Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu đều đưa ra các đòn cấm vận lịch sử nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga với hy vọng có thể gây sức ép với Moscow. Thế nhưng bất chấp những lệnh trừng phạt ấy, ở thời điểm hiện tại Nga đang bán được nhiều dầu và khí đốt hơn so với giai đoạn trước chiến dịch quân sự 24/2, Business Insider đưa tin.
Theo ước tính của Bộ Tài chính Nga, chính phủ Nga dự kiến sẽ thu về khoảng 9,6 tỉ USD từ tiền bán năng lượng trong tháng 4. Con số này còn vượt qua dự tính ban đầu của Nga, chủ yếu là do giá dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng vọt. Bloomberg cho rằng, Nga có thể sẽ kiếm được 321 tỉ USD nhờ xuất khẩu năng lượng trong năm 2022 - tăng hơn 1/3 so với 2021.
Những số liệu ước tính nêu trên có phần trái ngược với những đòn trừng phạt "khủng" mà phương Tây áp đặt hồi tháng trước.
Chính phủ Mỹ đã áp cấm vận toàn diện lên tất cả các sản phẩm năng lượng từ Nga trong khi Anh công bố kế hoạch giảm dần nhập khẩu dầu từ Nga. EU thì quyết định ngừng nhập than đá của Nga trong khi cân nhắc tới phương án cấm nhập dầu thô.
Những biện pháp nêu trên được công bố liên tiếp, nhằm mục đích chặn đứng khả năng Nga tiếp cận các khoản doanh thu từ xuất khẩu năng lượng và tác động tới nền kinh tế Nga.
Tuy nhiên, Nga vẫn có đủ khách hàng để giữ cho mảng năng lượng hoạt động và doanh thu tương đối vững vàng. Theo Reuters, Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu Nga kể từ hồi cuối tháng 2 trong khi toàn bộ năm 2021 nước này chỉ nhập từ Moscow 16 triệu thùng dầu.
Cơn khát than đá của Ấn Độ cũng đang gia tăng, CNBC nhận định. Trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách ngừng nhập khẩu hàng hóa Nga thì người khổng lồ châu Á lại để mắt tới than đá của Nga - sau khi mua lượng lớn dầu giảm giá.
Dữ liệu từ trung tâm phân tích Kpler cho thấy, lượng than đá Ấn Độ nhập khẩu từ Nga trong tháng 3 đã tăng lên mức cao chưa từng thấy trong hơn 2 năm trở lại đây - khoảng 1,04 triệu tấn. Chuyên gia Matthew Boyle của Kpler cho biết, 2/3 lượng than đá New Delhi nhập trong tháng 3 đến từ các cảng ở vùng Viễn Đông của Nga và nhiều khả năng là sau thời điểm 24/2.
Trung Quốc cũng vẫn đang là khách hàng của Moscow. Mặc dù các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã tạm ngừng nhận các đơn hàng mới liên quan tới dầu Nga nhưng họ vẫn tiếp tục xử lý các hợp đồng có từ trước thời điểm 24/2.
Bản thân EU cũng đang phải thanh toán cho Nga các khoản tiền mua dầu, khí đốt lớn. Khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên và 27% lượng dầu thô của khối phụ thuộc vào xuất khẩu của Nga. EU đang tính toán các kế hoạch nhằm cắt đứt quan hệ thương mại với Nga về năng lượng nhưng ở thời điểm này, EU vẫn đang là 1 khách hàng lớn.
Chia sẻ với trang tin Money S (Hàn Quốc), Cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - ông Oleg Ustenko nhận định: Nga hiện đang thu về 1 tỉ USD mỗi ngày chỉ từ hoạt động buôn bán dầu.
Không chỉ dừng lại ở đó, chính phủ Nga vẫn đang tìm kiếm thêm các khách hàng tiềm năng. Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov tuyên bố, Nga sẵn sàng bán dầu và các sản phẩm liên quan cho "các quốc gia thân thiện" trong "bất kỳ tầm giá nào".
Business Insider cho rằng, doanh thu từ dầu nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục chảy vào túi Nga trong khi Ấn Độ và Trung Quốc chưa xác định điều chỉnh chương trình thương mại của mình. Tuy nhiên, phương Tây đang chuẩn bị các đòn cấm vận mới và Nga có lẽ sẽ phải nỗ lực hơn để vận chuyển được dầu và khí đốt tới các khách hàng của mình.