Rất nhiều câu chuyện "hậu trường" của thầy Park, cầu thủ và đội tuyển đã được trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa quan sát tỉ mỉ suốt 2 năm. Và 3 bài báo dài mà chúng tôi đăng tải, chỉ là một phần nhỏ của những điều vô cùng thú vị phía sau cái tên của một người ngoại quốc góp phần quan trọng giúp bóng đá Việt Nam trỗi dậy.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 1.

Thanh An: Thưa ông Lê Huy Khoa, nhớ lại thì ông bắt đầu nhận công việc phiên dịch cho HLV Park Hang-seo từ bao giờ?

Lê Huy Khoa: Tôi và ông Park gặp nhau vào tháng 12 năm 2017. Nhưng tại sao lại có sự hợp tác này thì chính xác là bởi tôi rất thích bóng đá, nhất là bóng đá nội. Bản thân mình là người hâm mộ Việt Nam thấy đội tuyển trước đây cứ vào đến trận chung kết là thua. Thua cay thua đắng thì mình buồn và xót lắm. Có lúc mình đau nữa. Cảm xúc này phải là người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới hiểu được.

Tháng 11/2017, tình cờ thôi, có thông tin rằng ông Park là người được VFF lựa chọn làm HLV trưởng cho tuyển nam quốc gia. Lúc đó tôi chỉ biết ông ấy là người Hàn Quốc, và mình thì rất vững tiếng Hàn, thế là tôi lập tức gửi hồ sơ cho Liên đoàn. Lúc đó tôi gửi thư điện tử. Chờ mãi không thấy người ta trả lời. Nóng ruột quá, tôi lại gửi một lá thư khác bằng đường bưu điện, chuyển phát nhanh đảm bảo.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 2.

Sau một thời gian VFF có liên lạc lại. Họ bảo: "Ông Park sang, mời anh ra phỏng vấn nhận việc". Thế là tôi liền bỏ tiền túi bay ra Hà Nội. Tôi còn nhớ chuyến bay đó hết cỡ sáu hay bảy triệu gì đó tiền vé. Hành lý tôi mang theo là háo hức và hồi hộp, như một sự mong chờ gì đó khó tả.

Ra đến Hà Nội, tôi đợi một đêm ở nhà người quen. Đến buổi trưa hôm sau VFF hẹn lên văn phòng để phỏng vấn. Hôm đó cùng phỏng vấn còn có nhiều ứng viên khác. Có người phỏng vấn về chuyên môn, có người hỏi nhiều thứ lắm, ông Park thì ngồi ở giữa, người của Liên đoàn ngồi xung quanh. Có vẻ như ông Park lo lắng nhất là từ ngữ chuyên môn và cách người phiên dịch thể hiện tư duy của ông qua chuyển ngữ từ tiếng Hàn sang tiếng Việt như thế nào.

Lúc này tôi mới vỡ lẽ ra là ông ấy không biết tiếng Anh, còn các anh Liên đoàn thì không biết tiếng Hàn. Như vậy, trong buổi phỏng vấn đó, tôi vừa là người được phỏng vấn, nhưng lại cũng là người dịch cho cả hai bên.

Thật ra trong hồ sơ của mình, tôi có nói rằng tôi là một người rất mê bóng đá, và có kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia vào các giải đấu bóng đá, các hoạt động từ thiện của các ngôi sao Hàn Quốc sang Việt Nam, nhưng cuối cùng tôi phát hiện ra ông ấy không đọc.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 3.

Ông chỉ quan tâm những yêu cầu thực tế tại lúc đó thì ứng viên có diễn đạt được hay không, kỹ năng trình bày, thần thái. Rồi ông còn hỏi về gia đình, tư cách đạo đức cá nhân, nhân sinh quan, hoàn cảnh sống, bố mẹ làm gì, vợ con làm gì… Tóm lại, ông ấy chẳng xem lý lịch. Ông Park có đặc trưng là như thế. Trước đó anh là ai, anh làm gì tôi không biết, tôi không quan tâm, tôi quan tâm lúc này anh làm việc như thế nào, thái độ ra sao thôi.

Buổi phỏng vấn không có kết quả ngay. Tôi quay về Sài Gòn và những háo hức ban đầu có thời gian lắng xuống. Nhìn lại điều kiện của mình thời điểm ấy, tôi nhận ra mình khó có thể trúng tuyển, vì nguyện vọng xin làm bán thời gian chứ không làm toàn thời gian được. Thực tế là ông Park thì ở ngoài Hà Nội, tôi lại sống và điều hành một trung tâm tiếng Hàn ở Sài Gòn…

Tôi nghĩ, vậy cũng đúng. Nhưng mà chỉ vì không thấy bất kỳ tín hiệu nào hồi đáp từ VFF, cho nên cứ có điều gì đó cứ thôi thúc mình. Và tôi quyết định phải gọi điện ra liên đoàn. Người ta trả lời: "Có thể là không anh ạ. VFF cần một phiên dịch làm fulltime. Anh thì tuyệt vời nhưng hơi tiếc anh không làm toàn thời gian được". Lúc đó coi như tôi đã mất hết hy vọng rồi. Thế thì thôi! Không sao, khi nào có điều kiện hỗ trợ được thì tôi hỗ trợ.

Đùng cái, một tuần sau người ta liên lạc lại và cho biết vẫn chưa tìm được phiên dịch đúng ý ông Park, nhờ anh giúp hộ cho đến khi nào tìm được người. Từ đó cho đến nay, hễ khi nào có kế hoạch làm việc, huấn luyện đào tạo hay vào các giải đấu thì tôi tham gia, hỗ trợ ông ấy. Thực lòng, tôi muốn cảm ơn ông Park và Liên đoàn đã lựa chọn tôi lúc đó.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 4.

Thanh An: Những ngày đầu làm việc với một ê kíp mới, lại thường xuyên sử dụng chuyên môn sâu về bóng đá, anh đã phải làm như thế nào?

Lê Huy Khoa: Tôi nhớ chuyến công tác đầu tiên với ông ấy là chuyến đi hai tuần xuyên Việt. Tôi, ông Park và anh Tuấn Phó phòng đội tuyển, ba người rong ruổi từ Hà Nội, xuống Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh xong lên Gia Lai, về Nha Trang, Đà Nẵng rồi thành phố Hồ Chí Minh… để xem các cầu thủ thi đấu như thế nào. Cứ rong ruổi như thế có chỗ thì đi máy bay, có chỗ thì đi ô tô, ngồi mà mệt mỏi luôn được.

Thời gian này, nói chung ông Park là người rất vui vẻ, hòa đồng. Nhưng khi bắt đầu vào giải đấu thì HLV Park Hang-seo là con người hoàn toàn khác, chỉ biết đến công việc và công việc. Ông ấy đòi hỏi mọi thứ 100% chỉ được tập trung phục vụ cho công việc.

Phải nói rằng dù đã có 20 năm làm việc với người Hàn Quốc rất thường xuyên nhưng thời gian đầu vào giải với ông ấy, tôi thực sự thấy áp lực. Mọi việc lúc đó căng thẳng lắm. Bạn hình dung từ sinh hoạt cho đến tất cả mọi thứ đều phải răm rắp như quân đội ấy. Đúng giờ dậy, đúng giờ mới ăn, đúng giờ xuất phát, đúng giờ làm việc… không sai 1 phút.

Tất cả hình thức sinh hoạt ở đời thường không tồn tại trong thời gian huấn luyện, nghĩa là không có sự tùy tiện hay những công việc cá nhân bên ngoài len lỏi vào. Tôi cũng hiểu rằng văn hóa người Hàn Quốc nổi tiếng nghiêm khắc, thậm chí bóng đá còn nghiêm khắc hơn, cứ như quân đội. Và bóng đá Hàn Quốc là nơi phần nào thể hiện rất rõ nét tính quân sự hóa hoạt động thể dục thể thao của xã hội Hàn Quốc. Cho nên thời kỳ đầu mình không quen, cũng khá ngỡ ngàng.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 5.

Trong thành phần ban huấn luyện (BHL) lúc đó tôi là người lớn tuổi, lại gần bên cạnh ông Park cho nên mình phải gương mẫu để ít ra các cầu thủ nhìn vào mà noi theo. Trên thực tế tại thời điểm đó, ông Park là một thế giới khác, cầu thủ và BHL người Việt là một thế giới khác, lạ lẫm và tìm hiểu nhau là chính. Tôi là người ở giữa, nhiệm vụ của mình là phiên dịch ngôn ngữ, đồng thời lại phải "phiên dịch" luôn cả tư duy, quan điểm và thậm chí là hành vi cho cả hai bên.

Tôi nhớ Thường Châu là giải đấu đầu tiên ông Park ra mắt khán giả Việt Nam, cũng là giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên mà tôi tham gia. Nó thực sự vất vả.

Vất vả là bởi vì cầu thủ họ mới, họ chưa hiểu chiến thuật và sơ đồ của HLV, chúng tôi tập liên tục ngày đêm gần 1 tháng. Huấn luyện viên mới, triết lý mới, nhiều khi họ không biết phải di chuyển thế nào cho đúng ý đồ. Hồi đó, có những lúc tôi phải làm việc trực tiếp với cả 3 huấn luyện viên. HLV thể lực, trợ lý số 1 là anh Lee Young-jin, và HLV trưởng Park Hang-seo. Phải nói cả 3 người xoay cho tôi kiệt sức và đau rát cổ họng hàng đêm. Riêng mỗi chuyện thế đứng, nhiều khi cũng phải dịch hướng dẫn đến cả một hai phút cho riêng một cầu thủ. Tập và dịch từng ly từng tý một như vậy. Sướng thì cũng sướng nhưng mà mệt.

Rèn kỹ thuật xong, HLV lại truyền đạt triết lý bóng đá của ông ấy, rồi đến sơ đồ chiến thuật… Phức tạp thực sự. Bóng đá không đơn giản như chúng ta nghĩ đâu. Mỗi sơ đồ là một vị trí riêng, mỗi sơ đồ là một yêu cầu riêng, mỗi sơ đồ là những con người riêng và rất đặc thù. Mà nếu cùng con người đó thì cầu thủ phải thay đổi lối chơi. Tham gia dịch sâu như thế này về bóng đá tôi mới hiểu rằng, bóng đá là một môn thể thao tổng hợp, nó đòi hỏi kiến thức ở mọi phương diện.

Mà hồi đấy tôi có hiểu gì về bóng đá đâu. Tôi chỉ là thích bóng đá thôi. Lại cũng chỉ thích bóng đá Việt Nam vì mình là người Việt Nam. Những khái niệm như chiến thuật rồi đội hình 3 - 5 - 2 nó khác 4 - 1 - 4 -1 ở những điểm nào? Di chuyển ra sao, yêu cầu từng người thế nào, tại sao phải dùng các sơ đồ đó?... Mình chịu!

Thời gian đó, nói thật là lấy thân mình làm thí nghiệm thôi, vừa học trên sân ban ngày, tôi lại phải tìm đọc tài liệu bóng đá trong nước và nước ngoài ban đêm để tìm hiểu thêm. Đương nhiên không phải để hiểu theo cách của các HLV, mà chỉ để phục vụ cho mình kiến thức nền nhằm đáp ứng công việc dịch thuật của mình cho thật chắc chắn. Đảm bảo mình dịch đúng. Hỗ trợ tối đa sự thông hiểu giữa ông Park và cầu thủ.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 6.

Thanh An: Ông có nói rằng thời điểm đó, HLV Park Hang-seo là một thế giới còn cầu thủ Việt Nam là một thế giới. Vậy sẽ có những điểm gì được gọi là kỳ lạ khi hai thế giới ấy gặp nhau?

Lê Huy Khoa: Ta đừng tưởng sự khác nhau phải là màu trắng màu đen. Có những khác biệt nhỏ thôi nhưng đúng chính xác là khoảng cách văn hóa, thói quen văn hóa rất khó để thu hẹp. Nó thậm chí tạo sự khác biệt rất khó để hiểu nhau.

Ví dụ như người Hàn Quốc nghiễm nhiên cho rằng, mọi câu hỏi được đưa ra thì người nghe nhất định phải đáp lại. Kể cả câu đơn giản nhất như "Đã hiểu chưa?" Nhưng người Việt Nam thì khác. Với dạng câu hỏi này, thường người Việt cứ thế mà im lặng.

Trên sân tập, ông Park sau mỗi lần trao đổi đều hỏi "Đã hiểu chưa?" Các cầu thủ nhà mình cứ đứng im không à. Không ai nói gì hết. Những lúc như thế ông ấy bực lắm. Ông ấy rất bực bởi vì cứ mỗi một lần im lặng như thế thì băn khoăn trong ông ấy lại lớn lên: "Sao tôi hỏi mà không ai trả lời? Như thế thì làm sao tôi biết cầu thủ đã hiểu hay chưa? Sao họ cứ im lặng?"

Nếu chỉ là người dịch bình thường thì mình kệ. Cầu thủ nói thì mình dịch, còn im lặng thì thôi. Nhưng như tôi nói từ ban đầu, tôi muốn mình là cầu nối giữa hai thế giới này.

Cuối cùng sau vài bữa ức chế như vậy, tôi phải tập cho các bạn ấy kỹ năng trả lời và giao tiếp với người Hàn Quốc. Khi HLV hỏi bạn bất kỳ câu hỏi nào, hiểu hay chưa hiểu, bạn đều phải phản ứng rõ ràng. "Dạ, chưa hiểu" hoặc "Hiểu rồi ạ". Và nhiều nhiều điều thú vị nữa.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 7.
Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 8.

Thanh An: Có bao giờ cầu thủ sợ ông Park không? Yêu thì tôi thấy nhiều rồi còn sợ?

Lê Huy Khoa: Cầu thủ sợ chứ. Ông ấy có cái uy của người chỉ huy, có cái trách nhiệm của người anh, và cái tình của người cha. Cầu thủ sợ vì ông ấy rất nghiêm. Ông dặn là phải thực hiện.

Tôi được kể lại rằng ngày xưa, đã từng có HLV tuyển Quốc gia mà buổi sáng còn phải gõ phòng cầu thủ mời xuống ăn cơm. Còn bây giờ thì không có đâu. Đến giờ ăn mà không có mặt là thể nào cũng bị khiển trách. Ông Park quán triệt rất rõ ràng, quy củ chuyện giờ giấc và sinh hoạt chung. Muốn trên sân là một đội thì sinh hoạt cung phải là một đội. Thời ông Park, tinh thần "one team’ là giá trị cốt lõi của đội bóng. Ý thức được ông đánh giá hàng đầu, điều đó khiến cầu thủ cũng trở nên chuyên nghiệp hơn hẳn. Ngày xưa người ta còn bảo, ùi, cầu thủ ăn chơi thế này, nhậu nhẹt thế kia… Tôi theo đội tuyển 2 năm nay, thực sự là chưa bao giờ thấy cầu thủ đụng đến rượu. Họ uống ở đâu tôi không biết chứ trong thời gian sinh hoạt ở đội tuyển là tuyệt nhiên không. Nước uống có ga, có cồn cũng hạn chế uống chứ nói gì rượu. Chỉ uống nước lọc, nước hoa quả… Hút thuốc cũng không có ai.

Thực ra việc cầu thủ sợ HLV tôi nghĩ đó là điều tốt. Bởi vì sao? Bởi vì nếu HLV đưa ra chiến thuật mới, cầu thủ mà không sợ, người ta không theo chiến thuật đó đâu. HLV cũng không thể kiểm soát đội của mình được nữa. Mà không thực hiện được đúng chiến thuật thì chắc chắn khi thi đấu sẽ vỡ trận. Cho nên hiện nay, mỗi một cầu thủ đều đang cố gắng thực hiện tốt những gì ông Park chỉ đạo. Rồi cự li đội hình của Việt Nam thời điểm này rất kín kẽ. Cầu thủ thực hiện tốt vai trò, vị trí của họ trên sân ở mọi thời gian trong từng trận đấu. Nhìn vào những biểu hiện đó, tôi biết là các cầu thủ họ vừa nể, vừa sợ ông Park.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 9.

Thanh An: Rõ ràng là từ hai thế giới khác biệt, thầy trò HLV Park Hang-seo đã tìm được tiếng nói chung. Anh có sợ mình bị thất nghiệp không?

Lê Huy Khoa: Haha, không. Tôi là giáo viên tiếng Hàn, hết việc về tôi đi dạy thôi. Tôi chỉ biết rằng khi mà HLV và cầu thủ hiểu nhau hơn thì công việc của tôi đỡ vất vả hơn nhiều. Rất may cho tôi là sau hai năm ông Park huấn luyện, các cầu thủ Việt Nam bây giờ đã hiểu gần như toàn bộ những gì ông Park đưa ra.

Chúng tôi đang làm việc với các thuật ngữ chuyên môn bằng đủ loại ngoại ngữ, ngôn ngữ. Bằng ngôn ngữ cơ thể có, bằng ký hiệu có, bằng tiếng Hàn có, bằng tiếng Anh có, mà bằng cả tiếng Việt cũng có. Hay lắm. Những cái nào mà không biết thì nói tiếng Hàn thì thậm chí dùng cả tiếng Việt. Ví dụ như anh Lee chẳng hạn, anh ấy cũng đã học được những từ đơn giản của tiếng Việt. Bây giờ muốn yêu cầu cầu thủ "lật đi" chẳng hạn, anh ấy cũng nói là "lắt đi". Phát âm không đúng đâu, cứ ngọng ngọng lơ lớ nhưng cầu thủ vẫn hiểu.

Mà họ hiểu nhau đến mức bây giờ trên sân, chỉ cần thầy Park ra động tác một cái là họ đã biết rồi. Body language của ông Park phải nói là quá ổn. Các cầu thủ cũng rất cầu thị, thỉnh thoảng họ hỏi tôi để học thêm tiếng Hàn. Và cầu thủ bây giờ họ thông minh lắm, nói một lần họ nhớ à.

Ví dụ như có khoảng cỡ 100-200 câu khẩu lệnh trên sân tập bằng tiếng Hàn, thì hiện tại đến 50 câu là các cầu thủ đã biết rồi. Thật ra tiếp xúc với nhau hằng ngày 24/24 giờ, trên sân tập mỗi ngày tập kín lịch như thế thì họ hiểu nhau nhanh lắm.


Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 11.

Thanh An: Cho đến nay, mối quan hệ giữa anh với ông Park nó đã là như thế nào rồi?

Lê Huy Khoa: Nói chung, ông Park đối với tôi hiện nay, chính xác là một người rất thân thuộc. Có lẽ là tôi đã quá hiểu ông ấy rồi. Và ông ấy ngược lại cũng quá hiểu tôi rồi. Vì đã làm việc quá lâu, quá gắn bó rồi, có những tâm sự riêng chẳng hạn, ông ấy nói riêng với tôi. Nếu không phải vào giải đấu, người ở Sài gòn, ở Hà Nội nhưng ông ấy và tôi liên lạc thường xuyên.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 12.

Ông ấy sống chân tình, thực thà, yêu Việt Nam hết lòng. Ông ấy rất thích ăn bún chả. Lạ một điều là cứ được đi ăn hàng bún chả nào về là ông ấy đều nhớ mãi cửa hàng đó. Nước mắm ông cũng thích… nói chung món ăn Việt Nam món nào ông cũng thích.

Gia đình ông ấy có một điều chung khá thú vị đó là ai cũng đều rất yêu Việt Nam. Tôi gặp bà xã ông ấy thường xuyên và qua cách họ đối xử với nhau, tôi nghĩ có lẽ ông bà ấy đã quá hiểu nhau rồi, họ luôn hỗ trợ và chia sẻ mọi điều họ yêu thích cho nhau. Bà Park yêu cầu thủ không thua kém gì ông Park đâu. Bà ấy xem bóng đá mà thấy Đình Trọng bị đốn chẳng hạn là bà ấy xót xa lắm. Bà ấy kêu lên: "Trời ơi mình à, thằng nhỏ có việc gì không?" Gia đình này có đặc điểm chung khi họ đã yêu ai là họ yêu hết mình. Yêu công việc cũng yêu hết mình.

Mà nói về thành công của ông Park ta đừng quên bà vợ. Bà Park là người rất hay. Người phụ nữ này quyết đoán như phụ nữ Việt Nam mình đấy.

Ông Park chia sẻ với tôi khi mà nhận được lời mời sang Việt Nam làm việc, thực ra ông ấy vẫn chần chừ. 60 tuổi rồi cho nên ông ấy khá lưỡng lự trong việc có nên đi ra nước ngoài để bắt đầu một thử thách mới trong công việc của mình nữa hay không? Các bạn trẻ đổi việc còn băn khoăn cân nhắc nữa là ông ấy nhảy việc. Chính bà Park là người khích lệ chồng. Bà ấy chủ động liên lạc, tìm người đại diện và đưa ra ý kiến quyết định rất lớn trong việc ông ấy sang Việt Nam. Bà ấy ở thời kỳ đầu chính là đầu mối giữa ông Park với Việt Nam. Chi tiết cho cuộc trao đổi giữa bầu Đức và ông Park tôi không rõ, nhưng bà vợ là người tác động tư tưởng để chồng mình sang Việt Nam.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 13.

Thanh An: Nếu riêng bản thân anh, có những điểm gì anh nghĩ cần học từ ông Park?

Lê Huy Khoa: Nhiều chứ. Riêng cá nhân mình, tôi thấy có rất nhiều điều đáng học từ ông Park. Năm nay ông ấy 60 tuổi rồi mà còn dám ra nước ngoài khởi nghiệp. Sự dũng cảm đó có mấy người Việt Nam làm được? Thậm chí chúng ta có khi mới hai mươi tuổi hừng hực sức trẻ mà cứ bước nghĩ bước chân ra nước ngoài là sợ. 60 tuổi ông còn dám thử thách, mình thì làm gì cũng sợ. Tại sao lại thế?

Điều thứ hai là ông ấy rất tập trung và toàn tâm toàn ý cho công việc. Trong thời gian tập huấn chẳng hạn, ông ấy không tiếp khách. Trước những trận đấu quan trọng ông ấy không tiếp xúc với người ngoài. Trả lời điện thoại ông ấy cũng không trả lời. Ông ấy dành mọi thời gian cho bóng đá. Thứ ba là phương pháp làm việc hết sức khoa học và chi tiết. Mọi công việc ông ấy đều theo đúng kế hoạch mà làm. Phân chia vai trò rất cụ thể cho từng thành viên…

Và điều quan trọng nhất là mình phải học cho được là kỹ năng phân tích và phát hiện vấn đề cực chuẩn xác của ông Park. Ông ấy là người có khả năng tìm thấy điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề. Ví dụ như câu chuyện TINH THẦN VIỆT NAM chẳng hạn.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 14.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi kể về cuộc họp đội trước lúc ra sân ở trận gặp Campuchia. Ông Park khẳng định với các cầu thủ rằng: "Các bạn thực sự là những chiến binh mà tôi và những HLV người Hàn Quốc muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ, và tôn kính đối với tinh thần của các bạn". Òa, nghe xong câu đó tôi hơi nghi ngờ. Tôi nghĩ việc gì phải dùng đến từ "tôn kính", dù chính xác tiếng Hàn mà ông Park nói là như vậy đấy.

Nhưng cũng trong tích tắc đó, tôi hiểu rằng: người nước ngoài mà người ta đã phát hiện ra trong bản thân người Việt có một sức mạnh tinh thần rất kinh khủng như vậy. Người nước ngoài người ta đã khai thác được sức mạnh nội tâm của người Việt như vậy, thì chẳng cần băn khoăn nữa, tôi dịch nguyên văn luôn!

Qua những đỉnh cao mà các cầu thủ lứa U22, U23 rồi ĐTQG đã vượt qua được nhờ sức mạnh TINH THẦN VIỆT NAM mà ông Park khơi lên, thì rõ ràng điều cần làm là chúng ta phải đốt tiếp, mạnh mẽ hơn cái tinh thần ấy. Mình phải làm thế nào để lan tỏa TINH THẦN VIỆT NAM ra các lĩnh vực khác đi chứ. Như vậy đất nước mình mới phát triển được.

Tại sao cứ phải chờ một người nước ngoài nào đó đến khai phá TINH THẦN VIỆT NAM của chúng ta ?

Mà nói thẳng, ngay trong bóng đá thôi, ông Park năm nay 60 tuổi rồi, ông ấy đâu có thể gắn bó với bóng đá Việt Nam lâu dài được nữa. Cùng lắm có khi cũng chỉ được 5 năm nữa thôi, mình phải tranh thủ mình học hỏi, lĩnh hội những gì hay của ông ấy. Đó mới là điều quan trọng.

Chúng ta cứ hay nói với nhau về lòng tự hào dân tộc. Nhưng chúng ta chỉ nói chung chung thế thôi. Người Việt mình có đặc điểm là cái gì cũng chung chung đại khái được. Cái gì cũng là "một số không ít", "phần lớn", "nhìn chung"…

Ông Park bảo, lòng tự hào dân tộc mà nói chay thì chỉ gây sự bối rối hoặc nhàm chán cho các cầu thủ thôi. Lòng tự hào dân tộc thì phải thể hiện bằng hành động ăn đúng giờ, ngủ đúng giờ, tập đúng giờ, đá đúng vị trí, chạy đúng cự ly, có trách nhiệm trong hành động… Anh phải làm được cụ thể như thế một cách hoàn hảo rồi anh mới tự hào được, dân tộc anh mới tự hào được.

Nhìn rộng hơn nữa, tôi mong muốn một ngày nào đó sẽ có một ông Park người Việt, hai ông Park người Việt hoặc nhiều hơn những ông Park người Việt có thể đứng ra lãnh đạo được đội tuyển quốc gia và thậm chí là dẫn dắt một đội tuyển nước ngoài nào đó. Ở bất kỳ đâu họ cũng sẽ làm được những việc đáng tự hào như ông Park đã làm. Được thế thì hình ảnh của đất nước Việt Nam sẽ đẹp hơn rất nhiều. Nó sẽ trở nên lộng lẫy hơn rất nhiều. Nó sẽ thắt chặt được hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, và nó góp phần tạo dựng nên những biểu tượng, những giá trị cho người Việt trong quá trình chúng ta hội nhập với thế giới.

Thực ra bài học của ông Park có lẽ đã đến lúc các chuyên gia ngồi phân tích lại, từ những việc làm của ông ấy mình có thể học được những gì?

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park từng phát bực vì sự im lặng của cầu thủ Việt Nam - Ảnh 15.
Thanh An
Tuấn Mark, Hiếu Lương, Phong Anh
Đỗ Linh
Theo Trí Thức Trẻ01.01.2020

(còn nữa)

Kỳ tới: Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết