Ngày 6/4, Viện nghiên cứu Hồ Nhuận đã công bố danh sách 100 doanh nhân bất động sản hàng đầu thế giới, những doanh nhân này lần lượt đến từ 16 quốc gia, trong đó có 52 doanh nhân bất động sản của Trung Quốc, nhiều hơn tổng số của các nước khác.
Tỷ phú Lý Gia Thành, người sáng lập Tập đoàn Trường Giang Thực Nghiệp. Ông cũng là người đưa gia tộc của mình vươn lên ngôi vị giàu nhất thế giới về bất động sản với tổng giá trị khoảng 26,28 tỷ USD.
Ngày 16/3/2018, ông Lý tuyên bố nghỉ hưu ở tuổi 89, nhưng vẫn dõi theo một trong những đế chế kinh doanh lớn nhất châu Á, trải dài hơn 50 quốc gia với 323.000 nhân viên.
Nhìn thấy triển vọng bất động sản trước thời đại
Lý Gia Thành kiếm được khoảng doanh thu đầu tiên bằng cách kinh doanh hoa nhựa, do đó ông được mệnh danh là "Ông vua hoa nhựa."
Nếu đổi lại là một doanh nhân bình thường khác, khi họ đã kinh doanh rất tốt trong lĩnh vực hoa nhựa rồi, họ nhất định sẽ cố gắng tiếp tục phát triển và phấn đấu để làm cho nó lớn mạnh hơn, thậm chí là trở thành người mạnh nhất trên thế giới về lĩnh vực hoa nhựa này.
Nhưng Lý Gia Thành lại không làm như vậy. Ông hiểu rất rõ bất kỳ mối làm ăn nào cũng đều có định luật thịnh vượng và suy tàn của riêng nó. Là một doanh nhân, ông phải có tầm nhìn xa hơn, trông ra thế giới, nhìn đến tương lai, mới có thể dễ dàng kiếm được nhiều tiền hơn, cũng mới có thể tìm được cho mình một vị trí "bất khả chiến bại."
Hình minh họa. Ảnh: The Atlantic
Vậy không làm hoa nhựa nữa, thì ông ấy đã làm gì? Sự quan sát tinh tế của chính mình đã cho Lý Gia Thành một linh cảm. Một ngày nọ, khi Lý Gia Thành lái xe đến vùng quê để hóng gió, ông đã vô tình nhìn thấy ngoài những người nông dân đang bận rộn làm nông ra, còn có không ít các công nhân xây dựng đang xây nhà. Và khi đó Lý Gia Thành nhận thức được sâu sắc một điều, bất động sản sẽ là một ngành công nghiệp phát triển ở Hồng Kông (Trung Quốc).
Sau đó, Lý Gia Thành tích cực nghiên cứu và suy nghĩ. Kết quả ông phát hiện ra, vào năm 1951, dân số Hồng Kông chỉ khoảng 2 triệu người. Nhưng chưa đến 10 năm, con số này đã tăng lên tới gần 3 triệu.
Dân số tăng không chỉ làm tăng nhu cầu về nhà ở của người dân Hồng Kông, mà còn khiến nền kinh tế ở Hồng Kông phát triển không ngừng.
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng đất cho thương mại, xây dựng cửa hàng, tòa nhà văn phòng, nhà máy cũng ngày càng cao. Do đó, nhu cầu về nhà ở Hồng Kông cũng ngày càng lớn. Mà tốc độ gia tăng số lượng nhà cửa ở đây rõ ràng đã không theo kịp.
Dựa vào tầm nhìn kinh doanh nhạy bén của mình, Lý Gia Thành quyết định gia nhập vào lĩnh vực bất động sản. Năm 1958, ông đã mua một tòa nhà 12 tầng ở khu công nghiệp nổi tiếng, chính thức gia nhập vào lĩnh vực bất động sản.
Thành công không do may mắn
Năm 1958, khi chủ xưởng sản xuất nâng giá cho thuê, Lý Gia Thành đã có đủ tiền mặt để mua lại toàn bộ nhà máy. Đây cũng là thương vụ đầu tư vào bất động sản đầu tiên của ông. Cheung Kong Industries đổi tên thành Cheung Kong Holdings vào năm 1971, phát cổ phiếu lần đầu ra công chúng một năm sau đó. Năm 1979, ông Lý là chủ doanh nghiệp tư nhất lớn nhất Hồng Kông.
Nối tiếp thành công ban đầu, ông Lý mở rộng hoạt động của công ty theo hướng mới, thông qua việc mua lại công ty đầu tư Hutchison Whampoa của Anh vào năm 1979. Những năm 1980, Lý chuyển hướng Hutchison Whampoa sang mảng viễn thông.
Ông cũng mạnh dạn đưa Hutchison Whampoa tiếp cận một loạt doanh nghiệp khác. Những thỏa thuận, hợp đồng liên tục được ký kết. Khi đó, ông được người trong giới gán biệt danh "Superman" (Siêu nhân).
Đế chế kinh doanh của "đại gia" họ Lý bao gồm nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, cảng biển, điện thoại di động, siêu thị, cho thuê máy bay đến dầu mỏ.
Nhiều người tin rằng sở hữu đồ dùng cá nhân của người thành công sẽ giúp họ may mắn hơn. Vì thế, cách đây nhiều năm, các món đồ cá nhân Lý Gia Thành tặng cho một cuộc đấu giá từ thiện đã nhanh chóng được mua với giá cao. Tuy nhiên, tỷ phú Hồng Kông nói rằng, ông thành công không nhờ may mắn.
"Tôi không phủ nhận rằng thời thế tạo anh hùng. Nhưng đối với bản thân, tôi gần như chắc chắn không dựa vào may mắn. Tôi thành công nhờ chăm chỉ làm việc để đạt được những mục tiêu của bản thân".
Cơ hội làm ăn 80% mọi người tin tưởng thì tuyệt đối không làm
Phương châm 8 chữ "Kinh doanh cẩn thận, lấy nhẫn làm gốc" là gia quy của gia tộc họ Lý.
Tỉ phú Lý Gia Thành thường xuyên nói với các con trai của mình, mất mười năm để trồng cây nhưng mất cả trăm năm để thành rừng. Muốn xây dựng nhãn hiệu lớn phải quan tâm tới tiểu tiết, phải nhẫn nại, như vậy mới có được thành tựu như mong ước.
Tỷ phú Lý Gia Thành từng nói: "Khi tôi mặc một bộ trang phục và có đến 80% người thấy điều đó khen đẹp thì tôi nhất định sẽ mua nó! Một cơ hội làm ăn vừa đến tay, 80% mọi người nói rằng có thể làm được nhưng tôi thì tuyệt đối sẽ không làm! Lý Gia Thành tôi cực kỳ tin tưởng vào định luật 80:20. Điều này có thể lý giải vì sao thế giới có 20% người giàu và 80% người nghèo? Bởi vì 20% người giàu đó làm những việc mà người bình thường không thể nào hiểu được".
Công việc kinh doanh phát triển càng lớn thì càng cần phải biết cách dùng người, phải có con mắt tinh tường hơn người.
Các vấn đề nảy sinh trong cơ chế quản lý doanh nghiệp khác biệt với các vấn đề mang tính nghiệp vụ. Trong khi các vấn đề mang tính nghiệp vụ không ảnh hưởng tới đại cục, thì các vấn đề về thể chế quản lý lại thường mang tính cục bộ.
Nếu không kịp thời xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tiền đồ và vận mệnh của cả doanh nghiệp.
Bất cứ sự nghiệp nào cũng đều có những thăng trầm của nó. Tỷ phú Lý Gia Thành khuyên răn con trai: Vào những lúc "trầm" nhất định phải bình tĩnh, phân tích kỹ càng.
Sự nghiệp này đã đến bước đường cùng, liệu có còn một ngày nào đó sẽ phất trở lại? Nếu đã suy nghĩ thông suốt, thì phải nắm bắt thời gian, tìm kiếm cơ hội lớn nhất cho ra lợi nhuận từ nhưng thứ người khác đã từ bỏ.
Theo Forbes, Sohu