Xu hướng người tiêu dùng thay đổi, "người đi sau" trên TMĐT vẫn nhiều lợi thế

Các sàn TMĐT liên tục hỗ trợ người bán bắt kịp xu thế, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, không ngừng đầu tư cho các công nghệ mới.

Những năm trước, khi thị trường TMĐT đang ở giai đoạn sơ khởi, các nhà bán hàng "đời đầu" hưởng lợi rất lớn từ các chương trình khuyến mãi khủng để sàn thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay, khi mua sắm trực tuyến đã trở thành nếp sinh hoạt hàng ngày và nền kinh tế đang có nhiều "rung lắc", hầu hết các sàn đều đang chuyển hướng tái cơ cấu, tối ưu chi phí. Trong bối cảnh đó, các nhà bán hàng đi sau đang lo ngại rằng có thể "miếng bánh TMĐT" không còn "ngon" như giai đoạn trước. Nhưng sự thật có phải thế? Nhà bán hàng là người đi sau trên sàn TMĐT hưởng lợi gì?

Thói quen mua sắm online của người tiêu dùng đã trở nên bền vững hơn

Hơn một thập kỷ hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã định nghĩa lại thói quen mua sắm cho người tiêu dùng. Báo cáo về "Tương lai tiêu dùng trên thương mại điện tử" trong năm 2023 của Buzzmetrics và Lazada cho thấy, 100% người tiêu dùng khảo sát truy cập vào nền tảng TMĐT mỗi ngày, trong đó, tần suất truy cập chủ yếu là 1 - 2 lần/ngày. 39,3% người tiêu dùng mua sắm từ  20 đơn hàng trở lên/tháng, tương đương trung bình mỗi ngày 1 đơn hàng. Người tiêu dùng đang lựa chọn TMĐT trở thành kênh mua sắm chủ yếu hàng ngày, thay vì chờ đến các dịp đặc biệt hoặc các lễ hội mua sắm lớn trong năm.

Đồng thời, theo báo cáo Year in Search 2022 của Google về hành vi tìm kiếm tại Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế biến động và lạm phát tăng hậu Covid-19, xu hướng người tiêu dùng không còn ưu tiên hàng giá rẻ mà thay vào đó là lựa chọn những dịch vụ chất lượng tốt và sản phẩm đáng tin cậy.

Từ các số liệu trên có thể thấy, bất chấp xu hướng có thay đổi theo bối cảnh xã hội và kinh tế, thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đã và đang trở nên bền vững hơn. Theo ông Trần Lâm, chuyên gia TMĐT, tác giả cuốn "Cất cánh trên sàn thương mại điện tử", dù khách hàng có tìm kiếm sản phẩm qua kênh khác thì họ cũng sẽ quay lại sàn để chốt đơn. Thậm chí, nếu một thương hiệu không có mặt trên sàn, khách hàng sẽ ngần ngại xuống tiền. Vì vậy, những người đi sau trên TMĐT không nên vì thay đổi của người tiêu dùng mà lo sợ "thất thế".

Cùng chung quan điểm, ông Đỗ Quang Huy – một doanh nhân kinh doanh đa sàn cũng nhấn mạnh "Trải qua hơn 10 năm bán hàng, mình chứng kiến bao nhiêu lần chính sách thay đổi, bấy nhiêu anh em muốn bỏ sàn nhưng rồi chỉ thấy nhiều người bán khỏe hơn, người mới vào còn bán điên cuồng hơn cả người trước các bạn ạ". Tuy nhiên, ông Huy cũng khẳng định bước sang thời kỳ này, để có thể vững chân kinh doanh trong thị trường TMĐT, các nhà bán cần nâng cấp thành những nhà bán hàng chuyên nghiệp.

Người tiêu dùng coi TMĐT là địa chỉ "tin cậy" cho nhiều ngành hàng

Cùng với sự phát triển của thị trường, một số ngành hàng mạnh trên thương mại điện tử như mỹ phẩm/thực phẩm/công nghệ đã được những nhà bán hàng đi trước xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng rằng: TMĐT là sự lựa chọn tốt nhất khi mua các mặt hàng này.

Thật vậy, báo cáo Tương lai tiêu dùng trên TMĐT của Buzzmetrics và Lazada chỉ ra, trong 3 tháng từ tháng 8/2023 đến 10/2023, người dùng chủ yếu mua những mặt hàng thiết yếu trên sàn TMĐT. Trong đó, đồ ăn và đồ uống được mua sắm nhiều nhất trên các sàn TMĐT (88,3%), theo sau là đồ chăm sóc cá nhân và sắc đẹp (85,8%) và đồ dùng tạp hóa chăm sóc gia đình (81,8%).

Xu hướng người tiêu dùng thay đổi, "người đi sau" trên TMĐT vẫn nhiều lợi thế - Ảnh 1.

Như vậy, nếu như các nhà bán hàng đời đầu còn phải chứng minh rằng, mua đồ ăn, mỹ phẩm… trên sàn cũng uy tín như mua hàng trực tiếp, thì những nhà bán hàng "đi sau" lại được hưởng lợi, khi người tiêu dùng đã coi TMĐT là địa chỉ "tin cậy" cho các ngành hàng này.

Lấy ví dụ ngành mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp, khách hàng phải có điểm chạm trực tiếp, tìm hiểu và thử nghiệm, thì các sàn TMĐT đã thành công gia tăng mức độ nhận diện cho các thương hiệu với độ phủ rộng khắp.

Báo cáo của nền tảng phân tích số liệu thị trường Metric cho thấy, bất chấp khó khăn kinh tế hậu Covid-19 khiến hàng loạt cửa hàng offline phải đóng cửa, ngành hàng mỹ phẩm vẫn chứng tỏ tiềm năng với sức mua lớn trên sàn thương mại điện tử.

Doanh số ngành hàng này trong 10 tháng đầu năm 2023 trên các sàn TMĐT đạt 22.200 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt nhóm hàng bộ sản phẩm làm đẹp tăng trưởng cao nhất đạt 191% nhờ tính tiện dụng, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Tổng doanh thu quý 3/2023 của bốn sàn TMĐT lớn tại Việt Nam đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm 2022. Với tỷ lệ tăng trưởng này, doanh thu quý 4/2023 của bốn sàn dự đoán chạm mốc tới 6.500 tỷ đồng.

Báo cáo cũng dự đoán ngành hàng mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử hứa hẹn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thành công của nhóm ngành hàng này trên sàn TMĐT là nhờ vào việc giáo dục thị trường của người dẫn đầu, khi "những người đi trước" góp sức lớn khiến thị trường phát triển nhanh. Có thể kể đến chiến lược các sàn TMĐT bắt tay với hàng trăm KOC (những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn) nhằm tiếp cận khách hàng để giới thiệu sản phẩm cho người bán.

Làm thế nào để tiếp tục hưởng "quả ngọt" từ TMĐT

Để thích nghi với sự thay đổi liên tục của người tiêu dùng và thị trường, nhà bán hàng hiện tại đang huy động mọi nguồn lực, thậm chí có phần loay hoay để tìm giải pháp. Nhưng những trợ lực từ TMĐT đã giúp họ bắt kịp với xu thế mới. Điều nhà bán hàng cần làm lúc này là làm sao để có đủ thông tin để tiếp tục hưởng "quả ngọt" từ TMĐT.

Với kinh nghiệm 10 năm kinh doanh đa sàn, anh Đỗ Quang Huy đưa ra lời khuyên, trong một thị trường chỉ cạnh tranh nhau bằng giá thì hãy "lấy khách hàng làm trung tâm, lấy trải nghiệm làm lợi thế cạnh tranh riêng của mình". Đặc biệt, với những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, kì vọng về trải nghiệm mua sắm sẽ không còn chỉ xoay quanh giá trị của sản phẩm.

"Cuộc chiến về giá sẽ làm chúng ta kiệt quệ, ăn mòn thể lực, tâm trí. Trong khi đó, chăm sóc khách hàng tốt sẽ góp phần giải quyết khâu đổi trả hàng, hạn chế một phần các khiếu nại của khách, tăng giá trị sản phẩm mà không cần phải giảm giá."

Ngoài ra, nhà bán hàng này cũng cho rằng kinh doanh TMĐT cần lựa chọn sản phẩm kỹ càng. "Sàn thay đổi luật chơi, ta phải thích nghi theo. Nếu bạn vẫn coi bán hàng là một nghề và ta đang sống dựa vào nó thì bắt buộc phải thay đổi cho phù hợp với quy luật thị trường", anh Huy chia sẻ.

Chia sẻ một góc nhìn khác, nhà bán hàng Nguyễn Trung Kiên cho rằng, trợ lực từ sàn TMĐT với các công nghệ mới đã giúp anh tiếp cận với khách hàng tốt hơn; đây cũng là nhân tố tạo ra sự khác biệt và sức mạnh của các nền tảng.

Đáng chú ý nhất là AI với "năng lực" tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, tiết kiệm chi phí. Anh Kiên đưa ví dụ, Lazada cho ra mắt tính năng tạo thông tin sản phẩm bằng AI. Nhà bán hàng chỉ cần cung cấp một số thông tin cơ bản như 1 tấm hình, tên đầy đủ sản phẩm, ngay lập tức AI của sàn tạo ra một danh sách sản phẩm với đầy đủ thông tin, giúp tiết kiệm tới 80% thời lượng so với đăng một sản phẩm thông thường và qua đó góp phần gia tăng trải nghiệm bán hàng.

"Theo kinh nghiệm cá nhân mình, những sản phẩm được hỗ trợ đăng lên từ AI sẽ đang được đề xuất tìm kiếm hơn, cho ra kết quả với người tiêu dùng gia tăng tỷ lệ truy cập và doanh số", anh Kiên nói.

Ngoài ra, tính năng tìm kiếm bằng hình ảnh của Lazada đã giúp các nhà bán hàng cải thiện tỷ lệ chuyển đổi từ kết quả tìm kiếm của AI. Ngoài ra, một trong số các tính năng mới được triển khai là ứng dụng AI để tạo ra một lượng lớn các câu hỏi thường gặp về thông tin & chất lượng sản phẩm. Những câu hỏi này, được coi là "câu hỏi mồi", sẽ được các khách hàng trước đó trả lời, từ đó cung cấp thêm thông tin thực tế cho những khách hàng mới và khuyến khích họ đưa ra quyết định mua hàng một cách hiệu quả

Với thế mạnh giúp cá nhân hoá, AI có thể sẽ hiểu được hành vi của khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó nền tảng TMĐT giúp thương hiệu lọc ra những sản phẩm hay dịch vụ phù hợp với từng khách hàng.

Bên cạnh đó, hàng loạt các tính năng AI trên Seller Center của Lazada hiện tại như chatbox, tạo content và đăng sản phẩm bằng AI, đề xuất cho người bán hàng các chương trình khuyến mãi, giảm giá, đẩy mạnh các dịch vụ tài trợ thông qua AI… theo như anh Kiên mô tả là "giúp tăng tính cạnh để thu hút nhà bán hàng bằng chính trải nghiệm bán hàng của họ".

Xu hướng người tiêu dùng thay đổi, "người đi sau" trên TMĐT vẫn nhiều lợi thế - Ảnh 2.

Như thế, các câu hỏi đặt ra đã được giải đáp. Trong thế giới hậu Covid-19, xa hơn là xuyên suốt chu kỳ phát triển mới của TMĐT, nhà bán hàng mới không những không "thua thiệt" so với nhà bán hàng đời đầu, mà ngược lại, họ còn hưởng lợi từ thói quen mua sắm TMĐT bền vững của người tiêu dùng, và được các sàn TMĐT hỗ trợ đón đầu các xu hướng công nghệ để có thể khởi sự và phát triển việc kinh doanh trực tuyến một cách dễ dàng nhất.

Tin mới