Hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, ở những nơi "không có Tết", hàng trăm con người vẫn đang ngày đêm giành giật sự sống cho người bệnh. Món quà năm mới đối với họ, không gì khác chính là sự hồi phục của bệnh nhân.
Những ngày cuối tháng 12 Âm lịch, không khí hối hả tại cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Ký túc xá Đại học Thủy Lợi, quận Đống Đa, Hà Nội.
Dọc dãy hàng lang tầng 11, bác sĩ Ngô Văn An, công tác tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng 3 bác sĩ khác lần lượt gõ cửa từng phòng bệnh.
Bà Nguyễn Thị Trung Liên, 60 tuổi, kể với bác sĩ An rằng khi xuất hiện triệu chứng nghi mắc Covid-19, bà đã tự mua thuốc uống. Sau khi xét nghiệm, bà và con trai cùng nhận kết quả mắc Covid-19. Do tuổi cao, bà được chuyển đến cơ sở thu dung tầng 1, thay vì tự cách ly và điều trị tại nhà. Người con trai đi cùng để tiện chăm sóc mẹ già.
Bác sĩ An hướng dẫn bà Liên về thuốc kháng virus Molnupiravir, giải thích những khuyến cáo và thận trọng. Trong khi đó, một bác sĩ khác đo huyết áp cho bà, thông báo chỉ số bình thường.
Cùng phòng với mẹ con bà Liên, một người phụ nữ lớn tuổi xuất hiện tình trạng đau mắt đỏ. Bác sĩ chẩn đoán F0 này bị viêm kết mạc, là triệu chứng thường gặp ở nhiều bệnh nhân Covid-19 và không quá lo ngại.
Một F0 khác chỉ mới 3 tháng tuổi, nằm trên xe nôi, được bác sĩ An thăm khám. Anh dặn người mẹ pha Oresol cho bé uống để ngắt tiêu chảy. Theo bác sĩ, điều quan trọng nhất khi trẻ em mắc Covid-19 là theo dõi tình trạng tiêu chảy và sốt. Tuyệt đối không để trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể dẫn đến bị co giật và ảnh hưởng vỏ não, sau này nguy cơ bị động kinh.
Nếu trẻ sốt, người nhà phải chườm ấm, chỉ dùng thuốc (ưu tiên Paracetamol viên đặt) nếu sau 15 phút trẻ vẫn không hạ nhiệt. Hạn chế dùng thuốc vì chức năng gan, thận của trẻ phát triển chưa đầy đủ.
Chị Đặng Thị Hồng cho biết, hai mẹ con được đưa vào cơ sở thu dung đầu tháng 1. Khi biết con mắc Covid-19, chị như "chết lặng", nhiều ngày liền mất ăn mất ngủ. Chuyển đến cơ sở thu dung và được các bác sĩ chăm sóc chu đáo, người mẹ dần trút bỏ được gánh nặng trong lòng.
"Hy vọng có thể kịp về nhà đón Tết cùng gia đình", chị Hồng nói.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở Ký túc xá Đại học Thủy Lợi, quận Đống Đa, Hà Nội
Tính đến giữa tháng 1/2022, với hơn 200 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, một chuyến đi buồng của kíp y bác sĩ thường sẽ kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Khối lượng công việc nặng nhọc chỉ do 9 điều dưỡng và 5 bác sĩ của quận Đống Đa, một số bác sĩ của Bệnh viện Xanh Pôn đảm nhận.
Bác sĩ Ngô Văn An là một trong 2 cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai được phân công hỗ trợ cơ sở thu dung bệnh nhân Covid-19 của quận Đống Đa. Từ cuối tháng 12/2021, Bệnh viện Bạch Mai đã "chi viện" hơn 20 cán bộ y tế cho các điểm phường của quận, cùng tham gia chống dịch tại các trạm y tế, trạm y tế lưu động.
Do nhân viên y tế tại quận Đống Đa không phải bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm hay hồi sức, chưa có kinh nghiệm chống dịch, nên để vận hành cơ sở thu dung, các y bác sĩ đã trực tiếp trao đổi chuyên môn, xây dựng lại các quy trình. Mất 4-5 ngày, quy trình vận hành trở nên trôi chảy, từ khâu chống nhiễm khuẩn, xét nghiệm đến điều trị.
Trung tá Vũ Quang Khảo, Ban chỉ huy quân sự quận Đống Đa
Trung tá Vũ Quang Khảo, Ban chỉ huy quân sự quận Đống Đa cho biết, sau gần một tháng thành lập, cơ sở này đã tiếp nhận hơn 1.000 F0. Ba lực lượng chính phụ trách gồm quân đội, an ninh và y tế.
Khu thu dung có quy mô 600 giường, theo Trung tá Khảo, đơn vị sẵn sàng phương án mở rộng quy mô lên 1.000 giường và có thể mở thêm cơ sở mới tại ký túc xá của các trường Đại học khác trên địa bàn để ứng phó với tình hình dịch bệnh.
"Người dân khi biết mình mắc Covid-19 đều có tâm trạng lo lắng. Do đó, khâu thủ tục khi tiếp đón phải được xử lý thật nhanh để giúp người bệnh giải tỏa tâm lý", bác sĩ An nói. Ngay thời điểm bệnh nhân vừa xuống xe, nhân viên y tế đã bắt đầu công tác tư vấn. Bình thường, 1-2 cán bộ đảm nhận nhiệm vụ này, thời điểm dồn bệnh nhân, có thể tăng lên 4-5 cán bộ.
Tại khu vực tiếp đón, người bệnh được làm các thủ tục về chuyên môn như đo các dấu hiệu sinh tồn. Sau khi phân loại, F0 được hướng dẫn lên khu vực phù hợp.
Một nhiệm vụ quan trọng đối với cơ sở điều trị tầng 1 là kịp thời phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng để chuyển tầng nhanh nhất. Trung tá Vũ Quang Khảo cho hay, với sự nỗ lực của tất cả các lực lượng, thành công lớn nhất mà khu thu dung này đạt được chính là tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tầng rất thấp.
"Trong hơn 1.000 F0 được chúng tôi thu dung, điều trị, chỉ có 11 trường hợp phải chuyển tầng", Trung tá Khảo nói.
Một mục tiêu khác được đặt ra trong công tác điều trị, là những F0 kèm bệnh lý nền. Do đó, y bác sĩ hàng ngày đi buồng phải cá thể hóa trong chỉ định điều trị, không thể điều trị bệnh nhân nào cũng như nhau. Bên cạnh hình thức đi thăm khám trực tiếp, các bác sĩ tại cũng lập ra nhóm Zalo, để các bệnh nhân có thể yêu cầu hỗ trợ bất cứ lúc nào.
Đống Đa được đánh giá là một trong những địa bàn nóng về Covid-19, dịch diễn biến phức tạp, lực lượng tuyến đầu đều xác định tinh thần trực Tết 100%, sẵn sàng đón Tết tại cơ sở thu dung.
"Có lực lượng tuyến đầu bên cạnh, tôi mong những người dân bắt buộc đón Tết trong khu thu dung cũng sẽ yên tâm", Trung tá Khảo nói. Anh tin rằng trong năm mới, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, để bà con được về nhà sum họp bên gia đình.
Còn với các y bác sĩ, việc đón Tết xa nhà cũng đã được xác định từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ. "Cuối tháng 12, khi ban lãnh đạo phân công hỗ trợ chống dịch tại quận Đống Đa, chúng tôi chỉ có quyết định ngày đi, mà không hẹn ngày về".
Đối với y bác sĩ, họ không có Tết. Mặc dù gần gia đình, cùng trong một thành phố, nhưng tính ra lại xa vì không thể quây quần cùng đón khoảnh khắc giao thừa. "Anh em chúng tôi lúc nào cũng rất vui vẻ và lạc quan, tinh thần luôn dâng cao", bác sĩ An tâm sự.
Tiếng còi xe cấp cứu vang lên ở cổng khu thu dung, các y bác sĩ kết thúc thời gian giải lao ngắn ngủi, hối hả vào vị trí để tiếp nhận lượt bệnh nhân mới.
Trong khi đó, từng bệnh nhân ngóng theo bóng lưng y bác sĩ, nguyện cầu một năm mới bình an, dịch bệnh sớm kết thúc, "để các bác sĩ đỡ khổ, sớm về nhà với gia đình. Chúng tôi, rất cảm ơn các bác sĩ ".
Quy trình tiếp đón, thăm khám và điều trị cho các F0 thể nhẹ, không triệu chứng tại Ký túc xá Đại học Thủy Lợi, quận Đống Đa, Hà Nội
Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được mệnh danh là "lá chắn cuối" điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Bên ngoài, Tết đang gõ cửa, nhưng trong các phòng bệnh, chỉ có tiếng máy móc và bước chân y bác sĩ.
"Lá chắn cuối" – nơi không có Tết, nơi trận chiến khốc liệt nhất, người ta vẫn tin rằng, sự sống sẽ hồi sinh.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương cho biết, khoa có gần 40 bệnh nhân Covid-19 nặng và thở máy. Một nửa trong số họ là thai phụ trẻ, phần lớn chưa tiêm vaccine do tâm lý sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ nỗ lực cứu sống cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, nhiều thai phụ diễn biến quá nặng dẫn đến tử vong. Họ ra đi trong nỗi ân hận và hối lỗi của người nhà, vì đã không để sản phụ được tiêm vaccine.
Bác sĩ Khiêm nhớ mãi về sản phụ 28 tuổi, mang thai 28 tuần, mắc Covid-19 nhưng chưa tiêm vaccine. Trong quá trình điều trị, sản phụ bị suy hô hấp nặng, được can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) và thở máy. Các bác sĩ cố gắng cầm cự cùng bệnh nhân vì thai nhi non yếu, suy thai. Tuy nhiên, sau hơn một tháng, cả mẹ và con đều không qua khỏi.
Mang thai và mắc Covid-19, một sản phụ khác cũng tử vong, nhưng may mắn được các bác sĩ mổ bắt con thành công.
Từ 2 trường hợp trên, bác sĩ Khiêm khuyến cáo người tiêm đủ liều vaccine có lợi hơn rất nhiều so với người chưa tiêm, nhất là đối với phụ nữ mang thai – thuộc đối tượng có nguy cơ chuyển nặng khi mắc Covid-19.
Phụ nữ khi mang thai rất nhạy cảm với một số bệnh lý như cúm, bệnh truyền nhiễm. Nếu người bình thường mắc cúm, thì nguy cơ bệnh chuyển nặng rất ít. Nhưng tỷ lệ này với bà bầu rất cao, do đó cần đi khám sớm để được các bác sĩ tư vấn và điều trị đúng "thời điểm vàng".
Nhiều trường hợp mắc bệnh trở nặng từ ngày thứ 6-7, nếu để tự thở thì không thể duy trì sự sống. Lúc này, các bác sĩ phải tính toán các phương án làm sao đảm bảo an toàn cho mẹ, liệu có khả năng giữ được con hay không.
Nếu chẩn đoán thai nhi đến tuần tuổi có thể nuôi được, bác sĩ có thể tính phương án mổ đón em bé. Sau phẫu thuật, người mẹ sẽ đỡ bị gánh nặng, được điều trị hồi sức để khỏi Covid-19.
Nhịp hối hả tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh
Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là một trong những nơi có tỷ lệ bệnh nhân nguy kịch được cứu sống nhiều nhất ở Việt Nam. Dù đối mặt với nhiều áp lực, nhưng chưa khi nào các bác sĩ ngừng cố gắng vì người bệnh. Họ luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao tăng cơ hội sống, cứu được nhiều bệnh nhân nhất có thể.
Khoa hiện có 5 bác sĩ chính phụ trách 2 khu điều trị nặng. Các bác sĩ phân chia thời gian trực, bình thường cứ 2 ngày thì trực 24/24 giờ, theo dõi sát tình trạng bệnh nhân. Hết giờ trực, họ tranh thủ nghỉ ngơi 1-2 tiếng, sau đó tiếp tục điều trị bệnh nhân.
Song song, nhóm điều dưỡng có khoảng 50-60 người, chia nhau chăm sóc toàn diện một bệnh nhân thở máy từ ăn uống, tắm, thay bỉm,... Tần suất công việc luôn ở mức 200-300%. Nhiều khi, họ còn như một "bác sĩ tâm lý", động viên an ủi, khích lệ bệnh nhân khi những tháng ngày khó khăn nhất không có người nhà bên cạnh.
Trong hơn 2 năm chiến đấu với Covid-19, để có thể đáp ứng số bệnh nhân gia tăng, Khoa Hồi sức tích cực nhận hỗ trợ từ các bác sĩ từ các khoa, phòng khác. Thậm chí, một số bệnh viện cũng cử lực lượng đến "chi viện".
"Chúng tôi không hề phân biệt Khoa nào hay bệnh viện nào, mà cùng lăn xả làm việc trên tinh thần nhiệt huyết, cháy hết mình, không nề hà bất cứ việc gì. Nhờ đó, tôi cùng các bác sĩ mới có đủ sức để duy trì đơn nguyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trong thời gian dài", bác sĩ Khiêm nói.
Trong đợt Tết này, ít nhất 60 bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực ở lại chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
"Chúng tôi cố gắng hi sinh hạnh phúc bản thân, gia đình, để tập trung 100% sức lực, cứu sống bệnh nhân", bác sĩ Khiêm tâm sự.
Với các bác sĩ ở lại đón Tết cùng người bệnh, lãnh đạo bệnh viện sẽ tổ chức các hoạt động đón Tết, tạo không khí quây quần, ấm áp như một gia đình lớn. "Khi ở lại chống dịch, tinh thần của tôi và các bác sĩ trong Khoa vô cùng đoàn kết. Trong 2 năm qua, chưa bao giờ tôi thấy tinh thần đoàn kết giữa các bác sĩ gắn kết như vậy. Đây là một trong những động lực lớn nhất giúp chúng tôi duy trì hoạt động của Khoa tốt như hiện nay", bác sĩ Khiêm chia sẻ.
Bác sĩ Đoàn Duy Thành, Khoa Hồi sức tích cực, kể đây là năm đầu tiên anh đón Tết tại bệnh viện. Vợ và hai con (3 và 4 tuổi), dù có chút buồn, nhưng thấu hiểu và thông cảm cho công việc của anh và các y bác sĩ tuyến đầu.
Những lúc con hỏi "Sao bố đi làm lâu thế?", anh đều nhắn lại, "Khi nào hết dịch thì bố về, mua kẹo cho con". Trong bệnh viện, không có ngày nghỉ, lễ, Tết, nhiều lúc anh cũng quên đi khái niệm thời gian, chỉ biết mỗi ngày có 24 tiếng để làm việc.
Những ngày cuối năm, dịch Covid-19 tại Hà Nội vẫn diễn biến căng thẳng, tiệm cận 3.000 ca mắc mỗi ngày. Số bệnh nhân Covid-19 nặng gia tăng, khối lượng công việc tăng gấp đôi, gấp ba. Các bác sĩ chia kíp trực làm việc liên tục, dù mệt mỏi nhưng vì bệnh nhân nên đều cố gắng.
"Hễ nghe tiếng báo động của máy thở hay máy lọc máu, anh em lại chạy ra xem ngay. Chúng tôi thức trắng đêm để theo dõi, chăm sóc người bệnh", bác sĩ Thành cho hay.
Bên cạnh điều trị bệnh nhân tại Khoa, anh còn tham gia hỗ trợ, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà về thuốc, thiết bị,... Những ngày không trực, anh làm việc đến 0h đêm, cố gắng không để tồn đọng công việc.
Các điều dưỡng chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch
Tại Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
9h30’ một sáng cuối năm, sản phụ trẻ mắc Covid-19 bị suy hô hấp nặng, thai mới 31 tuần, được các bác sĩ hội chẩn và quyết định mổ bắt con dù chưa đủ tháng. Sản phụ mắc Covid-19 ngày thứ 7, từ Lai Châu chuyển cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên) giảm.
9h45', ca mổ bắt đầu. Những vết rạch đầu tiên trên cơ thể người mẹ. Một bác sĩ được phân công chuyên biệt để theo dõi diễn biến sức khỏe của sản phụ.
Sau 10 phút, tiếng khóc của bé trai sinh non chỉ nặng 1,5 kg khiến mọi người có mặt trong phòng mổ đều xúc động. Một hành trình gian nan đã kết thúc, hai mẹ con chính thức gặp nhau.
Bé sơ sinh được chuyển đến Khoa Hồi sức của Bệnh viện Nhi Trung ương. Người mẹ mắc Covid-19 nặng tiếp tục thở máy tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ca mổ bắt con cho sản phụ mắc Covid-19 nặng tại Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Những đường rạch trên cơ thể người mẹ
... và khoảnh khắc thiêng liêng khi em bé chào đời
Em bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương do sinh non, nhẹ cân
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện Khoa đang điều trị cho 70 sản phụ mắc Covid-19 chuyển đến từ nhiều nơi, tuổi thai từ 28-38 tuần. Hầu hết sản phụ đều chưa tiêm vaccine Covid-19.
"Sản phụ chưa tiêm vaccine, một khi mắc Covid-19 thì diễn biến rất nặng, nguy cơ cả mẹ lẫn con. Nếu đánh giá người mẹ có khả năng ảnh hưởng tính mạng, các bác sĩ sẽ quyết định mổ lấy thai để cứu con", bác sĩ Hà nói. Chị rất buồn khi nhớ lại trường hợp cả mẹ lẫn con đều không qua khỏi do người mẹ mắc Covid-19 chưa tiêm vaccine, bị rối loạn đông máu.
Tết năm nay, Khoa Ngoại sản có 6 bác sĩ, 15 điều dưỡng ở lại trực. Khoa phân theo ca làm việc 24/24 giờ, đảm bảo đủ nữ hộ sinh và bác sĩ phục vụ các bệnh nhân.
"Hai năm qua, chúng tôi đã làm việc hết sức mình, có người ở lại bệnh viện 3-4 tháng trong khi con còn nhỏ, chỉ mong sức khỏe bệnh nhân tốt lên", bác sĩ Hà tâm sự.
Các bác sĩ khâu lại vết mổ cho người mẹ
Sau đó, chuyển mẹ về Khoa Cấp cứu, tiếp tục điều trị Covid-19
Trong khi đó, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường cho hay, những ngày cuối năm, số lượng trẻ mắc Covid-19 và nhập viện có chiều hướng gia tăng, có cả trẻ sơ sinh chỉ mới 5-6 ngày tuổi.
Theo bác sĩ Trường, trẻ mắc Covid-19 hầu hết diễn biến nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, Khoa vẫn tiếp nhận những bệnh nhi nặng phải thở oxy, thở oxy mask, thậm chí thở máy. Trẻ nhập viện thường có yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền, biểu hiện lâm sàng Covid-19.
Mỗi ngày, Khoa có từ 5-10 trẻ là con của sản phụ mắc Covid-19. Do mẹ diễn biến nặng, nên các bé thường đẻ non hoặc mổ cấp cứu, dẫn đến thiếu cân, thiếu tháng. Những trường hợp quá nặng như suy hô hấp, không đáp ứng hồi sức thông thường, sẽ được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bé còn lại sẽ được điều dưỡng chăm sóc hàng ngày.
"Với trẻ là con của mẹ mắc Covid-19, chúng tôi sẽ xét nghiệm ít nhất 2 lần (sau đẻ và 3 ngày sau). Nếu tình trạng bé ổn định sẽ được người thân đón về nhà. Nếu trẻ non tháng hoặc diễn biến nặng, sẽ điều trị từ 7-10 ngày, hoặc lâu hơn", bác sĩ Trường nói.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường thăm khám cho một em bé sơ sinh - là con của sản phụ mắc Covid-19
Những em bé sinh non, vàng da, suy hô hấp,... từ mẹ mắc Covid-19, được điều trị tích cực tại Khoa Nhi
Khoa Nhi đã lên phương án chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị, hậu cần để sẵn sàng đáp ứng khi bệnh nhi gia tăng. Khoa đang có 80 giường ICU (hồi sức tích cực). Các bác sĩ và điều dưỡng sẵn sàng đồng hành cùng bệnh nhi trong dịp Tết.
"Tôi hi vọng gia đình chăm lo thật tốt cho các cháu. Phụ huynh cần tuân thủ quy định của Bộ Y tế như thông điệp 5K, hạn chế tập trung đông người, nhất là trong Tết để phòng ngừa nguy cơ với trẻ nhỏ", bác sĩ Trường khuyến cáo.
Để bù đắp cho những bệnh nhi và người nhà không thể về nhà trước Tết Nguyên đán, Khoa Nhi đã chuẩn bị những phần quà và các hoạt động vui chơi, sẵn sàng chia sẻ mọi khoảnh khắc năm mới cùng các bé.
Những em bé tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Tại khu R13 và R14 chăm sóc đặc biệt, chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch của Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội.
Tiếng máy thở, máy đo sinh tồn, đặc biệt tiếng chuông vang liên hồi cảnh báo đỏ về tình trạng sức khoẻ xấu của F0 nặng.
Mỗi ngày, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội tiếp nhận 20 - 30 F0 trong tình trạng nặng. Cơ sở này hiện có gần 200 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong số họ, 40-60 người phải thở máy. Đa số bệnh nhân nguy kịch chưa được tiêm vaccine, số ít chỉ mới tiêm 1 mũi. Họ đều lớn tuổi từ 80 - 90, hoặc sát 100, nhiều bệnh nền, càng điều trị càng nặng.
Theo kế hoạch, nếu bệnh nhân tiếp tục gia tăng, bệnh viện sẽ chuyển sang giai đoạn 3, tương ứng 500 giường điều trị, huy động đa số nhân lực phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện chia thành nhiều ca trực. Mỗi ca làm việc có 4 bác sĩ và 9 điều dưỡng, kéo dài 12 tiếng.
Toàn nhân lực được chia thành 2 đội. Đội một ở trong phòng bệnh trực tiếp tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân. Đội còn lại ở ngoài điều phối, xử lý thông tin tại trung tâm điều hành qua vách ngăn phòng dịch. Hệ thống camera giám sát có thể theo dõi đến từng giường của các bệnh nhân. Trường hợp khẩn cấp, các bác sĩ ở bên ngoài cũng có thể lập tức vào bên trong.
Với lượng bệnh nhân đông, các y bác sĩ xác định "Tết này làm việc như ngày thường, trực 100% nhân lực". Và món quà năm mới với họ, không gì khác chính là sự hồi phục của các bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên cho biết, số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng gia tăng, nhất là những cụ già yếu chưa được tiêm vaccine. Những trường hợp này, một khi đã mắc Covid-19, thì diễn biến rất nặng.
"Trong bệnh phòng chúng tôi rất nhiều bệnh nhân lớn tuổi, mắc Covid-19 qua người thân và những người xung quanh", bác sĩ Nguyên thông tin, mỗi ngày tại bệnh viện có 2 - 4 ca nguy kịch diễn biến tử vong, khiến các bác sĩ chịu áp lực rất lớn.
Theo bác sĩ, các bệnh nhân hồi sức tích cực phải điều trị hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới được xuất viện. Sau khi khỏi bệnh, họ sẽ được chuyển sang khu vực hậu Covid-19 để tiếp tục được chăm sóc phục hồi. Từ đó, giảm gánh nặng cho trang thiết bị và nhân lực tại khoa hồi sức tích cực.
"Muốn tỷ lệ tử vong thấp thì mục tiêu phải giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm ngoài cộng đồng và bảo vệ các đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền. Hoặc các giải pháp như tiêm vaccine tại nhà hạn chế đi lại và phòng bệnh cho người già, thực hiện 5K", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh viện đã có kế hoạch 1.500 nhân viên tham gia điều trị F0, trong đó có các y bác sĩ từ Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bệnh viện tại Hà Nội và một số bệnh viện khu vực miền Bắc.
"Một bệnh nhân nặng phải thở máy đòi hỏi số lượng người phục vụ nhiều hơn rất nhiều so với bệnh nhân nhẹ. Các bệnh nhân Covid-19 sau giai đoạn cấp cứu đến giai đoạn hậu Covid-19, có những bệnh nhân nằm 1 tháng, thậm chí hơn 2 tháng khi ra viện vẫn phải thở oxy", bác sĩ Hải cho hay.
Nếu bệnh nhân được hỗ trợ phục hồi chức năng sớm có thể cai thở máy sau thời gian ngắn. Tuy nhiên, có bệnh nhân khi đã khỏi bệnh vẫn cần phục hồi chức năng hô hấp, vận động. Một số bệnh nhân tình trạng tinh thần không tốt trong thời gian dài thở máy sau thời kỳ dài phải nằm hồi sức cũng cần phải được phục hồi chức năng. Trước tình hình đó, Ban giám đốc Bệnh viện đã quyết định thành lập đơn vị phục hồi chức năng.
"Đến nay, chúng tôi đã chuẩn bị 40 giường cho đơn vị này. Sắp tới chúng tôi ưu tiên bệnh nhân nằm trong viện đến hết giai đoạn hồi sức sẽ chuyển đơn vị đó và nhờ các chuyên gia phục hồi chức năng, hô hấp, tâm lý trị liệu. Như vậy bệnh viện sẽ giải phóng nhanh các khu vực hồi sức để có giường nhận bệnh nhân mới", Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội nói.
Bác sĩ Hải khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ mắc Covid-19, trong dịp Tết, người dân nên sống chậm hơn, quây quần bên gia đình thay vì tham gia các hoạt động vui chơi. Mọi người hoàn toàn có thể có cái Tết vui vẻ, đầm ấm trong chính gia đình mình.
Để phòng tránh dịch, người dân hãy gọi điện chúc Tết và thử các cách chúc từ xa thay vì tập trung tại khu vui chơi nào đó rất đông người.
"Chúng ta có thể khai thác hết khía cạnh tình cảm mà lâu nay bận rộn quá chưa để ý đến. Đây cũng là điều thú vị, mọi người nên tập trung về gia đình, gia đình là nơi quan trọng nhất, hoạt động như vậy sẽ giảm nguy cơ tăng nhiễm", PGS.TS Hoàng Bùi Hải chia sẻ.
Hai năm kể từ khi Covid-19 "hoành hành", là 2 năm các y bác sĩ đón giao thừa trong bệnh viện, bên cạnh đồng nghiệp và bệnh nhân.
Một năm mới nữa lại về, ở "những nơi không có Tết", các y bác sĩ vẫn đang căng mình giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Một năm mới nữa lại về, chúng ta không cần chúc nhau những điều cao sang, chỉ cần nguyện cầu đại dịch sớm qua đi, cuộc sống bình thường trở lại.
Một năm mới nữa lại về, tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, chính là đang giúp các y bác sĩ sớm được về với gia đình.
Về với gia đình, đoàn viên bên mâm cơm, chính là Tết!