Giới tỷ phú quốc tế vẫn truyền tụng về một câu chuyện liên quan đến những chiếc chuyên cơ. Mùa hè năm 1999, tỷ phú Teddy Forstmann hoàn tất việc bán Gulfstream - Nhà sản xuất chuyên cơ số 1 thế giới, cho General Dynamics. Trước đó, ông đã mua hãng với giá 850 triệu USD (năm 1990) khi bức tranh kinh doanh đang rất ảm đạm. Sau 5 năm biến Gulfstream thành một công ty đại chúng có giá trị 5.3 tỷ USD, ông đã quyết định bán lại.

Ban lãnh đạo Gulfstream là những người được hưởng lợi rất lớn từ thỏa thuận này đã hỏi Teddy rằng họ có thể tặng ông thứ gì để tỏ lòng biết ơn.

"Ông thích gì? Chúng tôi có thể cho ông thứ gì đó chứ? Quyền chọn cổ phiếu thì sao?", Robert Strauss - Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Xô - Thành viên Ban Giám đốc hỏi.

"Tôi có quá nhiều cổ phiếu rồi, tôi lấy quyền chọn làm gì", Teddy trả lời.

Nhà tỷ phú suy nghĩ một thời gian, rồi gọi lại cho Strauss: "Tôi biết mình muốn gì rồi. Cho tôi một chiếc G Five".

"Chúa ơi", Strauss thốt lên.

"Thôi nào, nó giá 40 triệu đô. Đằng nào các ông cũng định cho tôi từng ấy giá trị cổ phiếu", Teddy nói.

G Five là tiếng lóng chỉ máy bay Gulfstream V - dòng biểu tượng của hãng, và Teddy Forstmann sau đó đã có cái Gulfstream V mà ông muốn. Câu chuyện này như một cách để trả lời câu hỏi: Một người đã có nhiều đến mức không cần tiền nữa sẽ muốn có thứ gì? Thời gian - Đó là điều mà Teddy Forstmann ám ảnh và chính là lý do ông nhìn thấy triển vọng của hãng sản xuất chuyên cơ này.

Nhắc đến Teddy Forstmann không chỉ là một nhà đầu tư thành đạt bình thường, Phố Wall coi ông là một trong những nhà cách mạng với phương thức "sáp nhập đòn bẩy" (dùng tiền vay để mua các công ty). Khi các nhà đầu tư huyền thoại tin rằng chuyên cơ không phải là chuyện khoe mẽ hào nhoáng bên ngoài thì một thị trường hàng chục tỷ USD cho chuyên cơ đã bắt đầu được hình thành.

Tại Việt Nam, sự ra đời của Sun Air đã khởi động việc tham gia vào thị trường đặc thù này. Đầu năm 2022, Sun Group chính thức tuyên bố ra mắt hãng hàng không trung - cao cấp Sun Air. Một trong những lĩnh vực kinh doanh tập trung của hãng sẽ là các chuyến bay chuyên cơ đặt riêng (charter private jet). Theo chia sẻ của đại diện hãng, dự kiến giai đoạn đầu tiên, họ sẽ khai thác 2 tàu bay và nâng lên 7 chiếc đến năm 2025.

Những chuyến bay cá nhân hóa (private jet) hay là chuyên cơ có lợi ích gì? Câu trả lời tưởng chừng dễ dàng mà thực tế thì ngược lại.

Phản xạ đầu tiên sẽ cho rằng những chuyến chuyên cơ tồn tại vì… người ta có tiền chi trả cho chúng. Nhưng nếu nhìn rộng hơn nữa, lợi ích dành cho các khách hàng chỉ là một phía của câu chuyện. Từ lâu, nhiều số liệu nghiên cứu đã khẳng định rằng việc tồn tại những chuyến chuyên cơ sẽ trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế.

Trước hết xét về nguồn cầu, hành khách chuyên cơ là những vị khách du lịch sẵn sàng chi trả cao để trải nghiệm dịch vụ. Năm 2019, trên Forbes, nhà nghiên cứu Doug Gollan - Người đã dành hàng thập kỷ theo dõi sự phát triển của ngành private jet tại Mỹ, đã sử dụng số liệu để chứng minh rằng một chuyến chuyên cơ có thể mang lại cho một vùng du lịch nguồn thu tương đương một chuyến Boeing 737 lấp đầy hành khách.

Bài toán được Gollan đặt ra như sau: Hành khách trên mỗi chuyến chuyên cơ tiêu 85.000 USD cho mỗi lần hạ cánh xuống một vùng đất. Đổi ra tiền Việt, con số này là khoảng 2 tỷ đồng, tức là trung bình mỗi du khách bay chuyên cơ sẽ tiêu tốn vài trăm triệu đồng. Đây không phải con số khó tưởng tượng bởi những hành khách này đồng thời sẽ là nhân vật lựa chọn lưu trú trong các phòng khách sạn có giá hàng nghìn đến cả chục nghìn USD mỗi đêm, kéo theo đó là nhu cầu mua sắm, sử dụng spa hay ăn tối trên bãi biển riêng... tất cả dịch vụ được họ sử dụng đều ở mức hạng sang, cao cấp bậc nhất.

Trong khi đó, một du khách có mức thu nhập trung bình lựa chọn đến một địa điểm nổi tiếng như London sẽ tiêu khoảng dưới 700 USD. Một chuyến bay thương mại với 150 hành khách sẽ mang lại giá trị kinh tế nhiều hơn một chút hơn so với một chuyến Gulfstream hay Cessna. Nhưng ngược lại mức chi 700 USD trung bình mỗi khách thực ra lại là mức rất cao nếu so với mặt bằng châu Âu hay Việt Nam. Thống kê cho thấy một khách quốc tế đến Phú Quốc chỉ tiêu khoảng 150 USD/ngày. Như vậy rõ ràng nhu cầu sử dụng dịch vụ, khả năng chi trả của nhóm đối tượng này đang thấp hơn rất nhiều nếu so với những hành khách sử dụng chuyên cơ.

Các hạ tầng dịch vụ cho giới thương nhân, hành khách hạng sang hay nói chung là "tập khách chi trả cao" từ lâu đã là hướng phát triển bắt buộc của nhiều vùng đất tại Việt Nam. Một thống kê của Hiệp hội hàng không thương gia Mỹ (NBAA) công bố năm 2019 khẳng định rằng việc xuất hiện của một chuyên cơ mang lại ngay 2,5 triệu USD cho một vùng đất. Nguồn thu này không chỉ đến từ việc chi tiêu của các hành khách sau khi máy bay hạ cánh. Bản thân việc vận hành các máy bay tạo ra nhiều việc làm, từ phi công, tiếp viên, kỹ thuật viên, nhân viên mặt đất cho đến các kỹ sư và nhân viên văn phòng. Tất nhiên, những đóng góp này đến từ hầu bao của các hành khách thượng lưu.

Về phía khách hàng, để sẵn sàng chi trả cao cho việc di chuyển thì những lợi ích mà họ thu về cũng tương đương hoặc lớn hơn so với những gì đã bỏ ra. Mỗi chuyến bay cá nhân có thể tiết kiệm nhiều tiếng đồng hồ so với việc làm thủ tục ở sân bay, thời gian này sẽ được họ đầu tư giải quyết công việc. Hay đặt trong trường hợp nếu phải tham gia cuộc họp kéo dài, một CEO vẫn yên tâm rằng máy bay đang chờ mình ở sân bay, thay vì phải hủy chuyến, đổi vé và chờ đợi chuyến bay thương mại tiếp theo.

Đó là chưa kể đến ngay trong không gian của chuyên cơ cũng cho phép hành khách được tiếp tục làm việc. Sự linh hoạt về thời gian, yếu tố tiện nghi sang trọng trên các chuyên cơ sẽ luôn trở thành tài nguyên để giới thương nhân tiếp tục biến thành giá trị kinh tế. Đó là lý do mà ngay cả những người đứng trên đỉnh cao của danh tiếng và không đề cao vẻ ngoài nhưng vẫn lựa chọn sử dụng chuyên cơ như phương tiện di chuyển chính: các cựu tổng thống Bill Clinton, Barrack Obama, các học giả Nobel, các nhà khoa học Havard.

Quay trở lại câu chuyện mua chuyên cơ, cũng như Teddy Forstmann, tỷ phú Mark Cuban - Nhà đầu tư của Shark Tank tin rằng đây là cách sử dụng thời gian hiệu quả. "Tôi mua nó để tiết kiệm thời gian", Mark Cuban đã chia sẻ như vậy khi quyết định mua một chiếc Gulfstream V. Quyết định mua máy bay riêng qua... Internet, chỉ cho phi công riêng bay thử một chuyến để kiểm tra, Mark Cuban khẳng định: "Tôi tin rằng thời gian là thứ tài sản quý giá nhất mà chúng ta không thể sở hữu được. Bất kể thứ gì tôi có thể dùng để có thêm thời gian dành cho gia đình mình, là một thắng lợi".

Chuyên cơ không phải là thứ chỉ để khẳng định vị thế xã hội hay sự giàu có. Đây là một dịch vụ thiết thực với cả những cộng đồng cần kết nối lẫn những hành khách luôn thiếu thời gian. Teddy Forstmann là người hiểu điều đó đầu tiên.

Khi mới mua lại Gulfstream hồi năm 1990, Teddy Forstmann đã có cuộc họp với trưởng bộ phận bán hàng của hãng này.

"Khi anh muốn bán một cái máy bay thì anh làm thế nào?", ông chủ hỏi.

"Ý ông là gì?", vị quản lý nói, "Tôi không hiểu câu hỏi".

"Anh đang cố bán một cái máy bay", Frostmann mất kiên nhẫn, "Anh phải gọi ai đó chứ. Anh gọi ai? Anh gọi cho giám đốc tài chính hay giám đốc điều hành của các công ty? Anh gọi ai?".

"À, tôi hiểu ông nói gì rồi", người quản lý trả lời, "Chúng ta là Gulfstream mà. Chúng ta không tự đi gọi điện. Chúng ta chỉ nhận order thôi".

Một tuần sau, anh này bị đuổi việc. Teddy Forstmann nhận ra rằng đang có một tầng lớp thượng lưu với những nhu cầu mới được hình thành. Sự linh hoạt về thời gian hay những gì mà những chuyến bay chuyên cơ có thể mang lại sẽ trở thành thứ hàng hóa thiết yếu chứ không phải là thứ hàng xa xỉ nữa. Bởi vậy, Gulfstream không thể đi theo mô hình kinh doanh của các nhãn hàng xa xỉ như cách nhiều nhãn hàng thời trang cao cấp chỉ "nhận order" chứ không đi "sale". Chính Forstmann - Một nhà đầu tư giàu lên từ Phố Wall, đã trải nghiệm nhu cầu đó: Khi bị mất các cuộc họp quan trọng, ông phải cay đắng nhận ra có thứ tiền không (hoặc chưa) mua được.

Đánh giá cách thị trường dịch vụ chuyên cơ quốc tế hình thành và vận hành trong thời gian qua, ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Sun Group đã tự tin khẳng định rằng Sun Air sẽ là "sản phẩm đi trước đón đầu, dẫn dắt xu hướng và ghi tên Việt Nam lên bản đồ du lịch cao cấp thế giới". Hãng này nhận định rằng cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, khả năng đáp ứng cho khách hàng cao cấp của ngành du lịch Việt Nam (mà chính Sun Group đã và đang góp phần tạo dựng), nhu cầu về các chuyến bay cá nhân hóa đang hình thành và sẽ sớm trở thành một thị trường trọng yếu trong tương lai.

Sun Air cũng đồng thời là một mảnh ghép mới nhất trong bức tranh mà Sun Group đã tỉ mỉ hoàn thiện gần 15 năm qua tại Việt Nam - một hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí - bất động sản cao cấp. Tại nhiều vùng đất, Sun Group đã xây dựng hạ tầng lưu trú, nghỉ dưỡng và giải trí hướng tới tập khách chi trả cao: những resort được tôn vinh là "Đẹp nhất châu Á", thậm chí là "sang trọng hàng đầu thế giới" bởi các tổ chức uy tín; những công viên chủ đề được thiết kế bởi các cựu thành viên Disneyland; những bất động sản ven biển được chắp bút bởi các kiến trúc sư hàng đầu thế giới....

Không phải bây giờ Sun Group mới mơ đến bầu trời bởi họ đã có sân bay Vân Đồn - sân bay đầu tiên của Việt Nam được xây dựng bằng vốn tư nhân. Tiếp sau đó Sun Air là nét vẽ mới nhất để hoàn thiện hệ sinh thái này với sự đồng hành của Gulfstream

"Trên thế giới, Gulfstream là cái tên định danh cho những chiếc phi cơ siêu tốc độ, bay xa hơn và nhanh hơn bất kỳ chuyên cơ nào, an toàn và tiện nghi như những dinh thự bay", bà Lê Thúy Thanh Bình - Tổng Giám đốc Sun Air chia sẻ trong ngày ra mắt thương hiệu.

Được biết, bên cạnh những chuyến chuyên cơ, Sun Air cũng sẽ phục vụ tập khách hạng sang bằng các tàu thủy phi cơ và trực thăng để hướng tới việc biến tiện nghi thành một thứ hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho một lối sống mới đang hình thành.

  • By: Linh Trần
  • Thiết kế: Janh
  • Interactive: Lê Sơn