Nhận được một công việc vừa ý đã là một thành tựu rồi đấy! Nhưng đừng vội ăn mừng vì vẫn còn một khoảng thời gian để bạn tập quen với những nhiệm vụ mới, luật lệ mới.
Theo chia sẻ của nhiều người từng trải, việc hòa nhập với môi trường làm việc và đồng nghiệp sẽ là cách hữu hiệu nhất để bạn không bị “mất phương hướng” trong thời gian thử việc. Cùng tìm hiểu một số lời khuyên sau đây để chặng đường phía trước của bạn thêm phần suôn sẻ nhé!
Chăm chút cho ngoại hình
Mặc dù chúng ta vẫn nên hướng đến cái đẹp nội tâm, nhưng cũng không thể phủ nhận cách bạn xuất hiện sẽ là phương diện đầu tiên mà người khác có thể nhìn thấy. Theo tạp chí Forbes, 7 giây đầu tiên sẽ quyết định cách đối phương nhận định về bạn đấy.
Bạn cũng đừng quên hỏi bộ phận Nhân sự trước về trang phục hoặc phong cách ăn mặc của công ty. Trong trường hợp bộ phận của bạn không có đồng phục, an toàn nhất là hãy khoác lên mình những trang phục đơn giản, chỉnh tề trong những ngày đầu tiên. Sau đấy khi đã hiểu hơn về nơi làm việc thì bạn có thể bắt đầu thể hiện phong cách riêng của mình.
Đừng ngần ngại hỏi
Đừng quá e dè mà hãy tìm đến sự trợ giúp từ người khác nhé. Hầu hết mọi người đều hiểu rằng bạn đang trong quá trình làm quen với công việc, thậm chí đồng nghiệp còn mong chờ bạn hỏi trong quá trình làm việc thay vì làm gì đó không đúng đấy.
Hỏi về những phản hồi cho kết quả làm việc của bạn (feedback) cũng là một điều nên làm. Feedback rất quan trọng để bạn hiểu hơn về kỹ năng chuyên môn cũng như cách làm việc của công ty. Hãy hỏi từ những người làm cùng vị trí, thông qua câu trả lời của họ, bạn cũng có thể hiểu hơn về mục đích chính của công ty và xu hướng làm việc của mọi người.
Đừng để bản thân mệt mỏi
Hầu như không ai có thể hiểu hết quy trình làm việc chỉ trong vài ngày đầu nhận việc đâu. Việc bạn chưa quen với môi trường cũng là điều bình thường, đừng quá áp lực bản thân về chuyện đấy nhé!
Hãy cho mình thời gian! Hầu hết mọi người sẽ tốn từ 3 tới 6 tháng để vượt qua cảm giác “nhân viên mới”, thậm chí còn có thể lâu hơn với những công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng. Vì vậy đừng cảm thấy quá hoảng loạn khi chưa làm chủ được “cuộc chơi”. Rồi giai đoạn này sẽ qua thôi nên cũng hãy để tâm đến sự thoải mái của bản thân.
Học hỏi về văn hoá công ty
Mỗi công ty đều có một văn hóa làm việc khác nhau. Việc hiểu được văn hóa tại nơi làm việc mới cũng là một yếu tố then chốt giúp bạn tạo dựng được những mối quan hệ đồng nghiệp lành mạnh, và thậm chí là nâng cao khả năng giao tiếp của bản thân.
Hãy quan sát những cuộc trò chuyện cả về công việc lẫn đời sống của đồng nghiệp. Sau đấy hãy thử tham gia vào những cuộc “buôn dưa lê” với họ. Dần dà bạn sẽ hòa nhập vào văn hóa mới thôi.
Đừng so sánh
Công việc cũ có thể dạy cho bạn rất nhiều điều. Nhưng đừng cứ mãi nói về công việc cũ và những gì bạn đã làm được, nhiều người rất khó chịu với những câu như “ở công ty cũ mình nhận được những thứ này” hay “mình thấy công ty cũ làm cách này hay hơn”.
Tốt nhất vẫn nên khiêm tốn. Làm quen với một môi trường mới là rất khó, nhưng khoe mẽ về bản thân hay công ty cũ cũng chẳng giúp ích được gì. Thay vào đó bạn nên cởi mở hơn với những luồng suy nghĩ mới và cách làm việc mới.
Trong trường hợp bạn tự tin rằng cách của mình là đúng, hãy đưa ra những ý kiến đóng góp xây dựng trong quá trình làm việc.
Để tâm đến thái độ của bạn!
Thái độ có lẽ là yếu tố quan trọng nhất không chỉ khi bạn bắt đầu một công việc mới, mà là cả quãng đường sự nghiệp của bạn. Rất nhiều công ty sẽ ưu tiên chọn một nhân viên phù hợp với văn hóa của họ rồi sau đó tìm cách nâng cao chất lượng công việc, thay vì tuyển một người giỏi về chuyên môn nhưng lại hành xử thiếu tinh tế.
Hãy cố gắng cư xử nhã nhặn và lịch sự hết mức có thể. Có thể bạn không có ý xấu gì cả, nhưng vô tình lớn tiếng trong lúc làm việc, hay “ngó lơ” đồng nghiệp mà bạn biết cũng sẽ là những điều khiến mọi người hiểu sai về bạn. Tránh được những việc nhỏ nhoi ấy thôi cũng sẽ giúp bạn dễ dàng xây dựng được những mối quan hệ mới hơn tại nơi làm việc.
Đừng quên cười
Điều cuối cùng cũng là điều đơn giản nhất khi ai cũng làm được, nhưng lại có nhiều người hay quên: Cười.
Lẽ đương nhiên, chẳng ai muốn làm quen với bạn khi bạn suốt 8 tiếng làm việc bạn chỉ trưng ra bộ mặt mệt mỏi cả. Hãy tươi vui trong mọi trường hợp nhé. Một nụ cười không chỉ giúp mọi người có thiện cảm hơn về bạn mà còn giúp tinh thần bạn được thoải mái hơn.
Kết
Hầu hết mọi người đều dành 8 tiếng trong ngày ở nơi làm việc, vì vậy mà môi trường làm việc thoải mái cũng là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống đấy. Đừng để công việc trong mơ trở thành một nơi khó chịu chỉ vì bạn không thích nghi được với môi trường.
Nguồn: Ensearch, Adecco