Bắt đầu giấc mơ trở thành dancer chuyên nghiệp trong những thời điểm khác nhau: Hoàng Đại khi dừng việc dạy Tiếng Anh, Pad.ragon từ lúc tìm thấy Krump vào 2 năm trước, hay Trung Bâu sau một dance campaign lớn tại Singapore năm 2015… dẫu chỉ vài phút trên sân khấu hoành tráng sáng choang, hay hàng chục giờ đồng hồ nơi phòng tập nhễ nhại mồ hôi lúc đêm muộn, họ vẫn là 3 trong số rất nhiều con người tài năng, hừng hực lửa đam mê và không thể nào sống thiếu những chuyển động đẹp mắt mang tên NHẢY MÚA.
Theo bạn, tìm thấy đam mê khó hơn hay theo đuổi đam mê khó hơn?
Hoàng Đại: Mỗi người sẽ có góc nhìn khác nhau, với mình thì theo đuổi đam mê chắc chắn khó hơn. Từ bé mình đã biết mình thích gì, khi tiếp cận với âm nhạc và nhảy mình đã mê ngay. Còn theo đuổi đam mê thì cần rèn luyện, tỉnh táo và đôi khi phải “lì” để không bỏ cuộc, rèn cho bằng được một chiếc “đầu lạnh”.
Pad.ragon: Mình thì nghĩ cả 2 có độ khó ngang nhau. Nó giống như… yêu một người ấy, tìm thấy người phù hợp với mình đã là một thử thách rồi, làm sao để gắn bó với người ấy cả đời lại là một bài toán khác.
Trung Bâu: Mình thấy cả 2 đều không khó, mỗi thứ sẽ đến tự nhiên với từng người vào thời điểm thích hợp.
Ở góc nhìn của người ngoài cuộc như chúng tôi, hẳn có những con đường dễ đi hơn nhiều. Sau tất cả, vì sao bạn vẫn gắn bó với nhảy?
Pad.ragon: Được nhảy là niềm vui và hạnh phúc nhất của mỗi dancer. Nhảy múa giúp chúng tôi nói những điều khó nói ra bằng lời, thể hiện bản thân theo một ngôn ngữ khác (body language). Với Pad, nhảy không phải để trở thành một ai đó hay một thứ gì đó, mà quan trọng; nhất là cảm giác được tận hưởng trong lúc nhảy. Nhiều lần Pad cũng muốn tìm những hướng rẽ khác, nhưng rồi dù có làm gì cũng để support cho việc đi nhảy, kiếm thêm chi phí mở studio, đầu tư quay DMV hoành tráng hơn, cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật nhảy múa....
Hoàng Đại: Đường dễ đi thì mình cũng dễ chán, đường khó đi lại làm cho mình cảm thấy hứng thú hơn vì có thử thách để mình hoàn thiện hơn. Mình chưa nghĩ nhiều đến lối rẽ khác, nhưng từ lúc đi nhảy đến giờ, ngoài tập nhảy thì mình cũng phải trang bị nhiều kĩ năng khác như biên tập video, thiết kế, marketing, viết nội dung, quản lý nhân sự... Bản thân nhảy múa cũng dạy mình tính kỷ luật và sự cởi mở để tiếp nhận kiến thức, sau này làm gì thì cũng sẽ dễ tiến bộ thôi.
Trung Bâu: Từ lúc bắt đầu đến giờ, mình làm tất cả chỉ vì lòng yêu thích dành cho nhảy. Mình không có thói quen nhìn người khác để tự mê hoặc bản thân điều không phù hợp. Mình không nghĩ có lối rẽ nào khác, chỉ có một đường thẳng phía trước. Ở đó đầu mình phải đủ "lạnh" để kiên trì với lối đi riêng, nhưng trái tim vẫn "nóng" mỗi khi thả hồn theo từng điệu nhảy.
Bạn có bao giờ gặp chấn thương ảnh hưởng đến nhảy? Bạn đã vượt qua nó như thế nào?
Hoàng Đại: Đi nhảy thì ai cũng có chấn thương và đó là cảm giác khá bất lực, nhưng từ đó mình hiểu được giới hạn của cơ thể mình đến đâu để chăm sóc, nghỉ ngơi, đồng thời nghiên cứu về những cách thức thi triển động tác sao cho tránh được chấn thương nhiều nhất có thể.
Pad.ragon: Hiện tại Pad đang "sở hữu" rất nhiều chấn thương khác nhau (cười). Nhưng chấn thương là việc nhỏ, đi nhảy là việc lớn, việc cả đời. Cái gì khó mình làm trước, việc nhỏ bỏ qua được.
Trung Bâu: Mình từng chấn thượng sụn vai phải, khiến tay phải mình không nhấc lên và hoạt động bình thường được. Nghĩ lại thì đó cũng là thời điểm mình dùng đến “đầu lạnh, tim nóng”: tận dụng thời gian nghỉ dưỡng để lắng nghe lại toàn bộ cơ thể, học lại cách hít thở cho đúng hơn; song song đó vẫn không từ bỏ đam mê cháy bỏng, với 1 suy nghĩ đơn giản: Dù có còn 1 tay thì mình vẫn nhảy được.
Ngoài chấn thương, dancer còn phải đối mặt với áp lực duy trì cuộc sống. Có bao giờ bạn chùn bước?
Trung Bâu: Mình cũng có những ngày rất tiêu cực và quyết định dừng lại chút để nghỉ ngơi, nhưng mình chưa từng chùn bước trên con đường này. Mình luôn thích thử các bộ môn nhảy khác nhau nếu có cơ hội gặp thầy giỏi. Mình yêu chuyển động và luôn mong muốn có cơ hội đi ra bên ngoài học hỏi với các nguồn cảm hứng thế giới.
Hoàng Đại: Thực sự những điều này có làm mình băn khoăn rất nhiều. Nghĩ đến hoàn cảnh sống của gia đình còn chưa được tốt, mình cũng e ngại khi bỏ ra một số tiền lớn để đi học và giao lưu, thi đấu. Dường như mình đang đầu tư quá nhiều thời gian vào đam mê trong khi tương lai còn không quá rõ ràng. Nhưng mình đã vượt qua với 200% niềm tin và cố gắng. Đó cũng là động lực để mình có thể mang lại nhiều sự hỗ trợ tài chính hơn với gia đình.
Pad.ragon: Áp lực thì mới tạo lên kim cương được! Nhưng chùn bước vì áp lực thì chưa bao giờ. Pad vẫn luôn cố gắng để hoàn thiện hơn, cân bằng mọi thứ trong cuộc sống. Pad đã từng sống ở Nhật 8 năm, ở đó muốn nhảy chuyên nghiệp thì phải học tiếng Nhật, vào trường nhảy để được cấp bằng. Mình đã làm đủ công việc, từ đầu bếp đến sửa xe ô tô, một ngày 12 tiếng xong về tập đêm 2-3 tiếng. Nhưng cộng đồng street dance ở Nhật chỉ có người Nhật với nhau chứ không có người nước ngoài. Nên Pad luôn muốn được đi đây đó để học và nhảy nhiều hơn, mang Krump của Việt Nam tới với các nước bạn và khẳng định vị thế của mình.
Nhìn lại hành trình vừa qua, liệu điều gì đã khiến mọi nỗ lực trở nên xứng đáng?
Trung Bâu: Mình tập luyện hằng ngày, lúc thì một mình lúc thì cùng đồng đội. Bạn bè là những người cho mình cảm hứng để nhảy đẹp hơn. Mình chỉ muốn 70 tuổi vẫn nhảy đẹp được. Vậy nên cứ tập luyện và kiên nhẫn với bản thân, chỉ cần mỗi ngày mới đều tốt hơn ngày cũ.
Hoàng Đại: Cách đây một vài năm mình còn đi làm ban ngày, đi nhảy ban đêm. Rồi trong tất cả những bài học, câu chuyện từ xung quanh, mỗi khi lắng nghe mình đều nghĩ “nếu áp dụng câu chuyện này vào nhảy thì mình sẽ giỏi lên ra sao”, từ đó mà mình cũng cải thiện được nhiều. Mình cũng từng tự ti về hoàn cảnh gia đình, về ngoại hình (hơi lùn)... Tuy nhiên nghĩ đi nghĩ lại thì nhờ những điểm mình “thua thiệt” như vậy nên mình mới có động lực phát triển những thế mạnh khác của bản thân, để rèn luyện nhiều hơn, sáng tạo hơn, kiên cường hơn.
Pad.ragon: Việc tìm thấy Krump và leo lên vị trí cao như hiện tại là sự cố gắng rất lớn của Pad. Pad vẫn luôn tập luyện từ 4-8 tiếng mỗi ngày, luôn sẵn sàng trước mọi cơ hội ra nước ngoài thi đấu. Dù trong cộng đồng có rất nhiều dancer mạnh và có cá tính riêng, khiến mình cũng có so sánh bản thân với những dancer khác vì họ nhận được nhiều cơ hội hơn, vì thể loại Krump ít được mọi người chào đón hơn... Nhưng tới cuối cùng thì mỗi người đều có một con đường riêng và ai rồi cũng sẽ có cơ hội được tỏa sáng, chỉ cần cố gắng là sẽ được đền đáp.
Dancer chuyên nghiệp là người kiếm tiền từ việc nhảy múa. Bạn không thể chỉ nhảy khi thích hay khi có thời gian. Khi đã sống với nghề và sống bằng nghề, bạn phải có đủ bản lĩnh và chiến lược rõ ràng, từ tạo dựng hình ảnh bản thân, lên kế hoạch tài chính, biết cách sắp xếp công việc, thời gian… để theo đến cùng dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa.
Street Dance Việt Nam là một chương trình thực tế, ngoài việc mang nhảy đường phố lên sân khấu một cách sáng tạo, các tuyển thủ còn phải biết cách thể hiện bản thân, biết cách kể câu chuyện của chính mình với nhảy và thông qua nhảy, tạo ra những bài nhảy chạm được vào trái tim khán giả. Sẽ có những tình huống cần sự thoả hiệp. Chúng mình không thể mang 100% chất “underground” lên “ground” ngay lập tức. “Ground” có những cách thức hoạt động và quy mô khác. Chúng mình cũng không thể thay đổi cách khán giả “on the ground” cảm nhận, nhưng mình có thể biến tấu linh hoạt bản thân, sáng tạo trên sự hiểu biết của mình về “ground” để chạm vào khán giả mà vẫn giữ được “chất” của mình.
Chẳng hạn, Hiếu luôn tìm cách thêm vào những “gia vị” Việt Nam, để bài nhảy vừa có cái ngầu của nhảy đường phố mà vẫn thấp thoáng các yếu tố truyền thống Việt Nam. Điều đó làm chính Hiếu cũng phải sởn da gà khi nhảy! Khi có yếu tố đặc biệt, nhất là văn hoá, bài nhảy không chỉ chạm được tới trái tim khán giả đại chúng trong nước mà còn gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế.
Bản thân Hiếu đã làm việc với nhiều dancer Việt Nam và nước ngoài. Hiếu khẳng định dancer Việt có đủ sức và khả năng để vươn tầm quốc tế. Đó cũng là lý do Hiếu tham gia Street Dance Việt Nam, với hy vọng có thể mang tới cho mọi người góc nhìn khác, cách tư duy khác để tới gần hơn được với khán giả đại chúng; có thể sống cùng và sống bằng nghề nhảy múa. Hiếu luôn cố gắng truyền cảm hứng tới các bạn tuyển thủ bằng chính những gì mà Hiếu làm trong chương trình: nghiêm túc trong tập luyện, chuẩn bị bài nhảy, trang phục, nội dung tỉ mỉ, chi tiết, kỹ càng; rehearsal y như đang diễn thật... Hiếu muốn chia sẻ mọi thứ cùng các bạn, từ kinh nghiệm biểu diễn đến sự chuyên nghiệp trong nghề, giúp mọi người phát triển bản thân, vượt qua giới hạn của chính mình.
Bên cạnh Trung Bâu, Pad.ragon hay Hoàng Đại, còn biết bao dancer ngoài kia vẫn đang miệt mài nỗ lực để bước lên sân khấu của đam mê, để được một lần sống đúng với bản ngã của những “người vẽ nên chuyển động”. Tin rằng với tài năng và sự khổ luyện của mình, các bạn sẽ còn nhiều đất diễn hơn nữa trong tương lai, để mỗi sân khấu không chỉ chinh phục khán giả bằng sự bắt mắt, điêu luyện của những vũ điệu cực “cháy”, mà còn trở thành những cột mốc đáng giá trong sự nghiệp của chính các bạn. Thông điệp "đầu lạnh tim nóng" cũng là tinh thần chung của thế hệ trẻ trên hành trình tìm về cái tôi nguyên bản mà vẫn không ngừng khám phá những giới hạn mới, khẳng định những giá trị riêng của bản thân, như lời nhắn gửi của Trọng Hiếu: “Hãy giữ đầu lạnh, tim nóng để lên như con sóng”.
- Bài viết: Nhi Nguyễn
- Thiết kế: Linh yoo
- Interactive: Lê Sơn