Năm 1996, vợ chồng chị Phượng đi trên chiếc tàu vỏ gỗ từ Rạch Giá qua khu bãi Sao (An Thới, phía Nam Phú Quốc) làm ăn. Mất 6-7 tiếng, tàu mới đi hết quãng đường 120 km. Với 20.000 đồng được gia đình giúp đỡ, vợ chồng chị vừa đủ để mua một cái nền rộng 20m2.
Vợ chồng chị lên núi chặt củi, đốt than. Hễ gặp cây nào cao, thẳng là chị lại bóc vỏ vác về. Dần dần, chị cất được gian nhà chừng 20 m2, chỉ đủ đặt bàn thờ ông bà phía trước và một cái giường phía sau.
Chỉ tay về khu vực bãi Sao nườm nượp khách du lịch tới tắm biển,check in, chị Phượng nhớ lại: "Hơn 10 năm trước, ở đây chỉ có khoảng 10 nóc nhà. Tất cả cùng làm nghề đốt than. Đốt từ năm này qua năm khác, vẫn không đủ ăn. Đất đai được khai phá rộng hơn nhưng nhà vẫn nhỏ xíu, lụp xụp và gần như không có bóng dáng khách du lịch".
Sinh ra và lớn lên tại An Thới, trung tâm TP Phú Quốc, nhưng trong ký ức của Trần Thị Thu Hoà (27 tuổi), khu vực Thị trấn Hoàng Hôn (Sunset Town) với những dãy nhà sắc màu, ấn tượng, điểm đến mới nổi ngày nay chỉ toàn cây bụi rậm rạp, xấu đến mức người đốt than cũng chẳng ngó ngàng.
Tuổi thơ của Hòa chỉ quẩn quanh bên con đường Nguyễn Văn Cừ, đường xương sống của Phú Quốc. Chỉ cần rời khỏi trục chính ấy, Hoà sẽ phải vượt qua những con đường lầy lội vào mùa mưa và bụi mù mịt vào mùa khô…
Những năm 90, Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam, trong ký ức của hầu hết những người dân bản địa, như một thế giới cách biệt và gần như không có hoạt động du lịch, dịch vụ. Những bãi biển xanh, cát trắng, nắng vàng yên ả gần như không có dấu chân người.
Theo đề án này, Chính phủ xây dựng và phát triển đảo Phú Quốc thành "Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại của Vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Tây Nam đất nước và từng bước hình thành một Trung tâm du lịch, giao thương mang tầm cỡ khu vực, quốc tế".
Phú Quốc như được tiếp sức mạnh. Hàng loạt dự án lớn lần lượt được hình thành như sân bay quốc tế Phú Quốc, giúp kết nối đảo ngọc với mọi miền đất nước và các trung tâm du lịch lớn trên thế giới, hay tuyến cáp điện ngầm dài nhất Đông Nam Á giúp Phú Quốc giảm tình trạng cắt điện luân phiên…
Khách du lịch bắt đầu đổ về Phú Quốc. Bãi Sao, bãi Kem bắt đầu đón những "người đất liền" đến tắm biển, ăn hải sản, uống cà phê. Những chòi nhỏ lợp tranh được dựng lên. Một vài gia đình bỏ nghề đốt than, chuyển qua bán ghẹ hấp, ghẹ nướng.
Năm 2006, công ty du lịch đầu tiên được cấp phép tại đảo Phú Quốc, người dân bắt đầu chở khách nước ngoài đến các điểm tham quan bằng xe máy như một người xe ôm kiêm hướng dẫn viên du lịch.
Người Phú Quốc bắt đầu học làm du lịch. Nhà nghỉ, quán ăn mọc lên nhiều hơn nhưng manh mún và chủ yếu phục vụ khách bình dân. Mức chi tiêu đầu người thấp, thời gian lưu trú cũng thấp. Phú Quốc thiếu những sản phẩm bom tấn, những khách sạn cao cấp để phục du khách hạng sang.
Những thay đổi ở giai đoạn đầu chưa đủ để Phú Quốc bứt phá xứng với tiềm năng sẵn có. Để biến đảo ngọc trở thành "thiên đường du lịch" sánh ngang với các đảo du lịch nổi tiếng trên thế giới, Phú Quốc cần có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn có tâm, có tầm và cần những cơ chế chính sách đặc thù.
Năm 2013, bước ngoặt tiếp theo đến với Phú Quốc, khi Quyết định 80 của Chính phủ được ban hành. Theo đó, nhà đầu tư có dự án tại đảo Phú Quốc được hưởng ưu đãi và hỗ trợ theo mức cao nhất. Người nước ngoài vào Phú Quốc được miễn thị thực tới 30 ngày. Nhà nước tiếp tục đầu tư làm hệ thống giao thông, điện nước, sân bay, cảng biển.
Với chính sách mở cửa này, đến năm 2021, TP Phú Quốc thu hút được hàng loạt "đại bàng" về du lịch, dịch vụ và bất động sản trong và ngoài nước tới đầu tư với 340 dự án tương đương khoảng 16-17 tỷ USD. Trong đó, Sun Group – một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, đóng góp phần lớn vào sự đổi thay của Nam Phú Quốc với hệ sinh thái du lịch, giải trí, bất động sản đẳng cấp…
"Vừa bước ra khỏi sân bay là những con đường đất đỏ đầy những hủm hố xuất hiện. Ngay ở thị trấn Dương Đông đường cũng nhỏ không có vỉa hè. Vào ban đêm, khu vực An Thới thường xuyên chìm vào bóng tối do mất điện. Mũi Ông Đội, cực nam của đảo cũng toàn những sim và mua" - anh Phạm Quốc Quân, chủ tịch Sun Group vùng miền Nam nhớ lại những ngày đầu khi đặt chân tới mảnh đất này.
Những khó khăn trùng điệp mở ra trước mắt. Nhưng với kinh nghiệm đồng hành với công cuộc đổi thay của Đà Nẵng và nhận ra tiềm năng tuyệt vời để xây dựng một hệ sinh thái bài bản, Sun Group đã bắt tay vào hành trình làm đẹp Phú Quốc…
Để bắt tay kiến tạo hệ sinh thái bài bản, làm thay đổi và thắp sáng đảo ngọc, Sun Group đã chọn bãi Kem là điểm dừng chân đầu tiên ở Nam đảo, để đầu tư dự án nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên mang tên JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort.
Khi ấy, bãi Kem là một bãi biển du lịch mang đậm chất tự phát với những chiếc chòi bán hải sản ven biển. Vỏ ghẹ, vỏ ốc, vỏ quả dừa, túi nilon… tích tụ từ năm này sang năm khác mà không được dọn dẹp. Dần dần, rác hữu cơ phân hủy thành mùn, biến bãi cát trắng thành màu đen. Con đường vào bãi Kem là đường đất đỏ, chỉ rộng 3-4 m và chỉ có thể đi được vào mùa khô. Để trả lại vẻ đẹp cho bãi biển, công nhân đã phải dọn rác, lọc cát, trồng dừa. Mất cả năm, bãi cát mới trắng lại như cũ.
Khu vực bãi Kem khi ấy cũng chưa có điện lưới, chưa có nước ngọt. Toàn bộ công trường phải dùng máy phát điện chở từ đất liền vào. Nước tại chỗ chỉ đủ dùng trong mùa mưa. Còn khi mùa khô đến (tháng 11 đến tháng 4 năm sau), nước phải được vận chuyển bằng xe bồn. Đường nhỏ và xấu, mỗi xe nước đến được công trường đều trở nên vô cùng đáng quý.
Triết lý "đứng trên vai người khổng lồ" một lần nữa được Sun Group lựa chọn để làm nên một resort đẳng cấp quốc tế.
Sau thành công của InterContinental Danang Sun Peninsula Resort 3 lần giành giải "Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới" khi ấy, "ông hoàng resort" Bill Bensley một lần nữa được mời thiết kế.Và tại đây, một công trình độc bản tiếp tục thành hình: Bill Bensley đã biến bãi cát hoang sơ thành một "trường đại học giả tưởng" Lamarck cách đây 100 năm. Mỗi phân khu được thiết kế như một khoa của trường đại học, với tranh ảnh, thông tin ấn tượng về các lĩnh vực như nông nghiệp, kiến trúc, hoá học, động vật học…
Để làm được điều ấy, một khối lượng lớn vật liệu xây dựng đã được vận chuyển bằng tàu biển từ đất liền. Không những thế, với sự kỹ tính của mình, Bill Bensley còn thiết kế riêng từng cái rèm cửa, từng chiếc ghế, bàn để tạo ra những nét riêng mà không nơi nào có được.
Khi đến JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, du khách có thể bị choáng ngợp với những bộ sưu tập chuông báo giờ vào lớp, những chiếc cân cổ trong bếp bánh. Nhưng ít ai biết rằng, chính top 5 kiến trúc sư giỏi nhất thế giới Bill Bensley đã nhiều lần thức đêm đấu giá để mua bằng được những món đồ ấy từ châu Âu.
Sau khi đưa vào sử dụng, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay đã được "Oscar của ngành du lịch thế giới" World Travel Awards trao tặng 2 giải thưởng: Khu nghỉ dưỡng và villa trên đảo sang trọng hàng đầu thế giới 2018; Khu nghỉ dưỡng chủ đề sang trọng bậc nhất thế giới.
Đặc biệt, cặp đôi tỷ phú Ấn Độ Rushang Shah và cô dâu Kaabia Grewal đã chọn nơi đây làm nơi tổ chức đám cưới của họ vào năm 2019. Khu nghỉ đã được bao trọn trong 4 ngày để tổ chức 11 sự kiện lớn nhỏ. 600 khách mời đều là những đại gia thuộc tầng lớp quý tộc, thượng lưu ở Ấn Độ.
Sau khi khởi công JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay được vài tháng, Sun Group bắt đầu xây dựng cáp treo Hòn Thơm. Đây là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo An Thới ở phía nam Phú Quốc. Đảo được khai phá bởi ông Khưu Văn Hạp từ năm 1904. Suốt mấy chục năm, ông Hạp và con cháu cần mẫn trồng dừa, trồng sắn, đánh cá dưới biển và xẻ gỗ trên rừng.
100 năm sau, anh Út Tâm từ Vĩnh Long ra đảo lập nghiệp. Dù đảo đã có đến vài trăm nóc nhà nhưng công việc của người dân hầu như vẫn không thay đổi. Họ vẫn tập trung vào đánh cá, trồng dừa, trồng điều và chặt củi. Sự khác biệt của thời hiện đại chỉ nằm ở thuyền máy thay cho thuyền chèo tay, đi xe máy trên đảo thay vì đi bộ. Khách du lịch thỉnh thoảng đi qua nhưng ít ai ghé thăm đảo.
Rồi năm 2015, khu du lịch Sun World Hon Thom Nature Park (nay là Sun World Phu Quoc) được xây dựng. Chỉ hơn 2 năm sau, tuyến cáp treo 3 dây vượt biển dài nhất thế giới (7.899 m) ra đời. Và thêm một năm nữa (tháng 12/2019), công viên nước hiện đại bậc nhất Đông Nam Á – Aquatopia Water Park - cũng đi vào hoạt động.
Mariano, chàng vũ công Nam Mỹ từng dành nhiều ngày đi du lịch từ Hà Nội, Nha Trang, TP.HCM… đã không giấu được mừng vui khi có cơ hội quay trở lại Việt Nam. Lần này, anh đến làm việc tại Phú Quốc nhưng luôn cảm thấy mình chưa bao giờ phải làm việc. Mỗi ngày, anh tập luyện, nhảy múa, tắm trong làn nước biếc xanh và thưởng thức ẩm thực địa phương. Vì vậy, dù hợp đồng ban đầu dự kiến chỉ kéo dài vài tháng, anh quyết tâm xin được ở lại càng lâu càng tốt. Không những thế, anh còn đang tiết kiệm tiền để đưa cả gia đình sang thăm Phú Quốc.
Vừa hú hét trong thích thú khi lao xuống đường trượt nước, anh Trịnh Duy Lâm (du khách từ thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) cho biết sau lần đầu đến Phú Quốc năm 2019, anh lập tức đã "phải lòng" hòn đảo này. Nơi đây có không khí thoáng đãng, đậm chất tự nhiên, con người ôn hoà và đồ ăn thức uống thì tuyệt vời. Đặc biệt, chỉ sau vài năm mà quang cảnh đã thay đổi nhiều. Nhiều khu vui chơi giải trí, nhà ở cao cấp được dựng lên khiến anh đã trở lại 6 lần mà vẫn chưa khám phá hết.
Đứng dưới chân "tháp đồng hồ Venice" cao 75 m tại thị trấn Hoàng hôn, Thu Hòa vẫn không thể tin nổi sự thay đổi của nơi đây. Tại đây, những căn nhà phố 5 tầng được sơn màu sặc sỡ. Những con dốc, những ô cửa đón trọn làn gió biển mang hơi hướng của thị trấn Amalfi hay Sorrento, Italia.
Năm 2020, khi mời bạn bè đến Phú Quốc dự đám cưới Hoà, khu vực này vẫn là công trường ngổn ngang. Nhưng chỉ sau hơn một năm, cô gửi ảnh cho bạn xem thì tất cả đều ngỡ ngàng trước sự "biến hình" thần tốc này. Còn đến bây giờ, khi đi TP.HCM chơi, đến lượt Hoà bất ngờ khi bạn bè của cô đã biết về thị trấn này, biết về cáp treo Hòn Thơm. Thậm chí, có người còn "nhăm nhe" đầu tư bất động sản.
Còn Trần Bảo Trọng (Quản lý nhà hàng Aura - Fusion Cuisine) đã đến Phú Quốc mở nhà hàng từ năm 2018. Lúc ấy, anh quyết định mở tại thị trấn Dương Đông vì đó là khu vực duy nhất đủ phát triển, đủ khách hàng tiềm năng cho một nhà hàng cao cấp hoạt động. Nhưng khi thị trấn phong cách Nam Âu được xây dựng, anh bắt đầu nhìn thấy tiềm năng của một khu đô thị được quy hoạch bài bản, nằm trong hệ sinh thái những khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Sun Group.
Đã từng đến khảo sát các khu đô thị khác nhưng nơi đó điện không ổn định, hoạt động xây dựng vẫn đang diễn ra, nếu khách đang ăn mà mất điện, tiếng đục đục, đẽo đẽo phát ra thì rất khó xử lý. Còn ở thị trấn Hoàng hôn, nửa năm nay quán chưa mất điện lần nào. Tình hình kinh doanh ổn định với khách hàng chủ yếu là nguồn khách du lịch hạng sang và những người đến đảo lập nghiệp.
Vừa đu đưa chiếc võng, nghĩ về sự thay đổi của Phú Quốc trong 18 năm qua, chị Phượng chia sẻ, "nếu không có khách du lịch, chắc giờ này dân bãi Kem vẫn đang đốt than, mà cũng chả còn cây mà đốt".
Nhờ có khách đến, các dự án đổ về, giá đất Phú Quốc mới tăng cao. Nếu trước đây chị mua mảnh đất giá 20.000 đồng thì nay, có người trả mẹ chị 6 tỷ đồng để mua mảnh bên cạnh nhưng thấy vẫn rẻ nên bà chưa bán. Nhiều người khác bán đất đã trở thành tỷ phú. Họ xây nhà, mua ô tô để chở khách du lịch. Còn chồng chị cũng đi làm phụ hồ, kiếm được 500.000 đồng mỗi ngày "tiền tươi thóc thật".
Anh Phạm Quốc Quân, chủ tịch Sun Group vùng miền Nam không khỏi tự hào khi nhắc lại hành trình đã qua. Từ đội ngũ 30 người ban đầu, nay anh đã có 3.000 nhân viên với 60% là người bản địa. Họ đều có một cuộc sống an nhiên, đủ để lo cho bố mẹ già, con cái một cuộc sống sung túc. Những người không làm việc cho Sun Group cũng có thể thôi nghề chài lưới, không phải đối mặt với sóng gió nữa mà chuyển sang kinh doanh, buôn bán, có cuộc sống ổn định.
Khách du lịch đến với Phú Quốc tăng trưởng đến 40% mỗi năm. Rất nhiều trong số đó đến vì các công trình vươn tầm thế giới của Sun Group. "Nghĩ lại 7 năm qua, tôi thấy khá khổng lồ. Nhưng nó mới là khoảng 1/3 đến 1/5 những gì Sun Group muốn làm tại đây."
Nói về sự phát triển của Phú Quốc, PGS.TS Trần Đình Thiên (thành viên tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng) mới đây chia sẻ trên báo giới cho hay: "Mười năm trước, không ai có thể tưởng tượng Phú Quốc có thể lung linh và tiến vượt đẳng cấp nhanh đến thế. Là một đô thị biển đảo, chỉ sau một thời gian ngắn, Phú Quốc đã kịp hội tụ được nhiều công trình du lịch tốp đầu thế giới. Những công trình này có thể làm sững sờ bất cứ ai đến thăm vì tính độc đáo và đẳng cấp phát triển. Với những công trình đó, người Việt Nam có thể tự hào về đất nước mình".
Dù không nằm ngoài trong vòng xoáy của đại dịch Covid-19, song Đảo Ngọc, đến nay đã chứng tỏ được vị thế và nội lực mạnh mẽ, tiếp tục có những công trình, dự án đẳng cấp mới như các tháp cao tầng hướng biển đầu tiên tại Thị trấn Hoàng hôn ở bờ Tây Nam đảo. Chúng có ý nghĩa biểu tượng, đem đến cảm hứng phát triển mới, sự vươn cao, bay xa cho đảo Ngọc.
Liên tưởng đến các công trình mới kể trên, ông Thiên cho rằng, "muốn trở thành một Singapore mới của châu Á, cần có những công trình như vậy, để thấy Phú Quốc đang đi đúng hướng, đồng thời minh chứng cho khả năng dẫn dắt xu hướng và tạo sự phát triển kỳ diệu cho các điểm đến của các "đại bàng" quốc tịch Việt".