Thiếu gì là thiếu Tết? - Ảnh 1.

Chưa đến tháng Một, người ta đã kháo nhau năm nay liệu có Táo Quân không. Những năm VTV thông báo "năm nay Tết sẽ không có Táo Quân", không ít người thở dài trên Mạng xã hội "không có Táo quân thì còn gì là Tết." Nhưng Táo Quân có phải là một giá trị đại diện của Tết, một thứ không thể thiếu để ngày xuân của mỗi người dân Việt vơi bớt chút hân hoan nếu thiếu đi nó?

Rất khó để nói thiếu điều gì là thiếu Tết; vì Tết chẳng nằm ở khoanh bánh chưng, chậu hoa mai hay những bông pháo hoa được bắn lúc giao thừa. Tết của bạn chẳng giống Tết của tôi - có khi nhìn thấy bông hoa đào hé nở ai đó đã thấy Tết, nhưng cũng có người phải đến đêm 30, nhìn thấy ba về trước cửa nhà sau một năm đi làm xa mới vỡ òa: "A, Tết về". Tết lúc ấy, lại là một con người cụ thể, một niềm yêu thương đã lâu rồi ai đó chưa được cảm nhận.

Thiếu điều gì là thiếu Tết? Thiếu bánh chưng, hoa mai, bánh Tét thì Tết vẫn còn - mấy năm đi du học, đám bạn tôi chỉ biết Tết qua màn hình điện thoại gọi về nhà mà vẫn vui. Có chăng, Tết nằm ở những giá trị tinh thần: ước mong đoàn viên, niềm hân hoan và hy vọng năm mới cùng sự biết ơn cho những gì đã trải qua, cho những gì ta đang may mắn có.

Thiếu gì là thiếu Tết? - Ảnh 2.

Thiếu gì là thiếu Tết? - Ảnh 3.

Ngày xuân mới chớm đầu ngõ nhưng đã về đầy trên Facebook; những bạn trẻ dành cho mình chút thời gian để chiêm nghiệm năm cũ, gửi gắm niềm biết ơn và hy vọng. Năm nay, người ta muốn viết dài hơn một chút, biết ơn đậm sâu hơn một chút - đi qua khó khăn, ta nhặt đầy hành trang sang năm mới với chân tình và những bài học. Thiếu gì thì thiếu, Tết này chẳng thiếu đâu những niềm biết ơn, giản dị và đời thường.

Chuyến xe Tết năm nay đưa Hưng về nhà sớm hơn mọi năm. Tầm này những năm trước, cậu đang bận rộn làm thêm, cố gắng ở thành phố càng lâu càng tốt. "Sài Gòn Tết còn đông vui nhộn nhịp, chứ quê em nằm tít gần Măng Đen, Tết nhất cũng có gì đâu," Hưng kể. Ấy là năm ngoái, còn năm nay, cậu về sớm - sớm hẳn cả tháng.

Thiếu gì là thiếu Tết? - Ảnh 4.

"Thiếu gì là thiếu Tết?" với Hưng không phải một niềm tin cố định; cậu đã từng nghĩ thiếu những địa điểm tụ tập bạn bè, thiếu những buổi tiệc tùng cuối năm là thiếu Tết. Rồi ngày Tết trở nên nhạt nhẽo dần trong cậu, những lần về quê ngắn dần, những buổi sớm mùng Một không còn đủ truyền thống của một gia đình Bắc vào Tây Nguyên sinh sống. Thỉnh thoảng, Hưng thấy nhớ mình của 10 năm trước, buổi sáng vẫn còn háo hức nhận lì xì rồi theo chân ba mẹ đi thăm họ hàng trong buổi sớm cao nguyên lành lạnh. Vậy hoá ra, điều mà cậu thiếu trong Tết này, có lẽ là "thiếu 1 đứa trẻ tên Hưng".

"Thiếu đi "đứa trẻ" trong mình cùng những niềm háo hức, sự ngóng chờ chắc là thiếu Tết. Em vẫn nghĩ Tết ngày càng chán, không có gì để làm. Mà mình thấy chán thôi, chứ đám trẻ vẫn vui, vẫn hân hoan vì ngày Tết. Một năm liền xa nhà, em chỉ nghĩ đến Tết - vì Tết thì bằng mọi lẽ gì cũng phải về nhà. Tự dưng trong lòng thấy háo hức lắm."

Thiếu gì là thiếu Tết? - Ảnh 5.

Để lại một năm cũ phía sau, để lại thành phố với những ngày ôm chân bó gối trong nhà, Hưng trở về nhà, mang theo niềm háo hức như "đứa trẻ" chờ Tết, mang theo "đứa trẻ tên Hưng" về miền quê thương mến của mình. Nói đến việc "tự đem mình" về quê để tận hưởng những niềm vui đơn giản, cậu tự vỗ lấy đôi vai và gương mặt thì có vẻ hãnh diện lắm. Như đang khoe với cả thế giới sự tự hào và biết ơn bản thân, vì sau một năm lên ngôi của "điều tiêu cực", cậu vẫn đem được "Hưng phiên bản tích cực" trở về. Phiên bản mà cậu có thể nhìn lại 1 năm qua bằng tất cả an yên, phiên bản đủ trưởng thành để biết ơn những va vấp, mất mát và bất an vừa qua đã giúp cậu trở về làm "đứa trẻ" trân trọng mọi khoảnh khắc bình yên trong cuộc sống bộn bề.

Loanh quanh những ngày cuối năm, tôi gặp anh Huy và chị Hà đều đang làm lao động tự do ở Sài Gòn - chồng chạy xe công nghệ, vợ phụ nhà hàng. Với những người quanh năm sống cùng phố thị, ngày Tết có lẽ chỉ là một dịp nghỉ ngơi dài ở nhà. Nhưng với những người vượt đường xa lên thành phố mưu sinh, Tết luôn là những ngày chộn rộn. "Người thành phố bàn chuyện Tết từ ngày 29, mình nghĩ đến Tết từ đầu tháng Chạp," anh Huy kể.

Thiếu gì là thiếu Tết? - Ảnh 7.

Gửi con dưới Hồng Ngự, Đồng Tháp cho ông bà chồng, cả năm rồi hai vợ chồng không về được quê - vì bám trụ với thành phố để tìm công việc, vì lo sợ về lại lây bệnh cho con nhỏ và bố mẹ già. Như hàng triệu lao động tự do khác, họ cũng đi qua một năm mà chông chênh hay khó khăn chưa đủ để diễn tả hết. Nhưng rồi đến Tết, mọi thứ cũng "dẹp qua một bên mà về nhà thôi em."

"Tết thiếu gì thì thiếu, thiếu tiền chút đỉnh cũng được, năm nay không có nhiều quà về cho con cái cũng được nhưng không thể thiếu bữa cơm quây quần cả nhà. Rồi mình còn dạy thằng lớn gói bánh Tét, đưa cả nhà đi chợ hoa. Năm nay không sắm được chậu mai thì vài khóm cúc trong nhà cũng đã ra không khí Tết rồi.

"Nghĩ đến vài tuần nữa hai vợ chồng sẽ được gặp đám nhỏ, con đường về quê với chiếc xe máy đã cũ bỗng chẳng còn thấy xa xôi. Hỏi anh năm cũ có buồn không, anh nói cũng buồn mà cũng biết ơn lắm vì gia đình vẫn khỏe mạnh, ông bà, tụi nhỏ vẫn sống khỏe, vợ chồng anh vẫn có sức khỏe để làm việc là Tết vui rồi.

Thiếu gì là thiếu Tết? - Ảnh 8.

Bên mái nhà, người ta thấy bình yên đến lạ. Một năm đi qua, bao người cũng như anh Huy chị Hà, biết ơn gia đình vì vẫn luôn là nơi để trở về nương náu trong những ngày giông bão.

Những chuyến xe dần rời khỏi thành phố, những tấm vé máy bay cho ngày Tết cũng đã đầy tên chủ, ai cũng háo hức cho một chuyến trở về - vui hay buồn, đông đủ hay thiếu vắng thì cũng thấy nhẹ lòng. Nhưng chị Liên thì khác, công việc của một bác sĩ khiến chị chưa thể sắp lịch đưa mấy đứa trở ra Bắc thăm ông bà nội - điều mà năm nào chị cũng làm. Cả năm "lấy bệnh viện làm nhà", chị Liên cũng quen. Nhưng quen mấy thì quen, đến Tết nhìn ra ngoài cửa sổ phòng bệnh thấy đường phố tấp nập hơn, chị cũng nao lòng.

"Năm nào cũng quen nhìn thành phố, nhìn đường hoa rộn ràng chị thích lắm. Tết thiếu gì thì thiếu chứ năm nào cũng phải đưa con đi chợ hoa, ra Nguyễn Huệ xem pháo hoa rồi về quê thăm ông bà."

Thiếu gì là thiếu Tết? - Ảnh 9.

Ai cũng xứng đáng có những ngày Tết trọn vẹn, để tận hưởng những phút giây thảnh thơi bên gia đình, người thân. Nhưng cái Tết của những người như chị Liên năm nay có lẽ vẫn bận rộn, vẫn xoay quanh những giường bệnh và phòng cấp cứu. Chị Liên không lấy đó làm buồn vì với chị đó vẫn là một cái Tết ý nghĩa. Biết ơn những người như chị Liên - những bác sĩ, y tá vẫn cần mẫn làm việc, đôi lúc chỉ ngơi tay để nhìn những bông pháo hoa bắn rực sáng bầu trời Sài Gòn bên ngoài cửa sổ bệnh viện rồi lại tiếp tục với những công việc đang chờ.

Nhờ những người như họ, cái Tết của thành phố, của hơn 100 triệu người trên khắp Việt Nam mới yên tâm hơn. Một năm đặc biệt, người ta càng trân quý, biết ơn những nỗ lực, cống hiến của người bác sĩ, y tá. Thiếu họ, cái Tết này chẳng thể ấm êm với nhiều gia đình.

Thiếu gì là thiếu Tết? - Ảnh 11.

Cái Tết xưa cũ vẫn luôn đầy ắp những điều mà chúng ta cho rằng "thiếu nó thì thiếu Tết": Niềm háo hức thường trực như những đứa trẻ chờ lì xì, được trở về với gia đình, được đưa cả nhà đi chợ hoa hay thong dong ngồi xem pháo hoa bên mâm cơm cúng Giao thừa. Nhưng cái Tết năm nay thì khác; đường về nhà xa hơn một chút, niềm hân hoan bớt đi một phần, mâm cơm gia đình cũng có khi vắng bóng một ai đó… Những điều giản đơn mọi năm vẫn hiện diện cùng ta trong ngày Tết, năm nay bỗng thấy quý giá. Nghĩ đến đấy thôi, chợt thấy sống mũi cay cay, thấy biết ơn nếu ta vẫn còn đủ đầy những điều ta cho là ý nghĩa.

"Thiếu gì là thiếu Tết" không nhất thiết phải cho ra một câu trả lời khi Tết rộng lớn và mênh mông lắm nhưng chí ít, nó nhắc nhớ chúng ta rằng, có những điều bình thường nhưng kỳ thực đầy ý nghĩa. Chỉ đến khi mất đi hoặc bỗng thấy mọi thứ hóa xa xôi, ta mới biết ơn vô cùng.

Tết này, chúng ta chẳng nghĩ gì xa xôi, chẳng mơ những điều viển vông, chúng ta biết Tết như nào là vừa đủ cho một ngày Tết trọn vẹn: là khi được nhìn thấy gia đình trở về chẳng cần tay xách nách mang quà cáp, nhìn thấy ba mẹ chờ con về, đứa em réo gọi từ cổng nhà bỗng như thấy nắng phương nam ùa về; là khi ta lại háo hức với lì xì và bánh chưng dù đã trưởng thành vì chợt ngậm ngùi nhận ra còn bao nhiêu năm nữa ba mẹ vẫn còn sức khỏe để lì xì con cháu hay giữ gìn những nếp nhà?, là khi chỉ nhìn thấy một bông pháo hoa rực sáng bầu trời cũng đủ ấm lòng, năm mới sẽ sang trang rực rỡ và mọi người sẽ lại bình an.

Mỗi người Việt Nam, dù đón ngày Tết ở đâu, có những món ăn, thói quen, phong tục khác nhau, chọn những điều khác nhau làm nên ngày Tết của riêng mình; tất cả đều hướng lòng mình tới năm cũ cùng sự biết ơn. Biết trân trọng những điều nhỏ bé làm nên ngày Tết, ta biết ơn cuộc đời đã dạy ta biết "đủ" và sống thật ý nghĩa.

Thiếu gì là thiếu Tết? - Ảnh 12.

Minh Đức
B