Nhưng giờ đây các cuộc phỏng vấn tại nơi làm việc không còn là hình thức phỏng vấn chỉ xoay quanh kinh nghiệm làm việc, kỹ năng chuyên môn nữa. Để kiểm tra khả năng tư duy của các ứng viên, người phỏng vấn cũng sẽ linh hoạt đưa ra nhiều bài test IQ, EQ, các câu hỏi tình huống “nghe có vẻ kỳ lạ” mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến và không có cơ hội chuẩn bị trước.
Là một sinh viên đại học tốt nghiệp năm ngoái, Nam đã đi làm được một năm nhưng sau đó quyết định nhảy việc để thử sức bản thân ở một vị trí mới. Sau khi đăng CV trên một vài website tuyển dụng trực tuyến, anh nhận được thông báo mời tham gia phỏng vấn từ một trong số họ.
Sau khi Nam đến công ty hẹn phỏng vấn, anh thấy có bảy người cùng lúc tranh giành vị trí này. Trong giây phút đó, anh cảm thấy rất nhiều áp lực.
Bắt đầu buổi phỏng vấn, mọi người đều được hỏi một số câu hỏi thông thường như kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, tại sao lại ứng tuyển vào vị trí này… Đến tận khi bước vào giai đoạn đánh giá năng lực toàn diện cuối cùng, người phỏng vấn bất ngờ đặt ra một câu hỏi như thế này:
“Có 5 cây nến đang cháy, gió thổi tắt 4 cây nến, vậy còn lại mấy cây nến?”
Một số người phỏng vấn quay sang nhìn nhau bằng ánh mắt ngạc nhiên, một số còn thể hiện sự nghi ngờ.
Câu hỏi về những ngọn nến khiến các ứng viên kinh ngạc Ảnh: Wallpapercave
Có người đã nhanh mồm bông đùa: “Câu hỏi này chắc học sinh tiểu học cũng có thể trả lời mà. Chẳng nhẽ anh định kiểm tra xem bằng tiểu học của mọi người ở đây có làm giả hay không à?”
Người phỏng vấn bình tĩnh trả lời: “Không phải chúng ta còn có chương trình ‘Ai thông minh hơn học sinh lớp 5’ hay sao. Anh nghĩ bản thân mình chắc chắn giỏi hơn học sinh tiểu học à?”
Người này cảm thấy bị bẽ mặt, bực dọc đáp lại vài lời cụt ngủn sau đó rời khỏi buổi phỏng vấn.
Người phỏng vấn không bận tâm và ra hiệu cho người thứ hai trả lời.
Người phụ nữ này bèn nói: “Tôi cũng cảm thấy câu hỏi này đến học sinh lớp 1 cũng có thể trả lời được. Có 5 cái đang cháy, thổi tắt 4 cái thì đương nhiên sẽ còn lại 1 cái. Chẳng nhẽ gió có thể thổi thêm 1 cây nến nữa thành 6 cái hay sao?”
Người phỏng vấn gật đầu, chỉ ghi nhận câu trả lời mà không phản hồi gì thêm. Sau đó, đến lượt người thứ ba chính là Nam.
Sau khi suy nghĩ, Nam bình tĩnh đưa ra câu trả lời: “Tôi thì cho rằng còn lại 4 ngọn nến.”
Những người trong phòng đều không hiểu câu trả lời này.
Dừng một lúc, Nam mới giải thích tiếp: “Những ngọn nến bị gió thổi tắt sẽ không tiếp tục cháy nữa. Ngược lại, ngọn nến duy nhất vẫn đang cháy sẽ tiếp tục cháy và dần tan chảy hết, đến cuối cùng chỉ còn lại đống sáp nến mà thôi. Do đó, câu trả lời cuối cùng phải là còn lại 4 ngọn nến.”
Nghe xong câu trả lời của Nam, người phỏng vấn lập tức gật đầu, đồng thời tuyên bố tuyển dụng Nam ngay tại chỗ.
Trên thực tế, trong một cuộc phỏng vấn tại nơi làm việc, có vẻ nhiều lãnh đạo thích đưa ra những câu hỏi phỏng vấn rất kỳ lạ và “hack não”, hoàn toàn không phù hợp với vị trí công việc liên quan. Thế nhưng, đây không phải một câu hỏi vô dụng. Họ luôn đưa ra câu hỏi theo đúng kế hoạch đã ấn định từ trước để đạt được mục đích của mình.
Thứ nhất, một câu hỏi tình huống bất ngờ là thứ mà các ứng viên thường không lường trước được. Do đó, họ không thể chuẩn bị từ trước, không thể nghe người khác “nhắc bài” hay tìm kiếm sẵn thông tin từ trên mạng.
Thứ hai, thông qua một câu hỏi linh hoạt, người phỏng vấn muốn kiểm tra khả năng tư duy và cách phản ứng của các ứng viên. Đặc biệt, trong những công việc và ngành nghề yêu cầu tính sáng tạo cao thì các doanh nghiệp càng yêu thích những câu hỏi “kỳ lạ” như thế này.
Chẳng hạn, câu hỏi của Google từng khiến rất nhiều ứng viên phải “tự hoài nghi” chính mình: “Một người đàn ông đã chết trong sa mạc vừa được tìm thấy. Trên tay anh ta có một que diêm và không có dấu vết nào khác. Vì sao anh ta chết?”
Hoặc Microsoft cũng đưa ra câu hỏi “hóc búa” như sau: “Làm thế nào để thả quả trứng xuống đường bê tông mà không làm vỡ?”, “Bạn đi 1 vòng về phí Nam đến Bắc sau đó tới Đông, rồi về đúng vị trí lúc ban đầu. Vậy trên Thế giới có bao nhiêu điểm giống nhau?”...
Google là một trong những doanh nghiệp sử dụng các câu hỏi phỏng vấn “hóc búa”. Ảnh: businesswire
Vì vậy, khi đối mặt với những câu hỏi lạ kỳ trong quá trình phỏng vấn tại nơi làm việc, chỉ cần bạn vận dụng những ý tưởng linh hoạt của mình, bình tĩnh để diễn giải câu trả lời theo hướng logic và hợp lý nhất thì nhất định sẽ nhận được sự tán đồng của người phỏng vấn.
Muốn có được một công việc tốt là hành trình không hề dễ dàng với bất cứ ai. Cả trong cuộc sống cũng vậy. Nếu ở vào trường hợp được hỏi câu này, chúng ta sẽ nghĩ như thế nào và đưa ra câu trả lời ra sao?
*Theo Knews