Sự thật kinh hoàng sau ngành công nghiệp smartphone: Mạng người đổi những quả pin - Ảnh 1.

Sự thật kinh hoàng sau ngành công nghiệp smartphone: Mạng người đổi những quả pin - Ảnh 2.

Buổi đêm, không khí bao quanh làng trở nên đặc quánh vì ô nhiễm. Những hạt than chì nhỏ li ti lẫn cùng không khí mà con người, động vật hít vào. Mỗi khi có ánh sáng rọi qua, chúng trở lên lấp lánh như những viên đá quý.

Ban ngày, các hạt bụi phủ lên mọi thứ một màu xám bóng. Nó khiến cây cối thui chột, khô héo và chết. Nước giếng trở nên ô nhiễm tới mức không thể uống. Khi các nhà máy trong vùng bắt đầu hoạt động, số cây chết ngày càng nhiều hơn, kéo theo những vụ mùa thất bát.

Sự thật kinh hoàng sau ngành công nghiệp smartphone: Mạng người đổi những quả pin - Ảnh 3.

Ngôi nhà của gia đình Zhang Tuling, một nông dân địa phương, nằm gần một nhà máy than chì. Những hạt bụi lấp lánh, vốn được biết tới như nguyên liệu hoàn hảo của bút chì, đang trở thành nguồn tài nguyên không thể thiếu trong thiên niên kỷ này. Nó là thành phần quan trọng trong những viên pin lithium-ion, cung cấp năng lượng cho những chiếc điện thoại thông minh và cả xe hơi dùng năng lượng điện.

Pin lithium-ion nhỏ, nhẹ và mạnh mẽ hơn so với các loại pin từng được chế tạo. Nó được kỳ vọng tạo ra cuộc cách mạng cho những sản phẩm sử dụng công nghệ sạch. Tuy nhiên, chúng phát huy nhiều lợi ích ở các nước phát triển trong khi ô nhiễm từ quá trình sản xuất lại do dân nghèo gánh chịu. Chính sách môi trường lỏng lẻo cùng phương pháp sản xuất lạc hậu tại Trung Quốc khiến quá trình chế tạo pin lithium-ion được đánh đổi bằng sức khỏe, mạng sống con người.

Trái: Bụi than chì bao phủ cơ thể một công nhân làm việc trong nhà máy ở Jin Yang, Mashan, Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc. Phải: Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng vì các hoạt động khai thác, sản xuất than chì, nguyên liệu quan trọng trong các cục pin smartphone và ô tô điện.


Trong chuyến thực tế ở các ngôi làng xa xôi, nằm giữa các khu sản xuất than chì, phóng viên tờ Washington Post được nghe những câu chuyện giống nhau từ những gia đình sống gần các nhà máy nằm tại tỉnh Hắc Long Giang và Sơn Đông của Trung Quốc. Không khí, nguồn nước ô nhiễm, cây cối, mùa màng thất thu hay đồ đạc bị phủ một màu xám xịt là tình cảnh chung ở những ngôi làng nằm ven nhà máy sản xuất than. Chính quyền địa phương dường như bàng quan với cảnh sống trong ô nhiễm của người dân.

"Tôi rất lo sợ về tác động của than chì với sức khỏe bản thân và gia đình. Chúng tôi thở và ăn cùng với than chì. Nước không thể rửa sạch được chúng. Khi ăn, chúng tôi thấy như đang nhai cát vì than chì lẫn trong đó", bà Zhao Guiyan, 63 tuổi, cho biết.

Sự thật kinh hoàng sau ngành công nghiệp smartphone: Mạng người đổi những quả pin - Ảnh 5.

Sự thật kinh hoàng sau ngành công nghiệp smartphone: Mạng người đổi những quả pin - Ảnh 6.

Khách hàng của những nhà máy khai thác và chế biến than chì công nghệ thấp tại Trung Quốc là những công ty hàng đầu thế giới, chế tạo những sản phẩm thông dụng nhất với con người. Bỏ lại đằng sau những phận đời bi đát, nguyên liệu được xuất cho các hãng chế tạo pin hàng đầu thế giới như Samsung SDI, LG Chem và Panasonic. Chúng tạo ra những viên pin để phục vụ các sản phẩm của Samsung, LG, General Motors và Toyota cũng như Apple.

Tất nhiên, các gã khổng lồ trong lĩnh vực điện thoại không trực tiếp sản xuất pin. Họ nhập pin từ công ty chuyên trách. Trải qua nhiều giai đoạn trước khi tới tay người tiêu dùng khiến việc truy lùng nguồn gốc than chì gặp nhiều khó khăn. Bản thân các hãng sản xuất điện thoại hay xe hơi cũng giấu diếm về vấn đề này.

Để truy tìm nguồn gốc pin các sản phẩm công nghệ phổ biến ở Mỹ, Washington Post đã sử dụng các tài liệu từ hồ sơ công cộng, báo cáo từ các nhà phân tích công nghiệp cũng như phỏng vấn lãnh đạo các công ty pin tại Hội chợ Pin quốc tế, diễn ra tại Thâm Quyến, Trung Quốc.

Kết quả cho thấy, chiếm vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng than chì là BTR, nhà cung cấp lớn nhất thế giới. Trả lời tờ Washington Post, Chen Bifeng, một giám đốc tiếp thị của BTR, cho biết, công ty đáp ứng khoảng 75% nhu cầu than chì tự nhiên để chế tạo pin trên khắp thế giới. Nguồn gốc của than chì mà BTR bán chủ yếu là ở Trung Quốc. Từ BTR, than chì được cung cấp tới các công ty lớn như Samsung SDI, LG Chem và Panasonic.

Sự thật kinh hoàng sau ngành công nghiệp smartphone: Mạng người đổi những quả pin - Ảnh 7.

Sự thật kinh hoàng sau ngành công nghiệp smartphone: Mạng người đổi những quả pin - Ảnh 8.

Khi thông tin về tình trạng ô nhiễm tại các trung tâm sản xuất than chì bị nêu ra, tất cả các hãng đều né tránh hoặc phủ nhận trách nhiệm. Yongdoo Shin, người phát ngôn của Samsung SDI, cho biết: "Chúng tôi đang điều tra về những quan ngại mà Washington Post đưa ra. Vì vậy, tại thời điểm này, chúng tôi chưa có thông tin chi tiết".

Với Panasonic, Mio Yamanaka, người phát ngôn của hãng, cho rằng: "Panasonic đã cử nhóm điều tra tới các khu vực sản xuất than chì để tìm câu trả lời. Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng về ô nhiễm và đang có những hành động ngay lập tức".

 Cảnh ô nhiễm than chì xung quanh các nhà máy.

Người phát ngôn của LG Chem, công ty chị em với gã khổng lồ LG, thì cho rằng: "Công ty đã giám sát các nhà cung cấp nguyên liệu kể từ khi chính phủ Trung Quốc nêu ra những vấn đề về môi trường liên quan tới khai thác than chì tự nhiên. Chúng tôi đã tới Trung Quốc vào năm 2014 nhưng không phát hiện những vấn đề cụ thể như Washington Post đã nêu".

Trong khi đó, cả Samsung, LG và Apple đều cho biết họ cam kết cải thiện chất lượng sống cho người dân trong khu vực sản xuất than chì trong khuôn khổ chính sách phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tới môi trường. Phía Apple nhấn mạnh họ đã ngừng sử dụng pin lithium-ion truyền thống mà thay bằng loại pin sử dụng than chì tổng hợp.

Người nông dân Trung Quốc điêu đứng vì ô nhiễm từ các nhà máy than chì.

Bên cạnh những tuyên bố thoái thác, một số công ty từ chối tiết lộ nguồn gốc than chì trong các sản phẩm của họ. Ví dụ như Tesla, nhà sản xuất xe điện nổi tiếng thế giới. Sử dụng pin của Panasonic, Tesla khẳng định những cục pin của họ chưa bao giờ sử dụng than chì có xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty của tỷ phú Elon Musk từ chối tiết lộ nơi họ nhập than chì.

GM cũng thừa nhận nhập than chì từ một công ty con của BTR nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về nguồn gốc của chúng. Thay vào đó, hãng này nhắc lại cam kết phát triển ngành công nghiệp theo hướng giảm tác động tới môi trường và phát triển sản phẩm theo cách bền vững nhất có thể.

Người phát ngôn của Toyota không trả lời câu hỏi về nguồn gốc than chì nhưng khẳng định các nhà sản xuất không mua than chì trực tiếp. Giống với GM, Toyota cũng thể hiện cam kết các hoạt động kinh doanh giảm thiểu tác động tới môi trường tự nhiên và yêu cầu các đối tác hành động để không sử dụng các vật liệu bị nghi ngờ không sạch.

Sự thật kinh hoàng sau ngành công nghiệp smartphone: Mạng người đổi những quả pin - Ảnh 11.

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế nóng, ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đang ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Theo thống kê, hơn một triệu người Trung Quốc chết sớm mỗi năm vì ô nhiễm không khí. Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của ô nhiễm không khí tại Trung Quốc chính là sự hiện diện của các hạt vật chất trong không khí.

Chất lượng nước ngầm ở Trung Quốc cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong năm 2015, các khảo sát cho thấy phần lớn lượng nước ngầm của Trung Quốc đang trong tình trạng ô nhiễm. Nước trong hơn một phần tư các dòng sông chính của Trung Quốc được cho là "không phù hợp cho con người" sử dụng.

Theo báo cáo về tình trạng khai thác than chì của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), dòng sông Jixi ở tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc bị nhiễm chì và thủy ngân vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Cùng với Sơn Đông, Hắc Long Giang là một trong những thủ phủ than chì ở Trung Quốc, nơi tập trung nhiều cơ sở khai thác loại nguyên liệu này.

Sự thật kinh hoàng sau ngành công nghiệp smartphone: Mạng người đổi những quả pin - Ảnh 12.

Nhận thức được sự nguy hại của than chì, chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp xử phạt, yêu cầu các công ty áp dụng công nghệ tiên tiến hơn trong sản xuất. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, những thay đổi thực chất không đáng kể. Thậm chí, tình trạng còn trở nên tồi tệ hơn khi các nhà máy đẩy mạnh sản xuất để gia tăng sản lượng.

Rắc rối lớn nhất với người dân là sự thiếu quyết đoán của chính phủ. Một mặt, Trung Quốc muốn bảo vệ môi trường nhưng mặt khác, họ cũng muốn duy trì sự tồn tại của các nhà máy than chì bởi nó mang lại tiền và công ăn việc làm. Đối với nhiều người dân địa phương, những nhà máy than chì cho họ cơ hội kiến sống tốt hơn so với làm nông nghiệp truyền thống.

Trên trái: Những bao tải dùng để đựng than chì trước khi chúng được chất lên xe tải ở nhà máy tại Mashan, Hắc Long Giang, Trung Quốc. Trên phải: Công nhân trong các nhà máy than chì chấp nhận độc hại để mưu sinh. Dưới trái: Bên trong các nhà máy than chì công nghệ thấp, công nhân gần như không được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động. Dưới phải: Khung cảnh ảm đạm gần các nhà máy ở Mashan, nơi được mệnh danh là thành phố than chì.

Tuy nhiên, cái giá phải trả vô cùng đắt. Nó là môi trường sống, là sức khỏe mà tính mạng của nhiều con người, bao gồm cả trẻ nhỏ và người già. Trong khi đó, những người muốn chống lại sự hiện diện của các nhà máy than chì gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn bị đe dọa. Chúng tới từ giới chức địa phương và người quản lý của các nhà máy than chì. Người dân còn cáo buộc nhiều quan chức địa phương về phe với các nhà máy vì cùng chung lợi ích.

Nhằm trấn an dư luận, một số tỉnh ở Trung Quốc đã có những biện pháp xử phát hành chính các công ty gây ô nhiễm. Tuy nhiên, họ không đóng cửa các doanh nghiệp này. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm vẫn cứ tiếp diễn. Các nỗ lực tự bảo vệ mình của người dân trở nên vô vọng vì chính quyền địa phương "cùng hội cùng thuyền" với các công ty gây ô nhiễm.

Những người lên tiếng khiếu nại về tình trạng ô nhiễm thường xuyên bị đe dọa. Chính vì thế, người dân sống gần các nhà máy rất dè dặt trong việc bày tỏ bất bình với tình trạng ô nhiễm mà họ phải chung sống. Khi tiết lộ về thảm cảnh với truyền thông, đa phần những người dân thấp cổ bé họng từ chối tiết lộ danh tính vì sợ bị trả thù.

Trong khi đó, lãnh đạo các nhà máy và giới chức địa phương cũng tỏ ra rất cảnh giác với các phóng viên. Khi tiếp cận các ngôi làng, chiếc xe chở các phóng viên của tờ Washington Post bị những kẻ lạ mặt bám theo. Dù không trực tiếp đe dọa nhưng sự hiện diện của những "chiếc đuôi" khiến nhiều người dân dè dặt trong việc kể câu chuyện về ô nhiễm.

 Người dân bị cản trở khi tố cáo ô nhiễm.

Tuy nhiên, vẫn có những người lên tiếng về thảm cảnh họ đang trải qua vì lo sợ cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Theo các chuyên gia y tế cảnh báo, bụi than chì trong không khí gây ra hàng loạt vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe con người. Hít phải các hạt than chì là nguyên nhân của nhiều loại bệnh, bao gồm các cơn đau tim và bệnh về đường hô hấp.

Không chỉ ô nhiễm than chì, các nhà máy còn gây ra nhiều ô nhiễm nghiêm trọng khác. Zhang kể có đêm, gia đình anh bị đánh thức bởi mùi hóa chất nồng nặc, gây kích ứng ở mũi và cổ họng. Chất thải của nhà máy gây ô nhiễm nguồn nước, khiến chúng trở nên không thể uống. Dù rất lo sợ cho sức khỏe nhưng người dân địa phương phải chấp nhận cảnh sống chung với tử thần vì không có tiền chuyển đi nơi khác.

Sự thật kinh hoàng sau ngành công nghiệp smartphone: Mạng người đổi những quả pin - Ảnh 15.

Những đứa trẻ chơi đùa trong bầu không khí ô nhiễm tại các ngôi làng xung quanh nhà máy than chì ở Liumao, Hắc Long Giang, Trung Quốc.

Linh Anh
7PM
Michael Robinson Chavez | Washington Post
Washington Post
Theo Trí Thức Trẻ31/10/2016