Phi công anh hùng Liên Xô Viktor Pugachev - Người sở hữu nhiều kỷ lục thế giới với tiêm kích Su-27 là một trong những giáo viên hướng dẫn bay chuyển loại cho 6 phi công tiêm kích Su-27 đầu tiên của Việt Nam.
Viktor Georgiyevich Pugachev (Ви́ктор Гео́ргиевич Пугачёв) sinh ngày 08/08/1948 ở Taganrog, Rostov, là phi công thử nghiệm hàng đầu của Liên Xô. Ông được phong Anh hùng Liên Xô năm 1989 vì những đóng góp cho quá trình phát triển dòng tiêm kích Su-27.
Tốt nghiệp Trường không quân cao cấp Yeiskoe năm 1970, ông được giữ lại làm giáo viên dạy bay tại đây và năm 1978 được tuyển chọn vào học tại Viện đào tạo phi công thử nghiệm mang tên M.M. Gromov, rồi sau đó là Học viện Hàng không Moscow năm 1978.
Phi công thử nghiệm Viktor Geogiyevich Pugachev – Anh hùng Liên Xô
Sau 2 năm cống hiến cho Viện đào tạo phi công thử nghiệm M.M.Gromov, Pugachev gia nhập đội ngũ phi công thử nghiệm của Văn phòng thiết kế Sukhoi, nơi ông trực tiếp bay thử nghiệm nhiều loại tiêm kích, tiêm kích bom, cường kích như Su-25, Su-27, Su-27K (Su-33), Su-35. Ông cũng đóng góp quan trọng cho việc bay thử nghiệm các loại chiến đấu cơ Su-17, Su-24, Su-25, Su-27, Su-33, Su-34, Su-35 cùng các biến thể của chúng.
Tên tuổi Pugachev đi vào lịch sử hàng không sau khi ông thực hiện màn trình diễn những tính năng siêu đẳng của tiêm kích Su-27 tại Triển lãm Hàng không Paris Le Bourget Airshow 1989 (Pháp). Khi đó, ông đã khiến cả thế giới kinh ngạc, các chuyên gia hàng không quân sự thậm chí còn cảm thấy sốc và không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến động tác "rắn hổ mang" mà sau này được mệnh danh là "Pugachev's Cobra". Nhưng sự thực là sự thực, không ai có thể phủ nhận được tính năng tuyệt vời của tiêm kích Su-27 và khả năng bay siêu đẳng của phi công Pugachev.
Một cống hiến xuất sắc nữa của Pugachev là vào ngày 01/11/1989, ông lần đầu tiên ông đã hạ cánh thành công một chiếc tiêm kích hạm Su-27K (sau này mang tên chính thức là Su-33) trên tàu sân bay, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử quân sự Liên bang Xô Viết. Pugachev cũng là phi công đầu tiên thực hiện thử nghiệm việc cất hạ cánh không thẳng đứng từ tàu sân Kuznetsov – Hàng không mẫu hạm đúng nghĩa duy nhất của Liên Xô và sau này là Liên bang Nga.
Từ năm 1986-1993, ông đã thiết lập tới 12 kỷ lục thế giới trên chiếc máy bay tiêm kích Su-27, trong đó có nhiều kỷ lục đến nay vẫn chưa bị bất cứ phi công nào hay tiêm kích nào trên thế giới vượt qua được.
Hiện Pugachev đang sống ở thành phố Zhukovsky và là Phó tổng công trình sư của Văn phòng thiết kế Sukhoi, phụ trách công tác bay thử nghiệm.
Viktor Geogiyevich Pugachev (giữa) cùng Sergey Bogdan học trò của ông (trái) – phi công thử nghiệm số 1 Nga hiện nay tại một buổi lễ kỷ niệm của Không quân Nga.
Khi được hỏi về ý tưởng thực hiện động tác "rắn hổ mang" được hình thành như thế nào, ông trả lời rất thẳng thắn: "Đó là vào năm 1989, khi chúng tôi được giao nhiệm vụ ngay trước khi Văn phòng thiết kế Sukhoi đưa các máy bay họ Su tới trình diễn ở một cuộc triển lãm hàng không quốc tế ở nước ngoài – Paris Airshow. Trước đó, động tác rắn hổ mang là bí mật cực kỳ nhạy cảm, không được phép trình diễn trước công chúng.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, "bức màn sắt" bắt đầu dần dần được gỡ bỏ. Trước chuyến đi tới Le Bourget, Tổng công trình sư Mikhail Simonov của Văn phòng thiết kế Sukhoi đã tập hợp nhóm chúng tôi – những người đang tích cực chuẩn bị cho cuộc triển lãm. Ông đột nhiên hỏi: Này các bạn, máy bay của chúng ta thật sự không hề tệ. Chúng ta có thể trình diễn những tính năng thao diễn như nhào lộn, bay khoan,… Nhưng, tại sao chúng ta lại không thể biểu diễn thứ gì đó mà không một loại máy bay nào trên thế giới có thể thực hiện được?"
Động tác rắn hổ mang Pugachev trên máy bay tiêm kích Su-27
Phi công thử nghiệm hàng đầu của Nga cũng chia sẻ thêm về những điều khó khăn nhất khi thực hiện động tác này:
"Cho tới ngay trước thời điểm đó, tôi thường thực hiện động tác bay ‘rắn hổ mang’ trên các độ cao lớn. Để thực hiện tất cả động tác ở độ cao thấp, trong vòng hơn 2 tháng, tôi đã thực sự chú tâm vào việc luyện tập. Và vào ngày 28/04/1989, tôi đã lần đầu tiên thực hiện bài bay ngay tại sân bay Zhukovskiy, trước sự chứng kiến của tổng công trình sư và toàn bộ đội ngũ của Văn phòng thiết kế Sukhoi.
Sau một thời gian ngắn, trước khi đưa ra biểu diễn công khai với dân chúng, tôi đã thực hiện rất nhiều lần. Bạn biết không, tôi đã xem nhiều lần trên các băng ghi hình về động tác này và thấy cũng không phải quá ghê gớm, thế nhưng khi những người bạn của tôi được xem, quả thật họ đã ‘mắt tròn mắt dẹt’, bày tỏ sự kinh ngạc – và như thế đủ hiểu: Rắn hổ mang thật độc đáo".
Video minh họa động tác rắn hổ mang Pugachev trên tiêm kích Su-27
Pugachev kể lại rằng, khi lần đầu tiên ông thực hiện động tác "rắn hổ mang" trước công chúng tại Paris trước khi triển lãm diễn ra, mọi thứ đều hoàn hảo. Nhưng phía Pháp tỏ ra rất băn khoăn, thậm chí đặt câu hỏi khá gay gắt về tính khả thi và độ an toàn của việc này. Pugachev đã phải giải thích trong suốt một thời gian dài rằng hoàn toàn có thể điều khiển máy bay tới góc tấn 120 độ. Người Pháp cho rằng làm như vậy quá nguy hiểm, có thể dẫn tới tình trạng thất tốc. Thực tế hoàn toàn không phải thế, bởi lẽ, Pugachev đã thực hiện động tác này rất nhiều lần.
Tuy nhiên, Ủy ban quốc tế Pháp vẫn yêu cầu được tận mắt chứng kiến Pugachev thực hiện động tác "rắn hổ mang" để kiểm tra trước khi cho trình diễn tại hội chợ. Chuyện nhỏ đối với phi công lão luyện của Nga. Pugachev và đồng đội có thể thực hiện 2, 3 hay bao nhiều lần cũng được, tùy theo yêu cầu của phía Pháp. Sau chuyến bay thứ 2, các phi công Nga đã thấy những cặp mắt kinh ngạc thực sự từ các chuyên gia hàng không quân sự Pháp và những thành viên trong Ủy ban.
Pugachev thuật lại: "Trong vòng 2-3 ngày đầu sau khi chứng kiến tôi thực hiện động tác "rắn hổ mang" trên máy bay Su-27, báo chí phương Tây hoàn toàn im lặng. Đơn giản là các máy bay của họ không thể thực hiện được động tác này. Một nhà báo người Pháp đã cố gắng tranh cãi với chúng tôi rằng: Làm thế có cần thiết? Và động tác đó nguy hiểm hay không nguy hiểm. Tuy nhiên, sau vài cuộc họp báo của Tổng công trình sư Mikhail Simonov, báo chí phương Tây bắt đầu thừa nhận: Sukhoi là một đỉnh cao trong công nghệ chế tạo máy bay."
Bên cạnh danh hiệu gắn với động tác "rẳn hổ mang", Pugachev còn được biết đến như người tiên phong trong việc bay thử nghiệm tiêm kích phản lực trên tàu sân bay của Liên Xô (sau này là Nga). Ông và đồng đội đã bắt đầu từ con số 0. Để chế tạo chiếc tàu sân bay đúng nghĩa đầu tiên, họ phải cùng lúc thực hiện hai công việc lớn là nghiên cứu và thử nghiệm tiêm kích trên hạm song song với việc đóng chiếc tàu sân bay. Nhưng tới thời điểm đó, Hải quân Liên Xô chưa từng có chiếc tàu sân bay đúng nghĩa nào. Họ chỉ được nhìn thấy chúng trên các bộ phim của Hollywood.
Pugachev kể lại: "Có máy bay nhưng lại chưa có tàu sân bay, nên chúng tôi phải xây dựng một chiếc tàu sân bay giả định với kích thước thật ngay trên… mặt đất. Và tại đây, chúng tôi đã thực hành nhiều lần động tác cất - hạ cánh. Sau đó, cấp trên quyết định sử dụng một trong những giải pháp chưa từng có trên thế giới là cất cánh kiểu ‘nhảy cầu’. Đầu tiên, chúng tôi chỉ xây một cầu nhảy có độ dốc nhỏ với mục đích thử nghiệm. Chỉ có 8 độ thôi. Sau đó, tiếp tục xây cầu dốc hơn, 14 độ…
Mỗi một chuyến bay chúng tôi đều ghi chép rất kỹ và đầy đủ các dữ liệu về kinh nghiệm trên máy bay – y hệt như một phòng thí nghiệm bay vậy. Cuối cùng, vào năm 1989, chiếc tàu sân bay đầu tiên đã hoàn thành, lên đường thử nghiệm. Ngay sau đó, chừng 2 tuần kể từ khi con tàu xuất phát, chúng tôi đã thực hiện cú hạ cánh đầu tiên xuống tàu sân bay. Chiếc tàu sân bay này khi đó mang tên Tbilisi (Sau này nó được đổi tên thành Đô đốc Kuznetsov)".
Viktor Geogiyevich Pugachev cùng đồng đội hoàn thành bay thử tiêm kích tàu sân bay Su-33
Đầu năm 1991, con tàu đã hoàn thành chuyến đi làm nhiệm vụ đầu tiên trên biển Địa Trung Hải và mang trên boong 20 chiếc máy bay cùng đội phục vụ hoàn chỉnh. Trong chuyến hải hành 3 tháng, các kỹ năng thực hành chiến đấu đã được thể hiện. Tư lệnh Không quân Hải quân khi đó là Timur Abakidze đã đồng ý cho phép đưa tàu và máy bay vào trực chiến chính thức.
Tiêm kích Su-33 cùng tàu sân bay Kuznetsov
Theo thông lệ đã được thế giới kiểm chứng, việc chế tạo một chiếc tàu sân bay cùng với phi đội tiêm kích trên hạm trong vòng chỉ có vài năm là một kỳ tích. Người Mỹ đã hoàn thiện các tàu sân bay của họ từ 60 năm trước, nhưng các kỹ sư và nhà thiết kế của Liên Xô đã ứng dụng nhiều nội dung hoàn toàn mới, phát huy tối đa trí tuệ và nỗ lực của tập thể, từ các công trình sư, đại diện các nhà máy cho tới các hiệp hội. Nhờ vậy, họ đã lập nên một kỳ tích về thời gian. Có người tính rằng, thậm chí để thiết kế một chiếc máy bay chiến đấu cất hạ cánh trên đất liền cũng cần phải có thời gian gấp hai lần như thế.
Nói về Viktor Pugachev, Trung tướng Nguyễn Đức Soát - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định: "Phi công Mỹ, Pháp và Anh đều đánh giá rất cao, thậm chí ngưỡng mộ ông ấy."
Theo lời tướng Soát, đầu những năm 1990 Việt Nam đã ký hợp đồng mua 12 máy bay tiêm kích Su-27 hiện đại của Nga. Trong hợp đồng cũng nêu rõ nơi Việt Nam lựa chọn để huấn luyện, chuyển loại máy bay là Văn phòng thiết kế Sukhoi, vì đây là nơi các công trình sư đã thiết kế ra Su-27 nên lý thuyết rất giỏi. Viện còn có các phi công thí nghiệm tài ba, hầu hết là anh hùng Liên Xô, anh hùng nước Nga sau này. Học chuyển loại ở đây sẽ hiệu quả hơn cả về đảm bảo kỹ thuật và điều khiển máy bay.
Viktor Geogiyevich Pugachev cùng 6 phi công tiêm kích Su-27 đầu tiên của Việt Nam. Từ trái qua phải: Nguyễn Văn Thận, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Đức Soát, Viktor Geogiyevich Pugachev, Trần Văn Thi, Đỗ Văn Đức, Võ Văn Tuấn.
Sau đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Quân chủng Không quân đã quyết định cử 6 phi công và 30 kỹ sư, kỹ thuật viên sang Nga để huấn luyện, chuyển loại. Tướng Nguyễn Đức Soát, khi đó là Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân được phân công làm trưởng đoàn. Cùng với đó là Đại tá Trần Văn Thi, Phó Sư đoàn trưởng (sau là Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng PKKQ), Trung tá Võ Văn Tuấn, Phó Trung đoàn trưởng (sau là Thượng tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND VN), Thiếu tá Nguyễn Văn Thận, Nguyễn Văn Phượng, Đỗ Văn Đức sang huấn luyện, chuyển loại máy bay.
Về phía Nga, phi công Pugachev đảm nhiệm vị trí trưởng nhóm phi công thử nghiệm, trực tiếp bay chuyển loại cho tướng Nguyễn Đức Soát.
"Tổng thời gian bay chuyển loại của các phi công lúc đó chỉ là 15 giờ và sau khi bay kèm 2 lần và 4 lần hạ cánh, các phi công Việt Nam đã có thể bay đơn", tướng Soát cho hay.
Ngay trong chuyến bay đầu tiên với tướng Nguyễn Đức Soát, Pugachev đã trình diễn toàn bộ các tính năng tốt nhất của Su 27, trong đó có trình diễn động tác "rắn hổ mang" và kỹ thuật lái "quả chuông". Sau khi được Pugachov hướng dẫn, tướng Soát cũng đã thực hiện được kỹ thuật bay này.
Đánh giá về phi công Pugachev, vị tướng không quân Việt Nam đã lái qua nhiều loại máy bay, trực tiếp chiến đấu nhiều trận và bắn rơi 6 máy bay Mỹ cho rằng, trước hết, các phi công thử nghiệm như Pugachev là những người có các tố chất rất đặc biệt.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát (đứng chính giữa, hàng trước) chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, chiến sĩ và phi công tiêm kích Su-30MK2 thuộc Trung đoàn không quân 923, Sư đoàn 371.
Thứ hai, họ rất dũng cảm, bởi dám bay trên các máy bay chưa ai bay để cùng các công trình sư tạo ra một máy bay hoàn chỉnh với đầy đủ tính năng theo đơn đặt hàng. Nói riêng về Pugachev thì đó là người rất sáng tạo, bản thân thuật lái "rắn hổ mang" là một sáng tạo trong quá trình bay (dù theo tướng Soát, động tác này mang tính trình diễn chứ không phải những kỹ thuật lái có thể ứng dụng trong chiến đấu).
Pugachev và một số đồng đội Nga của ông còn có phẩm chất rất "lì". Với các máy bay mới được chế tạo, trong quá trình bay thí nghiệm xảy ra rất nhiều trục trặc, bất trắc nên phi công phải "lì" để xử lý tình huống. Sau đó, họ sẽ cùng các công trình sư chỉnh sửa, bổ sung cho hoàn chỉnh.
Nếu không "lì", khi thấy nguy hiểm mà nhảy dù ngay thì sẽ không bao giờ có được loại máy bay mới. Chính nhờ vậy mà họ xác lập được giới hạn, tính năng cơ động, tốc độ, trần bay thực tế của máy bay, gia trọng phá hủy máy bay… Và thực tế, trên thế giới ít có máy bay mới chế tạo nào khi bay thử nghiệm không có phi công hy sinh.
"Ở góc độ là phi công chiến đấu qua nhiều trận nên tôi có cái nhìn, đánh giá chính xác về các phi công khác. Ở đây, Pugachev là phi công thử nghiệm thực sự tài ba, xứng đáng được thế giới coi là một phi công huyền thoại", tướng Nguyễn Đức Soát nhận định.