình thường. Ở một số vùng khác, mùa đông còn có nhiệt độ ấm tới mức loài gấu thậm chí không muốn ngủ đông.
Tùy thuộc vào loài, mỗi năm, gấu thường ngủ đông trong khoảng năm tháng, một số có thể kéo dài tới tám tháng. Loài gấu sẽ bắt đầu ngủ đông khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới mức ít nhất là 10 độ C. Khi thời tiết ấm hơn vào cuối mùa xuân, gấu sẽ bắt đầu thức tỉnh để tìm kiếm thức ăn cho các bữa ăn nhẹ.
Gấu đào hang để chuẩn bị trú ngụ qua mùa đông.
Ngủ đông là một cơ chế được nhiều động vật sử dụng để giúp chúng sống sót trong thời tiết giá lạnh khắc nghiệt. Trong suốt những tháng mùa đông, nhiệt độ giảm xuống, thực phẩm khan hiếm và việc sinh tồn đặc biệt khó khăn với những loài thú hoang dã.
Sự trao đổi chất, hơi thở và nhịp tim của động vật ngủ đông chậm lại và nhiệt độ của chúng giảm xuống, điều này giúp bảo tồn năng lượng.
Động vật có vú như loài gấu khi vào giấc ngủ đông phải dự trữ một lượng lớn chất béo bằng cách ăn thật nhiều trong những tuần gần ngủ đông. Lớp mỡ thừa này cho phép chúng sống sót qua một thời gian dài.
Việc thức tỉnh sớm hơn dự kiến sẽ gây ra khó khăn cho loài gấu khi chúng buộc phải tìm cách sinh tồn trong một hoặc hai tháng mùa đông khắc nghiệt. Thời tiết tuy đã ấm hơn nhưng nguồn thực phẩm vẫn vô cùng khan hiếm. Mặt sông hồ đóng băng và những thân cây khô héo dưới cái lạnh cắt đứt nguồn cung cấp cá và thực sản, hai loại thức ăn chính giúp loài gấu sinh tồn.