Cuộc sống này có phải rất khắc nghiệt không? Cũng như thời tiết, có những ngày nắng thì cũng có những ngày giông bão. Khi chúng ta hét vào mặt đồng nghiệp, bực bội với vợ/chồng, chán nản với công việc đang làm, nợ nần, nghiện ngập... đó chính là những biểu hiện của rối loạn điều hòa cảm xúc hay còn gọi là không thể tự điều chỉnh. Trong thực tế, phần lớn sự kịch tính và bất hạnh trong cuộc sống xảy đến với chúng ta đều đến từ thách thức ở chính bên trong mình: chúng ta gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc. Và rất có thể, điều đó là do khi còn nhỏ, chúng ta đã không được yêu thương vô điều kiện đúng cách.
Hôm nay viết về chuyện tình yêu đi.
Mình cá là nhiều bố mẹ vẫn còn hiểu sai về định nghĩa của một tình yêu vô điều kiện. Trong các khóa học về làm cha mẹ mình cũng thường nhắc tới định nghĩa này.
Tình yêu vô điều kiện là rất quan trọng với một đứa trẻ, bởi vì nó tạo ra EQ, hay còn gọi là chỉ số trí tuệ cảm xúc, cao hơn. Mà cao hơn thì có nghĩa là con có thể kiểm soát cảm xúc của mình, từ đó là kiểm soát được hành vi của con.
Khi một đứa trẻ được lớn lên trong tình yêu vô điều kiện (đúng cách), con sẽ đi theo tiếng gọi và kim chỉ của la bàn bên trong mình. Con sẽ hành động với một ý chí mạnh mẽ. Và con sẽ trở thành một trong những người giúp cho thế giới này tốt đẹp hơn, chỉ bằng cách cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Tình yêu vô điều kiện không có nghĩa chỉ đơn giản là mang đến cho con mọi điều mà con muốn hay đòi hỏi. Nhiều người nghĩ rằng làm cha mẹ và yêu con vô điều kiện là trở thành một giáo viên để dạy dỗ con: chữ nghĩa, màu sắc, chia sẻ, đúng-sai.
Chưa đủ, có một bài học quan trọng hơn nhiều chúng ta cần hướng dẫn con mình và cũng là cơ hội để thể hiện tình yêu vô điều kiện của chúng ta: đó là làm thế nào để đối phó, quản lý cảm xúc và hành vi của chúng. Đó chính là cơ sở của EQ, là cơ sở xác định chất lượng cuộc sống cơ bản, quan trọng hơn nhiều chỉ số IQ của con.
Con sẽ biết cách quản lý cảm xúc từ việc dõi theo và bắt chước cha mẹ mình. Đó là khi chúng ta:
1. Có thể giữ bình tĩnh và đối mặt một cách tử tế với sự khó chịu của con.
2. Chấp nhận cảm xúc của con ngay cả khi chúng ta cần giới hạn hành động/hành vi sai trái.
3. Đáp lại sự tức giận bằng lòng trắc ẩn, để con có thể cho ta thấy con khóc, sợ hãi hay là đằng sau sự tức giận của con.
Bộ não của con sẽ học được cách tự làm dịu thông qua quá trình này. Sau đó, con học cách ổn định bản thân ngay cả khi đối mặt với những tình huống và cảm xúc căng thẳng.
Dân chuyên môn người ta gọi đây là "emotion coaching"- huấn luyện cảm xúc, nhưng bố mẹ cũng có thể coi đó chính là tình yêu vô điều kiện mà mọi đứa trẻ đều cần. Yêu thương vô điều kiện nhưng rất cần điều kiện là vậy.
Yêu con vô điều kiện đúng cách là khi:
- Ta thấy đằng sau hành vi xấu của con là nỗi sợ hãi, quá tải cảm xúc, sự choáng ngợp...
- Ta lắng nghe, xoa dịu những cảm xúc khó khăn và kiên nhẫn chờ đợi đến khi con có thể làm đúng thay vì hình phạt khắc nghiệt ngay lập tức.
- Ta biết tự hỏi bản thân "Mình có thể giúp con bằng cách nào" và quan tâm tới con thay vì để bản thân mình bị quá khích, tức giận trước.
- Ta biết chấp nhận cảm xúc của con trước, chờ đợi cho tới khi con bình tĩnh và thực sự có thể học hỏi để thay đổi hành vi cho đúng đắn hơn.
Khi chúng ta tự điều chỉnh cảm xúc của mình, chấp nhận cảm xúc của con, con học cách quản lý cảm xúc rồi hành vi sớm hơn những đứa trẻ khác. Con cũng gần gũi hơn với cha mẹ trong những năm tháng ấu thơ. Con sẽ biết cách tự xoa dịu, xử lý căng thẳng cả lúc nhỏ lẫn khi trưởng thành.
Tình yêu vô điều kiện là thứ ta đang trao đi cho con mỗi phút. Cũng là những bài học quan trọng nhất đang dạy cho con mỗi ngày.
Tất nhiên với chính chúng ta, việc nhận thức và thay đổi cũng chẳng diễn ra trong 1 sớm 1 chiều. Nhưng với tư cách là cha mẹ, thử thách này không thể không cố gắng mà làm. Tình yêu vô điều kiện là thứ ta đang trao đi cho con mỗi phút. Cũng là những bài học quan trọng nhất đang dạy cho con mỗi ngày.
Suy rộng ra, với các mối quan hệ khác như vợ chồng, người yêu. Chúng ta cũng cần yêu đối tác của mình một cách vô điều kiện như thế. Bằng cách đó, chúng ta cùng nhau vượt qua được những giông bão, mà phần nhiều đều xuất phát tự tâm mình mà ra.
Thật sự như vậy phải không?
Vài nét về tác giả:
Chị Linh Phan là một chuyên gia tâm lý học/phát triển của trẻ nhỏ và nhà tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời cũng là tác giả các cuốn sách về làm cha mẹ như "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu" và "Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp với con".
Theo Linh Phan, làm cha mẹ là quá trình bố mẹ trưởng thành và thay đổi để hoàn thiện hơn. Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.
Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.