Đồ ăn thức uống ta đưa vào cơ thể mỗi ngày, tưởng đâu chỉ là chuyện nhỏ nhặt, nhưng nó như một chiếc gương phản chiếu rất nhiều hành vi, lối sống và cả nhiều ẩn khúc bên trong…
Bật bài hát từng gắn bó cả năm 2021, Nguyễn Thanh Vân (30 tuổi, Đắk Lắk) thấy lòng chùng lại và quyết định đóng công ty kinh doanh mỹ phẩm về quê. Lựa chọn ấy, may thay, đã giúp Vân có một hành trình trở về đầy ý nghĩa với bản thể của mình.
Ngày về, trông cô nhợt nhạt, thiếu sức sống. Vân từng nghĩ muốn thành công thì phải đánh đổi. Cô không ngại ăn mì tôm và làm thâu đêm suốt sáng. Kể cả những buổi chạy đơn hàng, không có thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe bản thân. Cuộc sống của cô là một vòng tròn từ sáng tới khuya với đồ ăn nhanh, chiên rán, nước ngọt, hay thậm chí là rượu bia với đối tác, khách hàng...
"Bán" sức khỏe và tuổi trẻ, thế nhưng Covid-19 cho cô thấy, thế giới thay đổi quá nhanh. Năm 2021, công ty của Vân nằm trong số gần 120.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, Vân mất nhiều hơn được.
Không tệ như trường hợp của Vân, nhưng Đặng Ngọc Linh (Hà Tĩnh) cũng khốn đốn vì mất việc. Linh từng là "ngôi sao" bán hàng của công ty nên Linh có cuộc sống khá thoải mái. Những buổi tiệc "trả ơn" cho người quen, bạn bè, môi giới trở thành một phần trong cuộc sống của Linh. 34 tuổi, ai cũng bảo cô tròn người xinh xắn. Chỉ khi đi cắm trại với mọi người trong công ty, Vân mới biết cô cũng "rất bèo", không vượt nổi 1 vòng nhảy bao bố và lăn đùng ra nhức đầu, xây xẩm do hôm trước thức khuya.
Về nhà, cả Linh lẫn Vân đều cảm thấy chơi vơi: mất niềm tin sống, không dám ước mơ, thiếu năng lượng…
Trở về với thiên nhiên, được tưới mát, kết nối lại với tự nhiên là điều đầu tiên những người như Linh, Vân thấy mình có thêm nguồn năng lượng mới.
Linh bắt đầu theo ba đi biển chuyến đầu tiên. Cô hỏi ba về thắc mắc của bạn bè rằng dân biển chỉ đi theo mùa, còn lại ở nhà "chơi". Ba cô nói chắc nịch: "Không ai nghỉ cả. Ta chỉ đang chờ biển sinh sôi".
Thật vậy, khi không ra khơi, ba cô vẫn miệt mài với đóng thuyền, đan lưới, ngóng trông và cầu khấn lòng biển tiếp tục nuôi dưỡng cá tôm cho kì đánh bắt. "Chờ" cũng là một công việc có giá trị, bởi chờ là tích lũy, là chuẩn bị. Linh nhận ra sự sâu sắc giản đơn ấy qua nét rám nắng một người đàn ông chỉ mới học hết lớp 3.
Trong khi đó, kết nối của Vân với nhà chính là những mảnh vườn sum suê cây trái. Xen giữa những cây điều cổ thụ tỏa bóng rộng là ổi, mít, sầu riêng và dưới chân là hàng trăm loại hoa và rau, từ cúc, hồng tới lá lốt...
Giờ thì Vân nghiệm ra nhờ "tùm lum thứ" mà sầu riêng mất mùa, ba mẹ cô vẫn có mít, ổi bán và bữa ăn nhà vô cùng đa dạng dinh dưỡng, đi một vòng là đủ tô canh tập tàng trên dưới chục loại rau.
"Làm gì làm, đừng bao giờ bỏ trứng vào một giỏ. Sống sao sống, đừng chỉ nghĩ tới hoàn thành mỗi việc của mình". Lời dặn của mẹ, từ khu vườn nơi Vân lớn lên, như tiếng chuông vang trong đầu cô. Đâu đó trong Vân chợt nhận ra: Sống khỏe mạnh, đâu có gì khác là hòa hợp, tôn trọng và thuận theo tự nhiên. Mà nếu người dưới quê đã sống được và hạnh phúc với nó thì sao ta không áp dụng điều này cho hay hơn, tốt hơn khi sống ở đô thành?
Đậu nành nhà Vân là đậu không biến đổi gen, canh tác an toàn. Vân bốc từng nắm đậu nành xay làm sữa. Mùi thơm đặc trưng của đậu vỡ ra, len lỏi vào mũi Vân. Đọc sách báo, Vân biết đậu nành là loại hạt giàu dinh dưỡng thuộc hàng nhất nhì trong đám ngũ cốc, đầy đủ từ axit amin, khoáng chất, đạm, tới "ca khó" như bổ sung estrogen tự nhiên cho phụ nữ. Và đậu nành luôn ẩn hiện trong mỗi bữa ăn của gia đình Vân từ xưa tới nay.
Những hạt đậu nành nhà Vân, rất có thể đã xoay vòng và trở thành những hộp sữa nhỏ xinh thường bày bán trong tiệm tạp hóa. Vân bỗng nhận ra hạt đậu nành quê nhà, lột xác, lên đời trong một hình hài khác, nhưng vẫn là những hộp sữa đậu nành ngọt dịu, như một thức quà vặt lành mạnh và giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe mọi người.
Trở về nhà, kết nối lại với những thứ đã từng làm nên một cô nông dân khỏe khoắn Vân bỗng nhận ra những "ADN" xanh có được từ của lối sống cân bằng, đang được bồi đắp, trở lại với chính mình.
Linh quyết định thay đổi từ điều nhỏ nhất: vận động mỗi ngày. Cô gái cao 1m68, nặng 89kg đã giảm hơn 17kg trong vòng 4 tháng. Những ngày ở quê, cô chủ động theo ba ra khơi, vận động nhiều hơn. Dân miền biển thường ăn nhiều cá tôm, Linh không muốn can thiệp thói quen này, nhưng cô chủ động bổ sung rất nhiều rau củ quả tươi. Một ly nước ép hỗn hợp vào buổi sáng, một hộp sữa đậu nành vào mỗi chiều, để có năng lượng tiếp tục làm việc là những thứ cô có thể làm mỗi ngày cho bản thân mình. Còn khi trở lại Sài Gòn đi làm, Linh tiếp tục chọn ăn uống lành mạnh, giảm thịt, bớt đồ ăn chiên rán, tăng cường rau xanh, trái cây, sinh tố, sữa tươi, sữa đậu ít đường. Sau hai tháng, cô cảm thấy bắp chân mình chắc lại, không còn mềm nhão như trước kia, tinh thần tốt hơn và cơ thể cũng linh hoạt, nhẹ nhàng.
Trong khi đó, Vân cũng thay đổi toàn bộ lối sống của mình và thậm chí còn mang nó xuống Sài Gòn, khởi động lại công ty, áp dụng với nhân viên mình.
"Công ty có 1 khoảng sân nhỏ nên tôi mua vài sợi dây, một bảng ném phi tiêu để mọi người có thể nhảy dây, vận động một chút đầu hay cuối giờ. Những ngày cuối tuần tôi khuyến khích các nhân viên cùng mua thực phẩm, nấu ăn chung để an toàn và tăng tình đoàn kết. Tôi cũng mua sẵn hàng thùng sữa đậu nành với các vị khác nhau, khuyến khích nhân viên dùng như bữa xế để có sức làm việc. Chúng tôi làm việc tập trung cao độ, hạn chế tăng ca, thực tập thiền định và cùng nhau vượt qua khó khăn", Vân hào hứng chia sẻ.
"Dù bạn có thể thành công trong công việc, nhưng khi sức khỏe suy giảm, mọi thứ sẽ đảo chiều và chẳng còn ý nghĩa gì. Đó là lí do tôi quyết tâm cân bằng trở lại. Chăm sóc sức khỏe cho mình nhiều hơn để có năng lượng làm những điều mình thích", Vân đúc kết bài học cho chính mình.
Rõ ràng cuộc sống bận rộn đang khiến nhiều người bị mất cân bằng, cảm thấy stress hơn, dễ bị trầm cảm hơn hoặc bị những chứng bệnh như béo phì, ung thư, đột quỵ, xơ mạch máu, huyết áp, tim mạch…Tuy nhiên nếu nhìn nhận lại, vẫn có còn đường khác – thay đổi lối sống lành mạnh, lựa chọn dinh dưỡng từ tự nhiên, cân bằng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để giúp cuộc sống ổn định hơn và cân bằng hơn.
Thật vậy, báo cáo của Unicef tháng 10/2021 nhận định rằng Covid-19 đã là một chất xúc tác đẩy nhanh hơn và làm lộ ra những vấn đề sức khỏe, tâm thần của gia đình và cộng đồng. Và đại dịch cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần - một tảng băng mà nhiều người đã không được chú ý trong một thời gian quá dài.
Trong khi đấy, trên trang NCBI - Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Hoa Kì(**), nhận xét rằng một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng đặc biệt là chế độ ăn Địa Trung Hải - tăng các thành phần có lợi cho sức khỏe như cá, rau, củ, trái cây, đậu và ngũ cốc nguyên hạt như đậu nành, gạo lứt; giảm các thành phần như thịt đỏ, sản phẩm từ sữa, đồ ngọt… giúp giảm tỉ lệ tử vong và béo phì, đái tháo đường tuýp 2, ung thư, Alzheimer, trầm cảm...
Vậy nên, không có gì là muộn để bắt đầu. Chọn luyện tập thể thao, chọn dinh dưỡng xanh, cân bằng dinh dưỡng thực vật - động vật là những cách để khởi động lối sống cân bằng, lành mạnh, quay về với bản thể nguyên sơ, sống khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Nguồn:
https://vinasoy.com/truyen-thong/le-cong-bo-thanh-lap-trung-tam-nghien-cuu-va-ung-dung-dau-nanh-vinasoy-vsac
(*) https://vneconomy.vn/nam-2021-doanh-nghiep-rut-lui-khoi-thi-truong-tang-gan-20-vi-covid-19.htm
(**) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7278251/
(***) https://bvtttw1.gov.vn/roi-loan-tram-cam-do-covid-19/ https://www.unicef.org/vietnam/