Có một câu chuyện vui vẫn được truyền miệng thế này: Khi mới nghiên cứu đặt cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, thương hiệu lừng danh thế giới McDonald’s đã phải phân vân rất nhiều. Bởi lẽ để "đọ sức" tại một mảnh đất mà chỉ tính riêng ăn sáng đã ngót nghét trăm món thì "cuộc chiến" thật không cân sức. Người Hà Nội sành và kén ăn, từng bữa sáng – trưa – chiều – tối vừa đa dạng lại vừa cầu kỳ, chứ không phải ăn cốt để no cái bụng.
Chỉ đơn cử như quà sáng thôi cũng đã khó có thể liệt kê hết các món ngon. Người thích đồ nếp không thể bỏ qua xôi Phú Thượng, xôi Yến, xôi Tùng… Người mê đồ nước đã có bún ngan, bún bò, bún sườn mọc, phở bò, phở gà, miến lươn… Người chuộng các thức bánh mỗi sáng đã được chiêu đãi bằng tiếng rao bánh khúc, mùi thơm ngậy của bánh giò, chút cay nồng nước chấm bánh cuốn có pha thêm tinh cà cuống…
Trưa đến, Hà Nội không thiếu những món ngon mà chỉ nhắc tới đã thòm thèm. Trời nắng ấm có thể lên phố Hàng Khay, hoặc ghé ngõ Phất Lộc… gọi một suất bún đậu mắm tôm đầy đủ chả cốm, thịt luộc hoặc ra phố Hàng Mành thưởng thức một suất bún chả nem cua bể. Đó được coi là các món hồn cốt của Hà Nội. Và từ khi trở thành một mảnh đất với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, bữa trưa Hà Nội tự thêm vào danh sách của mình những bún cá, bánh đa cá, cơm tấm, cơm rang…
Cùng The Manor Central Park: Thương nhớ Hà Nội qua những món ngon
Chuyến hành trình ẩm thực khép lại một ngày bằng những bữa tối ngon miệng, nhất là trong cái phong vị se se lạnh của mùa đông. Giờ là lúc của cơm rang trứng óc, phở xào bắp bò Mã Mây, của phố lẩu Nguyễn Du, hay ồn ào một chút với phố ẩm thực Tống Duy Tân… Du khách từ xa tới, sẽ dễ bị chinh phục bởi những món ăn truyền thống Hà Nội như chả cá Lã Vọng, phở Bát Đàn, bún ốc, lẩu riêu cua… Dù chỉ là điểm xuyết, nhưng đã đủ gợi nên một bức tranh đa sắc về ẩm thực của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Phong vị ẩm thực riêng của Hà Nội chính là yếu tố "mùa nào thức nấy". Mùa thu – vốn được coi là mùa đẹp nhất trong năm ở Thủ đô, đi vào khắp thơ ca nhạc họa, ai cũng nao nao với hương vị cốm làng Vòng. Rồi cuối thu đầu đông, chị em truyền tai nhau mua rươi để tạo nên món chả rươi "huyền thoại".
Mùa hè nóng nực thì đi tìm các loại thức ăn thanh mát, giải nhiệt như nộm bò khô, nộm sứa, xôi chè, các món chè giải nhiệt. Những ngày đầu tiên của mùa xuân thì ăn bún ốc, bún riêu, bởi chính trong cái tiết xuân man mát, vị đậm đà của ốc đã gẩy sẵn, vị cay nồng của ớt chưng và mùi gạch cua thơm lừng tạo cảm giác lạ cho vị giác vốn đã ê hề những thịt mỡ, bánh chưng ngày Tết…
Thứ nữa, một nguyên nhân không nhỏ tạo nên cái chất riêng của món ăn Hà Nội lại đến từ sự "khó tính, cầu kì" của con người nơi đây. Người Hà Nội xưa, coi trọng việc "ăn" sao cho đúng cách, chuẩn vị. Điều này thể hiện ở sự tỉ mẩn, chi tiết trong chế biến. Mâm cỗ Hà Nội xưa bao giờ cũng phải đủ 8 bát 8 đĩa, không thể thiếu các món xào, món canh, món hấp… Món xào thì củ quả phải thái hột lựu; gà chặt nguyên con phải xếp thành hình vừa in một đĩa cỗ; canh bóng ngày Tết nhất định phải có đủ hoa lơ, thịt, tôm khô, mọc…
Với người Hà Nội, gia vị đi kèm mỗi món ăn cũng phải đúng món nào thức nấy. Bát canh giấm cá ngày Đông mà thiếu đi mẻ, bỗng hay thì là và mấy quả ớt tươi thì vẫn chưa coi là trọn vị. Chọn rau húng thì phải chọn đúng húng Láng - loại rau ăn kèm mà chỉ có người làng Láng mới trồng được. Hoặc, ăn các món liên quan tới rau sống như canh dưa cá, canh riêu cá… nhất quyết không thể thiếu đĩa rau muống chẻ hay hoa chuối cho thêm "dậy vị".
Mà đâu đã hết! Người Hà Nội sành là phải biết chỗ ăn ngon. Đơn giản thì cũng cần biết phân biệt phở Lý Quốc Sư, phở Bát Đàn, phở Thìn, phở Sướng… Miến lươn Chân Cầm thì khác với miến lươn chợ Hàng Da ở nước dùng. Cháo sườn chợ Đồng Xuân khác cháo sườn Ngõ Huyện vì có thêm sườn sụn và quẩy ăn kèm "ngon hết ý"…
Hà Nội phát triển một nền văn hóa ẩm thực đường phố mà bất kì quốc gia nào cũng phải trầm trồ, đi thì nhớ ở thì thương. Mỗi con phố của Hà Nội đều có thể gắn liền với một món ăn nổi tiếng nào đó. Có món đi dọc theo chiều dài lịch sử như bánh tôm Hồ Tây, chả cá Lã Vọng, chè Hàng Bạc, phở Bát Đàn… đều đã gắn bó với người Hà Nội tới vài chục năm.
Có món mới nổi gần đây nhưng nhanh chóng được yêu thích như phở cuốn Ngũ Xã, lẩu riêu cua Nguyễn Du, bánh tráng trộn Hàng Tre... mà chỉ một lần nếm thử là nhớ mãi. Ở Hà Nội muốn ăn ngon phải tới đúng chỗ, đó là điều mà người Hà Nội nào cũng khắc sâu, và luôn giới thiệu với bạn bè lần đầu tới mảnh đất này.
Chính sự độc đáo của ẩm thực Hà Nội cùng với bầu không khí rất riêng của mỗi điểm đến để lại trong lòng người nỗi nhớ thương vô tận.
Trong cuốn "Hà Nội băm sáu phố phường", Thạch Lam từng cảm khái: "Người Hà Nội, ăn thì ngày nào cũng ăn, nhưng thường không để ý. Nếu chúng ta về ở tỉnh nhỏ ít lâu, hay ở ngay Hải Phòng, Nam Định nữa, chúng ta mới biết quà ở Hà Nội ngon là chừng nào. Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, thế mà sao bún chả của Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi. Trong một ngày, không lúc nào là không có hàng quà. Mỗi giờ là một thứ khác nhau; ăn quà cũng là một nghệ thuật: ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bán ấy, mới là người sành ăn."
Hoặc như Vũ Bằng trong tập tùy bút "Món ngon Hà Nội", cũng từng nao nao nhớ về một món phở ám ảnh như chính phần hồn cốt của Hà Nội: "Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở, thật là cả một bài trí nên thơ. Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có... Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu."
Nhưng đâu chỉ có những người con xa xứ mới nhớ về hương vị ẩm thực Hà Nội. Là mảnh đất hội tụ của nhiều nền văn hóa, Hà Nội còn trở thành quê hương thứ hai, là chốn "chưa xa đã nhớ" của nhiều người con tới từ các vùng quê khác nhau.
Đơn cử như diễn viên Thúy Hà – cô bán hoa dịu dàng trong phim "Về nhà đi con" hay bà Phó bí thư quyền lực trong "Sinh tử". Dù không sinh ra tại mảnh đất Hà Nội, nhưng chị cũng là một người con nặng lòng với mảnh đất này. Chính thức chuyển nhà xuống Hà Nội học từ năm lớp 11, nhưng từ nhỏ, Thúy Hà đã theo cha mình sống ở Hà Nội vài năm. Ký ức về Hà Nội với chị là những con phố đan xen, là những quán hàng bán đồ ăn vặt mà chỉ nhắc tới thôi cũng đủ cảm thấy xuyến xao.
Là một diễn viên, từng xuất ngoại nhiều lần, hay đi công tác, đi diễn ở các địa phương khác, Hà Nội trong chị đã trở thành một niềm nhớ ăn sâu vào tiềm thức. Từng được gợi ý Nam tiến nhiều lần để phát triển sự nghiệp, tuy vậy, sự nặng lòng đã giữ chị ở lại với mảnh đất này.
Thúy Hà tâm sự: "Hà Nội chính là nơi chưa đi xa đã nhớ. Nhớ cảnh vật, không khí, nhớ cái nao nao của những ngày giáp Tết, nhớ cả những món ăn ngon mà chỉ một lần được nếm qua sẽ không thể nào quên. Mà hồi đó, món ăn Hà Nội ngộ lắm. Phải đi đúng phố đúng đường, mới được thưởng thức cốc chè Hàng Bạc ngon tuyệt, hay xuýt xoa cùng cái cay nồng bát nước chấm ốc luộc nơi phố Cầu Gỗ, Đinh Liệt. Mình còn nhớ hồi đó, vị kem Tràng Tiền cũng khác. Không phải cái ngọt đi thẳng vào vị giác đâu, mà là vị mằn mặn của muối để ướp kem được lạnh sâu hơn. Người Hà Nội ăn uống cầu kì lắm. Nhưng chính sự cầu kì đó đã tạo nên một phong vị rất riêng mà không nơi nào giống được."
Là vùng đất có nhiều sự giao thoa văn hóa, danh sách ẩm thực Hà Nội luôn được bổ sung thêm những món ăn từ các vùng miền khác, thậm chí cả các quốc gia khác. Những món ăn miền trong nổi tiếng như bánh canh Trảng Bàng, cơm Tấm, cơm cháy ruốc, bánh tráng trộn… đều đã có mặt ở Hà Nội. Cũng không thể quên kể tới các món ăn đặc sắc từ các vùng miền khác trong cả nước như bún bò Huế, bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng, phở Nam Định, bún cá Thái Bình… đang làm phong phú thêm cho kho tàng ẩm thực lâu đời của Hà Nội.
Hà Nội 36 phố phường - mỗi khu phố ôm ấp trong mình những hàng quán với phong vị rất riêng. Qua tháng năm, ẩm thực trở thành một điểm nhấn đặc trưng trong văn hóa của mỗi khu phố. Bản đồ ẩm thực của Hà Nội không chỉ được bổ sung thêm nhiều món mới mà còn xuất hiện thêm những điểm đến in hằn trong tâm trí thực khách. Bên cạnh khu phố cổ, phố ẩm thực Tống Duy Tân, mạn xung quanh Hồ Tây…, giờ đây ở Hà Nội người ta có thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn mới, mang "tính quốc tế" đúng theo xu hướng thời đại 4.0 - thời đại của những "công dân toàn cầu".
Bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, Hà Nội sắp có thêm một điểm đến văn hóa mới mang tên The Manor Central Park – "Kỷ nguyên mới của Hà Nội 36 phố phường". Điều lý thú là dù mang diện mạo của một khu phố mới trong lòng Hà Nội, nhưng The Manor Central Park vẫn giữ nguyên được chất Hà Nội - "vẹn nguyên hồn phố cũ giữa dòng chảy toàn cầu". Điều đó thể hiện qua những kiến trúc cổ kính mà hiện đại, những dãy phố không ngủ, những con đường tấp nập.
Những người yêu Hà Nội, và trót đắm say phong vị ẩm thực Hà thành đã có cơ sở khi lựa chọn chốn an cư, cũng như dừng chân tại nơi đây – vì đó cũng chính là sứ mệnh của The Manor Central Park khi được phát triển trở thành vùng đất an lành, hạnh phúc, là biểu tượng đáng tự hào, nơi lưu giữ những nét đặc sắc của một Hà Nội văn minh, thanh lịch, trong đó không thể thiếu tinh hoa ẩm thực.
Đa dạng món ngon, sôi động từ sáng tới khuya giữa thiên đường ẩm thực, Hà Nội khiến người ta nhớ thương, muốn yêu, muốn nếm, muốn chạm bất cứ khi nào có thể. Nếu có bạn từ phương xa tới, không quá khó để họ hiểu tường tận về Hà Nội. Bởi chỉ cần cùng nhau trải nghiệm trọn vẹn một tour ẩm thực là chúng ta đã có thể thấu cảm sự tinh tế, thanh lịch của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến này./.
Quý Nguyễn, Hồng Nguyễn, Ngọc Ánh, The Manor Central Park, Internet
Theo Trí Thức Trẻ